Mở lòng ra
MỞ LÒNG RA
(LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU – NGÀY THẾ GIỚI XIN ƠN THÁNH HOÁ CÁC LINH MỤC)
Nói về trái tim với những trạng thái biểu hiện của nó thì có muôn hình vạn trạng: Có trái tim hớn hở vui mừng thì cũng có trái tim sầu não đớn đau, có trái tim chan chứa tình cảm (“quả tim bằng thịt” – Ed 36, 26) thì cũng có trái tim chai đá, khô khan nguội lạnh (“quả tim bằng đá” – Ed 36, 26), có trái tim hiền hậu (“thiện tâm”) thì cũng có trái tim hiểm độc (“ác tâm” – "Đừng trao Người cho ác tâm quân thù" – Kinh cầu cho ĐGH), có trái tim chân thực, trung hậu, không biết dối gạt, lừa phỉnh (“chính tâm”, “tâm bất điêu trá”) thì cũng có trái tim bất trung, không ngay thẳng (“tà tâm”, “tâm bất chính”). Khi vợ chồng “tâm đầu ý hợp” thì cuộc sống lứa đôi chan hoà hạnh phúc và khi cộng đoàn “đồng tâm hiệp lực” thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, còn nếu vơ chồng cứ “đồng sàng dị mộng” (chung giường khác mộng) và cộng đoàn cứ “phân tâm nghịch ý” thì vợ chồng phân ly, cộng đoàn sẽ tan rã. Còn nữa, những cá nhân sống trong hôn nhân thiếu vắng hoà khí hay trong một cộng đồng phân rẽ, sẽ không thiếu những "Trái tim cô đơn", "Trái tim khô héo", "Trái tim băng giá", "Trái tim không ngủ yên"..., nhiều, nhiều lắm, nhiều không kể xiết.
Nhiều tên gọi cho trái tim khi gặp những trạng thái tâm lý khác nhau như vậy, nên trái tim được coi là biểu tượng của tình cảm con người (“nhân tâm”). Có lẽ tại khi có những biến cố thuộc lãnh vực tình cảm (yêu thương, cảm động, giận hờn, căm ghét …) xảy đến với con người, thì trái tim là điểm đầu tiên trong cơ thể biểu lộ những phản ứng, những động thái rõ rệt nhất. Còn những suy nghĩ, phán đoán, lý luận thì không thấy trái tim biểu lộ rõ rệt như vậy, nên thường cho đó là thuộc lãnh vực lý trí nằm ở bộ não. Thực ra, tất cả những cảm xúc ấy đều xuất phát từ bộ não (được hệ thống thần kinh nơi những giác quan báo về trung tâm là bộ não, thì ngay lập tức não bộ nhận định, phán đoán và truyền cảm xúc xuống cho trái tim và trái tim bộc lộ ra động thái: tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, máu ở trái tim như dồn lên đầu làm cho mặt mũi đỏ bừng, đầu óc hồi hộp, choáng váng, toàn thân nóng rực, run rẩy...).
Tuy nhiên, nói đến trái tim là nói đến một điểm chung nhất của nhân loại, là đều lấy trái tim làm biểu tượng cho tình yêu (tình yêu nam nữ, tình yêu mẫu tử – phụ tử, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nhân loại, và bao trùm lên tất cả là tình yêu Thượng đế dành cho loài người). Trái tim là biểu tượng của tình yêu, bao gồm 2 yếu tố: một bên "cho" (chủ thể yêu) và một bên "nhận" (đối tượng được yêu), hai yếu tố đó không thể tách rời (“Tuy nhiên, ‘eros và agape’ – tình yêu nhận về và cho đi – không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 7). Trái Tim Cực Thánh (Thánh Tâm) của Đức Giê-su Ki-tô không chỉ là biểu tượng, mà còn là chính Tình Yêu Thiên Chúa (“Chiều kích triết học đáng nêu ra trong hình ảnh Thánh Kinh này, và tầm quan trọng từ quan điểm lịch sử các tôn giáo, là một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối và là nguồn mạch của mọi loài; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng Thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự. Eros vì thế đã nên tột cùng cao quý, nhưng đồng thời thuần khiết đến độ nên một với agape” (Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 10).
Chính là vị Linh Mục Thượng Phẩm, Linh Mục Duy Nhất Giê-su Ki-tô đã có một Trái Tim Nhân Lành tuyệt đối, một Trái Tim nơi một Thân Thể đã chết trên thập giá vì tội lỗi của đàn chiên, mà còn tiếp tục đổ máu cùng nước ra làm nguồn suối dưỡng nuôi đàn chiên đến muôn đời muôn thuở. Cũng vì thế nên Giáo Hội đã lấy ngày kính trọng thể Thánh Tâm Chúa Giê-su hàng năm làm “Ngày Thế giới xin ơn thánh hóa các Linh mục”. Truyền thống tốt đẹp này mang đầy đủ ý nghĩa và hàm chứa biết bao ước vọng, hoài bão của Giáo Hội đối với hàng ngũ linh mục. Nói cách cụ thể là Giáo Hội đặt kỳ vọng vào các linh mục làm sao sống trong thiên chức cao quý của mình bằng một trái tim như Trái Tim của vị Chúa Chiên Nhân Lành.
Tông huấn “Ki-tô Hữu Giáo Dân” (số 14) viết: “Thánh Au-gut-ti-nô viết: ‘Cũng như chúng ta tất cả được gọi là Ki-tô hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục Duy Nhất’ (“De Civitate Dei” – XX, 10)”. Về lý thuyết thì tất cả mọi Ki-tô hữu đều là linh mục (tư tế cộng đồng), nhưng thực tế để có thể điều hành hoạt động của Giáo Hội thì lại rất cần có hàng ngũ những người trực tiếp thừa kế (tư tế thừa tác) sứ vu của Linh Mục Duy Nhất Giê-su Ki-tô, thông qua Ơn Thiên Triệu – Bí tích Truyền Chức ("Danh từ "hàng Linh Mục" đươc chọn với mục đích để chỉ định toàn thể hàng ngũ Linh Mục. Chúa Giê-su đã cho toàn thể Dân Chúa tham dự vào chức linh mục của Người, nhưng Người còn muốn thiết lập những "thừa tác viên" của Người, những người này nhờ bí tích Truyền Chức được quyền dâng thánh lễ, quyền tha tội và thực hành chức vu linh mục nhân danh Chúa Ki-tô" – Sắc lệnh "Chức vụ và đời sống các linh mục", số 2).
Nhưng vì sao lại phải cầu nguyện “xin ơn thánh hoá các linh mục”? Ấy cũng bởi vì hàng ngũ linh mục (mục tử) cũng là những con người trần thế như bao người khác (đoàn chiên), cũng có những ưu khuyết điểm như cộng đồng tín hữu. Cộng đồng tín hữu – đoàn chiên của Chúa – có rất nhiều những con chiên ngoan hiền dễ thương, thì cũng có không ít những con chiên lạc bầy, sa vòng tội lỗi, chạy theo sói dữ quay lại giết hại cả chủ chăn của mình. Cũng vậy, trong hàng ngũ mục tử – những thừa tác viên kế nghịêp Mục tử nhân lành Giê-su Ki-tô – có thật nhiều những mục tử rất xứng đáng với vai trò và trách vụ của mình đã được chính Đức Ki-tô trao phó; nhưng cũng vẫn còn những mục tử bất trung, phạm những lỗi lầm nghiêm trọng, như trong Thư “Thiết lập Năm Linh Mục” (ngày 16/6/2009), ĐTC Biển Đức XVI đã nhận định: "Làm sao chúng ta không nhớ đến biết bao linh mục bị nhạo báng trong phẩm giá của họ, bị ngăn cản thực hiện tác vụ của mình, thậm chí đôi khi bị bách hại cho đến độ cuối cùng làm chứng bằng máu mình? Bất hạnh thay, cũng tồn tại những hoàn cảnh, không bao giờ lấy làm tiếc đủ, mà chính Giáo Hội phải chịu vì sự bất trung của một số thừa tác viên của mình. Và đối với thế giới, đó là một cái cớ gương mù và khước từ. Trong những trường hợp như thế, những gì có thể là ích lợi cho Giáo Hội, đó không chỉ là nhận ra đầy đủ những yếu đuối của các thừa tác viên của mình, nhưng còn là một ý thức mới mẻ và phấn khởi về sự cao cả của ân huệ của Thiên Chúa, được cụ thể hóa nơi những hình ảnh sáng ngời của những mục tử quảng đại, những tu sĩ rực cháy tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn, những vị linh hướng sáng suốt và kiên nhẫn"
Như thế để thấy rằng, cả mục tử (linh mục) và đàn chiên (giáo dân) đều có những ưu khuyết điểm, và đó cũng là lẽ thường tình. Chính vì thế, thật ý nghĩa vô cùng khi bố trí “Ngày Thế giới xin ơn thánh hóa các Linh mục” vào đúng ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su – vị Linh Mục Thượng Phẩm, Linh Mục Duy Nhất – nhằm mục đích thánh hoá hàng ngũ linh mục, đồng thời cũng là dịp để toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho toàn thể các linh mục (cả tư tế thừa tác và tư tế cộng đồng). Cầu nguyện cho các linh mục có được một trái tim nhân hậu như vị Mục Tử Nhân Lành, thì cũng đồng nghĩa với việc cầu nguyện cho chính mình biết mở rộng trái tim bản thân, sống tình hiệp thông cộng đồng linh mục trong Giáo Hội. Nói cách khác, muốn cho các linh mục có được Trái-Tim-Tình-Yêu-Giêsu, thì bản thân mình cũng phải thể hiện được Tình Yêu như xưa Đức Giê-su Ki-tô đã thể hiện trên thập giá ("Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga 10, 11); "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15, 13); "Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta" (Rm 5, 7-8).
Tha thiết mong rằng cả 2 phía (Linh mục và Giáo dân) cùng kiên tâm đổi mới con tim của mình để làm sao nên giống như khuôn đúc Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su, làm sao để tất cả mọi trái tim của Giáo Hội (mục tử cũng như đoàn chiên) phải là bản sao trung thực nhất Trái Tim vị Hôn Phu – Đấng là Đầu của Giáo Hội. Một cách cụ thể là tất cả mọi Ki-tô hữu (cả tư tế thừa tác vả tư tế cộng đồng) hãy sống đạo bằng cách thực hành nghiêm chỉnh Lời dậy của Linh Mục duy nhất Giê-su Ki-tô: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34), ngõ hầu "đóng góp vào việc xúc tiến sự dấn thân canh tân nội tâm tất cả các linh mục để làm cho chứng tá Tin Mừng của họ trên thế giới hôm nay sâu sắc và mãnh liệt hơn" (Thư “Thiết lập Năm Linh Mục”, đã dẫn).
Trong bài Giáo Lý I về Kinh Tin Kính (ngày 3/4/2013), ĐTC Phan-xi-cô I đã dạy: “Nhưng chính việc sống lại mở lòng chúng ta ra để đón nhận niềm hy vọng lớn nhất, bởi vì nó khai mở cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của thế giới ra cho tương lai vĩnh cửu của Thiên Chúa, cho hạnh phúc sung mãn, cho sự chắc chắn rằng sự dữ, tội lỗi và sự chết có thể bị đánh bại. Và điều này dẫn đến việc sống thực tại thường nhật một cách tin tưởng hơn, đối diện chúng với lòng can đảm và quyết tâm.” Thực sự chỉ có “mở lòng chúng ta ra” đón nhận Thiên Chúa Tình Yêu nơi Đức Ki-tô Phục Sinh, đồng thời mở rộng trái tim ra với mọi người, mới có hy vọng đạt được hạnh phúc viên mãn nơi Quê Trời vĩnh cửu. Xin cầu chúc cộng đồng linh mục (tư tế thừa tác + tư tế cộng đồng) trong Giáo Hội cùng: “Mở hồn ra với Chúa, Mở tim ra với đời, Đất Trời muôn vạn thủa, Một Tình Yêu lên ngôi.” (“Mở tâm hồn ra” – Thơ Lam Thy).
Ôi! “Lạy Chúa, khi chúng con cử hành lễ Thánh Tâm Ðức Ki-tô, Con Một Chúa yêu dấu, Chúa ban cho chúng con được vui mừng tưởng niệm những kỳ công Người đã thực hiện vì thương yêu chúng con. Xin dạy chúng con biết tìm đến Thánh Tâm Người để hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguỵên nhập lễ Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: