Sự Chết- Một Hành Trình Biến Đổi
SỰ CHẾT
MỘT HÀNH TRÌNH BIẾN ĐỔI
Sự sống con người được hình thành hết sức kỳ diệu, ta gọi là màu nhiệm sự sống. Nó mang một giá trị đặc biệt, vì thế cần phải được cứu chuộc. Nó không được dựng nên để rồi tiêu tan vĩnh viễn nên phải được biến đổi.
Thiên Chúa đã đặt để trong sự sống con người một sự biến đổi lạ lùng nhằm diễn tả sức mạnh quyền năng của Ngài mà không ai có thể làm hơn được.
Cuộc sống con người là một hành trình biến đổi liên tục về thể xác lẫn tinh thần. Tất cả đều mang dấu chỉ cho sự phong phú và trật tự kỳ diệu của Đấng Tạo Hóa. Hành trình biến đổi này còn được nhìn thấy rõ hơn trong sự chết của con người. Sự chết không là một biến cố chấm dứt trạng thái nào đó của thân xác, tinh thần, linh hồn người ta nhưng là đi vào một hành trình biến đổi từ trong sâu thẳm của nó.
Mang thân phận xác đất vật hèn là hình bóng của sự mau qua chứ không phải là sự hư không. Bởi thân xác này đã được dựng nên một cách rất công phu và được cứu chuộc còn lạ lùng hơn nữ. Do nó được mặc lấy hình ảnh Thiên Chúa, được thánh hiến qua bí tích rửa tội, được trở nên đền thờ Chúa Ba Ngôi, được cứu chuộc bằng giá máu Đức Giêsu nên phải cho nó được sống theo những tính chất ấy mỗi ngày một trọn vẹn hơn.
Dù sự chết có làm cho thân xác người ta rữa nát đi thì cũng không làm mất hình ảnh Thiên Chúa nơi họ. Nếu Thiên Chúa là thánh thiện tuyệt đối, vẻ đẹp tuyệt đối mà vẫn còn hiện diện trong con người rất tội lỗi, rất xấu xí thì Thiên Chúa cũng không bao giờ chịu mờ đi nơi một thân xác đã chết và dần dần bị tan rã trong lòng đất. Ngài chỉ hiện diện một cách khác mà thôi. Vì thế, người ta mới trân trọng hài cốt kẻ chết, viếng thăm nghĩa trang…vì tin ở yếu tố thiêng liêng còn tồn tại nơi kẻ chết.
Khi ngôi nhà là thân xác con người được dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng đẹp đẽ để trở nên một ngôi đền thờ qua bí tích thánh tẩy thì Thiên Chúa sẽ ngự trong họ. “Ta sẽ ngự nơi này vì Ta ưa thích”. Dấu ấn của bí tích sẽ không phai mờ nói lên sự hiện diện sống động của Thiên Chúa và người ta sẽ được Thiên Chúa biến đổi. Ai đã chết đi cho tội lỗi thì cũng đựơc cùng Người sống lại(Rm 6, 8-11). Thánh Phaolô đã nói về phép rửa tội chính là cuộc tái sinh, cuộc biến đổi trong Chúa Kitô để mãi mãi họ thuộc về Người. Vậy dù có phải chết thì họ vẫn được sống, vẫn được biến đổi nên mới và rất mới nữa.
Thiên Chúa chỉ muốn ngày càng trở nên rõ nét và sống động trong con người hầu người ta có thể cảm nghiệm và dễ gặp gỡ Ngừơi mà thôi (Mt 25, 31-46) nhưng dường như người ta muốn từ chối và tránh né. Làm sao người ta có thể biến đổi đựơc nếu chúng ta cứ xa cách Ngài, chạy chốn Ngài? Tuy nhiên đối với những ai Ngài đã yêu thương hay luận phạt thì nào ai có thể lẩn trốn trước thánh nhan Ngài được? Cuộc đời của Augustino, Phanxicô Xaviê, Inhaxiô….là những bằng chứng rõ rệt.
Ngang qua thân phận người, Thiên Chúa muốn để lại dấu vết mà đôi khi chúng ta không được nhìn thấy trực tiếp Ngài như ông Maisen ngày xưa chỉ được nhìn thấy lưng của Giavê Thiên Chúa ( Xh 3, 1- 6 ). Cần phải được biến đổi từ từ và chỉ được nên trọn vẹn qua cái chết, vì người ta không thể thấy được tất cả mọi sự bằng con mắt thể xác. Chỉ có con mắt linh hồn, con mắt đức tin mới thấy được tất cả trong vinh quang Thiên Chúa, nơi mà người ta không còn khóc lóc, than van đau đớn, không còn dựng vợ gả chồng nữa ( Mt 22, 23 -33) . Con người được biến đổi từ trong thân phận, trong cái nhìn, trong niềm tin và trong sự chết để trở nên hoàn hảo duy nhất nơi Thiên Chúa. Hành trình đó là một diễn tả về trật tự nơi thụ tạo, một hồng ân của Thiên Chúa và giá trị của ơn cứu rỗi được thực hiện cho con người. Khi người ta nhận ra được những giá trị ấy, họ thấy luôn cần phải được biến đổi không ngừng để trở nên giống Thiên Chúa bao nhiêu có thể. Như vậy tự thân mình sự chết không làm cho người ta nên giống Thiên Chúa nhưng là cả một hành trình dài xảy ra trước và sau khi chết nữa.
Đức Giêsu đã đi vào hành trình biến đổi này trong Thánh Thần dưới quyền năng của Thiên Chúa Cha. Cuộc biến đổi của Ngài qua sự chết để đi vào vĩnh cửu, để đổ tràn Thần Khí cho những ai thuộc về Ngài. “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới”( Rm 8, 11 ). Công cuộc thực hiện này nằm trong quy trình của Thiên Chúa giúp cho người kitô hữu không còn lo sợ về tương lai cuộc sống đời đời vì họ đã thuộc trọn về Đức Kitô qua ơn tái sinh của Thần Khí. Và cũng chính nhờ lòng tin mà người ta được nên công chính ( Rm 4 ).
Lm Bùi Trọng Khẩn
www. trongkhan.net
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: