Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tình yêu phục vụ

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

TÌNH YÊU PHỤC VỤ (Thứ Năm Tuần Thánh)

 

Cứ bước vào Tuần Thánh là tôi lại bồi hồi nhớ tới cách đây 5 năm được tham dự Thánh lễ Tiệc Ly tại một Giáo xứ ở Saigon. Mọi nghi thức trong Thánh lễ đều diễn ra cách bình thường như các nơi khác, duy chỉ có nghi thức rửa chân là để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi: Hôm đó, vị chủ tế cũng làm như bao vị khác (quỳ xuống, cầm bình rót nước vào chân cho 12 chức sắc trong Giáo xứ nhập vai các Tông đồ thủa xưa), duy có một điều khác là sau khi lấy khăn chấm khô chân người được rửa, thì vị chủ tể nâng bàn chân đó lên và hôn một cách kính cẩn. Năm nay đã 75 tuổi đầu, thú thực tôi chưa được hơn một lần chứng kiến một nghi thức rửa chân cảm động đến như vậy. Trong khi sưu tầm những tài liệu để viết bài chia sẻ Tin Mừng, tôi lại được thấy hình ảnh Chân phước Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã noi gương Chúa Giê-su một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân mà còn cúi xuống hôn chân cho người khác.

 

Nghi thức rửa chân trong Thánh lễ Tiệc Ly tái hiện Tình Yêu Thiên Chúa dành cho những kẻ tin và nói chung là toàn thể nhân loại, như Thông điệp “Thiên Chúa là Tinh Yêu” (số 19) đã khẳng định: “Quả thế, Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh bên trong làm hoà nhập trái tim của họ (các tín hữu) với trái tim của Đức Giê-su và thúc đẩy họ yêu thương anh em mình như Đức Giê-su đã yêu thương họ, khi Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 1; 15, 13) và nhất là, khi Người trao ban mạng sống Người cho chúng ta (Ga 13, 1; 15, 13)”. Vâng, ngay từ “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1). Và vì thế nên trong bữa Tiệc Ly, Người đã thể hiện Tình Yêu vô bờ bến đó bằng hành động cụ thể:

 

* RỬA CHÂN CHO CÁC MÔN ĐỆ: Việc rửa chân cho người khác xưa nay chỉ xảy ra ở những kẻ dưới (nô lệ, tôi tớ) đối với bề trên (chủ nhân, trưởng thượng). Đức Giê-su đã làm ngược lại, nhằm mục đích dạy các môn đệ tinh thần yêu thương phục vụ (“Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” – Ga 13, 13-17).

 

Có một chi tiết rất đáng lưu ý là khi Tông đồ Phê-rô đòi “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”, thì Đức Giê-su trả lời: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (Ga 13, 9-10). Nếu ai đã tắm rồi, toàn thân người ấy đã sạch rồi, không cần phải rửa nữa, thì hà cớ gì Đức Giê-su lại mất công rửa chân cho các môn đệ? Vấn đề đặt ra chính ở điểm này: Rõ ràng Đức Giê-su làm việc này không phải để làm gương và từ đó sai các môn đệ đi rửa chân (thể lý) thực sự cho mọi người. Ý muốn của Người là cho thấy các môn đệ đã được tắm trong Phép Rửa, toàn thân đã sạch, nhưng bàn chân đi đây đi đó dính đầy bụi bặm (va chạm vào thực tế đời sống và bị sự dữ, tội lỗi bám vào) rất cần được tẩy rửa trong Thánh Thần và Lửa để nên sạch sẽ tinh tuyền. Từ đó Người còn nhấn mạnh “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” là muốn ám chỉ đến Giu-đa It-ca-ri-ốt phản Thầy bán Chúa.

 

* LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ: Trước khi chính thức bước vào cuộc khổ nạn để thực hiện lời dạy: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 12-13), Đức Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể làm lương thực trường tồn cho tín hữu (Mt 26. 26-29; Mc 14, 22-25; Lc 22, 19 -20). Chúa muốn biến thân xác Người thành của ăn trường sinh, của ăn không bao giờ hư nát. Đây là việc làm đầy yêu thương Chúa trao cho nhân loại. Chính vì thế, đang khi ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy." Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26. 26-29).

 

 Chung quy, những lời dậy và việc làm của Đức Giê-su trong bữa Tiệc Ly đã nói lên đầy đủ ý nghĩa cốt tuỷ của Ki-tô Giáo, đó là tinh thần “Phục Vụ Trong Yêu Thương”. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Con Một xuống thế làm người để phục vụ cho hạnh phúc của nhân loại. Vâng, “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ  hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Quả thực “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì người mình yêu.” (Ga 15, 13). Từ những việc làm thực tế, những vật thể hữu hình (nước rửa chân, khăn lau, miếng bánh, ly rượu), Đức Giê-su đã dạy các tín hữu hãy noi gương Người mà phục vụ lẫn nhau trong Tình Yêu Thiên Chúa.

 

Người Ki-tô hữu, để có thể kết hợp với Đức Ki-tô ngõ hầu trở nên đồng hình đồng dạng với Người (Pl 3, 9-10), thì phải biết “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác” (1Pr 4, 10); “đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5, 13). Một cách cụ thể là hãy đem Lời Chân Lý (Bánh Hằng Sống) đến cho mọi người, đồng thời cũng đừng quên đem cơm bánh vật chất đến cho những kẻ khó nghèo. Vâng, “Trước một thế giới đang yêu cầu các Kitô hữu đưa ra một chứng tá mới mẻ về tình yêu và lòng trung thành với Chúa, mọi Ki-tô hữu đều cảm thấy phải cấp bách ganh đua với nhau trong đời sống bác ái, trong việc phục vụ và làm các việc lành (x. Hr 6,10). Lời nhắc nhở này đặc biệt thúc bách trong mùa thánh chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh.” (Sđ Mùa Chay 2012, phần kết luận).

 

Mong rằng tất cả đàn chiên trong ràn chiên Giáo Hội, hãy theo chân vị Giáo-Hoàng-của-người-nghèo vừa đăng quang là ĐTC Phan-xi-cô I, mà đến với những người nghèo khó vật chất (thiếu cơm ăn áo mặc) kể cả những kẻ đói ăn tinh thần (thiếu vằng hoặc chưa biết đến Lời Chúa). Ôi! “Lạy Chúa, trong bữa tiệc ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Ðức Giê-su đã trối cho Hội Thánh một hy lễ mới muôn đời tồn tại làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng con đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng con được tràn đầy tình yêu và sức sống viên mãn của Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Thánh lễ Tiệc Ly)

 

JM. Lam Thy ĐVD.

.