Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Em lên ngày mai, đường gió trăng cài

 
 
Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 31 thường niên năm B 4.11.2012
 
 
Em lên ngày mai, đường gió trăng cài,”
“Mong em từng giây, rộn ràng như ngây.
Ô hay mùa Đông, mà Xuân đã lâng lâng!
Ô hay mùa Đông, mà mai đã lên bông!”
(Lê Uyên Phương – Ngày Vui Mùa Đông)
 
            (1 Phi 1: 3-6)
 
            Đấy thấy không! Mùa Đông, đâu là mùa ảm đạm, bâng khuâng, ngủ yên như chết. Mùa Đông đây, vậy mà đặc biệt. Đặc biệt, ở chỗ: nó cứ “rộn ràng như ngây”, “Mai đã lên bông”. Đặc biệt, còn do bởi: “Em lên ngày mai” nên người người vẫn cứ trông cứ ngóng từng giây phút, rất trân trọng.
 
            À ra thế. Tức, có là mùa “rộn ràng như ngâyI” hay “đường gió trăng cài!” cũng cứ gì phải là mùa Đông giá lạnh, chờ xuân sang. Chí ít, là khi nghệ sĩ nhà mình đã ghi lại ca từ tình tứ rất như sau:
 
 
            “Vì gót chân in dấu ân tình,
hoa lá ngỡ như mùa xuân.
Mùa xuân ái ân.”
(Lê Uyên Phương – bđd)
 
 
Như thế là, tình tự của tôi và của bạn, của cả những người từng cảm kích cả bốn mùa hoa lá rất Xuân, Hạ, Thu, Đông nơi môi trường sống, vẫn rất vui như truyện kể ít nhiều hư cấu về nguồn gốc con người lẫn gốc nguồn của môi trường, như bên dưới:
 
 
“Một hôm cô bé con chạy đến hỏi mẹ mình:
 
-Mẹ ơi. Loài người xuất hiện như thế nào vậy mẹ?
 
Người mẹ thấy thế bèn mau mắn trả lời, cho xong:
 
-Thì, chính Thiên Chúa là Đấng tạo ra ông A-dong và bà E-và rồi hai người ấy có con cháu đầy đàn, và thiên nhiên vần vũ cũng như thế.
 
Hai ngày sau, cô bé lại chạy đến hỏi người cha một câu tương tự. Người cha lẳng lặng trả lời:
 
-Triệu triệu năm về trước, loài khỉ đột đã từ từ tiến hóa biến thành con người, rồi con người sinh sôi nảy nở…
 
Cô gái lúng túng với câu trả lời của bố mẹ hoàn toàn rất khác, nên lại chạy đến với mẹ hỏi thêm:
 
-Mẹ ơi, sao mẹ thì nói: loài người do Thiên Chúa tạo ra, còn bố mình lại bảo: loài người có gốc gác từ loài khỉ đột, thế nghĩa là thế nào hả mẹ?
 
Mẹ hiền nghe thế bèn thủng thỉnh đáp:
 
-Con yêu ơi. Chuyện này cũng đơn giản thôi. Mẹ biết thế là rút từ câu chuyện do họ hàng bên ngoại kể lại cho mẹ nghe thôi. Còn, bố của con lại kể từ các chuyện bố con nghe được về nguồn gốc gia đình bên bố của con là thế đấy!…”
 
 
            Câu trả lời của người mẹ hiền ở trên xem ra cũng giản đơn. Nhưng không phải là thứ “đơn giản như đang giỡn” mà người vui tính thường nhắc đến. Đơn giản/giản đơn thật ra, phải là câu ca mà nghệ sĩ nay vẫn hát như sau:
 
 
            “Nhưng trên thềm ga, chờ đến trăng tà
Em ơi vì đâu, hẹn rồi thờ ơ.
Xuân sang rồi sao, mà hoa nở không tươi?
Xuân qua rồi sao, mà tim đã đơn côi?”
(Lê Uyên Phương – bđd)
 
 
Thật ra thì, tim tôi hoặc tim của bạn có “đơn côi”, “không tươi” hay gì nữa, cũng chỉ vì người người hôm nay cư xử với môi trường sinh thái, rất không phải. Này đây, hãy lắng tai mà nghe lời đấng bậc nhà Đạo thường hay nói về môi trường ta sinh sống, sẽ thế này:
 
 
“Ta không thể nào coi thường tình trạng thiên nhiên bị tàn phá cách trầm trọng đến độ năm 2011 vừa qua, các vùng Châu Á, thiên tai đã tàn phá khiến môi trường sinh thái của ta bị ảnh hưởng rất nặng như ở Fukushima, bên nước Nhật. Ở đây, có nhà máy hạt nhân bị thiên tai phá huỷ cũng khá nặng. Việc bảo vệ môi trường đan kết với công tác giảm đói, chống nghèo và thay đổi khí hậu đều là những việc quan trọng cần phải quan tâm thăng tiến, ngõ hầu ta mới có thể phát triển con người cách toàn diện được.” (trích phát biểu của Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 ngỏ lời với ngoại giao đoàn ở Rôma hôm 9/1/2012)
 
 
            Đấng bậc cấp cao ở Giáo triều La Mã thường thì vẫn nói như thế. Còn, đấng bậc thường thường bậc trung chuyên tu ở đó đây, cũng có nhận định đáng ghi nhớ về môi trường sinh thái đang có vấn đề, bằng lời lẽ rất như sau:
 
 
“Kỹ nghệ hầm mỏ khi khai thắc quặng thiên nhiên, thường tạo khí thải độc hại như kỹ nghệ than đá nay lại bị các nữ tu Công giáo phía Bắc tiểu bang New South Wales của Úc vấn tội và phản đối. Bốn nữ tu đến từ Lismore vùng “miệt dưới”, đã tham gia cuộc tụ tập cùng 7 ngàn bà con dân thường ở huyện nổi lên phản đối chuyện độc hại gây ra cho môi trường sinh thái. Buổi tụ tập này được tổ chức vào độ tháng Năm 2012 hôm đó, có nữ tu tên là Anne Shay từng sống ở thủ phủ Ballina tiểu bang New South Wales cũng cho biết: “Theo tôi, chúng ta nên quay về với năng lượng mặt trời và gió thổi, để giải quyết giúp môi trường ta sinh sống được an lành. Tôi đồng ý với các vị có mặt ở đây, hôm nay, nhất quyết đưa ra thông điệp này, là: ta cũng hãy chấm dứt không nên tiêm thêm tiền vào việc khai thác than đá hoặc quặng mỏ nào khác, làm như thế càng khó giải quyết vụ việc.” (xem Australian Catholics số Spring 2012, tr. 6)
 
 
            Dù, các đấng bậc vị vọng và nữ tu đã nhiều lần bày tỏ quan điểm khá chắc nịch về môi trường sinh thái ta đang sống. Nhưng, vấn đề mọi người đặt ra hôm nay, là: cộng đồng Công giáo nói chung nghĩ thế nào về những chuyện có liên quan đến cuộc sống trên hành tinh “điạ cầu” hôm nay và mai ngày?
 
            Để trả lời câu hỏi không mấy dễ dàng này, cũng nên trích dẫn mà xem xét lời xưng thứ của giáo dân nọ còn khá trẻ, như sau:
 
 
“Lạy Chúa, xin tha cho con là kẻ có tội. Tội mà con lâu nay từng mắc phạm gồm nhiều chuyện khó nói khiến lâu rồi, con chẳng chuyện trò gì với Chúa hết! Nay, con không thể không nghĩ đến những chuyện tày trời con từng làm, hay nói đúng hơn, con vẫn tiếp tục làm những điều không phải khiến nó vẫn còn đọng nơi phần sâu thẳm ở trong đầu, giống như miếng bánh mì kẹp thịt con vẫn để trong cặp sách mỗi khi đi đến trường. Chúa muốn con thổ lộ cùng Chúa những điều con giấu kín ấy không? Đối với con, tất cả đang như mờ dần mỗi khi con nhìn về quá trình gồm những việc con làm.. Đó là những sắc mầu, tiếng ồn và cả chất adrenaline nguyên vẹn mà con đang bơm vào mạch máu của con nữa.
 
Vâng đúng thế. Nhưng gì Chúa dự đoán, quả có đúng. Tuy nhiên, con dám khẳng định là Chúa cũng sẽ không hiểu được nó giống những gì. Nó giống như thế này đây: ví dụ như lúc này đây, con đang cầm một cọng rác trong tay rất lâu thế mà con mà tìm mãi không ra sọt đựng nào để bỏ vào rác vào trong đó, nên con mới nhâm nhẩm đôi lời nguyện cầu cho con được tìm ra được xọt rác công cộng nào gần đây để vứt bỏ nó. Cuối cùng, chẳng có thùng nào hiện ra để con vứt bỏ nó. Thế là, tiện tay, con quăng nó lên bãi cỏ xanh mướt ở công viên bên ngoài, rồi cứ thế tiếp tục đi chẳng cần biết mình vừa làm điều sai quấy, đến phát sợ. Có lần con đi đến khu Echuca vui chơi thể thao, để khi ra về con lại quên không tắt đèn, khiến người dân gần đó cứ phải è cổ ra trả tiền điện bằng thuế má ở địa phương. Con lại hay ăn uống thức ăn nhanh gồm toàn những đồ được sửa đổi mầm/giống cho thật ngọt lại thật to, bao bì thì người bán lại sử dụng bọc ny-lông chuyên tác hại lên môi trường sống, cần tinh sạch.
 
Về sử dụng nước nôi, thì: trong khi mọi nguời chung quanh nhất là những vùng hạn hán đang thiếu nước uống trầm trọng, thì con lại cứ ung dung tắm/tưới cả tiếng đồng hồ chẳng cần biết rằng ai đó đang cần chỉ vài giọt nước để thấm giọng cho đỡ khát.
 
Con không biết nói thế nào để Chúa hiểu rằng lòng con hiện đang xốn xang như trăm mối tơ vò. Quả là, con đang sai quấy nhưng vẫn chưa tìm thấy cách thức để sửa sai. Một mặt, con vẫn có đủ sức để nhặt mấy cọng rác bỏ vào xọt giùm cho môi trường được thanh sạch. Hoặc, tắm táp vừa đủ nước cho sạch mình thôi, cũng phải chừa đôi chút cho người khác cũng đang cần. Hoặc, đựng đồ ăn trưa mang đến trưòng vào các hộp nhựa xài lại, thế mà con vẫn ngang nhiên chẳng để ý gì mấy chuyện ấy khiến cho chuyện làm sạch môi trưòng sống toàn do các vị khác quan tâm hơn con.
 
Nhiều lúc, con tự hỏi mình có là con người sống cho phải đạo làm người hay không, sao cứ để người khác phải làm thế cho mình. Đôi lúc con cũng thấy xấu hổ. Nay, con thành thật thật xin lỗi Chúa. Xin lỗi mọi người. Xựng thú tội lỗi con phạm hôm nay, con quyết tâm sẽ cải thiện cuộc sống để xứng đáng làm con cái Chúa. Vì con tin Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ vạn vật là để mọi người đểu có cơ hội sử dụng mọi sự Chúa ban cho. Hay là, Chúa hãy cho con một vài dấu hiệu như: bụi rừng đang bùng cháy, cầu vồng xuất hiện ở chân trời, hoặc chim bồ câu trắng lởn vởn bên con, để con biết mà đổi thay cuộc sống, cho xứng đáng.
 
Hay là thế này. Nếu các dấu chỉ ấy Chúa đã gửi rồi mà con chẳng để mắt mà nhìn thấy. Hoặc, con đã để lỡ cơ hội là không nhận ra những dấu chỉ Chúa ban, như: máy móc hoặc di động tự dưng ngừng tiếng. Máy in bị kẹt giấy, máy gửi điện thư tự dưng bị nhiễm vi khuẩn hay sao đó, những cú điện thoại từ những người klạ hoặc con đâu quen, vv. Tóm lại, con cần Chúa gửi đến với con một vài dấu hiệu chothấy là con từng sai quấy.
 
Thôi, nãy giờ con xưng thú cũng khá nhiều. cuối cùng, con chỉ xin Chúa cho con được tỉnh trí biết quan tâm đến môi trường sinh thái, để san sẻ cuộc sống an lành con đang có với người khác. Con cảm ơn Chúa. Hy vọng lại có dịp trò chuyện với Chúa…” (x. Anuski De Cruze, Australian Catholics, Spring 2012 edition, tr. 12)                  
 
            Một lần nữa, chắc có bạn nghe/đọc lại sẽ hỏi: những lời trên đây, phải chăng là hư cấu? Câu trả lời, dĩ nhiên không thể để dành cho bần đạo, tức người vừa cầm/nhặt tờ báo định kỳ mỗi ba tháng, ở xứ đạo.
 
Hỏi đáp đây, là chuyện của mỗi người và mọi người. Bần đạo/bầy tôi chỉ xin làm người vận chuyển thông tin từ nhiều phía, cho nhiều người. Nhất thứ, là các “cụ” ở vùng sâu/vùng xa ít có điều kiện tiếp cận sự kiện mà người trẻ ở trên dám xưng thú lỗi lầm nặng/nhẹ. Nặng hay nhẹ, tuỳ quan điểm/lập trường của mỗi người về môi trường sinh thái, rất công khai.
 
Vận chuyển rồi, nay bầy tôi lại xin thêm một câu hỏi: Đạo mình ở nhà hiện có ai lại đặt những câu hỏi trớ trêu như trên, không? Hỏi, là hỏi rằng: người mình dù đạo đức hay không, cò bao giờ nghĩ đến bổn phận phải nâng niu mỗi trường mình đang sống, như thứ gì đó, rất đáng giá? Lại một câu hỏi xem ra “hơi vớ vẩn” không biết vận chuyển gửi đến cho ai, đây. Gửi đâu cũng được, trước hết hãy tự gửi một đôi câu cũng rất “buôn chuyện” để lấy hứng, như sau:
 
 
“Vì đã cho nhau những mong chờ,
hãy nở để quên tình yêu, tình yêu nhớ mong.
Qua hôm sau nghe gió thoảng như đi mau,
mây trắng đã trao cho nhau những ái ân không màu
khi không yêu đâu biết nắng hay phai nhanh
đâu biết mắt hay long lanh khi ái ân tan tành
rồi đến ngày kia ga buồn chờ mãi người yêu, thềm ga vắng tanh.”
(Lê Uyên Phương – bđd)
 
 
            “Tình yêu nhớ mong”, phải chăng là dặn dò về tình yêu khác, cần mong nhớ? Mong và nhớ, để yêu cả môi trường mình sinh sống chứ không chỉ mỗi người hoặc mỗi vật, mỗi sự thể để còn yêu?   
 
            Đọc kỹ kinh thánh của người Do thái, người đọc sẽ thấy đa số các tác giả viết Kinh Sách đều diễn tả thế giới như nơi chốn rất phức hợp, trong đó mọi vật và mọi người đều có liên quan tương tác. Liên quan giữa khí hậu và mùa gặt. Giữa gió mưa và nhu cầu sống đơn giản. Tương quan này còn nhắc nhở mọi người về sự không ngoan lành thánh của Thiên Chúa qua đó cả thế giới vạn vật đều tuỳ thuộc.
 
            Ba đặc trưng của công cuộc tạo dựng là: nét đẹp của nó, tích phức hợp và trách nhiệm của con người đối với nó nữa. Các đặc trưng này, tô thắm vạn vật thêm nhiều mầu sắc, để con người sống trong đó cứ thế mà vui hưởng.
 
            Nét đẹp của vạn vật nhắc con người hãy luôn biết cảm kích những gì Thượng Đế tạo cho mình an hưởng. Cảm kích, để rồi biết rõ những sự đó không phải để người người cứ thế mà khai thác cho tận tuyệt, làm của ăn nuôi dưỡng thân mình. Nhưng, còn để ta nhận ra được sự cao cả của Đấng đã lập ra những diệu kỳ ấy. Nhận ra, để rồi sẽ cảm tạ và trân trọng như báu vật mình được tặng ban.
 
            Nét đẹp của vạn vật, còn là những gì mình trân trọng. Trân trọng cuộc sống của nhau. Trân trọng tình yêu trao cho nhau. Trân trọng cả tình người, tình của muôn vật được ban cho con người. Trân trọng mãi vào những ngày dài, cứ sống mãi trong môi trường sống, rất thân thương.
      
“Truyện, là truyện giữa hai vợ chồng cao niên đối đáp với nhau rất thân tình, như sau:
 
- Này ông!
 
- Gì thế? Đ để tôi ngủ thêm tí nữa nào.
 
- Dậy đi, chở tôi ra chợ mua ít hoa bằng xe đạp.
 
- Sao hôm nay bà giở giời thế này. Ra mua cái vé tàu điện ngầm mà đi chợ... Bà lão yêu ơi, cho tôi ngủ thêm tí nữa thôi mà...?
 
Lèm bèm, năn nỉ đủ cách mà chả được, ông cũng đành dậy. Hai ông già bà cả đèo nhau trên cái xe đạp của thằng cháu. Thời buổi, động một tí là người ta đi tàu ngầm, ô tô cứ là phun xịt dủ thứ khói đen vào người khác. Hai ông bà đèo nhau trên xe đạp làm người đi bộ phải ngoái nhìn.
 
- Lát ông phải mua hoa tặng tôi đấy nhé.
 
- Ừ, mua cho bà mợt củ khoai ngay đây.
 
- Ơ, tôi bảo mua hoa cho tôi mà.
 
- Mua cho bà củ khoai để bà ngồi ăn, đỡ phải ngồi réo sau lưng tôi nữa.
 
Gió thổi dìu dịu theo những bánh xe quay. Tia nắng vàng chảy tràn những con phố thân thuộc. Cụ bà dựa vào lưng ông, tận hưởng cảm giác bình yên thư thái. Những kỷ niệm xưa ùa về trong tâm trí, mờ ảo nhưng vẫn thật lung linh ấm áp. Những lần đưa đón, hẹn hò, giận dỗi... Ông im lặng, có lẽ ông cũng đang nhớ lại thuở đẹp đẽ xưa kia. Hai ông bà ra chợ hoa, xong cũng chả mua gì. Ông thì không có hứng thú với hoa hoét, bà thì xem xem ngắm ngắm xong rồi cũng chả chọn hoa nào. Chợt ông bật cười:
 
- Cứ y như cách đây bốn chục năm ý nhỉ. Bà vẫn là cái đồ kiết xu như trước.
 
- Còn ông gạch ngói bốn mươi năm vẫn chẳng mòn.
 
Bà cười thật lớn. Nhưng thật sự bà đang cảm thấy rất mệt. Gần đây bà thường xuyên bị lả người và gầy đi rất nhiều. Chiếc lá vàng, chỉ chờ một cơn gió nhẹ để trở về với lòng đất... Hôm nay là sinh nhật ông vì thế mà bà "giở giời" như vậy. Ở cái tuổi răng đã lung lay cả hàm thế này nói đến chữ “sinh nhật” có vẻ không hợp, và ở tuổi này thì còn ai mà nhớ đến ngày sinh nữa đâu. Nhưng bà có một linh cảm, có lẽ đây là lần sinh nhật cuối cùng của ông mà còn có bà ở bên...
 
- Cho ông hôm nay qua nhà mấy ông hàng xóm mà đánh chắn đấy!
 
- Thật á? Bà hôm nay được ăn củ khoai xong nên tử tế hẳn ra đấy chứ nhỉ?
 
Cụ bà dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng những món ăn ông nhà thích nhất. Bà cũng ra hiệu bánh đặt một chiếc bánh ga-tô nho nhỏ. Cuối tuần, cả nhà đi vắng hết. Thế lại hay, bà muốn dành khoảng thời gian đặc biệt này với riêng mình ông. Đang chuẩn bị nốt nến để thắp bánh thì bà bỗng thấy tối sầm lại. Bà cố đi vào phòng, ra chiếc giường và nằm xuống nghỉ.
 
- Bà nó ơi, hôm nay tôi đánh thắng to nhé, các lão ấy bị tôi cho ăn hành tơi tả. Không có tiếng trả lời, dự cảm chẳng lành, ông chạy ngay vào phòng của hai người và thấy bà đang nằm đó. Trông rất yếu.
 
- Bà nó ơi, bà sao thế?
 
- Ông à... tôi mệt lắm... Ông ra chỗ bếp mang bánh sinh nhật và nến thắp vào đây cho tôi.
 
Lúc này ông mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình. Ông cảm thấy điều gì đó không ổn, nhưng ông không hỏi nữa và ra bếp lấy bánh vào.
 
- Giờ tôi mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật tôi đấy. Bà cầu kỳ thế này. Bà nó ơi, bà nó thấy mệt lắm à, để tôi gọi bác sỹ đến xem nhé. Bà mỉm cười.
 
- Ông ơi... Tôi thấy mình đã đến lúc lên thiên đường rồi.
 
- Bà nói gì thế, đừng nói nữa! Chỉ vớ vẩn.
 
Ông thấy sợ hãi khi nghe bà nói thế
 
- Ông để tôi nói... Tôi làm những món ông thích nhất... và có cả bánh gatôữa... Sinh nhật của ông lần cuối cùng mà tôi có thể ở bên... Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi có ông bầu bạn từng ấy năm...... Ông ở lại mạnh khỏe và chăm lo cho con cháu nhé...
 
Nước mắt lăn dài. Ông biết là ngày này sẽ đến nhưng ông vẫn cảm thấy không trụ vững nổi khi đối mặt với giây phút đó. Ông cầm tay bà, run rẩy, và ông nói trong nước mắt.
 
- Bà ơi, làm sao tôi có thể ở lại mà không có bà...
 
- Tôi muốn... nghe... điều ước... trong sinh nhật... của ông...
 
Ông nghẹn ngào tưởng chừng tim mình đang rời khỏi cơ thể để đi theo người vợ thân thương.
 
- Gặp bà và chung sống với bà là mọi điều ước của tôi đã thành hiện thực rồi. Nếu có ước tôi chỉ ước được gặp bà sớm hơn, bà ạ. Bà nở nụ cười cuối cùng và nhắm mắt.. Bà đã có một thiên đường ở trần thế này. Giờ chỉ là đi đến mộtn đường khác, và chờ ông ở đó…”
 
 
Thiên đường là như thế. Là, môi trường người người sống với nhau rất nhè nhẹ, thương yêu mà chẳng xâm phạm làm hại ai. Thiên đường ấy, đang ở đây, phút này, qua câu hát:
 
 
“Ainhư người yêu, màu áng mây chiều.
Ai hư người yêu, lạnh lùng cô liêu.
Ôay vì sao, mà em đến nơi này
Ôay vì sao, mà em nhớ hôm nay.
Vi trót yêu anh, áo vai gầy không nỡ để anh mùa xuân
mùa xuân nhớ mong..”
 
 
Thiên đường ở hạ giới, vẫn là “mùa xuân nhớ mong”. Thiên đường, là Nước Trời ở mọi người. Nhjững người vẫn văng vẳng nhớ và mong như lời thánh hiền từng căn dặn, như sau:
 
 
            “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi,
mỗi lần nhớ đến anh em.4
Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy,5
vì từ buổi đầu cho đến nay,
anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.6
Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em
một công việc tốt lành như thế,
cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành.
cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm.”
            (1 Phil 1: 3-6)
 
 
            Công việc mà thánh nhân dặn, không chỉ là rao giảng Tin Mừng Chúa vẫn nói. Mà, còn là rao giảng Tin rất Mừng vì người người nay đã yêu thương nhau. Yêu cả môi trường mình vẫn sống. Coi đó như sự san sẻ quà tặng Chúa gửi ban cho mình và cho người. Cho nhau. Suốt đời người.
 
 
            Trần Ngọc Mười Hai
            Quyết nguyện cầu
cho mình và cho người
            sẽ nhớ mãi lời dặn dò