Bài 33
Phút Tâm Giao 33:
MÙA TRỞ VỀ
Các đấng bề trên thường gọi Mùa Chay là mùa trở về. Chắc hẳn là trở về với Chúa. Nhưng trở về ra sao? Tôi nghĩ mỗi linh hồn đều cần phải xét mình để hiểu rõ danh từ “trở về” này.
Có nhiều người nghĩ rằng, mình luôn luôn giữ đạo hẳn hoi: Dự Thánh Lễ Chúa Nhật, đọc kinh ban mai, kinh ban tối, cầu nguyện, làm Tuần Cửu Nhật, đi kiệu Đức Mẹ, hoặc viếng Thánh Thể …, vì vậy cho nên chẳng bao giờ đi xa Chúa Mẹ, thì không cần trở về. Cách giữ đạo đó, hẳn nhiên là đẹp lòng Chúa rồi, nhưng vẫn còn thiếu thiếu một điều gì….
Nhưng có một câu hỏi, tôi tự vấn: “Tôi phải trở về, nhưng về khía cạnh nào đây?” Với ơn Đức Chúa Thánh Thần, tôi tin rằng Ngài sẽ soi sáng và nhắc nhở cho tôi rằng, tôi phải trở về ở nhiều khía cạnh lắm. Tôi dám quả quyết rằng, ai ai cũng cần phải trở về, vì ai ai cũng là kẻ có tội, không một ai là hoàn hảo khi còn ở thế gian này.
Có lẽ ma quỷ đã gieo vào trí con người rằng, bấy nhiêu đó đã đủ, vì Thiên Chúa rất nhân từ, chả lẽ tính toán cùng chúng ta như vậy sao? Như thế con người ta đã cảm thấy quá đủ, nên không cần phải làm gì thêm nữa cho phần linh hồn của mình.
Có một câu trong kinh Cáo Mình, mà tôi đọc lúc còn nhỏ, câu“trong lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót,” tôi đọc nhiều lần nhưng không hiểu rõ ý nghĩa của những điều thiếu sót này là sao? Cho tới khi tôi đọc kinh này trong bản tiếng Pháp, thì tôi mới hiểu nghĩa rõ hơn.
Chỉ một câu “và những điều thiếu sót” này mà thôi, cũng là một khía cạnh nhỏ trong bao khía cạnh mà tôi cần phải“trở về.” Vậy trở về có nghĩa là thay đổi, là từ bỏ những gì không tốt, và thay thế vào là hành vi trái lại, hành vi tốt lành hơn.
Tôi còn nhớ một câu trong Gương Chúa Giêsu dạy rằng, nếu mỗi năm người ta từ bỏ đi một tánh xấu, thì người ta đã nên thánh từ lâu rồi.
Khi xưng tội, thì có câu xin Cha tha cho những “tội quên tội sót phạm trót đời con,” tôi nghĩ rằng tội này không cần nói Chúa cũng tha rồi, vì đã nói là quên, tức là không có ý dấu tội, thì Thiên Chúa nhân từ sẽ tha mà không cần tôi phải nhắc nhở. Khi tôi biết chút đỉnh ngoại ngữ, và bắt đầu tìm hiểu về Chúa, tôi lại bắt gặp những nơi mà các thánh thường xin Chúa thứ tha. Đó là tội không làm điều tốt (péché d’omission). Cái tội này tôi nghĩ xảy ra rất nhiều. Vì người ta thường nói rằng, tôi không làm điều gì hại ai, tôi sống tốt cho tôi. Nhưng người ta quên rằng, ngoài việc tránh tội, còn có một bổn phận mà người Công Giáo phải làm, nó là bậc thang đưa chúng ta lên tới Thiên đàng. Đó là bác ái đối với tha nhân, làm những điều tốt lành cho tha nhân. Bác ái đối với tha nhân không chỉ là bố thí tiền, mà còn là rộng lượng, là thứ tha, là giúp đỡ...
Tôi nói nhiều về tội nhân dịp Mùa Chay, bởi vì chính tội lỗi làm cho tôi đi xa Chúa dần dần, chỉ có ăn năn hối cải mới kéo tôi lại gần Chúa mà thôi.
Ngoài vấn đề trở về trong Mùa Chay, còn một việc khác mà tôi cho là quan trọng, có thể nói là việc trước tiên tôi phải làm, đó là suy gẫm về tình yêu Chúa, về những gì Chúa chịu trên thân xác và trong tâm hồn vì tôi. Bởi lẽ, nếu tôi không hiểu rõ Chúa yêu thương tôi như thế nào, nhiều bao nhiêu, Chúa chịu đau đớn vì tôi như thế nào để cứu chuộc tôi, thì làm sao tôi thấy được tôi đã sống vô ơn như thế nào với ơn cứu chuộc này?
Một khi cảm thấy mình vô ơn, bạc bẽo với Tình yêu của Chúa dành cho tôi, thì khi ấy tôi mới cảm thấy hối hận và cần làm cái gì đó để bù đắp lại, đó là phải trở về.
Giáo Hội cho chúng ta 40 ngày Mùa Chay là như vậy, để tôi có thì giờ nhìn lại cách sống của mình trong năm qua. Những đam mê nào mà tôi cần bỏ đi? Những chước cám dỗ nào mà tôi thường sa vào? Những xúc phạm nào, mà tôi thường gây khốn cho tha nhân? Những hành vi kiêu ngạo, ích kỷ nào mà tôi đã từng làm, để nâng cái tôi của mình lên, để rồi tôi áp bức và chà đạp tha nhân?
Trong sách Dẫn Đàng Mến Chúa, thánh Alphonsô có dạy rằng, không một kinh nào làm vui lòng Chúa hơn, là việc suy gẫm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, còn hơn là việc đánh tội ăn chay cả năm trời. Vì vậy vào Mùa Chay, tôi thường suy gẫm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa, trong giờ kinh nguyện mỗi ngày của tôi. Tôi dẹp hết những sách thiêng liêng khác, và sau khi lần hạt Mân Côi, dâng lên Chúa lời cầu tri ân, vì đã ban cho tôi một ngày sống bình an, thì tôi dùng sách của thánh Alphonsô mà suy gẫm. Thật là thâm thúy thay, đúng là có ơn Đức Chúa Thánh Thần, và nhất là phải có một lòng mến thiết tha đối với Chúa Giêsu, thì mới có thể viết ra những lời tha thiết như thế.
Nhưng cũng là việc dĩ nhiên thôi, khi yêu ai thì người ta thường tưởng nghĩ đến người đó, và tìm hiểu người mình yêu ra sao để đáp trả. Suy nghĩ lại những điều tốt lành, mà người yêu mình đối với mình, lúc đó người ta chỉ nghĩ đến đối phương, mà không nghĩ đến cái tôi của mình. Đối với Chúa cũng vậy. Khi tôi nghĩ đến Chúa nhiều trong ngày, đó là chứng tỏ tôi yêu mến Chúa, mặt khác, khi tôi nghĩ đến sự gì khác, thì chứng tỏ sự đó đã cuốn hút tôi, đôi khi trở thành một đam mê khó gỡ.
Tình yêu tôi dành cho Chúa có thể nói là đo lường bằng những hành vi nho nhỏ trong ngày sống của tôi. “Của con ở đâu, thì lòng con ở đó” là vậy. (Mt 6,21).
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sống thân mật yêu mến Chúa trong thầm lặng, đến nổi chị em trong dòng nghĩ rằng, sau khi thánh nữ qua đời, không biết Mẹ Bề Trên có tìm ra điều gì phi thường để viết về người hay chăng. Thánh nữ từ bé đã làm những việc hy sinh hãm mình nho nhỏ, nghe đâu ít là 300 lần một ngày. Vì sao thế? Vì thánh nữ luôn nghĩ đến Chúa, làm gì cũng làm vì Chúa cả.
Lúc xưa, đến Mùa Chay, tôi cầu nguyện khuya lắm, vì giờ đó là giờ yên tịnh nhất, tôi gọi đó là giờ “lòng gần lòng với Chúa”. Đêm khuya thanh vắng, ngồi bên chiếc bàn thờ thô sơ nhỏ bé đặt cạnh giường ngủ. Tôi bắt đầu suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa. Từng hàng chữ lần lượt lướt qua mắt tôi, và rồi mỗi lúc một mờ dần, mờ dần. Mắt tôi gần như không còn có thể thấy chữ để đọc nữa, vì những giọt nước mắt ngắn dài, rơi lã chã. Ôi sao thương Chúa quá!
Đêm khuya không còn thanh vắng yên tịnh nữa, vì đã bị hòa lẫn với tiếng khóc sụt sùi của một tâm hồn thống hối ăn năn. Không những tôi đau đớn, vì thấy Chúa bị hành hạ quá thể, mà không một lần hé môi than vãn, nhưng tôi còn khóc vì thấy rằng những lằn roi vắn dài xối xả đánh trên thân thể Chúa, chỉ vì tội lỗi của tôi, chứ chẳng phải vì của ai khác, cũng chẳng phải vì lý hình độc ác. Đành rằng chúng ác độc thật, nhưng nguyên nhân Chúa phải chịu bị hành hạ là vì tội lỗi của tôi mà ra.
Đừng trách Philatô hèn nhát, nhưng hãy trách chính mình vì lợi ích riêng mà đã không bênh vực cho người vô tội. Đừng trách ông Phêrô chối Chúa, những hãy trách đã bao lần tôi xấu hổ, không dám tuyên xưng đức tin vì vị nể. Đừng trách những lý hình sao lại đánh Chúa cho đến rách từng mảnh thịt, lòi cả xương ra, nhưng hãy trách những tội phạm điều răn thứ 6, hoặc những tội phạm đến đức khiết tịnh, trong lời nói, việc làm, và cả trong tư tưởng của tôi. Đừng trách sao quân lính lại ác độc ấn mão gai nhọn đâm sâu vào sọ Chúa, nhưng hãy trách tôi kiêu ngạo như thế nào.
Ôi Chúa ơi! Bao nhiêu đau đớn Chúa chịu, là bấy nhiêu tội con mà Chúa phải chịu để đền bồi.
Tôi còn nhớ mình khóc nhiều đến nổi đầu tôi nhức tưng lên. Tôi vào giường ngủ thiếp đi, và kìa! Chúa lại đến với tôi “trong giấc mơ”. Từ xa xa, Chúa lê bước mệt nhọc, với thánh giá nặng nề trên vai. Áo Chúa dài đến chân, nét mặt thật khổ nảo, đau đớn vì roi đòn… Chúa leo lên một triền vóc, tôi đứng phía trước Chúa, nhìn Chúa thật thãm não. Khi đi ngang qua tôi, Chúa dừng lại bên tôi, Ngài nhìn vào mắt tôi. Đến bây giờ tôi vẫn chưa quên được ánh mắt đau thương, ánh mắt buồn bã, ánh mắt van lơn đó. Chúa nói với tôi: “Thánh giá Cha nặng lắm con ơi! con có muốn vác nó tiếp Cha hay không?”.
Câu trả lời của tôi thật phũ phàng, tôi nhìn Chúa và sợ hãi, tôi vừa lắc đầu vừa thưa với Chúa: “Thưa không Chúa ơi, con sợ thánh giá lắm!”
Chúa không nói gì, và buồn bã tiếp tục bước đi. Bừng tĩnh dậy, tôi hối hận vô cùng, không hiểu sao mình có thể nhẫn tâm trả lời với Chúa như vậy? trong khi trước đó vài giờ, tôi đã đổ biết bao nhiêu là nước mắt vì Chúa.
Lạy Chúa Giêsu! con hết lòng xin lỗi Chúa, xin Chúa thứ tha cho con, vì tính nhát đảm của con, con đã từ chối vác thánh giá cho Chúa. Nhưng con chỉ xin Chúa ban ơn cho con, để con không bao giờ từ chối Chúa điều gì. Vì chỉ có ơn Chúa thì con mới có thể làm được mọi sự, sẽ vượt qua tất cả.
Tuy con không dám xin Chúa cho con chịu đau khổ trên thân xác, hoặc trong tâm hồn vì Chúa, nhưng ít ra con xin Chúa cho con đừng bao giờ làm Chúa phải đau khổ hơn. Ước gì mỗi một ngày sống của con là sống cho Chúa như các thánh vậy, con cố gắng làm vui lòng Chúa để ủi an Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đồng hành với Chúa trên đường lên núi Calvaire, và chia sẻ những đau khổ hồn xác của Chúa, vì vậy Mẹ được Giáo Hội gọi Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, xin dạy con luôn sống theo Thánh Ý Chúa trong suốt cuộc đời con. Amen.
GBW