Hãy Làm Và Dạy
HÃY LÀM VÀ DẠY (CN VI/PS-B)
Điểm nhấn của bài Tin Mừng hôm nay là Lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15, 12). Người không chỉ khuyên bảo, nhắc nhở, dạy dỗ các môn đệ một cách bình thường, mà Người nhấn mạnh "Đây là điều răn của Thầy". Bình thường, Đức Ki-tô chỉ nhắc nhở là "Đừng…" "Chớ…" hoặc khuyên bảo là "Hãy…" "Nên…" v.v…; nhưng lần này Người nói đó là điều răn (những lời dạy dỗ có tính răn đe như những điều luật; sống và làm theo thì sẽ được thưởng, nhưng từ chối không làm thì bị trách phạt).
Vấn đề yêu thương anh em, yêu thương đồng loai đã đươc rất nhiều những vị thầy, những vị thức giả như tiên tri, ngôn sứ… dạy, và cùng lắm thì cũng chỉ khuyên: “yêu thương anh em, đồng loại như yêu chính bản thân mình” (“ái nhân như ái thân”). Nếu chỉ đọc lướt qua Lời dạy của Đức Ki-tô, có lẽ ai cũng chỉ cho Người dạy môn đệ cũng như bao bậc vĩ nhân, thánh nhân khác; nhưng nếu chú tâm sẽ thấy Lời dạy của Người có khác. Tại sao lại thế? Vì Người dạy “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, mà muốn yêu thương nhau như Thầy yêu thương mình thì phải tìm hiểu cho thật cặn kẽ xem Thầy đã yêu thương mình như thế nào? Mấu chốt vấn đề chính ở điểm ấy, bởi khi tìm hiểu thật kỹ tình yêu Thầy đã dành cho loài người, sẽ thấy Thầy không chỉ yêu thương loài người như yêu chính bản thân Thầy, mà còn yêu thương hơn cả bản thân mình nữa. Đó là “yêu thương đến độ hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu”.
Rõ ràng Đức Giê-su Ki-tô không chỉ khuyên bảo hãy yêu thương nhau một cách chung chung, mà Người còn lấy chính bản thân Người làm tấm gương để các môn đệ nhận thức được Tình Yêu Thiên Chúa cao cả đến mức độ nào. Và từ đó, Người khẳng định “Đây là điều răn của Thầy”. Quả thực, với bản tình con người mà muốn yêu thương tha nhân như yêu thương chính mình đã thấy khó khăn, chớ đừng nói là yêu thương người khác hơn cả yêu thương bản thân. Thậm chí yêu thương đồng loại đến mức hy sinh cả tính mạng mình thì đúng là thiên nan vạn nan.
Nói đến yêu thương thì không thể không nghĩ tới 2 hạng người: Có rất nhiều người yêu thương đồng loại bằng tất cả con người của mình trong hoạt động và cuộc sống (điển hình như Chân phước Tê-rê-sa Calcutta), nhưng cũng không thiếu cảnh yêu thương trên môi miệng (“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”. – 1Ga 3, 18). Vâng, và vì thế muốn “yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” thì điều kiện cần có và đủ phải là sống và làm được như Thầy Chí Thánh trong sứ vụ của Người. Khó thật đấy, nhưng không phải là không làm được nếu có đầy đủ ý chí và quyết tâm, vì “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học). Hãy nhìn vào gương sống và hoạt động của các thánh (nói chung) và nhất là các Thánh Tử vì Đạo, rồi tự đặt câu hỏi “Các ngài cũng người trần mắt thịt như mọi người trên thế gian này, vậy mà tại sao các ngài lại gặt hái được vinh quang tột đỉnh như thế?” Hỏi tức là trả lời rồi vậy, bởi vì hơn ai hết, các ngài đã thấu triệt được vấn đề “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta” (Rm 5, 6; Ep 5, 2; 1Ga 3,16). “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11); “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19); “Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).
Có lẽ cũng chính vì thế, nên trong nghi thức truyền chức hàng giáo sĩ, đức Giám mục đại diện Giáo Hội trao sứ vụ “phúc âm hóa” cho các tân chức, bằng câu: "Facete et docete" (Hãy làm và dạy). Tại sao không nói "Hãy dạy và làm" mà lại nói "Hãy làm và dạy"? Không phải là không có dụng ý khi Giáo Hội đặt chữ làm trước chữ dạy. Giáo Hội không bảo: "Hãy dạy và làm", mà bảo: "Hãy làm và dạy" là có ý nói: hãy làm đúng những điều mình sẽ truyền thụ cho anh em để nêu gương trước đã, rồi mới dạy bảo hướng dẫn sau, vì làm thì cần thiết và quan trọng hơn dạy rất nhiều. Nhưng dường như nhiều nhà phụ trách phúc âm hóa thời nay thường chú tâm đến việc dạy hơn là làm, thậm chí nhiều khi lời dạy và việc làm của người dạy trái ngược hẳn nhau (“ngôn hành bất nhất”). Vì thế, việc phúc âm hóa và việc giáo dục Ki-tô hữu không đi đến kết quả mong muốn vì chưa đi đúng tinh thần giáo huấn của Đức Giê-su và Giáo Hội. Cần phải tránh cho được vết xe đổ của những kinh sư luật sĩ Pha-ri-sêu xưa chỉ thích ngồi trên toà ông Mô-sê “nói mà không làm” (Mt 23,3), hoặc “nói một đằng, làm một nẻo”
Với hàng Giáo sĩ thì như vậy, còn với giáo dân thì sao? Thực ra, trên cánh đồng truyền giáo không chỉ có những người gieo giống, mà còn có rất nhiều, thật nhiều những thợ gặt, nên không chỉ hàng giáo sĩ mới có nhiệm vu phúc âm hoá mà cả giáo dân (nói chung là tất cả mọi Ki-tô hữu) đều có nhiệm vụ sinh nhiều hoa trái. Vì thế, vấn đề “làm và dạy” cũng rất bức thiết, mà nói đến làm và dạy cũng chính là nói đến công việc đào tạo (dạy = đào tạo) vậy. Vấn đề này đã được ĐGH Gioan-Phaolô II phân tích rất tỉ mỉ trong Tông huấn “Ki-tô hữu Giáo dân”, và ngài đã chốt lại ở Chương cuối (Ch. V): “Trước hết cần xác tín rằng không thể có việc đào tạo thật sự và hữu hiệu nếu mỗi người không tự đảm trách và khai triển trách nhiệm đào tạo chính mình. Vì tất cả các công trình đào tạo thiết yếu phải là "tự đào tạo lấy mình". Sau đó, xác tín rằng mỗi người trong chúng ta là kết qủa và là nguyên tắc của việc đào tạo : Chúng ta càng được đào tạo hoàn hảo bao nhiêu, thì chúng ta lại càng có khả năng đào tạo kẻ khác bấy nhiêu” (TH/KTHGD V, 63). Như vậy thì châm ngôn sống của mọi Ki-tô hữu phải là: HÃY LÀM VÀ DẠY Một cách cụ thể là hãy tự đào tạo chính mình (làm trước, thực hành trước những điều mình sẽ truyền đạt cho anh em) trước khi đào tạo (dạy) người khác.
Tóm lại, tất cả mọi Ki-tô hữu (giáo sĩ + giáo dân) kể từ khi được đón nhận phép Thánh Tẩy thì đã được tham dự vào 3 chức vụ của Chúa Giê-su (Tư tế, Ngôn sứ, Vương giả). Như vậy, với 3 chức vụ ấy, mỗi Ki-tô hữu đều có nhiệm vụ “Phúc Âm hoá” đời sống bản thân, gia đình và xã hội. Một cách cụ thể là làm chứng nhân sống cho Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh, đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho mọi người. Để sống xứng đáng với phẩm giá cao quí ấy, không gì bằng thực hiện chính bản tính Thiên Chúa mà Người đã chia sẻ hay thông phần cho tất cả và cho từng mỗi Ki-tô hữu (“Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, là cho anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” – 2Pr 1,4). Mà điều cốt yếu trong bản tính Thiên Chúa chính là tình yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16). Sống yêu thương – yêu Thiên Chúa và tha nhân – là sống xứng đáng với phẩm giá của con người bằng cách thể hiện cụ thể mình chính là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều mà con người cần thiết phải làm để được cứu rỗi. Cũng vì thế, Đức Giê-su Ki-tô chỉ truyền dạy cho con người một giới luật duy nhất là yêu thương nhau: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35; 15,12; 15,17; 1Ga 3, 23; 2Ga 1, 5). Và vào ngày cánh chung, Thiên Chúa cũng chỉ căn cứ vào điều duy nhất ấy để thẩm định, phán xét công tội loài người (Mt 25, 31-46).
Ấy cũng bởi vì “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan niềm vui…” (“Đâu Có Tình Yêu Thương” – Vinh Hạnh – TCCĐ). Ôi! “Lạy Chúa Từ Nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa! Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…” (“Kinh Hoà Bình” – Kim Long – TCCĐ). Ôi! Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết nhận ra gương mặt của Chúa nơi tha nhân, để chúng con yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng con. Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí cho con, để con biết làm trước những điều mà con sẽ chia sẻ với anh em, bây giờ và mãi mãi. Amen. Alleluia! Alleluia!
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: