Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người nghèo

Tác giả: 
Lê Quang Vinh

 

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VÀ NGƯỜI NGHÈO

           

Khi nghe tin Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Á căn đình được bầu làm Giáo Hoàng của Hội Thánh Công giáo, hầu hết mọi người đều vui mừng mãn nguyện.

           

Có một điều tuyệt vời của Hội Thánh mà thế gian điêu ngoa không hiểu được. Đó là dù vị Hồng Y nào được bầu làm Giáo Hoàng, dân Chúa vẫn vui mừng tạ ơn Chúa, vì biết rằng Thánh Ý Chúa đã được biểu lộ. Cho nên dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nằm trong danh sách những ứng viên “nặng ký”, khi nghe tin về ngài, tất cả đều vui mừng hớn hở.

           

Người ta càng vui mừng hơn khi biết đó là một Mục tử tài ba mà rất nhân hậu, thông thái mà rất bình dân, đạo đức mà rất hoạt động v.v… Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài những điều lạ lùng trong lịch sử, điều mà Đức Maria đã ca ngợi hai ngàn năm trước, và Ngài vẫn tiếp tục thi thố những điều kỳ diệu nơi dân Ngài hôm nay, trong hoàn cảnh xã hội này.

           

Vâng, người tín hữu Công giáo vui mừng vì tin và thấy rõ rằng  Chúa đã đưa tay ra trên Hội Thánh Ngài. Thế gian cũng vui mừng, nhưng dường như họ vui vì những lý do khác.

 

Việc đồng loạt các báo lề phải ở Việt nam lên tiếng về việc bầu cử Giáo hoàng lần này cũng là tín hiệu đáng mừng, ít ra cho thấy người ta không quá thờ ơ với một biến cố lớn lao không những mang tầm vóc thế giới mà còn đầy tính lịch sử như thế. (Gõ vào Google hai từ Pope Francis thì thấy hơn hai tỉ kết quả, trong khi các ông lãnh đạo những nước tự cho là văn minh anh hùng thì cũng chỉ một vài triệu kết quả).

 

Một linh mục nhắn tin cho tôi: “Nhắc nhiều đến Đức Giáo Hoàng cũng chính là nhắc đến Thiên Chúa, vinh danh Chúa, sáng danh Chúa, loan báo Chúa cho mọi người”. Quả đúng như thế, qua sự kiện này chúng ta thấy con người vẫn luôn khắc khoải đi tìm Đấng là nguồn cội của mình.

 

Có điều chúng ta cần nói về các loại thông tin của thế gian: nếu xét kỹ thì chúng ta vẫn thấy có những điều phải đính chính. Trước hết, nhiều trang báo ở Việt nam đưa huy hiệu của Tổng Giám mục Jorge Borgoglio, có câu "Miserando atque eligendo" (dù con hèn yếu nhưng con được chọn, nghĩa là Chúa đã chọn con), và nói đó là huy hiệu Giáo hoàng. Điều ấy có lẽ không sao, nhưng khi họ dịch câu ấy là “đơn giản nhưng có chọn lọc” thì rõ ràng họ đã hoặc là không hiểu hoặc là lái sang một chiều kích ở tầng thấp.

 

Một điều đáng nói hơn là tính cách bình dân, giản dị và quan tâm đến người nghèo của Đức tân Giáo hoàng. Việc ngài đi xe buýt, ở nhà nhỏ, tự nấu ăn… nói lên tinh thần nghèo khó của một tu sĩ trong Hội Thánh, và đồng thời còn nói lên thái độ xã hội của ngài.

 

Nhưng thế gian không hiểu rằng đó là tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, chứ không phải là kiểu đứng về “thế giới thứ ba”, kích động bạo lực hận thù. Tình cờ đọc một số bài báo lề phải trên Internet, tôi có cảm giác họ nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng ủng hộ những lý thuyết đã lỗi thời. Không. Thái độ của ngài đối với người nghèo có thể tìm được cách lý giải trong Học Thuyết Xã Hội Công giáo:

 

“Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người” (số 105).

 

Mà khi Giáo Hội nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, thì thế gian đừng mong Giáo Hội đồng tình với những sai trái xúc phạm đến quyền con người.

 

Học Thuyết  Xã Hội cũng viết: “Giáo Hội luôn cố gắng bênh vực phẩm giá con người mỗi khi có toan tính xác định lại hay bóp méo hình ảnh ấy; Giáo Hội cũng thường xuyên tố cáo những sự xâm phạm phẩm giá con người” (số 107)

 

Điều này đã được Giáo Hội chính thức tuyên bố trong Hiến chế Gaudium et Spes mà bản tóm lược Học Thuyết Xã Hội minh định: “Học thuyết xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội”.

 

Là một nhà thông thái, một giáo sư tâm lý, và là một tu sĩ sống khó nghèo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết rõ mình phải làm gì cho người nghèo, và ngài biết rõ ai là người bênh vực quyền con người theo tinh thần Tin Mừng và theo huấn quyền Hội Thánh. Ngài cũng biết rõ ai là kẻ chỉ lợi dụng người nghèo để ủng hộ cho bóng tối và bạo lực. Và do đó, những nỗ lực “thấy người sang bắt quàng làm họ” sẽ chỉ là vô ích mà thôi.

 

Nhận định về một con người hoàn toàn không dễ. Nhận định về một nhân vật tầm cỡ như Đức Phanxicô thì cũng vượt ra ngoài khả năng của những nhà báo chỉ nhìn thấy đường có một lề. Chúng ta không đòi thế gian có cái nhìn trung thực và chân chính về người Cha chung của mình, nhưng chúng ta cầu xin cho chúng ta biết vâng phục và bắt chước ngài để sống tinh thần mà Học Thuyết Xã Hội Công Giáo đưa ra.

 

Và cũng xin cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng theo lời kinh bản tiếng Anh đang được phổ biến, chúng tôi tạm dịch như sau:

“Lạy Chúa là Đấng đã quan phòng sắp đặt theo Thánh Ý Chúa, để Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng Thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm đầu các Thánh Tông Đồ, chúng con cầu xin Chúa đoái thương nhìn đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô chúng con; Chúa đã đặt ngài làm đấng kế vị Thánh Phêrô, xin cho ngài trở nên cội nguồn và nền tảng hữu hình về tính duy nhất trong đức tin và sự thông hiệp cho dân thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen”

                                                                                 

Gioan Lê Quang Vinh