Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Từ hoài nghi đến xác tín

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TỪ HOÀI NGHI ĐẾN XÁC TÍN (Lễ kính Thánh Tô-ma Tông đồ – 3/7)

 

Nói tới Thánh Tô-ma là nhớ tới biệt danh “hoài nghi” được hậu thế gán cho ngài. Sở dĩ vậy vì khi nghe các môn đệ bạn cho biết Thầy Giê-su đã sống lại, Tô-ma đã nói một câu bộc lộ bản chất của con người là điều gì cũng đòi được “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền): "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." (Ga 20, 25). Thực ra, sự hoài nghi không chỉ có một mình Tô-ma mà là cả nhóm: “khi nghe bà Maria Mác-đa-la nói Đức Giê-su đã sống lại và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin” (Mc 16, 11), “có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28, 17); thậm chí “các ông còn cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.” (Lc 24, 11). Ấy là chưa kể, được “thực mục sở thị” mà còn “các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36). Âu đó cũng là “chuỵên thường ngày ở huyện” trong xã hội loài người.

 

Tâm lý chung của con người là vậy, nhưng tìm hiểu kỹ hành trình theo Chúa của Thánh Tô-ma thì lại thấy có nhiều điểm rất đáng được nêu lên như một tấm gương sáng cho mọi tín hữu ở mọi thời đại: Như bao người Do-thái khác, Tô-ma được thừa hưởng gia sản từ các tổ phụ về đức tin vào một Gia-vê Thiên Chúa, Đấng đã đồng hành với dân tộc mình trong suốt dòng lịch sử. Tuy nhiên, đối với Tô-ma, Gia-vê Thiên Chúa vẫn chỉ là một Thiên Chúa uy quyền, nhưng xa cách, khó gần. Chỉ tới khi được gặp gỡ Đức Giê-su, một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, thì niềm tin vào một Đấng Cứu Thế nơi thánh nhân mới được khai lối. Ngài đón nhận niềm tin ấy với một lòng trân trọng quý mến. Và chính thái độ mau mắn đáp trả tiếng gọi “Hãy theo Thầy” đã giúp ngài trở thành một trong số Mười Hai Tông Đồ thân tín của Đức Ki-tô.

 

Trải qua những năm tháng được sống liền bên, được nghe những lời giảng dạy, được thấy các việc Thầy làm, nhất là được chứng kiến các phép lạ mà Thầy đã thực hiện, đức tin của Tô-ma trưởng thành rõ rệt. Càng ngày ngài càng xác tín hơn về Con Người và sứ mạng của Đức Giê-su, và hết lòng gắn bó với Người. Khi Đức Giê-su muốn về Giu-đê để hồi sinh La-da-rô (là em của Mac-ta và Maria, hai người phụ nữ được Người quý mến) chết đã 4 ngày; nhưng các môn đệ ngăn cản: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy còn đến đó sao?” (Ga 11, 8); chỉ riêng Tô-ma đã mạnh dạn nói với các Tông đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11, 16). Sự can đảm ấy chứng tỏ thánh nhân đã có một niềm tin thật sự trưởng thành vào Đức Giê-su.

 

Hành trình theo Chúa của Tô-ma cũng chẳng khác mấy so với các môn đệ bạn: Mặc dù đức tin đã trưởng thành nhưng chưa thật sự kiên định. Vì thế, khi nghe Đức Giê-su loan báo về cuộc thương khó lần thứ nhất, ngài cũng như các Tông đồ khác hoàn toàn không hiểu (tiêu biểu là Phê-rô đã bị Thầy gọi là Sa-tan vì đã lấy “tư tưởng loài người” mà “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" – Mt 16, 22). Tới lần thứ hai nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó, vẫn xảy ra cảnh “các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (Lc 9, 45). Niềm tin của Tô-ma bắt đầu bị lung lay. Lung lay vì đường lối, vì chương trình của Thầy rất khó hiểu (đường đi nước bước của Thầy chưa diễn ra mà Thầy đã nói: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi", nên Tô-ma mới bộc bạch: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi” – Ga 14, 4-5). Và chỉ đến khi nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó lần thứ ba, ngài mới vỡ lẽ rằng chương trình của Thầy hoàn toàn không như mình nghĩ. Đấng Mê-si-a mà ngài đang đặt niềm tin tưởng không phải và không thể là một Đấng Mê-si-a theo kiểu trần thế.

 

Choáng váng trước viễn tượng khủng khiếp mà Thầy mình loan báo, Tô-ma bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng đức tin. Nhất là khi Thầy chính thức bước vào cuộc thương khó, thì không chỉ Tô-ma, mà “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mc 14, 50). Đến như Tông đồ Phê-rô, một con người tưởng chừng như thật dũng cảm khi khẳng khái nói: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy" (Mt 26, 35); vậy mà ngay sau đó đã chối Thầy không chỉ một lần mà tới ba lần trong một đêm! Quả thật khi chứng kiến cuộc thương khó và cái chết bi thảm, tủi nhục của Thầy trên thập giá, đức tin của các môn đệ bị thử thách nặng nề, đến độ có thể nói là bị khủng hoảng trầm trọng: Thầy chết, đồng nghĩa với đức tin của mình chấm hết! Vì thế, ngay khi nghe các Tông Đồ khác báo tin là họ đã thấy Chúa phục sinh, Tô-ma vẫn bày tỏ sự hoài nghi: “Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20,25).

 

Nếu trước đó 8 ngày, Tông đồ Tô-ma vẫn tỏ ra cứng cỏi, thì khi được Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra cho thấy các dấu đinh với Lời nhắc nhở chân tình: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27), thì Tô-ma đã hoàn toàn thức tỉnh trong một cảm xúc tột đỉnh. Đồng thời với cảm xúc ấy là một hành vi đức tin của sự suy phục tối đa vào Đức Giê-su là Thiên Chúa của mình: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Lúc này là lúc, hơn ai hết, thánh Tô-ma hiểu rõ Đức Ki-tô thật sự là ai, và con đường Người đã đi là con đường nào rồi: Đó là Con Đường Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại, như Thầy đã khẳng định: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14, 6). Từ giây phút gặp gỡ này, thánh nhân đã biến đổi hoàn toàn, trở thành một con người khác hẳn. Niềm tin của ngài đã được chắp đôi cánh mới, đôi cánh của Đức Ki-tô Phục Sinh. Đặc biệt khi được Đấng Bảo Trợ (mà Thầy đã hứa ban) tăng thêm sức mạnh vào ngày lễ Ngũ Tuần, thì đức tin của ngài đã có thể bay cao, bay xa.

 

Sau khi Đức Giê-su về trời, thánh nhân đã cùng với các Tông Đồ khác ra đi loan báo Tin Mừng khắp nơi và “có Chúa cùng hoạt động” (Mc 16,20). Thao thức của ngài lúc này không còn là chức quyền, điạ vị hay danh vọng trần thế nữa, mà là làm sao cho danh Đức Ki-tô được toả sáng. Quả vậy, ngài đã can đảm hiên ngang làm chứng cho Tin Mừng Đức Ki-tô và sẵn sàng chịu moị thử thách gian lao. Tương truyền, thánh nhân đã rao giảng Tin mừng cho dân Ba tư và đến mãi tận Ấn độ, và cuối cùng Đức Tin của Thánh Tô-ma đã thực sự thăng hoa khi ngài chịu chết vì danh Đức Ki-tô đang khi thi hành sứ mạng. Ngài đã được diễm phúc bước lên đài vinh quang dành cho các vị tử vì đạo trên Thiên quốc.

 

Từ hoài nghi tới xác tín, thánh Tô-ma đã lột xác hoàn toàn, trở nên chứng nhân tích cực của Đức Giê-su. Chính nhờ lòng thương xót vô biên của Chúa, thánh Tô-ma mới được thánh hóa qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Thiết nghĩ hành trình đức tin của Thánh nhân cũng chính là hành trình đức tin của mỗi Ki-tô hữu chúng ta. Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy là ngày đức tin của chúng ta được khai mở. Và rồi qua Bí tích Thánh Thể và Thêm Sức, đức tin ấy được tăng trưởng theo thời gian. Song cũng có những lúc đức tin của chúng ta bị thử thách nặng nề, điều mà chúng ta gọi là đêm tối của đức tin, tối đến độ không còn thấy một tia hy vọng nào. Đó là những lúc gặp đau khổ, bệnh tật, tai ương, hay thất bại trong công ăn việc làm, trong chuyện gia đình…, nhưng nhờ những lúc như thế mà đức tin của chúng ta được tôi luyện, được thanh lọc, vì “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

 

Quả thật, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đúng như lời dạy của Thánh Phê-rô: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1Pr 1, 6-7). Người Ki-tô hữu cần ý thức rằng cuộc sống trần gian luôn đầy sóng gió, ai ai cũng phải đương đầu không nhiều thì ít, và nhiều khi những trận cuồng phong dữ dội xảy đến với mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Gặp những thử thách như vậy, xin đừng ỷ tài cậy sức, mà phải biết trông cậy vào Thần Khí mà “cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống” (Gc 1, 6). Còn do dự là còn hoài nghi, hãy học theo gương Thánh Tô-ma Tông đồ mà dốc một lòng xác tín: “Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con! Con tin”.

 

Các nhà hiền triết Đông Phương cũng đã nói nhiều về niềm tin của con người: "Nhân vô tín bất lập" (người không có niềm tín thì không đứng được ở đời – Khổng Tử); "Tín vì quốc chi bảo" (niềm tin là báu vật của cả nước – Tấn Văn Công). Ngoài xã hội còn vậy, huống hồ là trong các tôn giáo. Bất cứ một tôn giáo nào cũng lấy đức tin làm nền tảng. Ki-tô giáo cũng vậy, vì thế, khi chữa bệnh cho mọi người, Đức Giê-su Ki-tô luôn khẳng định: "Đức tin của con đã chữa lành con". Ngay cả với các môn đệ sống liền bên mà cũng luôn luôn được Thầy nhắc nhở: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" (Mt 14, 31); "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? (Lc 24, 38). Và chính Tô-ma cũng được Đức Giê-su nhắc nhở: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." (Ga 20, 27). Ấy cũng bởi “Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mạc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.” (Rm 1, 17). Nếu “người không có niềm tín thì không đứng được ở đời” (Khổng Tử), thì một khi người Ki-tô hữu đánh mất niềm tin thì chắc chắn không đứng được ở Nước Trời.

 

Tóm lại, người Ki-tô hữu hãy kiên trì cầu nguỵên để có một đức tin vững vàng, có thể vượt qua được lửa thử thách, ngõ hầu trở thành “vàng ròng”, điểm trang cho áo cưới chờ đón Hôn phu Giê-su quang lâm trong “Tịêc Cưới cánh chung” vậy. Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng con hoan hỷ mừng lễ thánh Tô-ma Tông đồ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố lòng tin của chúng con để chúng con được sống muôn đời khi cùng với thánh nhân tuyên xưng Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ kính Thánh Tô-ma Tông đồ)

 

JM. Lam Thy ĐVD.