Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tôn vinh tình yêu

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TÔN VINH TÌNH YÊU (Lễ Suy Tôn Thánh Giá)

 

Dưới những chế độ phong kiến hà khắc, có thật nhiều những hình cụ giết người dành cho những tội nhân bị xử án tử hình. Đầu tiên, họ dùng hình thức “xử trảm” (còn gọi là “trảm quyết”: trói tội nhân vào cây cọc rồi dùng gươm hoặc mã tấu sắc bén chém đứt cổ). Nhưng về sau thấy hình thức này làm tội nhân chết cách mau chóng, như thế thì không biết đau đớn, tủi hổ về tội trạng của mình, họ liền nghĩ ra những hình thức khiến tội nhân phải chịu đau đớn kéo dài trước khi chết, và những hình thức xử tội kinh khủng được áp dụng: “lăng trì” (cột tội nhân vào cục đá rồi ném xuống sông, hồ), “tứ mã phanh thây” dùng dây cột 2 tay 2 chân tội nhân vào 4 con ngựa, rồi đánh cho ngựa chạy theo 4 hướng để xé xác tội nhân làm 4 mảnh), “tuốt nứa” (chẻ những cây nứa già làm nhiều mảnh để cột chung quanh mình tội nhân, rồi cho ngựa kéo chạy thật nhanh trên đường đá gồ ghề), “hổ xé xác”  (trói chân tay rồi ném tội nhân vào chuồng cọp cho hổ xé xác, ăn thịt) v.v...

 

Vẫn chưa thỏa mãn, họ còn nghĩ ra cách làm cho tội nhân dở sống dở chết vì sự tủi nhục kéo dài, bằng cách lột hết quần áo rồi treo tội nhân lên cao ở những ngã ba ngã tư, để mọi người đi qua khạc nhổ, phỉ báng. Hình thức treo này, lúc đầu chỉ là trói chặt 2 tay treo lủng lẳng trên cành cây đa, cây đề cổ thụ, nhưng về sau là chôn một cây cột thẳng đứng rồi treo tội nhân lên. Cuối cùng, để thỏa mãn thú tính, họ đóng thêm 1 cây ngang trên đầu cây dọc chôn thẳng đứng, rồi kéo 2 tay dăng ngang lấy dây cột (hoặc đóng đinh) hai bàn tay vào cây ngang, phơi bày hết thân thể tội nhân để bêu riếu, nhục mạ. Hình cụ này trông giống như chữ thập “ ” (số 10), nên được gọi là “cây thập tự” hoặc “thập tự giá ” (cái giá treo hình chữ thập).

 

Cây thập tự là một hình cụ giết người, một biểu tượng của tội ác do con người tạo ra. Dân Do-thái (đứng đầu là “các kỳ mục, kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng” – Mc 15, 1) đã dùng hình cụ đó để giết Đức Giê-su, vì họ đã liệt Người vào hạng người có trọng tội cần phải trừ khử: “Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: "Chúng tôi đã phát giác ra tên này xách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa… Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây." (Lc 23, 2-5). Nhưng khi Tổng trấn Phi-la-tô – vị quan có thẩm quyền xét xử vụ án – nhận thấy Đức Giê-su không có lỗi lầm gì, ông muốn thả Người, thì đám đông không chịu và đồng thanh gào lên: "Đóng đinh nó vào thập giá!" Cuối cùng, “Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!" Đám đông lại càng say máu la lớn: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!" – Mt 27, 23-25).

 

Không ai có thể ngờ được một dụng ý độc ác của con người lại được Thiên Chúa mạc khải thánh ý của Người: Đức Giê-su bị treo lên như vậy là Người vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha (cây gỗ đứng) dang rộng hai tay kéo mọi người lên (thanh gỗ ngang). Cũng giống như tấm bảng viết INRI (Giê-su Na-da-ret – vua Do-thái) quân dữ đóng phía trên đầu Chúa Giê-su nhằm chế nhạo Người, thì lại cho mọi người biết chính dân Do-thái đã giết Vua của dân tộc họ, nói cách khác Vua Do-thái đã chết vì tội lỗi của dân mình. Ngoài ra, hình ảnh chữ thập cũng được con người dùng làm biểu tượng cho sự thu gom, cộng hưởng (dấu cộng: +), đầy đủ hoàn toàn (thập phần hoàn hảo); như vậy thì cũng có nghĩa là tập hợp các phần tử lại thành một mối, và nếu các phần tử đó là con người thì chẳng phải đây là dấu chỉ sự đoàn kết yêu thương nhau đó sao? Cây thập tự trở nên một dấu chỉ gom lại những kẻ tin, để quy về một mối trong yêu thương. Rõ ràng từ một biểu tượng của tội ác, cây thập tự treo Chúa trên Núi Sọ năm xưa đã trở nên biểu tượng của Tình Yêu  Gọi thập tự giá là Thánh Giá chính là vì thế.

 

Rõ ràng cây Thánh giá hình chữ thập chính là biểu tượng cho hai điều răn quan trọng nhất mà Con Người bị treo trên thập giá đã truyền dạy: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39). Một cách cụ thể, cây thập tự treo Chúa không những biểu hiện rõ ràng hồng ân cứu độ của Thiên Chúa, mà còn bộc lộ Lời Thiên Chúa mời gọi những kẻ tin hãy trở nên như một Thập Giá Chúa Ki-tô: Cây gỗ dọc là thân mình của mỗi Ki-tô hữu đang đứng thẳng vươn tới Thiên Chúa, thanh gỗ ngang là hai cánh tay dang rộng ôm lấy anh em trong yêu thương đùm bọc nhau. Nói cách khác, Đạo (con đường) Ki-tô chỉ có 2 chiều: chiều thẳng đứng chỉ sự công minh chính trực của Thiên Chúa là điều phải vươn tới và chiều nằm ngang chỉ tình cảm thương yêu đối với tha nhân là điều phải thực hiện trong cuộc sống.

 

Từ một cây gỗ bình thường đóng thành hình chữ thập (thập tự) sau khi thấm đẫm Máu của Đấng Cứu Thế Giê-su Ki-tô, đã trở thành chữ thập màu đỏ (hồng thập tự) và trở nên một biểu tượng cứu nhân độ thế mà cả thế giới – không phân biệt sắc tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo – đều lấy làm biểu tượng cho tình yêu thương, lòng bác ái. Tổ chức “Hồng Thập Tự” (chữ thập đỏ) đã nói lên điều đó. Hai điều răn của Ki-tô Giáo đã liên kết chặt chẽ với nhau trở nên một điều răn quan trọng nhất: “Mến Chúa yêu người”, cũng như 2 thanh gỗ đóng hình chữ thập nhuộm đỏ máu Chúa Ki-tô đã trở nên một Biểu-Tượng-Tinh-Yêu: HỒNG THẬP TỰ. Vâng, quả thực là Đạo Công Giáo chỉ sống và thực hành duy nhất một điều răn bao trùm lên tất cả: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI. Muốn “mến Chúa” (yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực), thì tiên vàn phải biết “yêu người” (yêu người như chính mình), vì chỉ có “yêu người” mới thực sự là “mến Chúa”, bởi "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40).

 

Người Ki-tô hữu phải ý thức khi suy niệm mầu nhiệm Cứu Chuộc thì hãy trực diện chiêm ngắm Thánh giá để được trực diện với chính hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu Giê-su Ki-tô đang dang rộng hai tay mời gọi mọi người hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Vâng, “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3, 10-11). Và từ đó, hiệp ý cùng toàn thể Giáo Hội suy tôn Thánh Giá, ngõ hầu đi vào Mầu nhiệm Tình Yêu bằng tất cả tâm tình con dân thảo kính Thiên Chúa là Cha.

 

Nhân lễ Suy Tôn Thánh Giá, xin cùng tìm hiểu thêm: Thánh giá được suy tôn do một sự kiện trong lịch sử: Vào năm 326, sau khi tìm được di sản Thánh Giá thật, thánh Hélène, mẹ của Hoàng Đế Constantin, đã cho xây cất đền thờ tại Mộ Thánh ở thành thánh Giê-ru-sa-lem và đặt cây Thánh Giá vừa tim được tại đó để mọi người kính viếng. Năm 614, dưới thời Hoàng Đế Héraclius I, những người Ba-tư xâm chiếm Giê-ru-sa-lem đã lấy mất cây Thánh giá đó. Héraclius đã nung nấu ý chí kiên quyết đấu tranh để lấy lại Thánh giá. Nhà vua đã cầu nguyện và lời cầu nguyện của ngài đã được Chúa thương chấp nhận. Năm 629, Héraclius đã đánh bại quân Ba-tư và trở về Constantinople trong tiếng hò reo, vui mừng của toàn thể dân chúng. Đón mừng chiến thắng, mọi người đều cầm trên tay cành lá ô-liu, với những bó đuốc chói sáng, cung nghinh Thánh giá thật của Chúa đã lấy lại được. Trong bầu khí khải hoàn, mọi người hân hoan triều bái, chúc tụng, tung hô, tôn vinh Thánh Giá.

 

Nhà vua vui mừng phấn khởi, quyết định rước Thánh Giá vào thành thánh Giê-ru-sa-lem. Nhưng khi tiến vào thành thánh, trước khi lên núi Sọ, nhà Vua đã như tê dại đôi chân, không thể nào bước được. Giáo trưởng Zacharie hô to: ”Tâu Đức Vua, xin Đức Vua cởi bỏ bộ y phục sang trọng ra vì nó không xứng đáng với cảnh Chúa Giê-su khó nghèo, khiêm nhượng khi vác thập giá”. Vua Héraclius I liền cởi bỏ bộ xiêm y sang trọng và khoác vào người bộ quần áo nghèo hèn. Tức thì, một phép lạ vượt ngoài sức tưởng tượng của con người đã xảy ra: Nhà vua bước đi được một cách nhẹ nhàng và dễ dàng trước sự chứng kiến của toàn dân. Chưa hết, Thiên Chúa còn làm thêm nhiều phép lạ trong ngày vinh quang thập giá được tỏ hiện này, để minh chứng tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho dân Người. Từ đó, Giáo Hội đã thiết lập thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá vào ngày 14/9 hằng năm để cho mọi người kính nhớ biến cố trọng đại này.

 

Ngày hôm nay, nhìn lên Thánh Giá, người Ki-tô hữu đừng quên “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8). Tội ác loài người đã sản sinh ra hình cụ giết người khủng khiếp không những chỉ để giết hại lẫn nhau mà còn đóng đinh treo Con Thiên Chúa cho đến chết. Thú tính đó vẫn chưa dừng lại, càng văn minh, con người càng sản sinh khí cụ tàn độc giết hại lẫn nhau (khủng bố, chiến tranh bằng súng đạn, bom mìn hạt nhân, vũ khí hóa học… càng ngày càng ghê gớm quá sức tưởng tượng!).

 

Cũng vì thế mà gần tới ngày lễ Suy tôn Thánh Giá năm nay (14/9/2013), Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô I đã hủy bỏ chủ điểm của bài huấn từ hàng tuần (01/9/2013) theo thông lệ của cuộc xuất hiện trước công chúng tại công trường thánh Phê-rô, và thay vào đó, ngài nói về cuộc chiến tranh tại Syria trong nỗi đau buồn: "Trái tim tôi tổn thương sâu đậm về những gì đang xảy ra tại Syria và đau buồn bởi những thảm kịch đang diễn ra ở tận chân trời xa". ĐTC tỏ ra rất đau buồn về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, kể cả việc các nước phương Tây chủ trương trừng phạt bằng quân sự đối với chế độ cầm quyền của nước này, nên ngài nhấn mạnh: "Chiến tranh mang đến chiến tranh. Bạo động mang đến bạo động". Ngài còn cảnh báo: "Sẽ có cuộc phán xét của Thiên Chúa, và đồng thời cũng có phán xét của lịch sử về những hành động của chúng ta, mà không có thể trốn tránh cuộc phán xét ấy được". Đồng thời, ngài xin dành ngày 7/9/2013 là “ngày ăn chay cầu nguyện trên toàn thế giới cho hòa bình tại Syria.”

 

Tóm lại, hình cụ thập tự giá nhờ nhuộm đỏ Máu Thánh Chúa Ki-tô đã thực sự trở nên một Khí Cụ Tình Yêu, một Khí Cụ Bình An (Kinh Hòa Bình) giúp người tín hữu chống lại ba thù, để sống chan hòa yêu thương với nhau. Xin hãy suy tôn Thánh Giá bằng tất cả tâm tình tri ân, sám hối và canh tân, nguyện cầu Thiên Chúa ban thêm lòng Tin để đáp trả được tình yêu vô lượng đó, đồng thời biết Cậy nhờ vào Thần Khí Chúa giúp củng cố thêm lòng Mến vốn dĩ rất mong manh yếu kém của mình. Hãy cầu xin Thiên Chúa đoái nhìn những thảm cảnh liên tiếp xảy ra trên thế giới này, từ những thiên tai (bão lụt, động đất, sóng thần…), đến những nhân tai (chiến tranh, khủng bố, thực phẩm giết người, nạo phá thai, hủy diệt trứng, tinh trùng…), nhất là thảm kịch “huynh đệ tương tàn bằng vũ khí hóa học” diễn ra khốc liệt tại Syria. Hãy tha thiết cầu xin Chúa thương ban cho thế giới một nền hòa bình chân chính vĩnh cửu, cách riêng cho mảnh đất nhỏ bé Syria, để các bên giải quyết cuộc nội chiến bằng đàm phán hòa giải.

 

Và xin cùng hợp hoan: “Thập giá vinh quang ngất cao trời xanh. Thập giá chứng nhân cứu độ người trần. Ơn giải thoát sức sống cao vời trên Thánh Giá chính Ngài đã dâng hiến cho trần gian. TK 1: Vinh quang của ta chính là Thập Giá Đức Kitô, cho con tôn thờ Thánh Giá suối mạch chan hòa. Để được phục sinh vinh quang cùng Thập Giá, nhận lãnh phúc ân cứu độ trong tình Cha. TK 2: Cho con thành tâm tôn thờ Thập Giá Chúa uy linh yêu thương nhân loại dang tay chết trên thập hình. Dạt dào tình thương hôm nao Người tận hiến, để cứu thoát con đưa về trong bình an.” (TCCĐ “Thậ Giá Vinh Quang”).

 

 Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Suy Tôn Thánh Giá).

 

JM. Lam Thy ĐVD.