Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngàn tiếng tơ ngàn ý thơ

 
 
Chuyện phiếm đọc trong tuần Thứ Nhất Mùa Vọng năm C 2.12.2012
 
 
“Ngàn tiếng tơ ngàn ý thơ ”
“Hoà gió xa tình thiết tha
giờ đây trăng say mơ tràn lan khắp nơi…”
(Vũ Thành – Gửi Áng Mây Hàng)
 
(1Tm 4: 1-3)
 
            Lời nhắn gửi, hôm nay vẫn cứ vậy, như “Áng Mây”. Gửi, là gửi đến mọi người, ở mọi nơi. Gửi, một lời nhắn đến “Mây Hàng”, có tiếng tơ. Ngàn ý thơ. Rất mơ. Gửi mọi người, ở mọi thời. Rất mọi nơi.
 
            Một lần nữa, lời nhắn ấy, hôm nay bần đạo nhận được từ nhóm nguời xa lạ, không quen nhưng vẫn nhận. Số là, vừa rồi trong lúc bần đạo đi thông và dịch cho bạn đạo/bạn đời mới từ Việt Nam sang chân ướt chân ráo, ngỡ ngàng với tiếng Anh tiếng Em kiểu Úc Đại Lợi, lại nhặt được “lời nhắn” của anh em giáo hội Tin Lành bên ấy, rất như sau:
 
“Nhiều bậc giảng viên hôm nay lại từ chối không nói về các khiếm khuyết với ngã gục nơi con người. Nhiều người ở một số nơi, nay không còn được nhắn rằng; họ là kẻ tội lỗi đầy mình trước mặt Đức Chúa Trời rất hiển thánh. Khi xưa, các tổ phụ của ta có thói quen không ngừng nhấn mạnh điều này để người nghe còn biết mà hối cải. 
 
Trong số các bậc thày giảng như thế, có Đấng rời trường lớp đã lâu, nay vẫn giảng to lại rõ hơn bao giờ. Ngài không là đấng bậc thầy giảng tầm thường, vì thế giới này là xứ sở của Ngài. Và Ngài đi đó đây ở cõi địa cầu có bầu trời sáng chói hiển vinh để nói với mọi người bằng ngôn ngữ riêng mỗi sắc tộc. Ngài thường thăm viếng kẻ nghèo/người hèn, và kêu gọi người giàu hãy cho đi. Ngài giảng rao cho người của hội thánh cũng như các kẻ bất đồng với thánh hội. Ngài giảng cho cả và thế giới mọi dân nước, thuộc mọi đạo hoặc không ở trong đạo nào hết. Giảng điều gì, Ngài cũng tập trung nhấn mạnh vào bản chất của lời dạy vẫn giống nhau… Lời giảng ấy tóm gọn một điều như sau: dù bạn là kẻ tội lỗi gớm ghiếc, cũng đừng thất vọng. Hãy cứ tin. Tin vào Ngài, sẽ sống. Không có gì phải sợ. Dù, cái chết gần kề. Dù, có người đe doạ, khích bác. Bởi quà Ngài ban cho mọi người là sự sống vĩnh hằng, qua Đức Giêsu Christ Chúa chúng ta, như thánh Phaolô nói trong thư gửi tín đồ La Mã khi xưa. Như, thánh John còn ghi ở Tin Mừng Lời Chúa nói ở đoạn 5 câu 24, như sau: “Quả thật, quả thật! Tôi bảo các ông những ngươi nghe Tôi và Tin vào Đấng đã sai Tôi, thì sẽ có sự sống đời đời và khỏi đến toà phán xét, nhưng ngang qua sự chết mà vào sự sống.”
 
Đúng thế. Niềm tin sẽ cứu vớt ta khỏi chết để sống muôn đời….” (trích dịch từ C. A. Coates, Gospel Publication, PO Box 432 Hastings, New Zealand).
 
            Là dân con Đạo Chúa, dù Tin Lành hay Công giáo, những dân con của Đấng từng giảng rao cho mọi người chứ không chỉ mỗi người Do thái, nên vấn đề là: người nghe khi ấy và bây giờ hiện đang tin vào ai? Tin gì? Tin thế nào? Có đưa niềm tin vào sự sống những điều mình nghe biết không?
 
Trước khi trả lời cho câu hỏi trên, tưởng cũng nên mời bạn/mời tôi, ta nghe thêm truyện kể, để cho dễ. Dễ hiểu. Dễ nghe. Và dễ tin, hầu làm theo lời dạy của Đấng từng khuyên dạy những điều để ta tin. Truyện, là truyện được kể rất dễ, như sau:
 
                        “Vợ chồng nọ đã gần đất xa trời rồi mà vẫn dẫn nhau ra toà, xin ly dị.
 
                        Quan toà thấy thế bèn hỏi:
 
                        -Hai ông bà nay già rồi, sao không sống với nhau cho có bạn mà còn ly dị?
 
                        Bà vợ trả lời:
 
-Thưa toà. Tôi không thể sống với ông ấy được thêm một ngày, vì có lần ông ấy dám nói với tôi rằng: tôi giống như con khỉ già. Toà nghe ông ấy nói có hỗn xược không? Có đáng để tôi ly dị không?
Quan toà cố nhịn cười, rồi hỏi:
 
-Thế câu chuyện xảy ra bao lâu rồi?
 
-Thưa, hơn 20 năm qua.
 
Quan toà lấy làm lạ bèn hỏi tiếp:
 
-Hơn 20 năm, mà sao bây giờ mới đưa nhau ra toà?
 
-Thưa. Khi còn ở Việt Nam tối ngày tôi chỉ lo bếp núc, không được đi đây đó. Ra nước ngoài, tôi được cháu nội dẫn đi xem sở thú, mới biết mặt con khỉ già nó như thế nào? Đấy tòa coi!
 
Quan toà, vẫn chưa tin, bèn cứ hỏi:
 
-Thế bà có tin chuyện ông ấy nói, là đúng sự thật trăm phần trăm không?
 
-Dạ không?
 
-Nếu không tin, sao lại sợ? Sợ mà làm cái con khỉ gió đó? Ai có tuổi cũng đều như thế hết! Tin hay không tin, cũng thế thôi...”
 
 
            Vâng. Tin hay không, vẫn thành chuyện. Chuyện, mà quan toà dẫn giải đây, không để lãi bà phía “bên đương” cố thuyết phục để “các quan” tin bà chỉ tố cáo đòi ly dị là chuyện thật, rất nên tin. Thôi thì, tin hay không chuyện trời đất này toàn những khỉ là khỉ hoặc chỉ đám “khỉ/vượn” như bần đạo đây, lại cũng hãy cùng nhau ta hát đôi câu để thư giãn, trước khi bàn tiếp chuyện đứng đắn, đáng tin như sau:
 
 
                        “Hồn ngất ngây, nhạc đắm say
                        Tình cố hương, chợt vấn vương
Niềm thương nơi tâm tư chợt vương phím loan u hoài…”
(Vũ Thành – bđd)
 
 
            Nói kiểu nhà đạo, thì “hồn ngất ngây, nhạc đắm say” hay không, cũng tuỳ mình có tin hay không cuộc đời này. Có tin không, vào lời người từng nói và diễn tả tư tưởng của mình, của người về mọi chuyện.
 
            Hôm nay đây, ở xứ miền ngoài nước rất “miệt dưới” Úc châu này, lại có bạn đạo thắc mắc nhiều về chuyện tin hay không những chuyện đại loại như: tại sao Hội thánh cứ lập ra những là “Năm thánh rất Đức tin” mà chẳng ai lưu tâm gì ý nghĩa cũng như quyết tâm thực hiện niềm tin ấy cho phải phép. Thắc mắc rồi, lại đi thỉnh ý đấng bậc để thêm “phản cảm” như sau:
 
“Đọc Tông thư Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 viết có tựa để “Cánh Cửa Lòng Tin”, qua đó ngài loan báo thành lập “Năm thánh đức tin cho năm 2012, tôi định ra được 3 lãnh vực để biết chắc rằng Đức Thánh Cha muốn toàn thể Giáo hội ta lớn mạnh trong năm này. Tức là: càng hiểu thấu đáo về niềm tin, sống đức tin tràn đầy và quyết tâm san sẻ đức tin với người khác cho sâu cho rộng.
 
Ở đầu thư, Đức Giáo Hoàng khích lệ mọi người học hỏi Giáo lý Hội thánh Công giáo cho sâu sắc. Ngài có nói: “Năm thánh Đức tin, bà con ta phải có cố gắng khám phá ra lần nữa và nghiên cứu học hỏi nội dung nền tảng đức tin ta lãnh hội ra tổng hợp hệ thống Giáo lý Hội thánh Công giáo.” trích Tông thư Cánh Cửa Lòng Tin, đoạn 11)
 
Về chuyện này, có nhiều cách để ta đi vào hiện thực. Đơn giản hơn cả, chỉ cần quyết tâm mỗi ngày đọc ít đoạn sách Giáo lý, coi đó như đọc sách tu đức. Giáo lý Hội thánh Công giáo, là bản tóm tắt tuyệt vời về giáo huấn của Hội thánh, nên ta phải làm quen với ngôn từ cùng nội dung của sách.
 
Cũng thế, ta có thể lập thành nhóm để nghiên cứu Giáo lý hoặc bản tóm tắt của Sách, một cách đều đặn. Việc này có thể thực hiện tại nhà hoặc ở giáo xứ. Để đạt được mục tiêu, các nhóm này khác đều có thể tập trung vào 4 chủ đề nhằm quảng diễn Giáo lý do một số Trung tâm Giáo dục Tráng niên Công giáo của địa phận thành lập, như ở Sydney. Các chủ đề, xoay quanh Kinh Tin Kính, các phép Bí tích, đời sống luân lý/đạo đức trong Đức Kitô và việc nguyện cầu của tín hữu.
 
Năm thánh Đức tin còn tập trung vào việc sống thực niềm tin cách trọn vẹn, như ta có thể phấn đấu mà thực thi cách đều đặn việc nguyện cầu bằng suy gẫm, lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh sáng tối, Kinh Truyền tin, chuỗi Lòng Chúa Xót thương, vv.. Thêm vào đó, ta còn cải thiện kinh cầu nguyện cho có chất lượng. Theo cách này, ta chuyện vãn với Chúa và tỏ lòng mến yêu Ngài, thì niềm tin của ta sẽ tăng trưởng và như thế, sẽ tạo ảnh hưởng tốt đẹp hơn cho cuộc sống của ta.
 
Cũng thế, ta có thể luyện tập niềm tin của ta bằng cách liên tục nguyện cầu cho các ý chỉ của mình, đặc biệt là cầu cho mình thành công đạt ý nguyện về sức khoẻ, tương quan với mọi người, cầu cho hôn nhân và công ăn việc làm ta quyết chí… Chúa muốn ta làm thế khi Ngài phán dạy: “Hãy xin, thì sẽ mở. Hãy tìm sẽ thấy.” (Mt 7: 7)
 
Quan trọng hơn, ta có thể củng cố niềm tin bằng việc tham dự thánh lễ thường xuyên hơn. Rước Chúa đều đặn hơn. Và, tham gia chầu Thánh Thể cho sốt sắng. Và trong năm này, cũng nên cố gắng san sẻ niềm tin . San sẻ giá trị đạo đức và lý tưởng của ta với mọi người. Cách riêng, có đem về Hội thánh ít là một người để họ cũng tin như ta.
Như Đức Giáo Hoàng Bêneđíchtô 16 có nói: “Đức tin của ta sẽ lớn mạnh, nếu ta biết sống mà cảm nghiệm tình yêu ta nhận lãnh và cả khi ta san sẻ với mọi người kinh nghiệm về ân huệ và niềm vui.” (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 21/10/12 tr. 10)
 
 
            Những điều được đấng bậc vị vọng ở Sydney diễn giải cùng đề nghị như kiểu trên, chừng như bạn đọc và cả những bạn không đọc nhưng vẫn được nghe bài chia sẻ, đều thấy quen. Quen và biết, như vẫn nhớ lời đấng bậc từng giảng và dạy ở các bài chia sẻ ngày của Chúa. Vấn đề còn lại là hỏi rằng: người mình lâu nay vẫn thực hiện thói quen tốt lành 4 điều tiên quyết ở trên, rất đều đặn, như thế có được gọi là đức tin của mình được củng cố chứ?
 
            Trường hợp có vị vẫn làm những việc nói ở trên, cách thường xuyên, có được gọi là Vững tin không? Tin ở đây, có nên kèm thêm chứ yêu thương, san sẻ, giùm giúp chứ? Hoặc, những tin và tin, chỉ là bo bo lo cho mỗi mình mình, để được vỗ béo linh hồn cho được rỗi hầu mau chóng về cõi thiên đường rất vinh hạnh?:
 
            Đi vào thực tế, lại có lời hỏi: các giáo phận ở khắp nơi, có nơi nào tổ chức được các Trung tâm Giáo dục Tráng niên Công giáo, như ở Sydney chăng? Trả lời cách thực tiễn, có lẽ cũng đừng nên tìm xem Trung tâm này khác có kế hoạch ra sao để giúp giáo dân trong địa phận củng cố đức tin của mình chăng? Ở đây, bần đạo lại cũng xin mời bạn mời tôi, ta tìm hiểu thêm hoạt động của Trung tâm Giáo dục Tráng niên Công giáo như ở Sydney, xem sao:
 
“Ngày 11/10/2012, Đức Bênêđíchtô 16 có ra một Tông thư với nhan đề là “Cánh Cửa Lòng Tin” trong đó ngài thông báo sẽ định ra một Năm Thánh Đức Tin bắt đầu từ 11/10/12 để kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vatican 2 và 20 năm ngày phát hành cuốn Giáo lý Hội thánh Công giáo. Chủ đích của ngài đặt ra Năm Thánh là muốn nhắm đến và thôi thúc Giáo hội đi vào thời điểm có suy tư lặng lẽ và khám phá thêm lần nữa niềm tin đi Đạo, của chúng ta.
 
Khi loan báo như thế, Đức Giáo Hoáng lại đã kêu mời mỗi người và mọi người Công giáo cứ khám phá thêm nội dung nềm tin mình tuyên hứa với các việc cử hành mừng kính rất long trọng, cũng như nguyện cầu và sống thực. Ngài kêu mời tất cả mọi người hãy tự mình thực hiện những việc như thế suốt năm thánh này.
 
Việc như thế, rất cần thiết để sống cho năng động và mở rộng niềm tin Công giáo qua việc giảng rao Tin Mừng theo cung cách thật rất mới. Giảng rao Tin Mừng là công tác mà mọi người Công giáo, kể cả giáo dân nên đảm trách chứ không chỉ mỗi Giám mục hoặc hàng giáo sĩ thôi.
 
Cũng theo chiều hướng đó, nay là cơ hội thuận tiện để ta ghi danh một hay nhiều đề tài do Trung Tâm Giáo dục Tráng Niên Công Giáo đề ra. Đây là một bộ phận chuyên hoạt động mục vụ do Tổng giáo phận Sydney đảm trách. Dựa trên căn bản nằm ở sách Giáo lý Hội thánh Công giáo và đi sâu vào Sách thánh cũng như Thánh truyền, Trung tâm sẽ trang bị cho người tham gia học hỏi các thiết bị để sống niềm tin, rồi sẽ san sẻ và đào sâu tương quan với Chúa.
 
Đề tài học hỏi, có thể do người tham gia chọn hoặc như một chứng chỉ của Trung tâm chuyên mục về Giáo dục đức tin, công cuộc thừa tác giới trẻ, khai tâm học Đạo căn bản và cao đẳng hoặc các chứng chỉ có tầm vóc cao hơn, như chuyên về Kinh thánh hoặc đời sống Kitô-hữu. Mọi địa hạt niềm tin đều đề cập đến, kể các Kinh thánh, Lịch sử Đạo, đời sống tín hữu, Thần học, triết lý, Tu đức và Rao giảng Tin Mừng.
 
Ngoài chương trình giảng dạy như thế, Trung Tâm này còn được hỗ trợ cả một thư viện đầy những sách và CDs, DVDs. Ngoài ra, nhà sách Mustard Seed Bookshop cũng ở ngay bên cạnh. Nên, người tham gia sẽ có đủ điều kiện để tham khảo…” (xem Year of Faith: Opportunity to Rediscover Content of Faith, The Catholic Weekly 22/10/2012, tr. 9)
 
 
            Cho đến bây giờ, chắc bạn và tôi,  ta cứ ngỡ rằng hệ cấp thần quyền đang quan ngại nhiều về tình trạng lơ là/lơi lỏng về niềm tin của giáo dân mình. Cuối cùng thì, vấn đề bức thiết nhất cho mọi người trong Đạo không chỉ là củng cố niềm tin về mặt tri thức thôi. Nhưng, còn là thể hiện ra sao để chứng tỏ mình đã tin và đang còn tin vào Chúa sống lại vì yêu thương mọi người. Chứ, không chỉ những người từng dấn bước đi theo Ngài , mà thôi.
 
            Nói tóm lại, có lẽ cũng nên đi vào thực tế có những truyện kể để bạn và tôi, ta cứ nhớ mãi mà trở về với đời sống tin-yêu cũng rất thực, để hỗ trợ. Quyết thế rồi, ta lại hiên ngang vào vườn thơ/nhạc đầy truyện kể, để thư giãn, rằng:
 
Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.          
                
Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim...
 
Chàng trai ngạc nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh khác nhau. Mọi người bắt đầu bàn tán và tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão.
 
Chàng trai thắc mắc:
 
- Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao cụ lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?                 
 
Ông cụ mỉm cười rồi nói:
 
- Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thực sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người tình cờ mà tôi gặp được... thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất... Những mảnh tim ấy đã ghép vào nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc trái tim tôi nhớ về những người mà tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời...
 
Ông lão nói tiếp:
 
- Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi mà chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn đấy.
 
Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang trào dâng trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.
 
Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời – mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn.
 
“Đôi lúc trái tim cũng cần phải biết buồn đau, biết khóc để cảm nhận được giá trị của sự yêu thương; và biết cho đi để cảm nhận niềm vui, hạnh phúc của sự chia sẻ...” (theo The Real Heart)
 
 
            Trái tim còn biết “buồn đau, khóc lóc để cảm nhận giá trị của yêu thương. Đó cũng là cung cách để bạn và tôi, ta cũng cảm nhận về niềm tin rất thương yêu. Cảm nhận ấy, cũng là ý tưởng mà bậc thánh hiền từng nhắn và gửi hết mọi người qua đoề đệ mình là Timôthê, như sau:
 
 
                        “Thần khí phán rõ ràng:
vào những thời cuối cùng,
một số người sẽ bỏ đức tin
mà theo những thần khí lừa dối
và những giáo huấn của ma quỷ;
đó là vì trò giả hình của những tên nói dối
mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung.”
(1Tim 4: 1-3)
 
 
            Lời nhắn gửi, hôm nay càng súc tích, gẫy gọn khi Hội thánh toàn cầu đang mừng kính. Mừng và mừng Năm thánh rất sốt sắng. Kính và mừng, là kính mừng Chúa rất uy nghiêm cao cả, lòng người vẫn tin và vẫn nhớ. Thế đó, là tâm tình và ý tưởng cần nhắn gửi để suy tư.
 
            Nhắn và gửi rồi, ta lại cứ hát ca những tâm tình đầy ý tứ, ý nhị, như hôm trước:
 
Ngàn tiếng tơ ngàn ý thơ ”
Hoà gió xa tình thiết tha
giờ đây trăng say mơ
tràn lan khắp nơi…”
 
 
Tràn khắp nơi, là tràn những tình tự rất tin và cũng yêu như bao giờ.
 
 
Trần Ngọc Mười Hai
 
Nhắn và gửi không phải cho người,
mà cho mình, tức bạn và tôi
ở Giáo hội.