Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Giương Cao Hay Hạ Bệ

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

GIƯƠNG CAO HAY HẠ BỆ? (CN XXIV/TN-B)

 

Thời Cựu Ước khi dân Do thái được đưa ra khỏi đất Ai Cập, vì gặp nhiều khó khăn vất vả nên họ oán trách Đức Chúa. Họ được cảnh tỉnh bởi những con rắn độc bò ra khắp nơi và cắn chết nhiều người. Nhờ vậy, họ nhận ra sai lầm, tội lỗi của họ và đến xin ông Mô-sê cầu xin Đức Chúa tha tội và cứu vớt họ. Ông Mô-sê liền kêu cầu Đức Chúa và được Người dạy: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.” (Ds 21, 8-9). Thay vì giết một con rắn rồi treo lên, Thiên Chúa chỉ bảo ông Mô-sê làm một con rắn bằng đồng. Đến thời Tân Ước thì Đức Ki-tô lại nói Người cũng bị treo lên như con rắn đồng và chỉ có như thế thì loài người mới được cứu độ. Tại sao Thiên Chúa lại không dùng một biểu tượng kiểu như con rắn đồng (một hình nhân bằng đồng, chẳng hạn), mà lại phải dùng chính Con Một của Người để “treo lên” nhằm cứu chuộc nhân loại?

 

Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này: Loài người đã hoàn toàn bị tội lỗi thống tri, họ không chỉ oán trách Thiên Chúa như dân It-ra-en xưa, mà còn đối nghịch hẳn với Thiên Chúa bằng những tội lỗi ngập đầu, không chỉ gây ra cho anh em đồng loại mà còn trực tiếp phỉ báng nhạo cười Thiên Chúa. Vì thế, không thể dùng một hình ảnh, một biểu tượng nào khác, ngoài chính Con Một Thiên Chúa. Chỉ có như thế mới để cho loài người nhận ra tội lỗi nhơ nhuốc của mình mà ăn năn hối cải. Và quả nhiên điều tiên liệu đã thực sự xảy ra khi con người không tin vào Con Thiên Chúa làm người, đã phỉ báng, lăng nhục và tìm cách giết hại. Khi con người tìm cách đóng đinh treo Đức Giê-su trên thập ác, thì đó chính là lúc họ thoả mãn với dục vọng “hạ bệ” một con người dám phạm thượng tự xưng mình là Thiên Chúa. Hình ảnh Con Thiên Chúa chết trần truồng trên thập tự đã nói lên đầy đủ về tội ác của loài người muốn “hạ bệ” Thiên Chúa, thì cũng chính lúc đó Máu Cứu Độ tuôn trào khỏi Trái Tim Cực Thánh làm của dưỡng nuôi tẩy rửa tâm hồn những người còn biết tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Và như thế, khi Con Người bị “hạ bệ” thì cũng chính là lủc Người được “giương cao” vậy.

 

Còn một chi tiết rất đặc thù minh hoạ cho lập luận này: Đó là khi quân dữ “kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay phải Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: "Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!", rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người.” Chưa hết, khi đóng đinh Chúa vào thập giá “chúng đặt bản án xử tội phía trên đầu Người: "Người này là Giê-su, vua dân Do-thái." (Mt 27, 27-37). Mục đích của quân dữ chỉ nhằm để bêu riếu, nhục mạ, hạ bệ Đức Ki-tô; nhưng chính những hành động đó của quân dữ lại có tác dụng ngược, đó là chính những kẻ đóng đinh giết Chúa lại cũng là những kẻ tuyên xưng Người là Vua, đồng thời còn bộc lộ một tội ác khủng khiếp “Họ đã giết cả vua của họ, thì họ còn tha ai!”. Vô hình chung (nhưng không ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa) hành động của quân dữ nhằm “hạ bệ” lại trở thành “giương cao” biểu tượng cứu độ của Thiên Chúa.

 

Như vậy, để giương cao biểu tượng ơn-cứu-độ-Giêsu-Kitô, thì chính Con Thiên Chúa làm người phải chịu “hạ bệ” một cách nhục nhã, đau đớn tột cùng. nghĩa là Người đã tự nguyện chấp nhận sự đau khổ cùng tột của con người, để nhờ đó, đem lại ơn cứu độ giải thoát khỏi đau khổ, khỏi sự chết đời đời cho tất cả những ai tin vào Người. Đây là một bài học về một định luật trong cuộc sống: Đau khổ của con người là do con người tự chuốc lấy vào mình, chớ không do một sự áp đặt từ bên ngoài. Thật thế, từ Nguyên Tổ loài người vì nghe lời cám dỗ của ma quỷ, đã tự chuốc lấy hình phạt mất đi hạnh phúc, mà đau khổ triền miên trong biển đời giông tố. “Đời là bể khổ” là vậy đó! Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa mà còn tự hạ mình chấp nhận gánh lấy đau khổ của loài người, vậy tại sao loài người lại không dám chấp nhận sự đau khổ do chính mình gây ra?

 

Nếu coi những thất bại về mọi mặt trong cuộc sống có thể trui rèn ý chí con người để đi tới thành công (“Thất bại là mẹ thành công”) thì sự đau khổ sẽ được hóa giải bằng chính việc vui lòng hay tự nguyện chấp nhận tất cả những thách đố xảy đến với mình. Tuy nhiên, nếu con người câu nệ vào thuyết định mệnh cho rằng tất cả mọi sự xảy đến với con người đều do định mệnh, do Trời định, rồi những thất bại, những đau khổ là do Trời phạt, Chúa phạt, không dám đối diện với thực tế; thì điều tất yếu sẽ xảy ra “thất bại là cha thất vọng”. Đau khổ rèn luyện tâm can, thất bại trui rèn ý chí, Nguyễn Bá Học vẫn mãi mãi đúng với câu để đời “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Muốn làm người lớn, hãy làm con trẻ trước đã, muốn làm người đứng đầu thì hãy làm người rốt hết, muốn được “giương cao” (vinh quang), hãy chấp nhận “hạ bệ” (sỉ nhục) vì “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào bầy sói”, không thể khác hơn. Vâng, “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 22).

 

 Ôi! Lạy Đức Giê-su Ki-tô! Người “vốn dĩ là Thiên Chúa / mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì / địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,/ nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang / mặc lấy thân nô lệ,/ trở nên giống phàm nhân / sống như người trần thế./ Người lại còn hạ mình,/ vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,/ chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8). Cúi xin Chúa thương ban cho con luôn biết nhìn lên Thập giá, nơi “Con Người được giương cao”, với tâm tình tri ân, sám hối và canh tân; để con hiểu ra rằng Chúa  đã chịu đau khổ, chịu chết vì tội lỗi của con. Xin Chúa ban thêm lòng Tin để con đáp trả được tình yêu vô lượng đó; đồng thời biết Cậy nhờ vào Thần Khí Chúa giúp con củng cố lòng Mến vốn dĩ rất yếu kém của con. Ôi! Lạy Chúa! “Thập giá Đức Ki-tô niềm vinh dự của ta, thập giá Đức Ki-tô đã khơi nguồn ơn thánh hoá, nhờ Máu Nước Tim Người từ khổ giá tuôn trào thành nguồn ơn giải thoát cứu độ ta” (“Thập giá Đức Ki-tô” – TCCĐ). Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.