Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cứu giúp những người gặp hoạn nạn

Tác giả: 
Nguyễn Văn Nội

 

 

 CỨU GIÚP NHỮNG NGƯỜI GẶP HOẠN NẠN    

 [CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C (14/07/2013)]

[Đnl 30,10-14; Cl  1,15-20; Lc 10, 25-37]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

 

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta đọc được nhiều bản tin, chứng kiến cảnh huống nhiều người tỏ ra vô cảm trước những khổ đau, hoạn nạn của người khác. Đọc dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành trong Tin Mừng hôm nay (Lc 10,25-37) chúng ta thấy thầy Tư tế và thầy Lê-vi tuy là những người đạo đức của đạo Do-thái nhưng lại là những người vô cảm trước người bị cướp đánh dọc đường. Chúa Giê-su muốn cảnh báo chúng ta đừng bắt chước hai con người ấy, mà hãy làm như người Sa-ma-ri tốt lành, tuy là người ngoại đạo nhưng lại cứu giúp người gặp hoạn nạn trên đường. Người Sa-ma-ri tốt lành là mô hình mẫu của các Ki-tô hữu.

 

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

 

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Đnl 30,10-14): Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành. 10Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân chúng rằng: “Anh em hãy nghe tiếng Đức  Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức  Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ.

 

11Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. 12Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói:  "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? 13Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? 14Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.

 

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 1,15-20): Muôn loài đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Đức Ki-tô và cho Đức Ki-tô. 15 Đức Giê-su là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, 16vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. 17Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. 18Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. 19Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, 20cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.

 

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 10,25-37): Ai là người thân cận của tôi? 25Một hôm có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia gia nghiệp?” 26Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" 27Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." 28 Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."

 

29Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? " 30Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." 36Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" 37Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

 

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh     

 

3.1.1 Bài đọc 1 (Đnl 30,10-14) là những lời của căn dặn của ông Mô-sê về sự gần gũi và vừa sức của tiếng/lời/mệnh lệnh/thánh chỉ của Thiên Chúa đối với người tín hữu Do-thái (và Ki-tô), nên không ai có thể viện lý do gì mà không đem ra thực hành.

 

àQua đoạn Sách Đnl 30,10-14 chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng có mặt ngay bên cạnh con người, thậm chí trong lòng mỗi người, thầm thì vào tai mỗi người những lời yêu thương và hỗ trợ việc thực hiện mệnh lệnh hay chỉ thị của Người.

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 1,15-20) là bài thánh thi chúc tụng ngợi khen Chúa Ki-tô là Đấng có một địa vị  và vai trò độc nhất vô nhị  trong Kế Hoạch Tạo Dựng và Cứu Chuộc của Thiên Chúa.

 

àTrong đoạn thư gửi tín hữu Cl 1,15-20 chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su Ki-tô quan trọng và cao trọng như thế nào: Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của mọi loài thụ tạo cũng như của loài người, là Đầu của Hội Thánh, là Đấng giải hòa con người với Thiên Chúa bằng máu hiến tế trên thập giá, là Đấng cao trọng hơn tất cả mọi loài thụ tạo và mọi loài được Thiên Chúa dựng nên nhờ Người và cho Người.

 

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 10,25-37) là dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành. Chủ đích của Chúa Giê-su khi kể dụ ngôn này là giúp “người thông luật kia” (và mọi người chúng ta) hiểu rằng: điều quan trọng không phải là tìm xem ai (hay những ai) là người thân của mình, mà là tự xét xem mình đã trở thành người thân của người (hay những người) gặp hoạn nạn chưa?  

 

àQua Bài Phúc Âm Lc 10,25-37 chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su là một bậc Thày siêu hạng, vì Người đã dùng một câu truyện đơn sơ, sống động và dễ hiểu để chuyển tải một nội dung Đạo Lý rất cao siêu và cốt yếu nhất của Ki-tô giáo: Ki-tô giáo là Đạo của Tình Thương! Mỗi Ki-tô hữu phải là một người Sa-ma-ri tốt lành, tức người biết biến mình thành người thân thiết của những người nghèo khó, túng thiếu, hoạn nạn trong xã hội bằng cách cứu giúp những đối tượng nêu trên.

 

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

 

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" tức “thực thi lòng thương xót” đối với những người gặp hoạn nạn. Chúng ta có thể hiểu những người gặp hoạn nạn là tất cả những ai nghèo khó, túng thiếu, bệnh tật, bị đàn áp bóc lột hay phân biệt đối xử, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi, khinh miệt. Trong xã hội Việt Nam ta hiện nay, những rất nhiều người gặp cảnh như vầy.

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

 

4.1 Sống với Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã trở thành bạn hữu và người thân cận của tất cả những ai gặp cảnh đau thương, khốn khổ như nạn nhân trên đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-khô trong Phúc Âm Lu-ca mà chúng ta đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.

  

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

 

Xin chia sẻ với quý anh chị một kỷ niệm ấn tượng mà tôi đã học được trong Khóa Huấn Luyện Thừa Tác Viên Lời Chúa (Ministers of the Word Training) tại Viện Mục Vụ Đông Á (East Asian Pastoral Institute), Phi-líp-pin, năm 1997. Một hôm giảng viên yêu cầu chúng tôi lấy giấy bút ra và ghi tên những người mà mình có thể chết cho những người ấy. Cả lớp hôm ấy đều trố mắt ngạc nhiên và cúi mặt xấu hổ, vì ai nấy đều thấy số những người mình sẵn sàng chết cho không có là bao.

 

Mời bạn hãy làm bài tập tương tự.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

 

5.1 «Đức Giê-su là hình ảnh Thiên Chúa vô hình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho nhân loại ngày hôm nay để mọi người biết nhận biết và tôn thờ Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian.

 

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.2 «Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa luôn lắng nghe và thực thi mệnh lệnh và thánh chỉ của Thiên Chúa!

 

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 «Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người biết sống yêu thương, bác ái và cứu giúp những người đau khổ và thiếu thốn.

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.4 «Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người bị đàn áp,  bách hại, cướp bóc trong xã hội Việt Nam hôm nay để các nạn nhân ấy gặp được những người Sa-ma-ri nhân hậu ủi an, chăm sóc.

 

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.