Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Không phải thế đâu

Tác giả: 
Lm Trịnh Ngọc Danh

 

CN III MC/C
Bài đọc 1 : ( Xh. 3: 1-8, 13-15)
Bài đọc 2 : ( 1 Cor. 10: 1-6, 10-12)
Tin Mừng : ( Lc. 13 : 1-9)
 
KHÔNG PHẢI THẾ ĐÂU!
 
 
Như các môn đệ, khi nhìn thấy một người mù bẩm sinh, đã thắc mắc: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta”.( Ga. 9.1); hôm ấy, cũng  có mấy người đến kể lại cho Chúa Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Có lẽ trong thâm tâm, khi đưa ra sự việc trên, họ cũng thầm nghĩ: “ Ac giả ác báo! đời cha ăn mặn, đời con khát nước!”, họ cho rằng tai ương, hoạn nạn là hậu qủa của nguyên nhân tội lỗi, người làm điều ác ắt phải bị phạt.
 
Chúa Giêsu cũng nhắc lại một sự việc xảy ra trong thời Cựu Ước: mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, nhưng Ngài đã khẳng định: các ông tưởng những người bị nạn tại Giêrusalem, tại Galilê, là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở Galilê, ở thành Giêrusalem sao? “ Không phải thế đâu!”. Thế thì do đâu, vì dâu mà họ bị tai ương, hoạn nạn? 
 
“Gieo gió thì gặp bão”, đó là quan niệm của con người cho rằng người làm điều ác ắt phải bị phạt; nói khác, tai ương, hoạn nạn là hậu quả của nguyên nhân tội ác. Ngày nay, thấy nơi nào, thấy ai bị sóng thần tàn phá, bị động đất vùi dập, chúng ta đã vội vàng kết luận: Nhân nào qủa ấy! 
Quan niệm của Chúa Giêsu lại khác. Khi thấy những người bị quan tổng trấn Philatô giết ở Galilê, mười tám người bị tháp Silôa đổ đè chết ở Giêrusalem, Ngài đã khẳng định: “ Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao?” hay “mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao?” và Ngài đi đến kết luận: “Không phải thế đâu! nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng chết y như vậy.”
 
Điều mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho chúng ta là: Không ai là người trong sạch. Đừng xét đoán ai. Hãy tự xét lại bản thân mình. Không ăn năn  sám hối rồi cũng sẽ chết như vậy.
 
 
Thiên nhiên, sự vật, nhờ khoa học, nhờ kinh nghiệm, con người có thể đoán biết khi nào trời nắng, khi nào trời mưa: “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, hay “Trời nắng chóng trưa, trời mưa chóng tối”; nhưng với tâm tư, tình cảm con người thì lại không thể cân đo đong đếm: “Lòng sông, lòng biển dễ dò. Ai từng bẻ thước mà đo lòng người!”
 
Chính Chúa Giêsu đã có lần chê trách khả năng nhận xét của đám đông theo Ngài:“ Khi các ngươi thấy mây kéo lên ở phía tây, các ngươi nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?”( Lc. 12: 54-56)
 
Chúng ta thường nhìn, xét đoán, đánh giá tư tưởng, hành động, sự việc  của người khác theo xét đoán chủ quan của mình, giống một người đeo kiếng màu xanh, thấy mọi vật đều màu xanh!
 
Nhìn hiện tượng để đánh giá bản chất thường phạm phải sai lầm.
 
Xét đoán, lên án, đánh giá người mà không tự xét đoán chính bản thân mình thì cũng chẳng khác nào thấy cọng rác nơi mắt anh em mà không thấy cái xà trong mắt mình. 
Chúng ta thường thích: “Vạch lá tìm sâu. Bới lông tìm vết” nơi người khác hơn là nơi chính mình. 
Đừng nhìn người khác bằng những điều tiêu cực, nhưng bằng những cái tích cực.
Xét đoán người khác theo chủ quan của mình  là bất công, hay xét đoán người khác theo chủ quan của mình là gián tiếp tố cáo nhưng khiếm khuyết của mình.
 
Trong bộ sách Khổng Tùng Tử của Khổng Phụ, tên là Tử Ngư, hay Tử Giáp, cháu đời thứ tám của đức Khổng Tử có câu chuyện sau:
Doãn Văn Tử sinh được một đứa con, thấy con không giống mình, ông giận và thường đánh đập đứa trẻ. Một hôm, đang cầm gậy đánh con, thấy Tử Tư đến chơi, ông liền nói: 
- Nó không giống tôi, nó không phải là con tôi. Tôi nghi mẹ nó ngoại tình mà sinh ra nó, nên tôi muốn bỏ nó…
Tử Tư hỏi :
- Cứ như ông nói, thì vua Nghiêu, vua Thuấn chẳng là đáng nghi ngờ ư? Hai ông là bậc thánh đế, là hai vị vua tài đức tuyệt vời mà sao đẻ ra Đan Chu và Thương Quân thật không bằng kẻ ngu dân, hèn hạ. Như thế thì con cứ gì là phải giống cha? Cái đạo thường, phần nhiều, cha mẹ làm sao sinh con ra làm vậy. Nhưng  cha khôn ngoan tài giỏi hơn người mà đẻ ra con đần dộn u mê, thì cũng là cái đạo trời tự nhiên như thế, chớ nào có phải tội do người vợ đâu?...
 
Doãn Văn Tử nghe hiểu, liền nói: 
- Thôi, xin ông đừng nói nữa.
Từ đó, ông không đánh con và đòi bỏ vợ nữa. ( Cổ Học Tinh Hoa).
Lại một trường hợp khác:
Trong lớp học nọ, có một em bị điếc một bên tai, nhận được tờ thông báo của cô giáo gửi cho phụ huynh. Cô giáo đề nghị với phụ huynh đừng cho em tiếp tục đến trường, vì em qua dốt, không thể học được gì.
Bà mẹ không tin lời cô giáo; vì thế, bà đích thân dạy con bà học. Đứa trẻ ấy là Thomas Edison, một nhà bác học đại tài đã để lại vô số phát minh cho nhân loại. Ông đã phát minh ra phim ảnh, máy thu thanh và bóng đèn tròn…Khi ông qua đời, toàn thể đất nước Hoa Kỳ đã quyết định tắt mọi bóng đèn trong một phút để tưởng nhớ đến ông.
Doãn Văn Tử hay cô giáo kia tưởng thế mà “không phải thế đâu!”.
 
Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta một tiềm năng để trở thành một nhân vật cao trọng. Herb Backs đã nói: “Thiên Chúa không tạo ra những đồ phế thải!”
Con người bất toàn, yếu đuối, tội lỗi. Nhận biết phận mình và ăn năn sám hối hơn là “vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết” nơi người anh em. “ Mỗi khi tôi chỉ một ngón tay vào một người nào đó, thì có ba ngón tay lại chỉ vào chính tôi”.
 
Đừng xét đoán người khác theo chủ quan của mình mà hãy nhìn người khác bằng con mắt độ lượng yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.
William Barclay kể câu chuyện sau đây về một giáo viên già. Trước khi bắt đầu dạy học, bao giờ ông cũng đứng nghiêm và cúi mình rất sâu để chào cả lớp một cách kính cẩn.
Một hôm có người tò mò hỏi vì sao ông làm như vậy. Ông trả lời : ông làm như vậy vì không biết sau này những đứa trẻ ấy sẽ là những nhân vật như thế nào. Ông thấy nơi mỗi đứa rẻ có vô vàn khả năng, và ông tin nhiều đứa trẻ trong lớp này về sau sẽ trở thành những nhân vật lỗi lạc, xuất chúng và đáng kính trọng.
 
Người ta quan niệm tai ương, hoạn nạn xảy đến cho ai là hình phạt do tội của họ gây nên. Quan niệm như thế, vô tình con người đã biến Thiên Chúa Tình yêu thành một hung thần luôn rẻo khắp thế gian để trừng phạt những người có tội.
 
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa không biết báo thù mà chỉ có yêu thương. Ngài luôn kiên nhẫn đợi chờ con người sám hối ăn năn: một cây vả trồng trong vườn nho, ba năm sau, lẽ ra nó phải sinh hoa trái, nhưng ông không tìm được một quả nào! Tình trạng cằn cỗi, không sinh hoa trái nơi tâm hồn, là thiếu phân bón cải, thiếu cải thiện đất bằng lòng sám hối và ăn năn. Thế nhưng người làm vườn đã xin : “Xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quang và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới, ông sẽ chặt nói đi”.
 
Trước những cây vả chỉ biết xét đoán người khác mà không biết tự xét bản thân mình để sám hối ăn năn, Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo: “ Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng chết y như vậy.”
 
Mùa Chay là thời điểm giúp chúng ta ý thức lại thân phận của mình và thực hành lời kêu gọi của Chúa Giêsu khi Ngài bắt đầu sứ vụ của Ngài: “ Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến”.
 
Lời kêu gọi sám hối không phải chỉ áp dụng cho những người tội lỗi, nhưng cho tất cả mọi người. Lời kêu gọi ấy không phải chỉ là lời kêu gọi tránh những sự dữ mà còn là lời kêu gọi sám hối khi thời gian còn cho phép để trổ sinh hoa trái. 
 
Một năm sau số phận cây vả như thế nào khi nó không sinh được hoa trái!
 
 
Lm Trịnh Ngọc Danh