Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống
CN XX TN/B
Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống. (Ga 6, 51-58)
Sau phép lạ bánh hóa ra nhiều, nuôi 5 ngàn người ăn, không kể đàn bà, con trẻ, vẫn dư 12 thúng đầy. Chúa Giê-su đã từ từ dẫn dân chúng mở rộng cái đầu để hiểu rộng hơn điều người muốn dạy: Người là bánh từ trời xuống. Manna ngày xưa trong sa mạc chỉ là hình bóng, Thiên Chúa ban trong lúc không thể cày cấy được, để sống qua ngày. Ngài mới chính là bánh đích thực từ trời xuống, Chúa Cha ban, để bất cứ tin ở Người sẽ được sống đời đời. Hôm nay Người còn cho biết thêm: Thịt người chính là của ăn, và Máu Người chính là của uống? Nghe qua, ai ai cũng tá hóa tam tinh. Chẳng cứ gì người Do Thái thời Chúa Giê-su. Nhưng có lẽ chẳng ai cho là khó nghe, khi nói rằng người mẹ đã nuôi con bằng chính máu thịt bà ?
1. Thịt Máu đã được chế biến. Trong thực tế, chỉ mọi cà răng căng tai thời xa xưa mới ăn thịt người. Hoặc là những kẻ khát máu muốn trả mối hận không đội trời chung, như mẹ con nàng Herodiade, thì cũng chỉ dám xin cái đầu của Gioan Tẩy giả, để khỏi nghe những lời chân thực chói tai. Hay như anh chàng Đavít, khát lấy con vua, mới có gan để lấy hàng trăm cái “của quý” của quân Philiptinh, đem về tiến vua là cùng. Từ ngàn xưa, chả có loài vật nào bình thường do Thiên Chúa dựng nên, lại đi ăn thịt sống đồng loại của mình, phương chi con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa toàn năng và đầy yêu thương.
a/ Lời thấm sâu vào ngôn ngữ con người. Thế thì, tại sao Chúa Giê-su cứ láy đi, láy lại cái điệp khúc: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời. Ai không ăn thịt và uống máu tôi thì không có sự sống muôn đời ? Thật ra, Chúa chỉ muốn nhấn mạnh để lôi kéo sự chú ý mà thôi. Thánh Kinh đã cho biết: Ngoài tư cách là người như chúng ta, Ngài còn là Ngôi Hai Thiên Chúa, chính tự bản tính ấy, Lời Người là sự sống vĩnh cửu, cho nên ai tin vào Lời, gắn bó với Lời, bước theo Lời, tất nhiên được sự sống của Lời thông ban nâng đỡ từng phút giây và sẽ đi chỗ hoàn toàn giống như Lời, trong ngày chấm dứt cuộc sống trong thân xác bụi đất này. Con người tiếp xúc nhiều với ánh sáng, không khí, đồ ăn, da thịt sẽ hồng hào, săn chắc, tươi tắn và phát triển hơn.
Lời của Thiên Chúa trước tiên được viết bằng tiếng Aram, kề đó dịch sang tiếng Hy Lạp, La tinh, rồi đạo Chúa được truyền giảng tới đâu, thì Kinh thánh lại được dịch sang tiếng nơi ấy. Cho đến nay, Kinh thánh là quyển sách được đọc nhiều nhất trên thế giới. Nó được dịch sang 2.454 ngôn ngữ khác nhau. Nghĩa là Lời đã ngấm sâu vào ½ ngôn ngữ nhân loại. Khi tiếp cận như thế, đặc biệt với các ngôn ngữ phổ biến, ngôn ngữ của mỗi nơi cũng hấp thu được những tinh hoa, cô đọng trong Kinh Thánh, cũng như trong các ngôn ngữ khác nhau. Lời đã rửa tội cho ngày lễ thờ Thần Mặt Trời làm ngày mừng Chúa Giáng Sinh; cách tính thời gian năm tháng theo Dương Lịch; cây thập tự, một hình khổ, dành cho những kẻ tử tội ghê gớm nhất, trở thành giá treo Chúa, dấu hiệu của chiến thắng vinh quang, đối tượng của sự cứu rỗi; chúng ta có nền văn mình Ki-tô Giáo….Đồng Mỹ kim có giá trị lưu hành khắp thế giời đều có ghi hàng chữ lớn: “In God, we trust.” Ngay cả chủ nghĩa Maxisme cũng phỏng theo Lời dạy của Chúa trong Kinh thánh, rất tiếc có một điều trái ngược hoàn toàn, là họ lấy việc tôn sùng cá nhân lãnh tụ, thần thánh hóa người đã chết, thay vào chỗ Thiên Chúa duy nhất hằng sống mà thôi. Chủ nghĩa tư bản ngày nay cũng muốn phản ứng ngược lại với Lời, bằng cách áp đặt tư do cá nhân, lên địa vị độc tôn của Thiên Chúa.
Đạo Chúa đến VN vào đầu thế kỷ 17. Kinh thánh, chúng ta không nắm rõ được dịch ra tiếng Việt từ bao giờ, nhưng một điều chắc chắn là Chữ Quốc Ngữ, việc tôn kính ông bà tổ tiên, việc có các vị Tử Đạo VN, là do tác động không nhỏ của Lời Chúa được rao giảng trên quên hương này.
b/ Bằng cái chết đau thương.
Trước đêm bị trao nộp, Chúa Giê-su, trong bữa ăn sau cùng với các môn đệ, người đã cầm bánh, dâng lời tạ ơn Chúa Cha và nói: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn.” Sau đó, Người cũng làm tương tự khi cầm chén rượu và nói: “Này là chén máu Thầy, Máu giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Thực tế, sau lời truyền phép long trọng đầu tiên và cuối cùng đó của chính Chúa, bánh và rượu vẫn còn là nguyên bánh và rượu, không thay đổi một tí nào về hương, sắc, lẫn mùi, vị, hình, dáng, chỉ có điều duy nhất, nhưng cực kỳ quan trọng, đức tin dạy chúng ta rằng: Bản chất của bánh và rượu, giờ đây đã trở thành Thịt và Máu của Chúa. Ngày hôm sau, trên thập giá, Chúa đã để những giọt máu và nước từ cạnh sườn bị đâm thủng chẩy ra, và rồi Người kêu lên: “Ta khát.” Phải chăng Người khao khát các linh hồn. Trước khi tắt thở, Người lại kêu lớn tiếng lần chót: “Mọi sự đã hoàn tất.” Phải chăng Người muốn nói, Người đã hoàn tất việc lập bí tích Thánh Thể, bí tích ban Thịt và Máu Người, những gí đã được chế biến, nấu chín trong đau khổ, trong tự hiến, để ban phát cho chúng ta, những ai tin và lãnh nhận, ắt sẽ nhận được sự sống thần linh của Người. Như chúng ta đã nghiên nát những trái nho, những hạt lúa miến trong cối, hòa tan trong nước và làm chín trong lửa trước khi dùng để truyền phép.
2. Trong cuộc sống hằng ngày. Hầu hết con người đều ăn đủ thứ thịt, chẳng trừ thịt con vật nào, nhưng cũng chẳng ai ngây thơ khờ khạo đến nỗi chộp được chúng là bỏ vào miệng vội vàng ăn sống nuốt tươi, mà không làm sạch, chế biến, tẩm ướp muôn vàn thứ gia vị…và nhất là không chiên xào nấu nướng trước khi ăn.
Kinh Thánh kể, khi nghe Chúa nói về việc ăn thịt và uống máu người, có nhiều cho là chói tai, đã bỏ đi, trong đó, có nhiều môn đệ. Chúa quay ra hỏi các tông đồ: “Còn anh em, anh em có muốn bỏ đi chăng? Ông phê-rô đã mạnh mẽ thưa lại rằng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai ? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.” Hơn 2 ngàn năm qua, hàng hàng lớp lớp những người tin Chúa, đã nghe lời Chúa, đã ăn Thịt và uống Máu Chúa. Họ đang được tăng sức, họ được tràn đầy hy vọng, để sống khỏe mạnh tươi vui, hăng hái, chung tay xây dựng cuộc đời ngày một tốt đẹp, đậm tình người, tình Chúa hơn. Chẳng những thế, còn sẵn sàng chia sẻ nâng đỡ những người kém máy mắn, những người bị xã hội loại ra ngoài lề.
Rất nhiều người đã đi tới đích mà Chúa đã hứa. Đó là Đức Mẹ, thánh cả Giuse, các Tông đồ, các thánh nam nữ… và chắc chắn cũng sẽ đến lượt chính chúng ta, cũng được tái ngộ cùng Ba Ngôi Thiên Chúa và Triều Thần Thánh trên trời. Chính vì thế, chúng ta mới có mặt ở đây. Chúng ta luôn sẵn sàng thực hành lời:: “Chúng con tuyên xưng Chúa chịu chết và loan truyền Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.”. Dù bị bách hại, khai trừ, gươm đao, tù tội, thậm chí cả đến chết chóc vẫn không sờn.. Vì chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản, vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…Amen
***
THỨ HAI CN XX TN
Muốn nên hoàn thiện, hãy đi bán tất cả.. (Mt19, 16)
Người ta kể : một con phượng hoàng con, không hiểu vì sao lại nở ra trong một ổ gà, cùng lũ bạn theo gà mẹ đi bới rác nhặt sâu. Một hôm, thấy một con chim lớn bay lượn cao cao trên đầu, giông giống mình, liền vỗ cánh bay theo, nhưng chỉ được mấy thước thì rơi xuống ao gần đó. Chỉ chờ thế, chim kia vội nhào xuống cắp gà-phượng vào đôi chân bay vút lên trời. Nhìn lại, thấy nó giống mình, phượng hoàng thật liền buông gà-phượng ra, nào ngờ hắn bay vút lên cao, lượn lượn rồi trở lại bay song đôi...
“Nếu anh muốn trọn lành, hãy đem bán tất cả những gì anh có, rồi lại đây theo tôi.” Anh thanh niên cũng như tất cả chúng ta, chỉ là con người với biết bao tham lam cồng kềnh, làm sao nên trọn lành như Chúa ? Nếu không can đảm dũ bỏ tất cả những gì đang đeo bám chung quanh, nhất là trong đầu, trong tim. Rất tiếc, anh ta chỉ là một tên nô lệ của ông chủ tiền bạc. Anh ta đã buồn rầu quay đi..
Năm 1943, theo lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Pio XII, cha Francesco Bertoglio, hiệu trưởng Đại chủng viện Giáo Hoàng Lombard ở Roma. đã được đưa lén vào trong trường, hàng trăm thanh niên Do Thái, ăn mặc giả như các chủng sinh. Nhưng có kẻ biết. Người của Hitler đã đến, bắt đi một số. Cha đã cố gắng ngăn chặn. Chính cha cũng bị bắt. Hơn 70 năm sau, khi được thụ phong giám mục, ngài đeo một cây thánh giá, do những người Do Thái đã được ngài cứu trao tặng. Cha qua đời vào năm 1970. Ba mươi năm sau, Nhà nước Israel đã truy tặng cho ngài danh hiệu "Người Công Chính Giữa Các Dân Nước'' vì đã liều mạng sống của mình cho những người Do Thái. Lạy Chúa, xin cho c chúng con luôn biết sống vì Chúa và tha nhân.
THỨ BA CN XX TN
Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ người giầu vào Nước Thiên Chúa. (Mt 19, 23)
Lỗ kim và con lạc đà - Cửa nước trời và người giầu có. Hai cặp cực kỳ không đối xứng được Chúa dùng để dạy chúng ta rằng: Cửa Nước Trời là cửa hẹp chẳng khác gì lỗ kim, việc vào trong đó thì cực kỷ khó: “Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể.”
Chúa cho biết thêm: Các môn đệ đã theo Chúa, đến ngày chung cuộc, sẽ được ngồi trên 12 tòa, xét xử 12 chi tộc Israen. Và ai đã bỏ mọi sự mà theo Chúa thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.”
Vâng, muốn vào Nước Trời thì phải qua cửa hẹp, tức phải đẽo gót chính mình để nên giống Chúa hoàn toàn. Chúa Giê-su từ trời với sứ mạng đưa con người về trời. Điều con người chẳng ai có thể làm. Với Chúa thì mọi sự đều có thể. Chúa Giê-su đã đi trước dọn đường. Mẹ Maria và lần lượt các thánh đã đi, là những dẫn chứng, làm rộng đường cho tất cả chúng ta.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: