Thầy là ai?
THẦY LÀ AI? (CN XII/TN-C)
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật về “Ông Phê-rô tuyên xưng đức tin” (Lc 9, 18-21). Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ 2 câu: “Dân chúng nói Thầy là ai?” và “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Nếu chỉ đọc sơ qua, sẽ nghĩ rằng đây chỉ là dịp Đức Giê-su muốn kiểm chứng lòng tin của các môn đệ; nhưng nếu suy nghĩ kỹ sẽ thấy là Người còn muốn đi sâu hơn, để coi lòng tin của các môn đệ là hoàn toàn do tự bản thân hay có bị tác động bởi dư luận không? Như vậy là hai câu hỏi của Đức Giê-su đã nhắm vào cả 2 mặt khách quan và chủ quan của các môn đệ. Về mặt khách quan, Người muốn biết các môn đệ đã nghe dân chúng (là những khách thể) nhận định về Người như thế nào và có ảnh hưởng gì tới các môn đệ hay không. Còn về mặt chủ quan, Người muốn biết chính các môn đệ (chủ thể) đã hiểu về Người như thế nào.
Tại sao lại phải cần như thế? Ấy cũng bởi vì Đức Giê-su Thiên Chúa dư biết lòng dạ con người rất dễ bị dao động bởi những ảnh hưởng ngoại tại. Đó là những dư luận mà tác nhân là những người cùng sống trong một cộng đồng xã hội. Dư luận là ý kiến nhận xét, khen chê của số đông đối với một nhân vật hay một sự việc nào đó. Nhìn chung, tác động của dư lụân rất mạnh, nhất là ở 2 luồng dư luận: khen và chê. Với bản tính Thiên Chúa, Đức Giê-su chẳng cần hỏi, Người cũng quá rõ các môn đệ với thân phận mỏng giòn yếu đuối của con người, chắc chắn không nhiều thì ít cũng bị ảnh hưởng từ bên ngoài, ấy là chưa kể bên trong còn chưa vững chắc. Ở đây, Người muốn các môn đệ khi nghe Thầy hỏi sẽ giật mình nhìn lại bản thân và có như thế mới hiểu rõ con người thật của mình, để từ đó có hướng khắc phục những yếu đuối và củng cố đức tin cho vững vàng.
Còn một điểm đáng lưu ý nữa là sau khi Đức Giê-su hỏi các môn đệ và nhận được câu trả lời, thì ngay lập tức “Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai” (Lc 9, 21). Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này: Quả thật, muốn nói về Đức Ki-tô cho người khác, các môn đệ không những cần phải biết rõ Đấng mình muốn nói đến đích thực là ai, mà còn phải chia sẻ cả những cảm nghiệm đức tin của bản thân về Đấng ấy. Do đó, lời nghiêm cấm của Đức Giê-su cho thấy là hiện thời Phê-rô và các bạn Tông đồ chưa thực sự hiểu về Người, thì chưa thể rao giảng công trình cứu độ của Người. Lời tuyên xưng của Phê-rô tuy rất chính xác, nhưng đó mới chỉ là tuyên xưng ngoài miệng, còn trong lòng ngài vẫn chưa hết bán tín bán nghi. Một cách cụ thể thì lời tuyên xưng của Phê-rô mới chỉ là bằng con tim chớ chưa thật sự thông qua lý trí xác định niềm tin của mình. Và đó là lý do Đức Giê-su nghiêm cấm các Tông đồ không được nói với ai về vịêc này.
Cứ thử nghĩ kỹ mà xem, khi phải nói với ai điều mà trong lòng mình còn hồ nghi, thì liệu tác dụng có đem lại hiệu quả không? Lời dạy của Đức Giê-su: “Lòng có đầy miệng mới nói ra” (Lc 6, 43) cho thấy chỉ khi nào kho kiến thức của bản thân đầy đủ và chắc chắn thì lời nói ra mới có sức thuyết phục. Khi mà các môn đệ tuy có lòng yêu mến Thầy thực sự, nhưng vẫn chưa hiểu thấu đáo về Thầy một cách chính xác, thì nhiều khi lời nói của các ngài lại có tác dụng ngược (thay vì làm cho người ta yêu mến và chạy đến với Người, thì lại lảng xa, thậm chí chống đối lại). Thực tế đã chứng minh, chỉ đến ngày Lễ Ngũ Tuần, kiến thức, kinh nghiệm đã được trang bị đầy đủ, đồng thời còn được Thần Khí gia tăng sức mạnh của đức tin và lòng can đảm, thì các Tông đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng và đem lại thành quả rực rỡ.
Sau khi đã giải thích Đấng Ki-tô là ai trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, Đức Giê-su đã thẳng thắn mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23). Một lời mời gọi lạ lùng chưa từng thấy. Mời gọi người khác theo mình, thường thì phải cho họ thấy thoải mái, sung sướng và bản thân họ được hưởng những điều lợi, chớ ai lại đòi họ phải chấp nhận “từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Quả thật Lời dạy của Đức Ki-tô luôn hàm chứa những nghịch lý lạ lùng và khó hiểu, thật khó mà chấp nhận. Và cũng vì thế nên đám đông – kể ngay cả những thân nhân của Người – đều cho là “Người mất trí”; còn đám kinh sư Pha-ri-sêu thì lại nói rằng “Người bị quỷ ám” (Mc 3, 21-22). Ấy là chưa kể đến các môn đệ cũng đã có lần thốt lên “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (Ga 6, 60).
Cái nghịch lý trong Lời dạy của Đức Ki-tô xuất phát từ chính bản thân Người: Người là Đấng Cứu Độ mà lại đón nhận thập giá. Thập giá là sự chết, là tội lỗi, Đức Ki-tô là sự sống đến cứu độ loài người khỏi sự chết vì tội lỗi (“Tôi đến để họ được sống và được sống dồi dào” – Ga 10,10), như vậy mà lại chấp nhận thập giá, thì chẳng phải là một nghịch lý của lý trí đó sao? Nếu chưa thật sự thấu hiểu vấn đề tận căn, mà cứ liều mình đi loan báo những điều mà mình vẫn còn bán tín bán nghi như thế, thì hậu quả sẽ ra sao? Đức Ki-tô nghiêm cấm các môn đệ không được nói với ai cũng là vì thế. Tuy nhiên, cái gọi là nghịch lý chỉ xuất phát từ lý trí con người với sự bất toàn cố hữu, còn với Thiên Chúa thì “những điều không thể sẽ trở thành có thể” (Mt 19, 26). Quả thực không có cây thập giá, người ta sẽ không thể hiểu nổi Đức Giê-su là ai và theo Người có ý nghĩa gì. Trong một thế giới chứa đầy sự hận thù ghen ghét, luôn cổ xuý cho chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, thì tình yêu và phục vụ là thập giá cho những ai sống vị tha. Đức Vua Tình Yêu Giê-su đến thế gian “không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Vậy những kẻ muốn theo Người “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23) là điều tất yếu vậy.
Lạy Chúa! Mang danh là Ki-tô hữu, là môn đệ và là bạn của Đức Giê-su, nhưng nhiều khi con chưa cảm nghiệm được Người là ai. Con chỉ được học, được nghe Giáo Hội nói Người là Đấng Cứu Độ trần gian, và không ít lần con tuyên xưng mạnh mẽ rằng con tin điều đó. Tuy nhiên, con mới chỉ tin điều ấy như một kiến thức sách vở không ăn nhập gì đến đời sống thực tế của con. Cũng bởi vì bản thân con chưa một lần sống bằng, sống bởi, sống với Thập Giá Chúa Ki-tô. Cúi xin Chúa ban ơn và thêm sức cho con có được cảm nghiệm thực sự về sự hiện diện sống động của Đức Giê-su trong tâm hồn con, và thật lòng xác tín rằng Người chính là lẽ sống của con, ngõ hầu con có thể dấn thân cộng tác với Người trong công trình đem Chúa đến cho mọi người; để nhờ đó, con tìm được sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu.
Ôi! Lạy Chúa! Sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu của đời chúng con chỉ có nơi “Thập giá vinh quang ngất cao trời xanh. Thập giá chứng nhân cứu độ người trần. Ơn giải thoát sức sống cao vời trên Thánh Giá chính Ngài đã dâng hiến cho trần gian. TK: Vinh quang của ta chính là Thập Giá Đức Ki-tô, cho con tôn thờ Thánh Giá suối mạch chan hòa. Để được phục sinh vinh quang cùng Thập Giá, nhận lãnh phúc ân cứu độ trong tình Cha.” (“Thập Giá Vinh Quang” – TCCĐ). Ôi! Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con! Con tin! Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: