Sự chết - Lời đáp trả trong vâng phục
SỰ CHẾT LỜI ĐÁP TRẢ TRONG VÂNG PHỤC
Không dễ gì hiểu được một lời đáp tra của ai đó thuộc tâm tình nào. Người ta chỉ hiểu được đôi chút trong kinh nguyện này nọ để suy diễn. Tuy nhiên vẫn là sự có thể lừa dối nhau dễ dàng.
Con người luôn luôn ở trong tư thế đương đầu với tất cả những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống mình ở một mức độ nào đó. Thường thì họ có thể chiến đấu để vượt qua được. Qua đó, nói lên được sức mạnh của con người không muốn sự khuất phục bất cứ một sự đe dọa, một quyền lực nào. Nhất là thời đại này người ta đang dần dần khám phá và chinh phục được những nơi chốn, lãnh vực mạo hiểm, đầy bí ẩn. Thế nhưng, trước sức mạnh của sự chết họ phải giơ tay đầu hàng và bắt buộc đáp lại bằng thái độ vâng phục.
“Có ai sống trên cõi đời thoát khỏi bàn tay thần chết” (Phan-xi-cô At-xi-di). Chúng ta đã không có quyền chọn lựa cho mình được sinh ra thì cũng không có quyền chọn lựa cho mình phải chết đi.“Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!”(Rm 11, 33). Thiên chúa đã quyết định thì không ai ngăn cản được. Hơn nữa, năng lực tuân mệnh nơi thụ tạo được dựng nên để phục vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không được hãnh diện về cuộc sống và cái chết của mình một cách độc lập tức là chẳng liên hệ với một ai đó. Bởi vì “chúng ta có sống là sống cho Chúa và chết cũng là chết cho Chúa”. Tiếng nói vâng phục thật cao quý nơi con người vì họ đang sống và hành động cho Thiên Chúa. Đấy cũng chính là thái độ thờ phượng tuyệt vời của con người.
Chúng ta dễ dàng quên mất những khía cạnh này trong cuộc sống. Mà người ta cứ tưởng rằng chỉ cần tuân theo trật tự theo luật tự nhiên là đủ. Quả là hàm hồ và thiếu sót. Phải nhận ra như ông Gióp : “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về lòng đất cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chuá lại lấy đi. Người muốn sao nên vậy : Xin chúc tụng danh Chúa. Mình biết đón nhận từ Thiên Chúa, còn điều dữ không biết đón nhận sao?” (G1, 21 ; 2, 10b). Sự tuân theo thánh ý Chúa trong cuộc đời chính là gắn bó với niềm tin một cách vững vàng nhất. Sự gắn bó này được diễn tả qua cái chết. Nó cho ta sống lại cái cảm nghiệm trong cuộc sống về những lần đáp trả trong tự do và niềm tin. Mặc dù dưới một khía cạnh nào đó người ta đồng ý như một triết gia đương thời đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự chết đến độ mô tả con người là “một hữu thể được tạo dựng cho cái chết” nhưng họ vẫn muốn bảo vệ lập trường của mình về giá trị cái chết, về sự thay đổi của sự sống, về mục đích tối hậu của hữu thể có lý trí. Người ta sẵn sàng chấp nhận sự thật thân phận con người phải đi đến nhưng cũng sẵn sàng từ chối cái chết nằm ngoài thánh ý Thiên Chúa. Người ta cảm thấy tiếc nuối cuộc đời với công danh, sự nghiệp, địa vị, học vấn còn dang dở nhưng cũng sẵn sàng dâng hiến tất cả khi nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa để phục vụ cho một kế hoạch tốt đẹp hơn, có thể nói là tốt đẹp nhất dù biết chắc phải chết. Nếu không có một sự gắn bó sâu xa với niềm tin thì không ai dám nghĩ và dám hành động như vậy được.
Như thế, trong sự vâng phục nào cũng đòi hỏi phải có niềm tin. Đòi hỏi càng gay gắt thì sự dấn thân trong niềm tin càng mạnh. Người ta không thể liều mạng khi không có niềm tin, dù chỉ là chớp nhoáng thôi. Huống chi cho một hành trình dài là cả cuộc đời cho một định mệnh sau cùng thì người ta không thể không sắm sửa cho mình một thái độ đáp trả theo ý Thiên Chúa là Đấng nắm giữ vận mạng họ.
Phải tích cực lo cho mình biết đáp trả bất cứ lúc nào tiếng gọi của Thiên Chúa ngang qua sự chết. Biết nhận ra tiếng nói sau cùng vẫn là lời yêu thương dù đơi khi sự vâng phục của ta là một khó khăn, một mất mát đau thương trong những chọn lựa đã tương đối kỹ càng. Tiếng nói từ thập giá Đức Kitô là một sứ điệp về thái độ vâng phục tuyệt đối và dường như muốn khai mở tất cả mọi bí ẩn về cuộc sống cho những ai biết thành tâm tìm kiếm, suy tư. Thập giá Đức Kitô đã trả lời cho ta về sự giới hạn của con người và sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua sự chết của con một Ngài. Nơi ấy, người ta sẽ không bao giờ thực hiện được nỗi khát khao dấn thân cho một lý tưởng, một cá nhân, một cộng đồng khi mà họ chưa biết vâng phục như Đức Giêsu Kitô. Cái chết bình thường chưa là bằng chứng cho sự hy sinh, dấn thân hay vâng phục bao lâu còn chưa mặc lấy tâm tình và thái độ như Đức Giêsu trên thập giá. Người ta không thể dùng những nghi thức để trang hoàng cho nội dung của cái chết khi mà tự thân nó không có điều gì đáng nói. Ngược lại người ta cũng không thể che phủ vinh quang trong cái chết của một người bằng những lớp vải mỏng manh qua những điều nghịch với lương tâm và chân lý.
Dấu chỉ của sự vâng phục trong cái chết phát ra một sức mạnh không ai ngăn cản được vì bản chất của nó được Thiên Chúa nhìn nhận là điều tốt đẹp trên hết. Lời đáp trả âm thầm lặng lẽ như đi vào sự chết gây một ấn tượng mạnh mẽ trong đời sống đức tin còn hàm chứa bao nhiêu điều bí ẩn chỉ được giải đáp trong Thiên Chúa mà thôi. Tiếng nói tình thương của Thiên Chúa chỉ dẫn con người vào mối hiệp thông với Ngài khi người ta biết vâng phục đón nhận tất cả.
Lm Bùi Trọng Khẩn
- Loại bài viết: