Vua Không Ngai
VUA KHÔNG NGAI (CN XXXIV/TN-B)
Thời phong kiến, vua được trọng vọng ví như con rồng: Thân thể của vua đựơc gọi là mình rồng (“long thể”: 龍 體), mặt là mặt rồng (“long nhan”: 龍 顏), râu là râu rồng (“long tu”: 龍 鬚), nơi vua ở là điện rồng (“long điện”: 龍 殿), áo vua mặc là áo rồng (“long bào”: 龍 袍), ghế vua ngồi là ghế rồng (“long ỷ”: 龍 椅), giường vua nằm là giường rồng (“long sàng”: 龍 床), xe vua đi là xe rồng (“long xa”: 龍 車), đến khi vua chết thì phải tìm mạch rồng (“long mạch”: 龍 衇) mà táng xác và bắt cả nước phải để tang (quốc tang: 國 喪 ). Chưa hết, vì là rồng nên chỗ vua ngồi tại triều đình phải là một cái ghế được chạm khắc hình rồng và sơn son thếp vàng choáng lộn, gọi là ngai vàng (“bảo toạ”: 寶 座). Khiếp! Cái gì cũng rồng hết trơn, chỉ khác một điều, ấy là rồng thì phun nước, mà vua thì hét ra lửa, mửa ra khói.
Ôi chao! Viết về những ông vua thời phong kiến (thời vua làm chủ: “Quân chủ” 君 主 ) mà quên mất ngai vàng thì coi vua chẳng ra cái thể thống gì, coi chừng bay mất cái chỗ đội nón dễ như chơi. Vậy mà dám để cái tiêu đề VUA KHÔNG NGAI cho bài viết, kể cũng bạo gan thật! Thực ra, nói về “vua không ngai” thì ngày nay cũng nhiều lằm, nào là “vua dầu hoả”, “vua cờ bạc”, “vua phần mềm” (micro soft), rồi thì nữ hoàng nọ, bà chúa kia… ì xèo. Ấy là chưa kể những ông vua được gọi bằng cái tên khác như: Tổng thống, quốc trưởng, thủ tướng, chủ tịch nước… ngày nay không còn xài cái ghế sơn son thếp vàng (ngai vàng). Tuy nhiên, nếu hiểu ngai vàng là sự nghiệp vật chất đồ sộ, hoành tráng, thì những ông “vua không ngai” ngày nay có khi còn bảnh hơn những ông vua có ngai thời xưa rất nhiều!
Dông dài đôi điều về những ông vua, bà chúa… cổ kim cho vui và có cái cớ (cause) để dẫn nhập. Nay xin nghiêm chỉnh vào đề: Vâng, ông VUA KHÔNG NGAI mà bài viết này đề cập đến đúng là một vị vua không có ngai vàng (hiểu theo cả 2 nghĩa nêu trên: không có cái ghế rồng mạ vàng, cũng chẳng có một gia tài vật chất kếch sù). Đó chính là một người xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, ở một làng quê nghèo và hẻo lánh; là con của một ông thợ mộc trầm lặng và một bà nội trợ hiền lành; ăn mặc thì xuềnh xoàng, tụ họp môn đệ (kiểu như họp triều đình) để giảng dạy khi thì trên một bãi cỏ, lúc thì ven đường đi, bên bờ giếng, trên triền núi, nếu có tụ họp trong nhà thì lại là nhà của một bệnh nhân hay một người nghèo kiết xác; di chuyển thì đa phần là lội bộ hơn là cưỡi ngựa hoặc đi xe, đến khi chết thì bị nhục hình chết treo trên thập giá như một tội nhân và được môn đệ táng trong hang đá. Thế đấy! Như vậy mà gọi được là vua sao? Chuyện khó tin nhưng lại có thật 100%: Vị vua không ngai ấy chẳng ai khác hơn là Vua Giê-su Ki-tô vậy.
Hoá cho nên, nếu chỉ căn cứ vào bộ vó bên ngoài thì không thể đánh giá đúng chất lượng được. “Xanh vỏ đỏ lòng”, “Tốt mã dẻ cùi”, cũng là lẽ thường tình thế sự. Thực ra, cũng không phải tất cả những ông vua phong kiến (kể cả những ông vua hiện đại) đều xấu xa, đáng lên án. Cũng có nhiều những ông vua thương dân như con, biết “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của mọi người” (“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc: 先 天 下 之 憂 而 憂 , 後 天 下 之 樂 而 樂 ” – Khổng Tử – “Luận Ngữ”), rất xứng đáng là những bậc minh quân trị vì dân nước. Với Đức Giê-su thì chính vì Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật (điều này không phải chỉ do Người tự xưng – đến nỗi đã bị nhóm Pha-ri-sêu cho là phạm thượng – mà còn được chính Thiên Chúa Cha phán bảo khi Người chịu phép rửa trên sông Gio-đan, khi Người biến hình trên núi, đồng thời Chúa Thánh Thần còn linh hứng, mạc khải cho các Thánh sử, các vị tiên tri, ngôn sứ nữa). Người đã sinh ra tại một địa điểm, trong một thời điểm lịch sử cố định. Ngày sinh của Người đã được cả thế giới chọn làm ngày mở đầu cho bộ lịch Công nguyên, là cái mốc để tình ngược thời gian về quá khứ (thời thượng cổ, thời tối cố); đồng thời vươn tới tương lai cho đến thiên thu vạn đại.
Đức Giê-su Ki-tô chính là “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình” (Cl 1, 15-16). Người là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ, muôn loài, như vậy Người là chủ muôn loài, chủ vũ trụ (Vua vũ trụ) cũng là lẽ đương nhiên. Đó là xét về mặt danh nghĩa, nhưng còn mặt thực chất của vấn đề, và cũng là điều quan trọng nhất, ấy là Người đã vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Không cần nói đến những phép lạ, những linh hứng, mạc khải, mà chỉ cần suy niệm vào chính cuộc đời trần thế của Người (từ cách sống, cách giảng dạy, cách chữa trị bệnh nhân, đến chính việc hy sinh cả tính mạng mình vì yêu thương loài người tội lỗi), cũng đủ để xác tín Người chính là Vua – VUA TÌNH YÊU. Và chính điều này một lần nữa khẳng định Đức Giê-su Ki-tô thật sự là Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa, Người chính là VUA VŨ TRỤ vậy.
Ngày 11/12/1925, Đức Giáo hoàng Pi-ô XI thiết lập lễ kính trọng thể CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA, với lời nhắc nhở cộng đồng dân Chúa rằng: Chúa Giê-su Ki-tô, Con của Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, chính Người là Vua vũ trụ, Vua muôn loài. Người không những là Vua của từng cá nhân, từng gia đình mà còn là Vua của tất cả mọi loài, mọi người, mọi dân tộc, là Vua trên hết các vua ở trần gian này. Vương quyền của Người chi phối toàn thể vũ trụ, mặc dù vương quyền ấy là linh thiêng, vĩnh cửu, không lệ thuộc vào không gian, thời gian hữu hạn, không thuộc về thế gian (“Đức Giê-su trả lời: ‘Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái.
Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này’. Ông Phi-la-tô liền hỏi: ‘Vậy ông là vua sao?’ Đức Giê-su đáp: ‘Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi’ .” – Ga 18, 36-37). Lịch sử cứu độ đã khẳng định Đức Giê-su Ki-tô là Vua không theo nghĩa chính trị hẹp hòi của trần thế, với những ưu thế tuyệt đỉnh về vật chất trong một quốc gia, như những vua chúa gian trần. Sau đó, tại CĐ Va-ti-ca-nô II, khi canh tân Phụng vụ, Giáo Hội đưa thêm vào một ý nghĩa mới: “ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ” (Giáo Hội thừa nhận đặc tính vũ trụ và cánh chung được thể hiện cụ thể và đầy đủ nhất nơi mầu nhiệm Giê-su Ki-tô, vì thế nên Lễ này được đặt vào đúng vị trí của nó: Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, thay vì như trước đó, Đức Pi-ô XI để vào CN trước ngày Lễ Các Thánh 01/11).
Không bút mực nào có thể kể hoặc ghi lại cho hết được những điều mà Đức Vua Giê-su đã nói, đã dạy và đã làm, thật đúng như lời Gio-an Thánh sử: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21, 24-25). Rõ ràng Vua Giê-su là một vị Vua không ngai, nhưng Vương quốc của Người được xây dựng và hoàn thành trong sự chết và phục sinh để cứu độ nhân loại. Vương quốc của Người bao trùm lên tất cả muôn loài (“cả trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ”). Vương quốc của Người chính là Vương Quốc Tình Yêu vậy.
Ôi ! Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Vua Tình Yêu – Vua Vũ Trụ! Xin cho con được khắc ghi trong tâm khảm lời dạy của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê: "Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su: "Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2, 5-11).
“Ôi Giê-su! Chúa Giê-su là Vua (Chúa muôn thủa là Chúa), Chúa muôn thủa là Vua (muôn vua). Ôi Giê-su! Khi nghe tên thánh Chúa Giê-su, các tầng trời bừng sáng, các tà thần chạy trốn, khắp trái đất khiếp run. Ôi Giê-su! Nơi thiên cung tiếng hát vang hô, nơi dương gian uốn gối lạy thờ, thờ lạy Chúa Giê-su, Người là Chúa các Chúa. Ôi Giê-su! Chúa Giê-su là Vua (Chúa muôn thủa là Chúa), Chúa muôn thủa là Vua (muôn vua)” (“Chúa Giê-su là Vua” – TCCĐ). Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Ki-tô là Người Con mà Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.” (Lời nguyện Nhập lễ, lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: