Vinh dự của Lễ Sinh
VINH DỰ CỦA LỄ SINH
(Bài nói chuyện với các em Lễ Sinh xứ TT)
Chào các em,
Nói chuyện với Lễ sinh dường như khó hơn nói với những giới khác. Vì sao thế? Có lẽ lý do chính là vì các em gần Chúa Giêsu, thường lắng nghe Chúa Giêsu và sẵn sàng đáp lại tiếng Người, cho nên những lời nói khác có thể sẽ chỉ là tiếng vang bên ngoài mà thôi.
Các em nghe chuyện “Khủng bố” chưa? Có một em lễ sinh chạy hớt hải vào gõ cửa nhà Cha xứ và nói nhanh: “Cha ơi, ngoài nhà thờ có kẻ khủng bố”. Cha xứ chạy vội ra và hỏi: “Đâu, đâu con?” Em lễ sinh chỉ vào một ông giáo dân quỳ cuối nhà thờ. Cha nhìn ông ấy rồi nói: “Ông ấy đang cầu nguyện chứ có khủng bố gì đâu con?” Lúc bấy giờ em lễ sinh mới nói: “Thưa Cha, lúc nãy con nghe ông ấy nói: Lạy Chúa, con đặt “mìn” dưới chân Chúa, con hướng “nòng” lên Chúa, con nghĩ ông ấy có vũ khí”. Cha: ???
Em ơi, đó là chuyện vui, nhưng rõ ràng lễ sinh được Cha tin tưởng đúng không em? Đâu phải ai cũng chạy vào nhà xứ bất cứ lúc nào. Và hơn nữa, em còn được đứng phục vụ trên cung thánh trong giờ Thánh Lễ.
Đúng vậy em. Niềm vinh dự của lễ sinh không phải là được đứng trước cộng đoàn, được ở nơi cộng đoàn nhìn thấy rõ, nhưng niềm vinh dự của em là ở chỗ em đứng bên Chúa Giêsu, được Người âu yếm yêu thương. Mỗi lần nhìn thấy các em lễ sinh, người ta thường nghĩ đến Samuel trong Cựu Ước. Cậu được ở trong đền thờ, ngày đêm hầu cận Thiên Chúa, và trong vị thế ấy, cậu đáp lại tiếng Chúa.
Như Samuel, em được chọn gọi để phục vụ bàn thờ. Từ xa xưa trong Hội Thánh, việc giúp lễ dành cho các thầy lãnh tác vụ giúp lễ, còn gọi là chức năm. Bây giờ em đón nhận ơn gọi ấy, có thể là dấu chỉ của ơn gọi tu trì sau này. Nếu em không đi tu, thì việc giúp lễ tự nó đã là ơn gọi Chúa dành cho em. Em hãy cám ơn Chúa vì Ngài đã mời gọi em đến phục vụ bàn thờ.
Như vậy, em phải đáp trả thế nào?
Ngày xưa tôi cũng là lễ sinh như em. Một lần nọ sau Lễ sáng, cha xứ cho người đến nhà và nói: Vinh vào gặp Cha gấp. Hôm đó tôi bị phạt vì cái tội đến nhà thờ rồi mà bỏ về, không chịu giúp lễ. Cái lý do rất đáng trách: hôm đó bạn giúp lễ vắng, thế là đứa em tôi thế vào. Chỉ vì sợ mắc cỡ khi hai anh em giúp lễ chung (!), tôi trốn về luôn. May mà hôm đó là ngày thường, không phải Chúa Nhật.
Kể cho các em nghe chuyện này, chỉ xin được khuyên em một điều: đừng bao giờ bỏ giúp lễ vì những lý do không cần kíp, em hãy hứa với Chúa Giêsu, Đấng mà em phụng sự tại bàn thờ.
Thứ hai, tôi cũng xin kể em nghe chuyện này. Hồi đó một lần tôi phạm một cái lỗi là uống trộm rượu lễ. Đối với lễ sinh thì mùi vị rượu lễ hấp dẫn vô cùng. May mà lúc ấy tôi chỉ cùng bạn uống thử một chút xíu thôi. Nếu ai uống nhiều rồi đổ nước vào bù lại thì có lỗi nặng vì có thể Cha truyền phép không thành.
Vậy lời khuyên thứ hai: Em hãy tôn trọng tất cả vật dụng thánh, trên bàn thờ và trong phòng thánh. Đừng xúc phạm đến bất cứ vật dụng gì, vì tất cả đã được thánh hiến, dành cho việc tế lễ mà thôi.
Điều thứ ba, em hãy tập chú ý quan sát để có thể đáp ứng các nhu cầu của Cha chủ tế mà không làm cộng đoàn chia trí. Lấy cho Cha cuốn sách, chỉnh âm thanh microphone, sửa lại hoa, nến… là những điều lễ sinh cần chú ý làm như bổn phận của mình. Các em chưa được giúp lễ cho Đức Giám mục, các em chưa biết, còn phức tạp hơn nhiều. Hồi ấy tôi hay được theo giúp lễ cho Đức Giám mục giáo phận, nguyên việc giữ gậy, trao gậy, lấy mũ Mira, trao cho ngài đội lên, lấy mũ chóp xuống khi ngài truyền phép… nếu không chú ý sẽ rối tung cả.
Em hãy chú ý em nhé, bởi vì sự cẩn trọng của em sẽ giúp cho cộng đoàn dâng Thánh Lễ sốt sắng hơn.
Lễ sinh cũng cần biết Thánh Lễ hôm đó là Thánh Lễ kính Chúa, Đức Mẹ hay kính vị thánh nào, phải biết bậc lễ, lễ trọng, lễ kính hay lễ nhớ. Em còn phải biết nội dung các bài đọc để chính em tham dự Thánh Lễ sốt sắng. Hồi đó tôi còn lơ đãng, không chú ý những điều này. Ở nhà thờ xứ, khi cha đọc lời nguyện đầu lễ thì lễ sinh bước lên, nâng sách Lễ cho Cha đọc. Một lần, khi cộng đoàn vừa đọc xong kinh Thương Xót, tôi tiến lên và nâng sách. Nhưng Cha không đọc lời nguyện mà xướng kinh Vinh Danh vì hôm đó là Lễ kính mà tôi không chú ý. Thế là tự dưng mình cảm thấy xấu hổ, có cảm giác cả động đoàn cười mình, nên tôi bối rối kêu lên: “Cha!”. Cha chỉ nhìn mà không nói gì.
Em ơi, việc nhầm lẫn có thể xảy ra. Nếu mình đã cẩn thận mà có làm sai thì cứ tự nhiên mà sửa, đừng tỏ ra bối rối cũng đừng lo lắng gì cả. Việc thực hành nhầm lẫn tự nó có thể không là gì, nhưng chính thái độ bối rối của em trên cung thánh làm cộng đoàn chia trí.
Còn chuyện này, hy vọng sẽ làm các em cảm động và bắt chước. Một lần khi giúp lễ xong, anh bạn trong nhóm giúp lễ sáng hôm ấy biến đâu mất. Mọi người ngạc nhiên đi tìm. Các em biết anh đi đâu không? Anh ấy quỳ sau chiếc tủ gỗ mà cầu nguyện riêng. Bây giờ anh lễ sinh ngày nào là cha giáo sư Đại chủng viện đấy em ạ.
Những mẩu chuyện nhỏ chia sẻ với em hôm nay cùng với những lời khuyên cũng nho nhỏ ấy, xin gửi đến em với lời chúc cho tất cả các em và từng em, luôn mau mắn đáp lại tiếng Chúa như Samuel: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Và cũng chúc cho em nhiệt thành, sốt sắng như chú lễ sinh nhân đức, “đồng nghiệp” của em, là Thánh Đaminh Saviô, mà có dịp chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ về ngài.
Gioan Lê Quang Vinh