Học để thay đổi số phận
HỌC ĐỂ THAY ĐỔI SỐ PHẬN
Giầu nghèo, sang hèn do số phận hay do ta quyết định. Đây là một vấn đề đã tạo ra bao cuộc tranh luận, tốn nhiều giấy mực. Cuộc bàn cãi đó cũng thường diễn ra trong những lúc trà dư tửu hậu, có khi diễn ra khắp nơi ngay ở những quán cafe vỉa hè bên đường từ thành thị đến nông thôn.
Trong xã hội Việt Nam ngày nay, với sự phân hóa giầu nghèo quá lớn “người ăn không hết, kẻ bòn chẳng ra”. Theo báo cáo của cục thống kê Quốc gia Việt Nam, chỉ số phân hóa chênh lệch giữa người giầu và người nghèo (Gini) của Việt Nam năm 2010, một nước nghèo là 0, 43 (Chỉ số Gini trên 0,4 là báo động). Trong lúc các nước Nhật, Úc, châu Âu là những nước giầu thì chỉ số Gini chỉ là 0, 25 (Gini 0, 25 thuộc nhóm an toàn). Người ta lại càng bàn nhiều đến những nguyên nhân của sự giầu nghèo sang hèn trong xã hội.
Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi chỉ bàn đến một vài quan điểm làm giầu chính đáng, không đề cập đến những trường hợp làm giầu bất chính như: tham ô, hối lộ …
Thoáng nhìn quan điểm giầu nghèo sang hèn trong thời phong kiến nước ta
Thời phong kiến đã trải dài trong lịch sử dân tộc ta cả mấy ngàn năm. Khởi đầu là triều đại các vua Hùng, đầu tiên là Kinh Dương Vương, và vị vua cuối cùng của nước ta là Bảo Đại lên ngôi năm 1932 lúc 19 tuổi, và thoái vị năm 1945 lúc 31 tuổi.
Thời đó, Vua được gọi là Thiên tử (con trời). Vua truyền ngôi lại cho con. Có những vị vua chỉ mới một hai tuổi đã được truyền ngôi như vua Lý Anh Tông được truyền ngôi lúc mới ba tuổi (1139); Vua Lê Nhân Tông được truyền ngôi năm 1 tuổi (1442)… Từ thực tế xã hội như thế, ông cha ta đã nói:
“Con vua thì lại làm vua
Con bác xã chùa lại quét lá đa” Ca dao
Trong xã hội Phong kiến, nhà nho xưa cho rằng:
“Tử sinh hữu mạng, phú quí tại Thiên” có nghĩa là sống chết có số mạng, nghèo giầu đều do nơi trời.
Cụ Nguyễn Du (1766-1820) đại văn hào của nước ta khi kết thúc truyện kiều thì cho rằng con người ta phong trần hay thanh cao đều do trời cả.
“Ngẫm thay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”
Truyện kiều
Giới bình dân thì coi giầu nghèo đều có số cả:
“số giầu đem đến dửng dưng,
Cứ đâu con mắt tráo trưng mới giầu” Ca dao
Như thế, xã hội phong kiến đã mặc nhiên cho rằng giầu nghèo, sang hèn là do số phận, do trời định. Con người được sinh ra chỉ còn cách cúi đầu cam chịu số phân đã được trời định sẵn.
Quan điểm tiến bộ thay thế quan điểm phong kiến lạc hậu
Thế nhưng, lịch sử loài người là một dòng chảy, đâu chỉ đứng yên một chỗ. Những quan niệm lỗi thời, lạc hậu phản dân chủ, phản tự do, phản nhân quyền, phản công bằng dần được thay thế bằng những tư tưởng tiến bộ văn minh hơn. Ngay những người có quan điểm bảo thủ trước đây cũng đã dần nhận ra các giá trị của Tự do, Dân chủ, Bình đẳng, Công bằng, Nhân quyền nơi con người mà thay đổi não trạng để phù hợp với sự tiến bộ của nhân loại.
Nếu trước đây cụ Nguyễn Du đã phó thác cuộc đời cho số mệnh thì nay cụ đã tin vào khả năng của con người, cụ nói:
“Sinh rằng: giải cấu là duyên
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”
Ngày 04/07/1776 bản tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ ra đời đã khẳng định:
“Mọi người sinh ra đều bình đẳng, Tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phậm, trong đó có quyền sống và quyền được tự do mưu cầu hạnh phúc”.
Tư tưởng tiến bộ đó lan dần sang các nước khác như cuộc cách mạng Pháp 1789, rồi sang Nhật Bản. Ông Fukuzawa Yukichi (1834-1901), nhà tư tưởng lớn của Nhật Bản dưới thơi Minh Trị Thiên Hoàng đã lên tiếng trong cuồn sách “Khuyến học”:
“Trời không tạo ra người đứng trên người, mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”. Nhờ tư tưởng tiến bộ đó mà nước Nhật có bước tiến dài trong lịch sử như ngày nay. Người Nhật nhớ ơn ông khi in hình ông trên tở giấy bạc lớn nhất của Nhật, tờ 10.000 yen
Còn tại Việt Nam, nhà trí thức Công giáo Nguyễn Trường Tộ (1828- 1871) đã dâng lên triều đình Huế tổng cộng 58 bản điều trần (theo sử gia LM Trương Bá Cần), nhưng thật đáng tiếc hầu hết không được chấp nhận.
Trương Vĩnh Ký (1838-1898), một người Công giáo nói thông thạo 27 thứ tiếng, một nhà văn hóa, nhà bác học lớn không những của Việt Nam, mà ông còn là một trong 18 nhà bác học của thế giới ở thế kỷ XIX đã góp công lớn về mọi mặt cho đất nước và nhân loại.
Đầu thế kỷ XX, năm 1905 hai nhà cách mạng Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đã hô hào khởi xướng phong trào Đông du đưa sinh viên sang Nhật để học tập.
Ngày nay, nước ta cũng đã nhìn nhận “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhưng rất tiếc giáo dục của nước ta còn chạy theo thành tích, nạn học giả, mua bằng, gian dối còn quá nhiều, tạo ra một xã hội thiếu sự trung thực, thiếu chân thật…
Đổi đời thoát nghèo do sự học.
Mười nước có số người học thức cao nhất thế giới là: Cannada, Do Thái, Nhật, Hoa Kỳ,Tân Tây Lan, Nam Hàn, Na Uy, Anh, Úc Đại Lợi, Phần Lan. Số người có trình độ đại học và trên đại học ở các nước này chiếm từ 37% dân số đến 50% dân số thì cũng là 10 nước được Tổ chức Phát Triển và Hỗ Tương Kinh tế gọi tắt là (OECD) vừa công bố có thu nhập đầu người (GDP) cao nhất trên thế giới từ 30.000 Mỹ kim/người/ năm đến 56.611 mỹ kim/người/năm.
Điều đó đúng như ông Koichiro Masuura Tổng giám đốc Unesco (1999-2009) đã nói: “Đầu tư cho Giáo dục là khôn ngoan nhất”.
Đó là xét trên bình diện quốc gia, còn trong phạm vi cá nhân, ta thấy nhiều người đã tạo nên một cuộc đổi đời thoát nghèo ngoạn mục có khi ở ngay trong nước nghèo như nước ta. Tôi xin đan cử một số người như: Đăng Lê Nguyên Vũ (Cafe Trung Nguyên), doanh nghiệp trẻ suất sắc nhất Asean năm 2004, học để đưa được cả dòng họ thoát nghèo, mong ước của ông đưa đất nước phồn vinh; Bà Hoàng Thị Thuận ở Vĩnh Trinh Cần Thơ 54 tuổi, góa chồng không tấc đất, buôn thúng bán bưng nuôi chín con ăn học thành tài, nay thành 9 gia đình trung lưu; Ông Nguyễn Văn Vương ở Thạnh Tiến Cần Thơ góa vợ lúc 50 tuổi, cắn răng ở vậy nấu rượu nuôi 4 con, hiện 4 con khá giả, có 6 bằng Đại học; cháu Nhung ở Vĩnh Thạnh Cần Thơ nhà quá nghèo, sau 7 năm vượt bao khó khăn đã tốt nghiệp kỹ sư xây dựng loại giỏi ở trường đại hoc Gifu bên Nhật, trong chương trình Nhật ngữ Đông du vừa làm vừa học do thầy Nguyễn Đức Hòe làm Hiệu trưởng, hiện làm cho công ty Tokyo Constraction bên Nhật lương khá cao.
Xin nêu một trường hợp nữa mà nhiều người trên thế giới đều biết. Đó là chàng Nich Vujicic sinh năm 1982 tại Úc. Khi sinh ra Nich đã không có cả hai chi trên và dưới mà chỉ có hai bàn chân nhỏ. Trong hai bàn chân nhỏ đó có một bàn chân nhỏ có hai ngón chân. Thế mà, Nich đã ngày đêm cầu nguyện với Chúa và vượt qua biết bao khó khăn để sống, làm việc và học tập. Kết quả Nich đã lấy bằng đại của trường đại học Griffith của Úc năm 21 tuổi. Nich đã lấy vợ, viết sách và thành lập công ty. Nich đi thuyết trình tới gần 30 nước trên thế giới, Nich đã đến Việt Nam từ 22/05 đến 26/05 năm nay. Và còn biết bao cuộc đổi đời ngoạn mục khác… Tất cả họ đều thật cố gắng nắm bắt cơ hội để cố gắng học tập thành đạt.
Ta có thể kết luận: Sự học giúp ta thoát nghèo nhanh nhất, bền vững nhất và cũng danh dự nhất. Nhưng trước hết và trên hết ta phải học sống làm người. Và trên tất cả ta phải học và sống để trở thành người thiện tâm để xứng đáng được Thiên Chúa chúc lành trong mùa giáng sinh năm nay như Người đã phán:
“Vinh Danh Thiên Chúa Trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”
Inhaxiô Đặng Phúc Minh
- Tổng Hơp: