Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Có mấy Thần Khí ?

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CÓ MẤY THẦN KHÍ ? (CN CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG)

 

Chú tâm đọc và suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, thấy giữa bài đọc thứ nhất (Cv 2, 1-11) và bài Tin Mừng (Ga 20, 19-23) có một chi tiết hơi lạ, đó là: Trong bài Tin Mừng, các Tông đồ được Chúa Ki-tô Phục Sinh thổi hơi ban Thánh Thần (“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” – Ga 20, 22-23); còn trong bài đọc 1 thì Thánh Thần Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa trên các Tông đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Như vậy thì Thần Khí Đức Ki-tô thổi hơi ban cho các môn đệ và Thần khí hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần có khác nhau chăng? Nếu khác thì khác ở chỗ nào? Nếu chỉ là một Thánh Thần thì tại sao các tông đồ lại nhận được tới hai lần và bằng hai cách khác nhau? Những băn khoăn này còn gặp ở ngay trong Lời dạy của Đức Ki-tô: Khi bước vào cuộc khổ nạn thì Người nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14, 16). Giờ đây Người lại thổi hơi và nói “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (tức là chính Người ban Thánh Thần cho các môn đệ).

 

Thực ra, Thánh Thần được Chúa Ki-tô Phục Sinh thở hơi trên các Tông đồ và Thánh Thần hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần chỉ là một Thánh Thần duy nhất. Thế nhưng, nếu là một Thánh Thần duy nhất thì tại sao các Tông đồ lại lãnh nhận tới hai lần? Lý do của sự kiện này có thể giải trình theo trình tự thời gian và theo cường độ đức tin. Theo trình tự thời gian thì 2 lần cách nhau 50 ngày. Lần thứ nhất và cũng là ngày thứ nhất tính từ thời điểm Chúa Ki-tô Phục Sinh, khi các Tông đồ còn đang sợ hãi ẩn nấp vì Thầy mình đã chết, và lần thứ hai vào thời điểm các Tông đồ đang hân hoan vì Thầy mình đã Phục Sinh và đang thao thức chờ đợi lời hứa của Thầy (“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” – Ga 14, 16) trở thành hiện thực, để có đủ dũng khí thi hành sứ vụ mà Thầy đã trao phó. Đó là về thời điểm các Tông đồ lãnh nhận Thánh Thần, nhưng như thế thì cũng chẳng có gì đáng để băn khoăn. Điều đáng lưu ý là vì sao lại có lần thứ hai các Tông đồ được đón nhận Chúa Thánh Thần?

 

Vấn đề này sẽ sáng tỏ khi nhìn lại quá trình đức tin của các Tông đồ. Theo Thầy vì tin Thầy là Đấng Cứu Độ, là Đấng có thể làm cho mình trở thành những kẻ “lưới người như lưới cá”, vậy mà khi thì tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, lúc lại tưởng Thầy là ma; thậm chí tới khi Thầy đã sống lại và hiện ra để ban Thần Khí cho các ngài, mà vẫn còn cảnh “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 37). Vừa mới khẳng định chắc nịch: “Dù có phải chết, con cũng không chối Thầy”, thì ngay sau đó đã chối bai bải: “Tôi thề là không biết người ấy”. Tin Thầy đến độ đòi được ngồi bên tả bên hữu Thầy khi Thầy được vinh quang, vậy mà khi Thầy bước vào thời điểm mà chính Thầy khẳng định: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13, 31), tức là lúc chính thức bước vào cuộc thương khó để cứu độ nhân loại, thì “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26, 56). Vậy đó! Xem thế thì đủ rõ đức tin của các môn đệ vẫn chưa thật sự kiên định. Và vì thế, rất cần Thần Khí Chúa đến với các ngài không chỉ hai lần mà nhiều lần hơn nữa để củng cố và tăng trưởng đức tin.

 

Hành trình đức tin của mọi tín hữu cũng vậy thôi và đừng nói là 2 lần, có không ít kẻ đến năm lần bảy lượt Thánh Thần đến, thậm chí còn cư ngụ luôn ở trong lòng (“Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? – 1Cr 3, 16; “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? – 1Cr 6, 19), mà đức tin vẫn như “nước đổ lá khoai” chẳng đọng lại được chút nào! Hoá cho nên vẫn rất cần phải có lần thứ hai Thánh Thần đến với các Tông đồ và nói chung là các tín hữu để không những chỉ củng cố đức tin cho vững mạnh mà còn phát triển vươt bậc nữa. Thật thế, lần thứ hai Thánh Thần đến với các Tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần đã ban lòng can đảm, sự khôn ngoan và nhất là khả năng ngôn ngữ có thể nói nhiều thứ tiếng khác ngoài tiếng bản địa của các ngài. Đó là một mầu nhiệm được chính những người nghe làm chứng ("Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!" – Cv 2, 7-11).

 

Và cho đến hiện nay thì bất kỳ ai khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội, cũng phải ngạc nhiên đến sửng sốt trước sự tồn tại bền vững và phát triển vượt bậc. Đó phải chăng là một món quà độc đáo, món quà vô giá mà Đức Ki-tô đã ban tặng các môn đệ, và nói chung là tất cả mọi tín hữu ("Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" – Ga 20, 22-23)? Điều đó cho thấy chỉ có một Thánh Thần nhưng Người đến với các môn đệ, với Giáo Hội và nói chung là tất cả mọi tín hữu, với nhiều hình ảnh và kiểu cách khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, tuỳ theo những đặc sủng Người ban cho mỗi người mỗi khác (“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” – 1Cr 13, 4-7).

 

Như vậy thì Đức Thánh Linh ở trong Ngôi Cha và Ngôi Hai Thiên Chúa, cả Ba Ngôi hiện diện trong nhau, tồn tại trong nhau, ở khắp mọi nơi (cả trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ) và trong mọi thời điểm, còn nói Chúa Thánh Thần hiện xuống chỉ là cách nói nhằm làm sáng tỏ sự thật về Ngôi Ba Thiên Chúa. Đó là Đấng Thánh, là Thần Khi Sự Thật luôn kết hợp mật thiết với Ngôi Cha và Ngôi Con trong mọi công trình của Thiên Chúa (từ sáng tạo vũ trụ và con người, đến hồng ân cứu độ, từ khởi nguyên tới tận cùng). Một cách cụ thể, khi nói Chúa Thánh Thần hiện xuống, là để miêu tả hình ảnh thật (Chim Bồ Câu, Lưỡi Lửa, Ánh Sáng…) từ trời cao bay xuống đậu trên những vật thể hữu hình, và đó cũng chính là những mạc khải của Thiên Chúa để con người hiểu được mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Quả thật, món quà mà Đấng Cứu Thế ban tặng các môn đệ, rộng ra là toàn Giáo Hội, rất độc đáo, một món quà vô giá! Chính vì thế, Công Đồng Va-ti-ca-nô II được coi là một Lễ Hiện Xuống mới, vì Công Đồng đã định hướng việc canh tân Giáo Hội, đem tinh thần đối thoại hiệp thông với Thiên Chúa và với hết mọi người, để cùng với Chúa Thánh Thần thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Món quà vô giá của Con Thiên Chúa Giê-su Ki-tô là Thánh Thần; mà hoa trái của Thánh Thần là hiệp nhất trong yêu thương phục vụ. Do đó những tư tưởng, lời nói và hành động mang tính chia rẽ, ghen tương, đố kỵ, thậm chí dèm pha, hạ bệ lẫn nhau, thù oán, giết hại nhau không bằng gươm giáo… đều là những thể hiện trái ngược với hoạt động của Thánh Thần.

 

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).

 

 JM. Lam Thy ĐVD.