Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lương thực trường tồn

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG TỒN (CN IX/TN-C  - LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ)

 

Khi con người no đủ thì không thể hiểu được cơn đói khó chịu đến mức nào. Phải trực diện với cái nghèo đói mới cảm nhận được hình ảnh những người đói khát trước những tấm bánh. Cũng chính vì thế nên khi Đức Giê-su vào trong hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ, thì lời đầu tiên ma quỷ cám dỗ Người là chúng nói đến bánh: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!" (Lc 4, 3). Chúng biết Đức Ki-tô (ở đây là bác thợ mộc Giê-su Na-da-rét) vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày, chắc chắn phải đói bụng, vậy thì miếng ăn lúc này là mồi nhử hữu hiệu nhất. Đức Giê-su đã trả lời thẳng: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." Từ đó suy ra: Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa luôn bày tỏ sự liên đới với cái đói khát của con người trần thế (từ cơn đói cơm bánh vật chất đến cơn đói tinh thần). Một cách cụ thể là Đức Giê-su Thiên Chúa luôn đến với những con người nghèo đói, bệnh tật, tội lỗi.

 

Bài Tin mừng hôm nay (CN IX/TN-C – Lc 9, 11b-17) trình thuật việc Đức Giê-su làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, biểu lộ tình thương đối với đoàn người đang đói ăn, khi họ đi theo Người. Cùng chung một đề tài này, cả 4 sách Tin Mừng đều tường thuật khá chi tiết (Mt 14, 13-21; Mc 6, 30-44; Lc 9, 10-17, Ga 6, 1-13). Đó là lần thứ nhất, sau đó Đức Giê-su lại "chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường." và lần thứ hai, Người lại làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, nhưng lần này chỉ có 2 sách Tin Mừng tường thuật (Mt 15, 32-39; Mc 8, 1-10). Lần thứ nhất, với “năm cái bánh và hai con cá”, Đức Giê-su đã hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông tới hơn 5000 người (không kể đàn bà và trẻ con) ăn no nê, còn dư tới 12 thúng đầy. Lần thứ hai với “7 cái bánh và một ít cá nhỏ”, đám đông hơn 4000 người (không kể đàn bà và trẻ con) cũng ăn no nê và còn dư tới 7 thúng đầy. Điều đó cho thấy Đức Giê-su không chỉ lo cho người ta thức ăn tinh thần mà còn lo cả thức ăn cho thể xác của họ nữa.

 

Tiếp liền với phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất, Thánh sử Gio-an có trình thuật bài “Diễn từ trong hội đường Ca-phac-na-um” (Ga 6, 22-59). Sau khi Đức Giê-su làm phép lạ tại biển hồ Ti-bê-ri-a thì Người tới Ca-phac-na-um ở phía bên kia biển hồ. Đám đông vẫn lũ lượt tìm theo dấu chân của Người. Cứ tưởng họ được chứng kiến tận mắt phép lạ, thì họ tin và đi theo Người; nhưng thật không ngờ họ đi theo Người chỉ vì được ăn no nê (“Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” – Ga 6, 26). Cũng vì thế nên Đức Ki-tô phải cho họ biết điều trước mắt là “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga 6, 27).

 

Thứ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh ấy chính là bản thân Con Người vừa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho họ ăn no nê, bởi vì  “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." (Ga 6, 51). Tới đây thì đám đông biểu lộ thái độ không tin, đúng như lời nhận xét của Đức Giê-su (“Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” – Ga 6, 26). Với đám đông thì có thể hiểu được vì họ chỉ cần no bụng, nhưng với các môn đệ ở liền bên mà khi nghe Thầy nói vậy cũng thốt lên: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" (Ga 6, 61) thì... thật hết biết! Ấy cũng bởi cái bản tính cố hữu của con người chỉ nhìn vấn đề theo cái nhãn quan thiển cận, hay nói cách khác là nhìn bằng “con mắt thịt” nên mới "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (Ga 6, 52). Rõ ràng là đám đông (kể cả các môn đệ) đã thiếu cái nhãn quan “nhìn linh thị, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần” (Ds 24, 16).

 

Nếu có được cái nhãn quan “nhìn linh thị” thì sẽ thấy được trong cả hai lần, khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Đức Giê-su đều cầm lấy bánh và cá rồi “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông”. Phong cách ấy được lập lại trong bữa Tiệc Ly, nên có thể nói phép lạ hóa bánh ra nhiều là tiền đề báo trước biến cố trọng đại Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Điều này lại một lần nữa cho thấy rằng khi Đức Ki-tô cho người ta thức ăn nuôi thể xác, thì Người vẫn không quên của ăn tinh thần như Lời Người từng khẳng định: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra."

 

Đám đông dân chúng là hình ảnh Giáo Hội, với những con người có những nhu cầu chỉ Đức Giê-su Thiên Chúa mới đáp ứng được. Không chỉ là những nhu cầu “tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn”, nhưng là những nhu cầu thiêng liêng, đói khát Lời Chúa và Bánh Hằng Sống. Cũng giống như đám đông dân chúng ngày xưa đi theo Chúa cần đến phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, thì Giáo Hội mọi thời trong cuộc hành trình theo Chúa đi về nhà Cha, cũng rất cần Bánh Trường Sinh là chính Thánh Thể Chúa Ki-tô. Giáo Hội quây quần chung quanh bàn tiệc Thánh Thể, để đón nhận Lời Chúa và rước lấy Mình Máu Thánh Chúa làm lương thực. Phép lạ bánh hóa nhiều chỉ xảy ra vài lần, nhưng phép lạ bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su thì xảy ra từng giờ từng phút khắp nơi trên mặt đất khi các linh mục dâng Thánh Lễ.

 

Rõ ràng, Đức Ki-tô muốn cho các môn đệ (và nói chung là cả loài người) tin vào Ơn Cứu Độ do chính Người thực hiện theo Thánh ý của Thiên Chúa Cha. Và cũng tất nhiên, Người muốn các tín hữu đừng chỉ sống một cuộc sống hoàn toàn vụ vật chất; bởi chưng ngoài thể xác với đủ những tham sân si của thất tình lục dục ra, con người còn hơn hẳn vạn vật vì có cả một đời sống tâm linh nữa (“nhân vi vạn vật chi linh” – Nho giáo). Cứ quan sát và tìm hiểu cặn kẽ những bệnh nhân “sống đời sống thực vật”, thì sẽ thấy đời sống tâm linh quan trọng đến mức độ nào. Có thể nói con người không có đời sống tâm linh thì cuộc sống cũng chẳng khác gì gỗ đá vô tri vô giác. Vì vậy, tất cả mọi tôn giáo đều chung một mục đích là hướng con người đến đời sống tâm linh. Tuy nhiên, cũng cần thiết phải nói ngay là hướng đến thôi, chớ không phải là tạo nên một cuộc sống phi vật chất, như đã có một trường phái triết học chủ trương để đối lập với chủ nghĩa thực dụng (hiện đang thịnh hành trên thế giới, nhất là ở các nước Âu Tây). “Có thực mới vực được đạo” (có ăn thì mới hành đạo được), người ta không thể sống ở trên đời này nếu không có vật chất (lương thực, thực phẩm và những tiện nghi khác).

 

Còn một điều rất đáng lưu ý là khi thấy trời đã tối, các môn đệ thưa với Đức Ki-tô: "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng", thì Người bảo: "Chính anh em hãy cho họ ăn." (Lc 9, 12-13). Rồi khi làm phép lạ thì “Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.” (Lc 9, 16). Hành động này mang ý nghĩa gì? Đó chính là Lời Thiên Chúa mời gọi các Tông đồ (nói chung là toàn thể Giáo Hội) cộng tác với Người trong phép lạ hoá bánh ra nhiều và cũng là Lời mời gọi cộng tác với Người trong chương trình cứu độ (“Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” – Mt 10, 6-8).

 

Nói tóm lại, vì bản tính Giáo Hội là truyền giáo, nên có thể nói đời sống của Giáo Hội là sống, công bố và chia sẻ Tấm Bánh Lời Chúa cho toàn thế giới. Giáo Hội không thể giữ riêng cho mình các Lời Ban Sự Sống (Tấm Bánh Trường Sinh) từng được ban cho Giáo Hội nhờ cuộc gặp gỡ với Đấng Ban Sự Sống. Sứ điệp Lời đó dành cho mọi người, cho loài người nói chung. Và kể từ khi tấm Bánh Hằng Sống Giê-su Ki-tô được treo lên thập tự tuôn tràn dòng Máu Cứu Độ, thì các Tông đồ – kể cả cộng đoàn giáo dân – tiên khởi đã nhận thức được vấn đề “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19) là một nhiệm vụ cấp thiết bắt nguồn từ chính bản chất đức tin của họ: Thiên Chúa mà họ tin chính là Thiên Chúa của mọi người, và vì thế họ có bổn phận phải đem tấm Bánh Hằng Sống đến cho mọi người “cho đến tận cùng trái đất”.

 

Rõ ràng trách nhiệm của mọi Ki-tô hữu là phải nhờ ơn Chúa, trao cho người khác điều chính mình đã tiếp nhận được. Như thế, việc học hỏi để rồi đi rao giảng Lời Chúa không những chỉ là bổn phận mà còn là trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, của từng Ki-tô hữu. “Lòng có đầy miệng mới nói ra”, Người Thầy Chí Thánh đã dạy như vậy, không học thì làm sao có đầy cho được, mà không có thì lấy gì mà cho? Người ta không thể cho cái mà mình không có, nhưng ở đây các Ki-tô hữu đã được chính Người-là-Bánh-Trường-Sinh “cho không thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Tắt một lời, mỗi tín hữu phải nhìn lại mình xem mình có thực sự đói khát Lời Chúa không, để từ đó, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, kiên trì nhẫn nại đi tìm Tấm Bánh Lời Chúa.

 

Hãy nhớ rằng chỉ có một Tấm Bánh Mình và Máu Thánh Chúa trên bàn Tiệc Thánh, nhưng muôn triệu người sẽ được no thoả, nếu hiểu và tín thác vào Lời Chúa: “Ta là Bánh Hằng Sống, là Bánh ban xuống bởi trời. Ta là Bánh trường sinh. Ai ăn sẽ sống muôn đời. TK: Đây Mình Ta chính là của ăn và máu Ta thật là của uống. Người ăn Bánh này không còn đói khát chi, người uống Máu này sẽ được trường sinh.” (TCCĐ “Bánh Hằng Sống”). Hãy luôn tỉnh thức  và sẵn sàng đón nhận nguồn Lương Thực Trường Tồn dư đầy ân phúc đó và cũng đừng bao giờ quên chia sẻ cho những người thân cận trên khắp tứ phương thiên hạ. Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.