Không Thể Đứt Chuỗi
KHÔNG THỂ ĐỨT CHUỖI
“Đứt chuỗi”. Đã lâu lắm rồi tôi mới nghe lại hai từ ấy. Buổi họp huynh trưởng giáo lý viên đầu năm trong xứ Tân Thành, đoàn trưởng Cường nhắc anh chị em mỗi ngày lần một chục hạt trong “Chuỗi Mân Côi sống” liên kết giáo lý viên. “Nhớ đừng để “đứt chuỗi”.
Hai từ nghe không quen thuộc lắm trong ngôn ngữ hàng ngày, nhưng gợi lại trong chúng ta rất nhiều kỷ niệm. Người Công giáo nào cũng có tuổi thơ gắn liền với lời kinh Kính Mừng hàng ngày, đặc biệt trong tháng Hoa và tháng Mân Côi.
Rất nhiều người Công giáo có tuổi nhỏ hăng say và vui tươi hoà mình với các hội đoàn trong giáo xứ đọc kinh Hoa Hồng để cùng dâng lên Mẹ yêu thương. Tuổi thơ tôi cũng êm đềm đi qua với những lời kinh dịu dàng với người giáo dân trong xứ như thế đó.
Hồi ấy mỗi tối cứ đến giờ đọc kinh gia đình là Cha xứ bắt loa kêu gọi, và mọi người hoà cùng lời kinh chung. Bây giờ Cha đã ra đi, giáo dân cũng phân tán mỗi người một ngả. Nhưng chắc rằng ai cũng còn nhớ những ngày tươi đẹp ấy. Và một điều chắc chắn hơn nữa, ấy là nụ cười nhân hậu của Mẹ Maria vẫn luôn dõi theo cuộc đời mỗi người chúng tôi.
Cuộc sống ở xã hội này ngày càng nhiều lo toan, vất vả và bận rộn. Nhưng mỗi ngày Chúa ban cho con người 24 giờ, tức là 1440 phút. Mấy phút trong hàng ngàn phút đó chúng ta dùng để ca ngợi Thiên Chúa và Mẹ yêu thương? Ngày xưa chuỗi Mân Côi 150 kinh Kính Mừng, sau đó giản lược 50 kinh, bây giờ chúng ta có lúc không đọc đủ 10 kinh! Chỉ dành năm phút trong hàng ngàn phút cho lời Kinh Mân Côi huyền nhiệm. Vậy mà có khi vẫn thiếu sót.
Sáng kiến của ai về chuỗi Mân Côi sống cũng thật là hay. Mỗi người đọc 10 kinh, 15 người sẽ thành chuỗi Mân Côi 150 kinh. Bây giờ với Mầu Nhiệm Năm Sự Sáng, thì 20 người sẽ thành chuỗi 200 kinh trọn vẹn các mầu nhiệm.
Dĩ nhiên phát minh nào, sáng kiến nào cũng nhằm làm cho con người nhàn nhã và dành ra ít thời gian hơn cho một hoạt động. Thời khoa học kỹ thuật, chuỗi Mân Côi cũng phải giản lược theo phát minh thì cũng đáng buồn. Nhưng nếu xét ở khía cạnh tích cực, thì chuỗi Mân Côi sống lại mang ý nghĩa liên đới. Lời kinh dâng Mẹ không nên là lời kinh cá nhân, mà là của cộng đoàn dân thánh.
Bây giờ các hội đoàn, đặc biệt các Đoàn Thiếu Nhi và Gia đình Giáo Lý, cũng trở lại thói quen mỗi tối họp nhau ở nhà anh chị em thành viên mà lần hạt Mân Côi kính Mẹ. Thật đẹp và thật ý nghĩa. Thế nhưng vẫn còn những ưu tư. Vì công việc làm, vì việc học, không phải ai cũng có thể chung phần trong những giờ kinh ý nghĩa ấy. Lại ưu tư hơn khi nghĩ đến anh chị em ở xa xôi, như ở Con Cuông hay ở những bản làng Tây nguyên. Họ vẫn phải âm thầm đọc kinh trong nước mắt, khi không còn tự do tụ họp.
Tôi rất thích hai từ Giáo Hội. Thánh Cyrilô thành Giêrusalem viết về Giáo Hội như sau: “Cộng đoàn ấy được gọi một cách thích hợp là Giáo Hội (Ecclesia), vì cộng đoàn mời gọi tất cả mọi người và tụ họp họ lại với nhau”. (Từ Giáo Hội trong tiếng Hy lạp phát sinh do từ “được kêu gọi”).
Vì thế mà việc cầu nguyện, việc thờ phượng sẽ càng có ý nghĩa và thích hợp hơn nếu được thực hiện trong một cộng đoàn. Khi Chúa Giêsu nói đến việc vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện, Người muốn nói đến sự kín đáo và khiêm tốn, không khoe khoang. Nhưng Người vẫn dạy các ông cầu nguyện “Lạy Cha chúng con ở trên Trời”, chứ không phải “Lạy Cha của riêng con”.
Xét theo ý nghĩa đó thì chuỗi Mân Côi liên kết quả thật tuyệt vời. Có thể giờ đọc kinh ngắn đi, nhưng chuỗi hạt của anh chị em thì nối dài. Mong rằng sẽ không ai làm “đứt chuỗi” dù bận rộn hay mệt mỏi đến đâu.
Các vị thánh luôn ca ngợi lời kinh Ave Maria. Sách Tháng Mân Côi (www.dunglac.org) viết:
“Thánh Anphongsô luôn luôn là vị Tiến sĩ Cầu Nguyện và là vị Tiến sĩ "Vinh Quang Đức Mẹ Maria", đã đặt Kinh Kính Mừng vào hàng đầu trong 10 việc tôn kính Ðức Mẹ. Thánh Bênađô nghe rõ ràng từ một tượng Mẹ: "Bênađô, Mẹ chào con." Mà lời chào của Ðức Trinh Nữ là một ân sủng Ngài ban để đáp lễ. Thánh Bônaventura nói: "Ngài hoan hỉ chào ta, nếu ta sốt sắng chào Ngài bằng kinh Kính Mừng."
Rítsa Lôrensô thêm: "Nếu người nào trình diện Ðức Trinh Nữ với Kinh Kính Mừng, lẽ nào Ngài có thể nào từ chối không ban ơn cho đương sự không?" Chính Mẹ đã hứa với thánh Giêtruđê sẽ ban cho trong giờ lâm chung bao nhiêu điều giúp đỡ bằng bấy nhiêu lần đọc kinh Kính Mừng.”
Lạy Đức Maria rất thánh là Mẹ yêu dấu của chúng con, xin Mẹ cho chúng con sốt sắng hoà cùng sứ thần ca ngợi chào kính Mẹ “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, để chúng con ca ngợi Thiên Chúa yêu thương nhân trần và ca ngợi Mẹ là Nữ Vương cao sang và là Mẹ chúng con.
Gioan Lê Quang Vinh
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: