Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần

Tác giả: 
Nguyễn Văn Nội

 

 

“ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN”

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM C (19/05/2013)

[Cv 2, 1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

 

Trong tháng 3.2013 vừa qua, các tín hữu Công giáo Việt Nam có hai cơ hội vô cùng đặc biệt để cảm nghiệm sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần trong lòng Hội Thánh Việt Nam và Hội Thánh toàn cầu: Đó là khi (01/03/2013) Ban Thường Vụ Hội đồng Giáo Hội Việt Nam công bố “Thư nhận định và góp ý về việc sửa đổi Hiến Pháp 1992” và khi (13/03/2013) Mật Viện Hồng Y chọn Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, Tổng Giám Mục Buenos Aires (Argentina) làm Giáo Hoàng (danh hiệu Phanxicô) của Giáo Hội Công giáo Rôma. Cả hai sự kiện trên đều do một Thánh Thần thực hiện, Thánh Thần khôn ngoan, Thánh Thần dũng cảm của Thiên Chúa. 
Riêng cá nhân tôi, càng phục vụ các Khóa “Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất” tôi càng nghiệm thấy tác động kỳ diệu của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và đời sống người giáo dân. Càng đi sâu vào các vấn đề tồn đọng của Hội Thánh Chúa tại Việt Nam, tôi càng ước mong một Lễ Hiện Xuống Mới của Thánh Thần Thiên Chúa, Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, Thánh Thần Canh Tân Đổi Mới tâm hồn con người và thực tại trần thế. 
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúa Giê-su đã truyền như thế. Tại sao chúng ta còn chần chừ?
             

II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

 

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cv 2, 1-11): Ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng. 1Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.

 

 5Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? 8Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa! "

 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Cr 12,3b-7.12-13): Chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một thần khí để trở nên một thân thể.  3bThưa anh em, không ai có thể nói rằng: "Đức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí. 4Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

 

12Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Ga 20,19-23): Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 19Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" 20Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." 22Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI KINH THÁNH

 

3.1 Chân dung của Thiên Chúa

 

3.1.1 Bài đọc 1 (Cv 2, 1-11) là đoạn Sách Tông Đồ Công Vụ mô tả biến cố trọng đại xẩy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần năm 30 sau Công Nguyên: Thánh Thần Thiên Chúa (cũng là Thánh Thần của Chúa Ki-tô) xuống trên các Tông Đồ là trụ cột của cộng đoàn Ki-tô hữu. Hiện tượng khả giác có thể kiểm tra được là hình lưỡi lửa đậu xuống trên các Tông Đồ. Nhưng hiện tượng có sức lôi cuốn và thuyết phục mọi người là việc các Tông Đồ nói các thứ tiếng địa phương khác nhau để làm chứng về Chúa Giê-su Ki-tô Đấng đã chết và phục sinh để cứu chuộc nhân loại.  

 

àTrong đoạn sách Cv 2,1-11 trên, chúng ta thấy rõ sự hiện diện và hành động diệu kỳ của Chúa Thánh Thần trong các tâm hồn và trong cộng đoàn môn đệ  Chúa Ki-tô. Nhờ đó, chúng ta vững tin hơn vào lời hứa cũng là quà tặng của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh: “Thầy sẽ xin Cha ban Thánh Thần cho anh em”  và “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”

 

3.1.2 Bài đọc 2 (1 Cr 12 3b-7.12-13) là những lời của Thánh Phao-lô nói về tầm quan trọng của Thần Khí cũng như về các ơn hay đặc sủng mà Thần Khí ấy ban cho các tín hữu để họ làm nên một cộng đoàn, một thân thể hiệp nhất, yêu thương và làm chứng  cho “tính duy nhất” của Ki-tô giáo: một Thiên Chúa, một Thánh Thần, một phép rửa, một nìềm tin, một sứ vụ, một niềm hy vọng, một ơn cứu độ!

 

àTrong đoạn Thư 1 Cr 12,3b-7.12-13 trên, chúng ta thấy Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất và của mọi hoạt động của người và cộng đoàn Ki-tô hữu.

 

3.1.3 Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23) là tường thuật về cuộc hiện ra của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Chỉ trong một ít câu mà chứa đụng cả một nội dung vô cùng phong phú gồm toàn những điều cực kỳ quan trọng:

 

(a) Chúa Giê-su Phục Sinh chúc và ban bình an cho các Tông Đồ;

 

(b) Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh cho các Tông Đồ xem các dấu đinh trên thân thể Người;

 

(c) Chúa Giê-su Phục Sinh khẳng định lại sứ mạng mà Chúa Cha đã giao cho Người mà nay Người giao lại cho các Tông Đồ;

 

(d) Chúa Giê-su Phục Sinh ban Thánh Thần cho các Tông Đồ: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”;

 

(đ) Chúa Giê-su Phục Sinh ban quyền tha tội cho các Tông Đồ.

 

àQua Bài Phúc Âm Ga 20,19-23 chúng ta thấy rõ tấm lòng yêu thương và quan phòng của Chúa Giê-su Phục Sinh đối với các môn đệ của Người. Chúng ta cũng thấy được Chúa Giê-su Phục Sinh tin tưởng vào các Tông Đồ như thế nào. Nói một cách khác, chúng ta khám phá ra kế hoạch hậu Phục Sinh của Thiên Chúa: Từ nay trở đi công trình cứu chuộc nhân loại được Thiên Chúa thực hiện qua/trong Thánh Thần và Hội Thánh Tông Truyền!

 

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

 

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được tìm thấy trong câu này của Phúc âm Gio-an: Người thổi hơi vào các ông và bảo: 
"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”

 

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

 

4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Thiên Chúa Tình Yêu; với Chúa Con là Đấng Phục Sinh và giao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các môn đệ; với Chúa Thánh Thần là Đấng xuống tràn đầy trên các Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần.

 

4.2 Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa

 

Để “nhận lấy Chúa Thánh Thần” mà Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh ban cho, tôi phải thực hiện những việc sau đây:  

 

* Một là tôi phải hết lòng mong đợi và mở lòng mở trí, sẵn sàng đón nhận sự xuất hiện và tác động của Thánh Thần Thiên Chúa trong tâm hồn và cuộc sống của tôi.

 

* Hai là tôi phải chuyên chăm và thiết tha cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần hiện xuống và hoạt động trong tâm hồn và cuộc sống của tôi.

 

* Ba là tôi phải trân trọng và nghe theo những soi sáng hay tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống thường ngày, nhất là trong những giờ phút cầu nguyện, tĩnh tâm, học hỏi và suy niệm Thánh Kinh và phục vụ tha nhân.

 

* Bốn là tôi phải trân trọng những ân ban hay đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho tôi và đem những ơn ấy ra phục vụ cộng đoàn, xây dựng sự hiệp thông, tình hiệp nhất, sự liên đới và san sẻ giữa anh chị em đồng đạo và đồng loại.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

 

5.1 «Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân, các nước được Thánh Thần đánh động mà nhận ra Thiên Chúa là Chúa Tạo Dựng và Cứu Chuộc!

 

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

 

5.2 «Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công giáo toàn cầu và tại Việt Nam, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi Ki-tô hữu được ơn bình an và Thánh Thần mà Chúa Ki-tô ban tặng!

 

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.3 «Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để mọi người sống yêu thương, đoàn kết và hợp tác với nhau để xây dựng giáo xứ  thành cộng đoàn của Thần Khí!

 

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

5.4 «Bình an cho anh em!»  Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người ốm đau, bệnh tật và những người bị đàn áp, bóc lột khiến họ phải lo âu sầu muộn để Chúa ban bình an của Người cho những con người ấy.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.