Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Kết hợp với Chúa để chống trả cơn cám dỗ

Tác giả: 
Anmai, CSsR

 

 

Chúa Nhật I MC năm C

 

KẾT HỢP VỚI CHÚA ĐỂ CHỐNG TRẢ CÁC CƠN CÁM DỖ

Đnl 26, 4-10; Rm 10, 8-13; Lc 4, 1-13

 

            Suốt hành trình trong sa mạc, chúng ta thấy dân Israel cứ ngã lên ngã xuống bởi lẽ niềm tin của dân như thế nào với Thiên Chúa.

 

            Thiên Chúa yêu thương dân và cho dân được hưởng mọi điều thế nhưng mà dân đã không nhận ra tình thương đó. Các cơn cám dỗ cứ đến với dân. Chúa thì yêu thương dân còn dân thì đặt hết yêu sách này đến yêu sách nọ với Chúa.

 

            Đọc lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy hết sức buồn cười. Cứ mỗi lần Môsê lên núi để gặp Chúa, để đàm đạo với Chúa thì khi ấy y như rằng ở dưới núi có vấn đề.

 

            Khi Môsê đi đàm đạo với Thiên Chúa thì dân ở dưới tạc con bò bằng vàng lên để thờ. Không chỉ dừng lại con bò vàng và con bò vàng không phải là kinh nghiệm duy nhất cho dân. Dân cứ chạy theo thần này thần nọ để xì xà xì xụp bái lạy để mong cho dân mình được giải thoát, mong cho dân mình được hưởng điều này điều kia. Hoàn toàn dân sai lầm khi bỏ Thiên Chúa để đi thờ những thần ngoại bang khác.

 

            Cũng dễ hiểu thôi, đó chính là giằng co trong lòng của mỗi con người.

 

            Chúa Giêsu xuống thế làm người cũng không thoát khỏi cái thân phận yếu đuối của con người. Trong sứ mạng cứu độ con người, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn đi vào hoang địa và ở đó bốn mươi ngày không ăn không uống gì cả. Trong Cựu Ước, con số 40 là con số biểu thị. Như Môsê đã không ăn không uống 40 ngày trên núi Sinai (Xh 34, 28) và dân Israel đã sống 40 năm trong sa mạc trước khi đặt chân vào Đất Hứa (Đnl 8, 2-3; 29, 4-5).

 

            Đây không phải là lần duy nhất Chúa Giêsu chịu cám dỗ vì lẽ Tin Mừng nói 3 lần : quỷ đã bỏ Người mà đi, "chờ đợi thời cơ" (c.3)

 

            Trước hết, quỷ cám dỗ Chúa Giêsu dùng quyền năng siêu nhiên để đáp ứng nhu cầu vật chất của mình. Chúa Giêsu không chịu lạm dụng quyền năng của mình cách đó. Ngài tự đồng hóa trở nên người với chúng ta. Chúng ta không chỉ cần lương thực để nuôi thân xác này mà chúng ta cần cả lương thực thiêng liêng.

 

            Sau đó, qủy hứa sẽ cho Chúa Giêsu quyền cai trị các dân các nước trên toàn cõi đất nếu như Ngài bái lạy nó. Chúa Giêsu thực sự đến thế gian để cứu người ta khỏi quyền lực của ma quỷ nhưng không phải đi theo con đường đó.

 

            Cuối cùng, quỷ cám dỗ Chúa Giêsu rằng Chúa chứng tỏ bảnh tính Thiên Chúa của Ngài bằng cách gieo mình xuống từ trên nóc Đền Thờ để rồi sau đó Thiên Chúa sẽ sai các thiên sứ đến cứu Ngài.

 

            Ba cám dỗ này chính là căn cốt của mọi cám dỗ của con người : Ước muốn loại trừ, gạt Thiên Chúa ra một bên; con Chúa như là gì đó phụ thuộc và thừa thải, chỉ dựa trên sức mạnh của mình và điều khiển thế giới này không cần Thiên Chúa.

 

            Chúa Giêsu đã không bị các sự lừa dối do ma quỷ lường gạt. Ngay cả khi chúng dùng chính Thánh Kinh để cám dỗ Ngài. Ngài đã  bác bỏ mỗi cám dỗ bằng một lời Thánh Kinh dẫn từ các đoạn 8,3; 6, 13; 6, 16 trong sách Đệ Nhị Luật. Mỗi đoạn Thánh Kinh Chúa Giêsu trích dẫn được chú giải một cách hết sức chính xác.

 

            Cả với Chúa Giêsu và với chúng ta, bản chất mọi cám dỗ chính là những lời mời, lời đề nghị xem ra hết sức hấp dẫn và tốt hơn để thay thế vai trò, vị trí của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Những lời mời gọi của ma quỷ xem ra dễ thu hút con người ta hơn là lời của Thiên Chúa.

 

            Vào các ngôi Chùa, chúng ta thấy có 2 tượng thần một trắng và một đen : Thần thiện và thần dữ. Biểu tượng như thế muốn nói với con người rằng tâm của con người có tâm thiện và tâm ác. Hai tâm đó ở trong con người và giằng co con người.

 

            Thánh Phao lô đã nói lên lòng của mình là điều tốt thì tôi không muốn làm còn điều tôi biết là xấu tôi lại cứ làm ! Thế đấy ! Trong con người vẫn mang trong mình sự giằng co của điều tốt và điều xấu. Dĩ nhiên chẳng ai muốn làm điều xấu cả nhưng con người vẫn luôn luôn luôn bị giằng co.

 

            Chúa Giêsu cũng vậy, trong thân phận làm người, chẳng ai muốn đau khổ, chẳng ai muốn thiệt thòi và ai cũng mong cho mình có chức quyền, không cần nại đến Thiên Chúa để rồi nghe và làm theo lời ngon ngọt của ma quỷ.

 

            Bài học cám dỗ của ông bà nguyên tổ vẫn còn mới với chúng ta. Chúng ta trong cái thân phận tù túng của con người, đôi ba lần chúng ta muốn vượt qua cái tù túng đó bằng cách đi xem bói, đi hỏi thầy xem cuộc đời ta có khá hơn hay không ? Có những người cả tin đến độ cứ nghe lời của thầy bói để rồi chẳng làm gì cả để rồi cứ ngồi đó mà hưởng. Thực tế thì chẳng ai được điều gì từ lời hứa lời nói bóng bẩy đó. Có ông thầy bà thầy nào có thể biết được mình sống bao nhiêu tuổi đâu ? Nếu như họ biết thì họ chẳng ngồi đó để xem bói làm gì cả. Nếu đơn giản thôi, chỉ cần biết xổ số chiều nay ra cái gì thì cứ đi gom cái đống số đó để chiều trúng chứ cần gì phải ngồi đó xem bói.

 

            Ngày mỗi ngày, con người vẫn đứng trước những lời ngọt ngào của các cơn cám dỗ. Có thể là tiền bạc, danh vọng, chức vì và ham muốn. Những cám dỗ đó thường ẩn nấp dưới những vỏ bọc xem ra là đẹp, xem ra là thánh thiện.

 

            Tiền bạc : Ai cũng nhân danh rằng cuộc sống cần tiền để lao đầu đi kiếm tiền. Dĩ nhiên là đúng nhưng tiền bao nhiêu thì đủ. Có những người cuộc sống khá đủ rồi nhưng chẳng bao giờ họ chịu dừng lại để rồi cứ lao đầu đi kiếm tiền và tiền khi ấy như là chúa, là chủ đời của họ.

 

            Chức quyền, danh vọng : Ai cũng nhân danh mình có quyền để rồi mình làm những gì mình muốn trên người khác. Tất cả cũng chỉ là thụ tạo nhỏ bé trong bàn tay của Chúa vấy vậy mà cứ phải huyênh hoang. Ngay cả tổng thống, chủ tịch nước đi chăng nữa cũng chỉ là có ngần có hạn chứ đâu ai ở mãi trên cái ngôi vị cao đó.

 

            Ước muốn : Cuộc sống của ta, nhiều khi ta quá đủ. Có gia đình, có vợ đẹp con khôn nhưng đâu chịu dừng lại ở chỗ đó để đi ước muốn vợ của người khác. Vật chất cũng thế, nhiều khi ta quá đủ nhưng lòng tham của ta nó cứ trào dâng và đi tìm những cái để khỏa lấp lòng của mình nhưng thử hỏi bao nhiêu mới gọi là đủ.

 

            Tất cả những ước muốn, những cám dỗ đó không dễ để nhận ra vì con người thường hay biện minh cho vì đó là nhu cầu thực tế của con người. Thế nhưng, đàng sau cái nhu cầu đó chính là những cơn cám dỗ lớn của con người.

 

            Ngày hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chống trả các cơn cám dỗ đó bằng chính Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Chỉ có Lời Chúa mới có thể chống trả được mà thôi. Để được như vậy, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, hoạt động trong Ngài để Ngài có thể vượt qua các cơn cám dỗ.

 

            Thành ra bí quyết là như vậy ! Bí quyết là để cho Thánh Thần hướng dẫn và bám chặt đời mình vào Chúa.

            Khi và khi chi ta kết hợp mật thiết với Chúa thì ta mới có thể chống trả được các cơn cám dỗ mà thôi.

 

            Khởi đầu mùa Chay Thánh, chúng ta cũng bắt chước như Chúa Giêsu là kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha và để cho Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời của chúng ta.