Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cám Dỗ Của Satan

Tác giả: 
Lm John Nguyễn

 

 

Cám Dỗ Của Satan


          Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy sự cám dỗ bắt đầu từ câu truyện của Eve và Adam khi hai ông bà phạm tội, nghe lời dụ dỗ của con rắn. Kế đến, hành trình trong bốn mươi năm, người dân Do thái lang thang trong sa mạc trước khi đến Đất Hứa. Theo sách Đệ Nhị Luật, những bốn mươi năm là một thời gian thử nghiệm và cám dỗ (Đnl 8, 2-5). Con số bốn mươi gợi lên những thời điểm quan trọng trong lịch sử của dân Itrael.

 

Để có cái nhìn thấu đáo về sự cám dỗ, chúng ta cần đưa ra khái niệm cám dỗ là gì?. Cám dỗ được xem là lòng khao khát và ước muốn của con người đến mức phải sa ngã, phạm tội và làm điều xấu. Nó có thể chỉ đơn thuần là bên ngoài, như là trường hợp cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và ma quỷ trong sa mạc. Đôi khi, nó lại trở thành xu hướng xấu trong chúng ta, như là một kết quả của tội nguyên tổ. Và hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đi vào sa mạc nội tâm để chiến đấu và sa chước ba cơn cám dỗ sau đây.

 

1. Cám dỗ về xác thịt và miếng ăn

 

 Sách Tin mừng của Luca thuật lại: "Sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, Ngài nhịn đói suốt bốn mươi đêm ngày trong sa mạc, và chịu ma quỷ cám dỗ". Trong lúc thể xác mệt mỏi và đói ăn, ma quỷ tìm cách đến và bảo Chúa Giê-su " Hãy biến hòn đá thành bánh mà ăn". Ma quỷ rất tinh ranh, nó dùng mọi thủ đoạn để cám dỗ vì nó biết Chúa Giê-su đang có nhu cầu về cái ăn cho thể xác. Nhưng Chúa Giêsu không làm phép lạ để thỏa mãn ước muốn của satan. Ngài nói: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn là bằng Lời Chúa". Lời khẳng định của Chúa Giê-su cho thấy rằng, đời sống con người không phải chỉ có cơm ăn áo mặc mà còn là giá trị tinh thần qua Lời Chúa. Bởi vì, nếu chúng ta đặt nhu cầu vật chất lên trên những giá tinh thần, thì con người đối xử với nhau chỉ dựa trên giá trị của cải vật chất, chẳng khác gì con vật chỉ sống theo nhu cầu bản năng. Bởi lẽ, nhu cầu của con người thì chẳng bao giờ đáp ứng cho đủ. Khi còn nghèo khổ thì người ta chỉ mong cho có đủ ăn là hạnh phúc rồi. Nhưng khi ta đã có đủ ăn, thì họ lại muốn có của dư thừa, lòng tham của con người là vô tận.

 

2. Cám dỗ về giàu sang và danh vọng

 

Sau đó ma quỷ lại đem Chúa Giê-su lên cao hơn để cho xem tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!". Rõ ràng, ma quỷ luôn có quyền lực trong tay. Nó có thể trao bất cứ ai bái lạy và tôn sùng nó. Cho nên, satan bảo Chúa Giê-su bái lạy nó, thì nó cho quyền lực để thống trị. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".

 

 Khi con người trở nên giàu có, thì đồng tiền trở thành sức mạnh để cho con người đạt tới danh vọng của quyền lực, họ muốn làm chủ và thống trị người khác hơn là để yêu thương và phục vụ tha nhân. Chức vị càng cao thì quyền lực càng lớn. Trong khi đó, Chúa Giê-su bảo chúng ta rằng: " Các người chỉ thờ một mình Thiên Chúa mà thôi". Ngài đến thế gian này không phải để thống trị nhưng là để phục vụ tha nhân. Ngài tự hạ mình xuống để rửa chân cho các môn đệ. Ngài không mặc phẩm phục của vị vua để ban hành cai trị, nhưng Ngài đi và sống với những người bần cùng và người tội lỗi, để họ biết quay trở về với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngài tự hủy tước vị là Vua, là Con Thiên Chúa để trở thành người Tôi Tớ hy sinh và phục vụ mạng sống cho con người. Trong khi đó, con người lại tìm kiếm Thiên Chúa với hình ảnh một Thiên Chúa uy quyền và thống trị. Chúng ta dễ bị cám dỗ bởi chức tước bên ngoài bởi con người đánh giá về nhau. Đôi khi nó được ẩn náu trong những việc làm mà chúng ta cho là tốt lành.

 

3. Cám dỗ về thách thức Thiên Chúa

 

Quỷ đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người lên nóc đền thờ rồi nói với Người: “Nếu ông là con Thiên Chúa thì đứng dậy, mà gieo mình xuống đi! Vì có lời phép rằng: Thiên Chúa sẽ tay đỡ, tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá". Cám dỗ thứ ba này cốt lõi là thách thức quyền năng của Thiên Chúa. Qua nhiều lần Chúa Giê-su đi rao giảng và trở về quê hương Nazaret, nhiều người đòi xem dấu lạ xẩy ra, nhưng không được thì họ loại trừ và định xô Chúa Giê-su xuống vực thẳm. Ngày nay, chúng ta cũng dễ bị cám dỗ khi tin vào Thiên Chúa, chúng ta thường đòi hỏi phép lạ xẩy ra như để chứng mình quyền năng Thiên Chúa. Hơn nữa, con người ngày nay sống theo những lý luận thực tiển, họ tìm kiếm Thiên Chúa qua bổng lộc. Khi không đáp ứng được nguyện vọng, thì họ đi tìm và thờ lạy các thần tượng, tin vào bói toán, bùa phép...Đây là cám dỗ lớn mà người ta đã đặt ra trong thời đại này khi con người chối bỏ Thiên Chúa. Như lời con quỷ nói: " Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy đứng dậy và gieo mình xuống đi". Đây là cơn cám dỗ bi thảm nhất vì con người đánh mất niềm tin nơi Chúa Cha, là Đấng yêu thương và cứu độ con người.

 

Quỷ rất kiên nhẫn. Nó thông minh và ủy quyệt. Trong sa mạc nó đã tấn công Chúa Giê-su ba lần và bị thất bại. Ngày nay, satan luôn có khắp nơi và trước mặt khi chúng ta sống buông thả với tính xác thịt của con người. Khi chúng ta tham mê ăn uống, chè chén say sưa quá độ. Khi chúng ta quá tham lam tiền tài và danh vọng. Khi chúng ta bái lạy và chạy theo các ngẫu tượng, là chúng ta đang thuộc dưới sự thống trị và điều hành của satan. Để trừ được ma quỷ ra khỏi chúng ta, Chúa Giê-su dạy chúng ta là phải siêng năng cầu nguyện, ăn chay, hy sinh và hãm mình để khỏi sa chước cám dỗ.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quay trở về trong Mùa chay thánh này, để chúng con biết thực lòng ăn năn, sám hối và tin vàoTin mừng.

 

 

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.