Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cảm thông chia sẻ để đón mừng Chúa đến

Tác giả: 
Lm Đan Vinh

 

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

 

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG C

Xp 3,14-18a ; Pl 4,4-7 ; Lc 3,10-18

 

CẢM THÔNG CHIA SẺ ĐỂ ĐÓN MỪNG CHÚA ĐẾN

 

I HỌC LỜI CHÚA

 

1. TIN MỪNG: Lc 3,10-18

 

(10) Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (11) Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có. Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. (12) Cũng có những người thu thuế đến chịu phép Rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” (13) Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”. (14) Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”.(15) Hồi đó, dân đang trông ngóng và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gio-an: Biết đâu ông chẳng là Đấng Mê-si-a! (16) Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước. Nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến. Tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và Lửa. (17) Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân:

Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào Lửa không hề tắt mà đốt đi”. (18) Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin mừng cho họ.

 

2. Ý CHÍNH: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?

 

Bài Tin mừng hôm nay gồm có 3 câu trả lời cho ba hạng người về những việc họ phải làm để sám hối: dân chúng phải chia sẻ cơm áo cho người nghèo, người thu thuế phải ăn ở công bình và binh lính phải biết tôn trọng tha nhân. Gio-an cho biết phép rửa bằng nước của ông chỉ là một phương thế chuẩn bị lòng trí dân chúng để họ được lãnh phép rửa mới trong Thánh Thần và Lửa, do Đấng Thiên Sai sắp đến thực hiện, mà ông không đáng làm nô lệ cho Người. Người sẽ xét xử để thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ vào ngày tận thế.

 

3. CHÚ THÍCH:

 

- C 10-11: + “Ai có hai áo thì chia cho người không có”...: Chia sẻ cơm áo vật chất cụ thể là một yêu cầu tối thiểu mà dân chúng phải làm để biểu lộ lòng sám hối.              

 

- C 12-14: + Những người thu thế: Bọn người này thường bị dân chúng khinh thường thù ghét, vì họ đã cộng tác thu thuế cho người Rô-ma. Rồi khi làm việc này, họ còn sách nhiễu dân chúng. Họ bị dân chúng liệt vào loại người tội lỗi công khai (x. Lc 5,30). Gio-an khuyên họ phải tránh bóc lột kẻ khác bất công và không được tham lam thu quá mức thuế quy định. + Binh lính: Đây chắc không phải là binh lính Rô-ma vốn chỉ ở trong đồn binh, chứ không đi trà trộn với đám đông dân chúng. Đây cũng không phải lính Do thái, vì ngừơi Rô-ma cấm nước bị chiếm đóng tổ chức quân đội. Có lẽ đây là dân quân tự vệ thường đi theo bảo vệ người thu thuế. Họ là những người vừa có sức mạnh lại vừa có khí giới, nên thường hiếp đáp kẻ yếu, nên bị dân chúng căm ghét giống như bọn thu thuế tội lỗi. Khi gọi bọn người này là binh lính, có lẽ Lu-ca muốn nói lên tính phổ quát của lời rao giảng của Gioan Tiền Sứ. Tuy không buộc họ phải đổi nghề, nhưng ông khuyên họ phải giữ công bình, tránh cáo gian bách hại người vô tội và hãy bằng lòng với đồng lương của mình.

 

- C 15-16: + Đấng Mê-si-a: Chữ Hy lạp Chris-tos có nghĩa là “Người được xức dầu”, tương đương với chữ Mê-si-a trong tiếng Do thái (nghĩa là Đấng Thiên Sai). Ở đây tác giả Tin mừng dùng từ Mê-si-a vì ông viết Tin Mừng cho người Do thái theo đạo Công giáo. Tuy nhiên dân Do thái khi ấy lại hiểu từ Mê-si-a theo nghĩa ái quốc cực đoan. Họ mong chờ Đấng Thiên Sai đến lãnh đạo dân chống lại ách thống trị của ngoại bang (x Lc 23,2). + Cởi quai dép: Đây là hành vi phục vụ dành cho nô lệ ngoại quốc. Người Do thái không có quyền đòi người giúp việc Do thái làm điều này, vì họ là“dòng dõi tổ phụ Áp-ra-ham”, và thuộc dân được Chúa chọn (x. Ga 8,33).

 

- C 17-18: + Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: Gio-an mô tả Đấng Mê-si-a như một vị Thẩm Phán của ngày tận thế: Đấng Thẩm Phán sẽ đến tách biệt người lành ra khỏi kẻ dữ, giống như chủ ruộng tách lúa thóc khỏi rơm rạ. + Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm...: Sau khi đập lúa trước gió, hạt thóc nặng hơn sẽ rơi xuống thúng và được cất vào kho, còn rơm rạ nhẹ hơn sẽ bay ra ngòai thúng và sẽ bị thu gom thiêu đốt trong lửa (x Gr 15,7). Cũng vậy, trong ngày thẩm phán, kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa, còn kẻ ác làm tay sai cho ma quỷ sẽ bị phạt trong lửa không hề tắt là hỏa ngục muôn đời (x. Is 66,24; Mc 9,43.48).

 

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao người thu thuế và binh lính lại bị dân chúng khinh khi thù ghét? 2) Dân Do thái thời Đức Giê-su trông mong Đấng Mê-si-a đến để làm gì? 3) Gio-an đã khuyên đám đông dân chúng, những người thu thuế và binh lính phải sám hối cụ thể thế nào để chuẩn bị đón Đấng Mê-si-a sắp đến? 4) Gio-an cho biết sứ mệnh của Đấng Mê-si-a ra sao?

 

II SỐNG LỜI CHÚA

 

1. LỜI CHÚA: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có. Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11).

 

2. CÂU CHUYỆN:

 

Một hôm có một thương gia vào một quán ăn bên đường để dùng bữa trưa. Khi ngồi xuống chiếc bàn còn trống thì phát hiện một bé gái độ 12 tuổi, áo quần cũ rách đang đứng ngoài cửa sổ nhìn vào bàn ăn và ngửa tay ra xin bố thí. Thấy mặt cô bé tái xanh và tay chân run rẩy vì đói, ông thương gia động lòng thương. Ông tiến lại gần bên cầm lấy tay cô bé, rồi mời cô cùng vào ngồi ăn chung bàn với mình. Nhưng thật bất ngờ: cô bé cương quyết từ chối. Gặng hỏi mãi em mới nói lí nhí như sau: “Thưa ông, cháu cám ơn ông đã tôn trọng cho cháu được ngồi ăn chung bàn với ông. Nhưng làm sao cháu có thể ăn được đang khi thằng em của cháu cũng đang đói và đang đứng kia!” Nhìn theo tay em chỉ, ông thương gia thấy một bé trai thân hình gầy gò ốm yếu, quần áo lôi thôi nhơ bẩn, đang đứng bên cửa sổ đối diện và cặp mắt đang nhìn cách thèm thuồng vào bàn đầy thức ăn ngon lành trong quán. Chung quanh bàn ăn là năm thanh niên nam nữ đang ngồi ăn uống thoải mái nói cười vui vẻ, không ai thèm để ý đến cậu bé đói khát đang đứng ngay bên.

 

3. SUY NIỆM:

 

1) SỨ MỆNH DỌN ĐƯỜNG CỦA GIO-AN:

 

Dân chúng nghĩ Gio-an là Đấng Mê-si-a, nhưng chính ông lại phủ nhận và khẳng định mình không phải Đấng Mê-si-a nhưng chỉ là kẻ đi trước dọn đường cho Người. Ông tiên báo về Đấng đến sau nhưng lại có trước ông, cao cả hơn ông và ông không đáng hầu hạ Người. Đấng ấy sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa. Người sẽ xét xử mọi người, giống như người nông dân sàng sảy sân lúa sau mùa gặt: Lúa tốt thì chất vào kho, còn trấu rơm thì thiêu cháy trong lò lửa không hề tắt (x Mt 3,11-12). Khi Đức Giê-su xuất hiện, Gio-an đã làm phép rửa cho Người và nhận ra Người chính là Đấng Thiên Sai. Ông đã giới thiệu Đức Giê-su cho các môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian… Tôi đã thấy, nên xin chứng nhận rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,29.34). Ông khiêm tốn đề cao Đức Giê-su khi nói: “Người cần phải lốn lên, còn tôi phải lu mờ đi”. Đây phải là thái độ của các tín hữu chúing ta trong Mùa Vọng này. Chúng ta cũng phải trở thành tiền hô dọn đường giúp đồng bào Việt Nam tin nhận Chúa Giẹ-su để được hưởng ơn cứu độ của Người..

 

2) SỐNG TINH THẦN SÁM HỐI HÓAN CẢI TRONG MÙA VỌNG:

 

Khung cảnh bờ sông Gio-đan, nơi Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ vụ: Người ta từ khắp các nơi kéo đến nghe ông giảng và sau đó chịu phép rửa do ông thực hiện dưới dòng sông. Ngoài dân chúng ra, có cả những người thu thuế và binh lính. Qua đó cho thấy hết mọi thành phần xã hội đều được Chúa mời gọi sám hối để được hưởng ơn cứu độ.

 

Trong những ngày Mùa Vọng này Hội Thánh cũng mời gọi chúng ta hãy hồi tâm sám hối. Sám hối không những bằng việc tham dự các buổi tĩnh tâm và dọn mình xưng tôi, mà quan trọng hơn là quyết tâm thay đổi đời sống bằng việc lắng nghe Lời Chúa dưới ơn soi sáng của Thánh Thần. Cần tránh theo ý riêng do ma quỷ cám dỗ hoặc theo thói gian tà của thế gian, nhưng biết noi theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su được thánh Gio-an kêu gọi như sau:

 

+ “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”: Áo mặc và của ăn ở đây có thể là một số tiền ủng hộ cho việc “Làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”, là tổ chức quyên góp để thăm viếng chia sẻ cơm bánh cho những người nghèo khó, săn sóc những ai đau liệt, là lắng nghe và đồng cảm, ủi an những người gặp thất bại đau khổ trong cuộc sống. Câu nói của cô bé nghèo trong câu chuyện trên : “Làm sao cháu có thể ngồi ăn chung với ông được, đang khi còn thằng em của cháu cũng đang bị đói và đang đứng kia!”, là lời nhắc nhở chúng ta xét mình và thành tâm thực hành bác ái trong những ngày này

 

+ “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”: Cần giữ sự công bình về tiền bạc vật chất như: tránh lường gạt người khác, không làm hàng gian hàng giả, nhưng hãy buôn ngay bán thật.Tránh nói thêm nói bớt mất uy tín trong các hợp đồng làm ăn với tha nhân.

 

+ “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”: Cần tránh thái độ “lấy thịt đè người” hoặc “Cả vú lấp miệng em” thể hiện qua thái độ quan liêu hách dịch, hà hiếp bóc lột những người “thân yếu thế cô”. Cũng cần sử dụng chức vụ quyền bính để phục vụ tha nhân thay vì lạm dụng để trục lợi. Tránh hẹn hết lần này đến lần khác hoặc bắt người xin phải chờ đợi hàng giờ trong khi công việc phục vụ chỉ cần giải quyết trong giây lát.

 

4. THẢO LUẬN: 1) Hãy cho biết trong hai nhân đức công bình và bác ái thì nhân đức nào quan trọng hơn và phải được ưu tiên thực hiện? 2) Để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đền, trong những ngày mùa Vọng này, bạn quyết tâm làm gì cụ thể để cảm thông, tôn trọng và chia sẻ đối với cha mẹ, thày dạy, anh chị em, bạn bè hay người nghèo khó chung quanh?

 

5. NGUYỆN CẦU:

 

LẠY CHÚA GIÊSU. Xin giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến bằng việc vâng nghe lời thánh Gio-an để quảng đại chia sẻ cơm áo, an ủi người đau khổ và bất hạnh như lời thánh Gio-an: “Ai có hai áo, hãy nhường cho người không có. Ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”. Cho chúng con quyết tâm giữ đức công bình trong quan hệ làm ăn buôn bán, như lời thánh Gio-an khuyên những người thu thuế: “Các người đừng đòi gì quá mức đã ấn định”. Cho chúng con biết tôn trọng tha nhân quan cách ứng xử, để thực hành lời thánh Gio-an khuyên các binh lính: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai và hãy bằng lòng với số lương của mình”. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa giáng sinh trong lòng chúng con và ban ơn cứu độ cho chúng con.

 

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com