Lời chúc bình an
CN II PS/ C
Bài đọc 1 : ( Cv. 5: 12-16). Bài đọc 2 : ( Kh.1:9-13, 17-19)
Tin Mừng: ( Ga. 24: 19-31)
LỜI CHÚC BÌNH AN
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, khi các môn đệ đang họp, Chúa Giêsu hiện ra, chúc bình an và cho họ xem tay và cạnh sườn còn mang dấu đanh. Ngài lại chúc bình an cho họ lần thứ hai và sai họ ra đi; đồng thời thổi hơi trên các ông để ban Thánh Thần, cho các ông quyền tha hay cầm tội.
Vì vắng mặt , nên khi nghe các môn đệ khác kể lại việc Chúa hiện ra,Tôma, một trong số các môn đệ không tin : “ Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.”
Tám ngày sau, các môn đệ lại nhóm họp. Lần này có Tôma. Chúa lại hiện đến, chúc bình an và cho Tôma xem các dấu đanh Người đã chịu ; và Tôma đã tin. Và Chúa phán thêm : “...Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”
Chúa còn làm nhiều phép lạ nữa trước mặt các ông để các ông vững tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã chết và đã sống lại.
Những nội dung mà chúng ta có thể trao đổi qua bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 2 Mùa Phục sinh : 1. Việc Chúa sai các môn đệ ra đi. 2.Việc Chúa ban Thánh Thần cho các ông.3. Chúa cho các ông quyền tha hay buộc tội.4. Vấn đề đức tin: thấy mà tin và không thấy mà tin.
Trong buổi chia sẽ này, chúng ta chỉ trao đổi về LỜI CHÚC BÌNH AN.
Thầy đã chịu đóng đinh, đã chết. Thế là hết!
Tổ chức cách mạng “ Đổi đời” vừa mới nhen nhúm được ba năm đã bị đập tan. Thủ lĩnh đã chết. Rắn mất đầu. Tổ chức tan rã. Cán bộ nòng cốt mạnh ai nấy trốn. Không biết số phận của tổ chức, của anh em rồi sẽ ra sao? Diệt được Thầy rồi, họ sẽ tìm đến những người theoThầy thôi. Biết thế thì cứ yên ổn làm ăn cho xong. Không biết tình thế sẽ đi về đâu? Nếu bọn biệt phái mà phát hiện ra, chỉ có chết thôi. Trốn chui trốn nhủi mãi thế này được sao?
Tâm trạng bất an, lo sợ. Đi đứng nằm ngồi không yên. Bồn chồn lo lắng.
Nghe Phêrô, Gioan và các chị nói Thầy đã sống lại. Có thật không? Làm gì có chuyện đó. Có chăng là vào ngày “sau hết”.
Đó là tâm trạng của các môn đệ sau khi Thầy Giêsu đã chết. Nhưng cũng chính trong những giây phút bấn loạn ấy, các môn đệ cần có sự bình an cả tinh thần lẫn thể xác.
Rồi “vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái”. ( Ga 20: 19), và Chúa Giêsu bất ngờ xuất hiện. Ma! Mọi người có mặt hoảng hốt, sợ hãi. Thầy đây. Đừng sợ! “Bình an cho anh em!”
Lời nói đầu tiên Chúa Giêsu nói với các môn đệ là: “Bình an cho anh em!”: hai lần trong lần hiện ra thứ nhất và một lần khi hiện ra lần thứ hai có cả Tôma.
Có lẽ trong số các môn đệ của Thầy Giêsu, ông Tôma là người bất an và khủng hoảng niềm tin nhất. Tâm trạng thất vọng, chán nản, khủng hoảng niềm tin khi thấy Thầy chịu chết cách bất công, tủi nhục, đã đưa ông đến tình trạng sống tách lià cộng đoàn để sống riêng lẻ một mình; chính sự tách biệt ấy đã đưa ông đến tâm trạng bất an, và cũng nhờ khi trở lại với anh em mà ông tìm lại được sự bình an.
Hơn ai hết, các môn đệ trong lúc này, là những người cần sự bình an. Các ngài bất an, lo lắng, buồn sầu vì mất Thầy, đang hoang mang không biết tương lai sẽ đi về đâu, đang lo sợ người Do thái thù ghét. Nhờ có sự hiện diện của Thầy, nhờ lời Thầy, nhờ có sự chung sống với cộng đoàn mà các ngài tìm lại dược sự bình an, Sự bình an là sự kết hợp giữa sự hiện diện của Thiên Chúa và cộng đoàn, là sức mạnh của Lời Ngài, là kết quả của Thần Khí; sự bình an ấy là sức sống, là thứ bình an đích thực mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng cho chúng ta. Mỗi lần tham dự Thánh lễ là một dịp chúng ta tìm được sự bình an đích thực ấy.
Biết được tâm trạng lo âu, sợ sệt, bất an của các môn đệ, nên Chúa Giêsu đã trấn an họ: “Bình an cho anh em!” Lời chúc bình an của Chúa thật đúng lúc và cần thiết cho họ lúc này. Còn gì vui sướng hơn được tận mắt nhìn thấy Thầy, được tận tai nghe lời Thầy nói! Chính Thầy Giêsu đã đem lại sự bình an và niềm tin cho các môn đệ.
Trở về cuộc sống hiện tại, chúng ta bất an, lo lắng, sợ hãi khi nào? vì đâu?
Sống trong tình trạng tội lỗi là sống bất an, lương tâm cắn rứt.
Hôm nay nghe tin động đất tại đây, mai có tin sóng thần, bão lụt nơi kia. Chúng ta bất an, lo lắng. Lo chuẩn bị đồ ăn, nước uống...Nhanh chân đi mua muối để phòng chống phóng xạ nguyên tử.
Tiểu đường, cao máu, ung thư..Đủ thứ thuốc phải uống. Phải đi khám bệnh thường xuyên. Không biết khi nào phải ra điđây?
Kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định. Tiền nhà, tiền bảo hiểm rồi sẽ phải tính sao đây nếu bị mất việc. Lo lắng.
Mở mắt dậy đã thấy đủ thứ phải lo, đủ điều phải sợ , đủ thứ làm bất an.
Lo lắng hôm nay, bất an ngày mai. Muốn sống bất kể ngày mai, không cần lo lắng hiện tại cũng không xong.
Không có cứu cánh, không có điểm tựa cho cuộc sống khác nào con thuyền bồng bềnh giữa biển khơi không biết sẽ đi về đâu, sẽ đỗ bến nào. Sống như thế là bất an, lo lắng, thất vọng. Sống không niềm tin là sống không có ngày mai.
May mắn cho ai có được một niềm tin cho cuộc sống, như Thánh Augustin đã nói: “ Cái chết của tâm hồn do đâu? Do thiếu đức tin. Cái chết của thân xác do đâu? Do thiếu tâm hồn. Vậy đức tin là tâm hồn, là sự sống của tâm hồn.”
Nhưng tin vào ai? Tin vào cái gì?
Tin vào số phận, vào bói toán ư? Tin vào tiến bộ của khoa học, tin vào tiền tài danh vọng ư ?Những thứ ấy có giải quyết được cho chúng ta ý nghiã của cuộc sống không? Chúng vẫn không mang lại cho chúng ta bình an thực sự, vẫn không giúp chúng ta tìm được an tâm. Cuộc sống với những niềm tin như thế cũng chỉ đi vào ngõ cụt.
Là người Kitô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa, Đấng quyền năng, sáng tạo vũ trụ. Tin vào Thiên Chúa là tình yêu. Tin vào Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế gian, mang thân phận con người để đánh đổi giữa sự chết và sự sống lại vinh quang. Chúng ta tin tưởng, an tâm và hy vọng như lời Thánh Phêrô đã viết trong thư thứ nhất ( 1 Pet 1: 3-5) : “ Do lượng hải hà, Người cho chúng ta tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẫn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong ngày sau hết.”
Bình an của chúng ta là đây. Hy vọng của chúng ta là đây.
Nhưng chúng ta đã và đang sống niềm tin ấy như thế nào? Phải chăng chỉ khi gặp khó khăn, hoạn nạn, chúng ta mới nhớ đến Chúa, mới chạy đến Người! Còn khi được sống an vui, hạnh phúc, được sống toại nguyện thì lại quên có Chúa đang đồng hành!
Chỉ khi nào đặt tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, chúng ta mới có bình an thật sự.
Cũng như khi kết thúc Thánh lễ, vị chủ tế chúc : Anh chị em hãy ra đi bình an.
Chúng ta có Chúa đồng hành, sao không an tâm!
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: