Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vượt thắng mình

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

VƯỢT THẮNG MÌNH (CN I/MC năm C)

 

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4, 1-2). Cám dỗ – theo từ nguyên – chỉ có nghĩa “Khêu gợi lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã”. Là con người, ai mà chẳng có dục vọng (lòng ham muốn). Tâm địa con người cũng giống như một ruộng lúa, trong đó không thiếu cỏ lùng, bởi trong con người luôn luôn có cốt cách của một vị thánh nhân cũng như của một tên đại bợm (ngạn ngữ Tây phương). Bản chất cám dỗ là nguy hiểm, nhưng ác một nỗi những cơn cám dỗ lại luôn luôn là một sự dễ chịu, ngọt ngào, lôi cuốn. Vì thế, mới khiến con người dễ bị sa ngã. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Đức Giê-su Thiên Chúa chịu cám dỗ nên mới nảy sinh vấn nạn: “Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, mà lại chịu để ma quỷ cám dỗ ư?”

 

Quả thực, đó cũng là thắc mắc chung của con người muôn thuở. Nhưng nếu suy nghĩ sâu hơn một chút sẽ thấy “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2, 6-7). Trước hết, đối với Thiên Chúa Cha, Đức Giê-su đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” để thi hành sứ vụ cứu độ nhân loại. Người chịu chết tức là Người bằng lòng sống kiếp phàm nhân, hay nói cách khác, Người chấp nhận mặc lấy bản tính loài người, mà đã là loài người thì rất dễ bị vật chất, quyền lực, danh vọng cám dỗ, mê hoặc. Vâng, ở đây là Đức Giê-su Thiên-Chúa-làm-người, Người đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết”, nên Người cũng vâng lời chịu để Thần Khí dẫn vào hoang địa chịu cám dỗ. Ấy là chưa kể đây còn là dịp Đức Giê-su mạc khải cho loài người thấy được sự thâm hiểm độc ác của ma quỷ, chúng không từ một thủ đoạn nào để có thể hạ gục đối thủ, cho dù đối thủ ấy có là Con Thiên Chúa đi nữa. Và bài học Chúa Ki-tô muốn dạy chúng ta chính là khi sống kiếp phàm nhân thì sẽ bị lửa thử thách, và chỉ những người vượt thắng được bản thân, sẵn sàng để lửa thử thách trui rèn, mới có hy vọng trở nên trọn hảo được (“Quả thật, con đường tôi đi, Người đã biết, Người có đem tôi thử trong lò, tôi sẽ nên như vàng tinh luyện” – G 23, 10). “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” (tục ngự VN) chính là vậy.

 

Cứ xét chuyện Đức Giê-su bị cám dỗ sẽ thấy ma quỷ rất sành tâm lý, chúng không chỉ cám dỗ về vật chất mà còn cả về tinh thần nữa: Về vật chất, chúng đem miếng ăn, sự vinh hoa phú quý trần thế làm mồi nhử; về mặt tinh thần, chúng đánh ngay vào tính tự cao tự đại của con người, lấy quyền lực siêu phàm làm mồi nhử. Trước hết, chúng biết Đức Giê-su vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày, chắc chắn Người phải đói bụng, vậy thì miếng ăn lúc này là mồi nhử hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, có một điều rất đáng lưu ý là ma quỷ không đưa bánh thật ra, mà lại đưa một hòn đá rồi bảo Đức Giê-su hoá phép cho hòn đá ấy biến thành bánh mà ăn. Cái quỷ quyệt của ma quỷ chính ở điểm này, bởi với một con người bình thường thì chúng chỉ cần đưa ra miếng bánh, nhưng đây lại là Con Thiên Chúa đầy quyền năng, vì thế chúng nhắm vào tâm lý của loài người là kiêu ngạo, hiếu thắng, muốn chứng tỏ mình, để kích động Chúa. Và nếu vì đói bụng, Chúa làm phép lạ biến đá thành bánh để ăn, thì Chúa đã mắc mưu thâm độc của chúng. Không ngờ đối thủ lại cho rằng còn một thứ cao lương nuôi sống con người hơn là cơm bánh, đó là: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." Và thế là mồi nhử trở thành vô vị!

 

Không đánh vào cái bụng đói của Chúa được, ma quỷ lại xoay qua mặt phú quý vinh hoa là mồi nhử hấp dẫn nhất đối với con người. Chỉ cần quy phục, quỳ lạy chúng, sẽ được tất cả. Thất bại vì mồi nhử là miếng ăn, lần này ma quỷ tin chắc sẽ thắng và nếu đối tượng bị khuất phục, thì chúng sẽ càng vênh váo tự phụ “Con Thiên Chúa còn bái lạy chúng, huống chi loài người!” Nhưng chúng không thể ngờ được là sự vinh hoa phú quý trần thế cũng không thể cám dỗ được Đức Giê-su. Người trả lời thẳng: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi." Dụ người ta bái lạy mình, không ngờ lại bị người ta dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” nói mình phải bái lạy người ta mới là đúng, những tưởng như thế thì ma quỷ chỉ còn một cách “tam thập lục kế, dào vi thượng sach” (36 kế, chạy trốn là hay nhất), không ngờ chúng vẫn lỳ lợm.

 

Cuối cùng thì ma quỷ xoay qua mặt tâm linh, đó là tính kiêu ngạo của con người. Nếu là một con người bình thường, khi biết chắc là mình có nhảy xuống từ nóc Đền Thờ cao chót vót cũng sẽ được "Thiên Chúa truyền cho thiên sứ tay đỡ tay nâng", chắc chắn họ sẽ nhảy xuống liền, và như thế sẽ được hoan hô ca tụng tận mây xanh. Lòng kiêu căng tự phụ được ve vuốt, đối với con người thì còn gì hơn thế nữa? Ngay từ Nguyên tổ của loài người, chuyện này cũng đã xảy ra: Khi rắn (ma quỷ) xúi bà E-va ăn trái cấm, bà còn e ngại vì nhớ Lời Đức Chúa: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết",  thì ngay lập tức "Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." (St 2, 4-5). Ấy thế là Nguyên tổ phạm tội, loài người bị tội lỗi thống trị. Loài người là vậy đó, nhưng với Đức Giê-su thì vì Người là Thiên Chúa, nên Người quở mắng liền: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." Và thế là “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4, 13). Thánh Lu-ca chỉ viết vậy, nhưng thánh Mat-thêu còn mạnh tay hơn, ghi lại nguyên văn Lời Chúa xua đuổi: "Sa-tan kia, xéo đi!" (Mt 4, 10) và ma quỷ thất bại hoàn toàn, bỏ đi một nước. Thật là thú vị!

 

Câu chuyện Đức Giê-su vào hoang địa 40 ngày để chịu ma quỷ cám dỗ cũng là một cách Người sống theo truyền thống để làm gương cho các môn đệ và tín hữu, vì “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5, 18). Cũng như trước đó, thánh Gio-an Tiền Hô khi bắt đầu rao giảng cũng vào trong hoang địa 40 ngày. Xa hơn nữa, tổ phụ A-bra-ham, ngôn sứ Mô-sê, tiên tri Ê-li-a… cũng đều vào hoang địa, vượt qua hoang địa, để chịu và vượt qua được thử thách. Như vậy, hoang địa chính là những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu. Ở nơi hoang địa, cùng lúc đương đầu với thử thách, với nghịch cảnh, với cám dỗ của ba thù, còn được gặp gỡ Thiên Chúa. Ông Mô-sê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Si-nai, đã gặp và trở nên bạn của Chúa, mặt ông trở nên sáng láng lạ lùng. Tiên tri Ê-li-a, sau 40 đêm ngày, đã đi tới núi của Chúa và gặp được Người.

 

Những cuộc vào hoang địa của tổ phụ, của các thánh nhân, các tiên tri và kể cả của Đức Giê-su Ki-tô, thường trải qua thời gian 40 ngày. Giáo Hội cũng dùng Mùa Chay với thời gian 40 ngày để tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giê-su, và mời gọi tín hữu hãy vào hoang địa với Người để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Mà muốn rèn luyện tâm trí, cách tốt nhất là đối diện với nghịch cảnh, ở đây là đối diện với hoang địa – nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào – nơi chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỉ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.

 

Chúng ta vẫn thường hay nói đến “sa mạc, hoang mạc cuộc đời” để ám chỉ cõi lòng (tâm hồn) hoang dại, trống vắng đến khủng khiếp trước cuộc đời đầy phong ba bão táp, đầy gian nan thử thách. Cái sa mạc ấy, cái hoang mạc ấy – cái cõi lòng hoang vắng ấy – phải chăng cũng chính là hoang địa? Chúng ta không có điều kiện để vào nơi hoang địa của thiên nhiên, nhưng chúng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời. Khi vào hoang địa thiên nhiên, chúng ta trực diện với những khó khăn thử thách: từ bên ngoài (khách thể) như thời tiết (ngày nóng khủng khiếp, đêm lạnh cóng da), thú dữ, cát đá vô tri, ác thú nguy hiểm; từ bên trong (chủ thể) như sự cô đơn lạnh lẽo, thiếu lương thực, không trợ lực. Tất nhiên những thứ đó không phải là những cám dỗ của ba thù, mà đó chính là những thử thách để con người trui rèn ý chí, tôi luyện quyết tâm đối kháng. Và nhờ thế, khi bị cám dỗ trong hoang địa cuộc đời (còn nguy hiểm hơn hoang địa thiên nhiên gấp bội), con người mới có thể chống lại và hy vọng chiến thắng.

 

Thế thì tại sao ta không mạnh dạn đi vào hoang địa cuộc đời của chính chúng ta để thẳng thắn “nhìn lại mình”, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thách đố, sẵn sàng khai thông hoang địa, sẵn sàng dọn đường mở lối để được gặp gỡ Thiên Chúa – và nhất là biết sẵn sàng từ bỏ ý riêng để luôn tìm thánh ý Thiên Chúa, hầu biết được đâu là lời mời gọi của Thiên Chúa, đâu là sự cám dỗ của ba thù. Điều đáng lo lắng, sợ hãi chính là điều chúng ta rõ ràng đang ở trong hoang địa cuộc đời, mà lại vẫn tưởng mình đang ở trong Thiên đường, ở trong Đất Hứa, để rồi tự ru mình trong những mời gọi ngọt ngào, những cám dỗ lôi cuốn. Đến ngay như đã thực sự ở trong Đất Hứa cũng vẫn có thể bị kẻ thù cám dỗ (“Đề phòng các cám dỗ khi vào đất hứa” – Đnl 8, 1), huống hồ là tưởng tượng, là ảo tưởng đang ở trong Đất Hứa! 

 

Như vậy, phải chăng chính những ham muốn (dục vọng) của con người đã tạo nên những ảo tưởng, để rồi lại quay ngược mũi giáo cám dỗ chính mình? (“Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết” – Gc 1, 14-15). Và vì thế, vào hoang địa cuộc đời, ngoài vấn đề hãm mình ép xác (chịu thử thách để vượt thắng thử thách), còn phải là: Vào hoang địa để cầu nguyện, để gặp gỡ Thiên Chúa, để xin ơn soi sáng hầu phân biệt được điều thiện điều ác, và nhất là để xin Thánh Thần thêm sức mạnh để vượt thắng chính mình, đủ sức chống chọi với ba thù. Vâng, xin “hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng" (Rm 13, 11-14). Thiết nghĩ chỉ có như thế mới hy vọng đủ sức chiến đấu và chiến thắng được cám dỗ.

 

Nói tóm lại, người Ki-tô hữu ngày hôm nay "hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em. Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế" (1Pr 5, 6-9). Muốn “quẳng gánh lo đi và vui sống” (Nguyễn Hiến Lê), thật không gì bằng “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người”, và để những tâm nguyện đó, những ao ước đó, những cầu xin đó sẽ đạt được hiệu quả tối đa, xin hãy cậy nhờ vào một cây cầu nối vững chắc giúp chúng ta đến với Chúa một cách an toàn: Đó chính là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của tất cả chúng ta.

 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Ðức Ki-tô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN.I Mùa Chay). Ôi! Lạy Mẹ từ bi lân tuất, “Chốn ba đào nhiều phen nguy biến, quanh chúng con ma quỷ chực liên. Ôi! Mẹ lành nhìn con giao chiến, thêm sức cho giúp con vững bền. Rồi khi giờ yếu đau hấp hối, ngàn chước độc quỷ ma đưa tới. Giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền, nâng đở con xác hồn tinh tuyền…” (“Chốn ba đào” – TCCĐ).

 

JM. Lam Thy ĐVD.