Ngôn sứ bị khước từ
NGÔN SỨ BỊ KHƯỚC TỪ
Hiểu biết về một con người không đơn giản. Biết bề ngoài thì dễ. Biết bên trong khó lắm. Biết đầy đủ về một người thật là khó. Người Do thái đồng hương với Chúa Giêsu chỉ biết Ngài qua vẻ bề ngoài, qua gốc gác lý lịch nhân loại mà không biết gốc gác thần linh của Ngài. Họ chỉ biết sơ sơ về mặt bản tính con người còn bản tính thần linh của Ngài thì họ không hề biết. Vì thế dẫn đến nhận định lệch lạc, phiến diện, hời hợt. Tội nghiệp cho Chúa quá.
Những Chúa nhật tuần trước Chúa Giêsu làm phép lạ một cách ngon lành vì gặp được lòng tin tốt của con người. Còn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu khi trở về quê hương của mình đã hoàn toàn bị bất lực, bó tay và không thể làm được gì trước sức mạnh của thái độ cứng lòng tin nơi người đồng hương của mình. "Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó....Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy"(Mc 6,5.6).
Thái độ cố chấp, lì lợm, mặc cảm thiên kiến, định kiến của con người có thể ngăn cản Thiên Chúa, ngăn cản lòng mình. Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do và suy nghĩ của con người. Ngài không ép buộc, áp đặt con người phải tin phải đón nhận phép lạ của Ngài. Chỉ khi nào người ta tự do mở lòng ra, tự do đón nhận thì Thiên Chúa mới hành động mà thôi.
Thời đại nào cũng có những ngôn sứ - người đại diện cho Chúa xuất hiện bên cạnh chúng ta ra. "Còn chúng vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng"(x. Ed 2,2-5).
Có đôi khi chúng ta đã từng khước từ những người Thiên Chúa sai đến chỉ vì họ không có những yếu tố như chúng ta mong đợi, hoặc không đáp ứng được những nhu cầu của chúng ta. Có lẽ chúng ta chỉ đi tìm những yếu tố con người mà không khao khát những điều Thiên Chúa muốn. Chúng ta không chấp nhận con người Chúa sai đến lại quá tầm thường thậm chí cũng tội lỗi, bất toàn và nhiều khuyết điểm hơn chúng ta nữa. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được đời làm nhân chứng cho Chúa không như mình nghĩ mà lại là điều luôn trái ngược với suy nghĩ con người. Ngài nói : "Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh"( 2Cr 12, 9b-10). Chúa Giêsu đã chẳng bảo rằng"ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chính là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mình mà thôi". Còn thánh Gioan tông đồ đã viết trong Tin mừng của mình rằng: "Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận"(Ga 1,11).
Chúng ta cũng hay có cái nhìn mặc cảm thiên kiến, định kiến về ai đó khiến không thể nhận ra điều hay điều tốt nơi họ. Mỗi người là một mầu nhiệm cần khám phá suốt đời. Không thể hiểu hết về một con người tự nhiên huống chi là hiểu biết về Thiên Chúa là một mầu nhiệm lớn lao vô tận.
Giáo hội hiện diện trong thế giới hôm nay không phải là một tổ chức phô trương sức mạnh, quyền lực, hay vật chất mà là một giáo hội âm thầm nhỏ bé, khiêm tốn, yếu đuối nhưng lại có sức mạnh trong tinh thần phục vụ yêu thương như Chúa Giêsu. Nhưng cũng chính vì thế mà giáo hội luôn gặp khó khăn về nhiều phương diện. Giáo hội đi theo con đường của Chúa Giêsu. Con đường chấp nhận bị khinh chê, ruồng bỏ, từ chối hoặc bị ngộ nhận, thiên kiến, mặc cảm. Giáo hội ẩn mình đằng sau những dáng vẻ của nhân loại mong đợi để đưa con người vào sự gặp gỡ và tìm kiếm Thiên Chúa với thái độ đức tin và tinh thần siêu thoát.
Lm Bùi Trọng Khẩn
- Loại bài viết: