Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lòng biết ơn

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

LÒNG BIẾT ƠN (CN XXVIII/TN-C)

 

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật chuyện 10 người phong hủi được Đức Giê-su chữa lành (Lc 17, 11-19). Phép lạ lần này có một đặc điểm khác với những lần khác, đó là Đức Ki-tô không hề đụng tay vào bệnh nhân (vì cách một khoảng xa), Người chỉ nói ngắn gọn: "Hãy đi trình diện với các tư tế". Đứng ở cương vị những bệnh nhân đã khẩn khoản "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!", khi nghe lời này, hẳn nhiên sẽ nảy sinh thắc mắc “xin Thầy chữa bệnh, Thầy chưa chữa mà đã nói đi trinh diện các tư tế thì làm sao?” Ấy cũng bởi vì những người mắc bệnh phong hủi thường bị xã hội khinh rẻ và cách ly khỏi cộng đồng. Và nếu họ hết bệnh thì phải trình diện nhà chức trách (ở Do-thái là các tư tế) để họ chấp nhận cho tái nhập cộng đồng. Tuy nhiên, ngay sau Lời dạy đó của Đức Giê-su, mọi người đã được khỏi bệnh hoàn toàn. Một phép lạ hết sức thuyết phục.

 

Mười người phong hủi được chữa lành, nhưng chỉ có một người quay trở lại để cảm ơn Đức Giê-su, mà người ấy lại là dân ngoại (chưa được công nhận là dân Thiên Chúa). Còn chín người kia vẫn mang danh là người của Chúa mà lại vong ân bội nghĩa một cách ngon lành. Đức Giê-su đã phải chua chát thốt lên: ”Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 17-18 ). Một hiện thực có thể nói là chua xót khi chính những người là dân được tuyển chọn hẳn hoi, đã biết, đã được nhận là con Thiên Chúa, là dân Chúa chính hiệu, mà rốt cuộc lòng tin còn thua xa những người ngoại giáo. Thế đấy!

 

Chỉ có một trong 10 người phong hủi được chữa lành bày tỏ lòng biết ơn, một tỉ lệ thật khiêm tốn (1/10). Điều đó cho thấy trong xã hội nhiễu nhương của loài người, cái nhân tâm, cái “nhân chi sơ tính bản thiện” hầu như không còn và chẳng cứ ở thời cổ xưa mà ngay trong thời đại hoàng kim này cũng xảy ra nhan nhản. Điều đáng phàn nàn là chính cái luân thường đạo lý của con người vẫn đề cao lòng biết ơn và coi đó là giềng mối đạo đức căn bản cần phải được lưu truyền và giáo dục con người cho nên hoàn thiện. Vâng, luân lý đã coi lòng biết ơn là một trong những đức tính căn bản của con người. Khi có ai đó giúp đỡ hay hy sinh cho mình, thì người đó là ân nhân của mình và mình có bổn phận đền ơn đáp nghĩa cho dù người thi ân có nhận hay không. Thường thì những người giúp đỡ kẻ khác là do lòng thương người, họ giúp đỡ vì tính nhân đạo chớ không vì mong được trả ơn. Đã có câu “Quân tử thi ân bất cầu báo” (Người quân tử làm ơn không cần báo đáp – “Luận ngữ”), văn chương bình dân Việt Nam cũng có câu “làm ơn chẳng đợi đáp đền”. Nhưng như thế không có nghĩa là kẻ thụ ân cứ thoải mái vong ân.

 

Đó chỉ là nói về đạo xử thế giữa con người với nhau, nhưng trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, thì cả 10 người đã nhận biết Đức Giê-su là ai mới có thể chữa lành bệnh phong hủi (một căn bệnh bất trị) cho mình. Vì thế, họ mới khẩn khoản cầu xin: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!". Một cách cụ thể thì họ đã biết người thầy thuốc ở đây chính là Người Thầy Chí Thánh Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Vậy mà một dân ngoại (chưa được công nhận là con dân Thiên Chúa) khi biết mình được chữa lành đã bày tỏ lòng biết ơn một cách sâu sắc, trong khi dân được tuyển chọn (vẫn từng hãnh diện mình là “hàng nội” 100%) lại là những kẻ vong ân số 1 (number one)!

 

Tưởng vẫn không thửa khi cần tái khẳng định: Biết ơn là làm đẹp lòng Thiên Chúa cho dù Người luôn thi ân một cách quảng đại nhưng không, không đòi đáp trả. Kinh Thánh cũng luôn đề cao lòng biết ơn: – “Tỏ lòng biết ơn là dâng bột tinh hảo, làm việc bố thí là dâng lễ ngợi khen” (Hc 35, 2); – “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3:16); – “Bởi vì chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển, chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người” (Dt 12, 28). Chính Đức Giê-su là một tấm gương chói sáng về lòng biết ơn đối với Chúa Cha. Trong các biến cố như cho La-da-rô chết sống lại, khi làm phép lạ cho bánh, cá hóa nhiều, khi lập bí tích Thánh Thể, và nói chung là trong bất cứ một biến cố nào xẩy đến trong cuộc đời của Người, bất cứ phải quyết định, phải làm công việc gì, Người đều cầu nguyện và dâng lời tạ ơn Chúa Cha.

 

Đúng như Thánh Gio-an Tẩy Giả nói: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3,27). Nguồn ân sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại là vô cùng vô tận và vì thế, lòng biết ơn của ta đối với Người phải được đặt lên hàng đầu. Mặc dù khi ban ơn cho ta, Thiên Chúa không cần ta đáp lại, nhưng chính vì vậy ta càng phải biết ơn Người nhiều hơn nữa. Vâng, “Chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người” (Dt 12, 28). Cách biết ơn tốt nhất đối với Thiên Chúa là kính sợ và phụng thờ Người. Và cách phụng thờ Người tốt nhất chính là cố gắng trở nên giống Người, nghĩa là sống yêu thương và sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc tha nhân, vì bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 8-16).

 

Nói đến Tình Yêu là nói đến “cho” và “nhận”. Tình yêu Thiên Chúa luôn luôn và mãi mãi là Tinh yêu “cho đi”, Người không hề đòi đáp trả. Và nếu người được “nhận về” Tình Yêu của Thiên Chúa muốn đáp trả thì hãy làm theo Lời Người dạy: “Anh em đã được cho không thì cũng hãy cho không như vậy” (Mt 10, 8). Quả thật tất cả những gì con người nhận được và cho đi đều xuất phát từ Thiên Chúa chứ không phải của loài người. Từ đó, người Ki-tô hữu hãy khắc ghi trong lòng tất cả những gì mình có trong cuộc đời này đều là do Thiên Chúa ban tặng. Vậy khi cho đi, thì đừng nghĩ đến đáp trả hay nói cách khác là đừng đòi hỏi đối tượng phải biết ơn. Tốt hơn cả là chính chúng ta phải luôn đòi hỏi mình phải có tâm tình biết ơn Thiên Chúa và tha nhân, hơn là đòi hỏi tha nhân phải biết ơn mình. Đó cũng là một hình thức “từ bỏ mình” mà Đức Giê-su mong muốn nơi tất cả những ai theo Người.

 

Tóm lại, người đời thường vô ơn (bài Tin Mừng hôm nay là một minh hoạ), nhưng với Thiên Chúa thì hoàn toàn khác, vì "Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6, 38). Ôi! Lạy Chúa! Xin cho con luôn tỉnh táo cảm nhận được ơn Chúa đã ban cho con trong suốt cuộc đời trần thế này, để con thấu hiểu được hạnh phúc con đang có. Xin cho con luôn có tâm tình biết ơn và cảm tạ Chúa, đồng thời con cũng sẽ luôn luôn biết ơn những người Chúa đã dùng để tuôn đổ ân sủng xuống cho con. Và khi con ý thức được hạnh phúc to lớn mà Chúa vẫn ban cho con, thì xin Chúa cũng hãy giúp con luôn chia sẻ hạnh phúc ấy một cách quảng đại cho mọi người chung quanh con. Amen.       

JM. Lam Thy ĐVD.