Đấng phải đến
ĐẤNG PHẢI ĐẾN (CN III/MV-A)
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Mat-thêu viết: “Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? " (Mt 11, 2-3). Thật ngỡ ngàng khi nghe người được sai đến dọn đường, mở lối cho Đấng Cứu Thế, và đã từng khẳng định về Người: “Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người.” (Mt 3, 11), nay lại sai môn đệ đến hỏi Người như vậy. Một sự kiện lạ lùng đến khó hiểu!
Nhưng tại sao thánh nhân không trực tiếp đến hỏi mà lại sai môn đệ? Vì thánh nhân đang ngồi tù do đức tính cương trực của ngài. Đó là câu chuyện Hê-rô-đê cướp vợ của anh ruột mình (bà Hê-rô-đi-a, vợ của ông Phi-lip-phê), Thánh Gio-an Tẩy Giả đã không ngần ngại công kích kịch liệt hành động vô luân đó và vì thế ngài bị hung thần tống giam (về sau còn bị trảm quyết – Mc 6, 17-29). Qủa đúng là một người ngay thẳng, công chính, nghĩ sao nói vậy, không hề sợ áp lực quyền thế bạo lực. Như vậy thì có thể nói, vì tính tình ngay thẳng bộc trực, nên thánh Gio-an đã sai môn đệ hỏi Đức Giê-su một câu hỏi lạ lùng như thế. Làm như thánh nhân không hề biết tí gì về Đức Giê-su vậy!
Lần giở lại Tin Mừng thì thấy Thánh Gio-an Tiền Hô, vì được tiền định từ trước vô cùng, nên biết Đấng Cứu Thế từ khi còn là bào thai trong bụng me (“Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần” – Lc 1, 41). Rồi khi thánh nhân bắt đầu rao giảng Tin Mừng, thì cũng là lúc Đức Giê-su khai mạc sứ vụ cách công khai. Câu chuyện Đức Giê-su đến xin Gio-an làm phép rửa tại sông Gio-đan, thánh nhân đã “một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3, 14), thêm một lần chứng tỏ thánh Gio-an biết rõ về Con Người Giê-su Na-da-ret. Ấy là chưa kể thánh nhân vẫn luôn "nghe biết những việc Đức Ki-tô làm” (Mt 11, 2). Vậy mà còn hỏi kỳ cục như thế, thì chẳng phải là lạ lùng khó hiểu hay sao?
Cũng đã có nhiều người cho rằng Thánh Gio-an bị khủng hoảng đức tin vì phải ngồi tù. Nếu nhìn trên bề nổi, thì có thể nói như vậy. Lý do cũng dễ hiểu, vì với con người trần thế khi đã tin tưởng vào một nhân vật mà mình đinh ninh là Đấng Thiên Sai đến cứu độ nhân loại (nhất là chính Đấng ấy đã từng đến xin mình làm phép rửa như trường hợp Thánh Gio-an) thì khi mình bị giam cầm, chắc chắn Đấng ấy sẽ can thiệp cứu mình khỏi tù tội. Hơn thế nữa, Thánh Gio-an không chỉ tin tưởng, mà còn rao giảng, làm chứng cho Đức Giê-su, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng ăn năn sám hối để được ơn tha tội; vậy mà trong khi thánh nhân bị tù tội, Đấng ấy vẫn thản nhiên làm như không hay biết gì! Bị khủng hoảng đức tin là tất nhiên. Tuy nhiên, đó chỉ là tâm lý chung của phàm nhân, còn với Thánh Gio-an Tẩy Giả – một nhân vật đã được tiền định từ trước vô cùng trong sứ vụ “dọn đường đón Đấng Cứu Thế” – thì không thể. Vậy thì phải hiểu vấn đề như thế nào?
Xét cho kỹ, thì thấy ở đây phải nói là những môn đệ của Thánh Gio-an mới thực sự là những người bị khủng hoảng đức tin (Thầy mình bị cầm tù, mà không tìm cách giải thoát được). Cơn khủng hoảng đức tin ấy của các môn đệ, Thánh Gio-an tuy biết rõ, nhưng cũng khó lòng giải gỡ được. Chi bằng cho họ đến trực tiếp gặp gỡ và hỏi thẳng Đấng Thiên Sai, thì họ sẽ được chứng kiến tận mắt các việc Người làm và Người sẽ giải tỏa cơn khủng hoảng cho họ một cách thoải mái, nhẹ nhàng. Quả nhiên đó là một bài thuốc thần diệu chữa cơn khủng hoảng cho các môn đệ của Gio-an (bằng chứng là sau khi thánh nhân bị trảm quyết thì các môn đệ của ngài đã mau mắn báo cho Đức Giê-su biết và trở lại theo Người).
Còn một điều nữa, nếu Thánh Gio-an Tẩy Giá yếu đức tin đến độ bị khủng hoảng như vậy, thì Đức Giê-su Thiên Chúa biết rõ hơn ai hết. Vậy tại sao Người còn nói về Gio-an: “Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.” (Mt 11, 9-11). Một người “còn hơn cả các ngôn sứ… không ai cao trọng hơn”, đã vì tin vào sự công chính của Thiên Chúa và giới răn của Người (“chớ ngoại tình” – Mt 5, 27-30), ngang nhiên chọc giận hung thần sát thủ Hê-rô-đê, không lẽ còn bị “khủng hoảng đức tin” vì hành động của mình sao?
Rõ ràng Thánh Gio-an Tiền Hô biết rất rõ ngài sẽ chết về tay bạo chúa Hê-rô-đê, không còn cơ hội tiếp tục sứ mạng, nên mới sai môn đệ đến hỏi Đức Ki-tô như vậy. Chủ ý của thánh nhân không những chỉ để củng cố đức tin cho các môn đệ, mà ngài còn muốn đi xa hơn, là mong muốn các môn đệ sẽ tiếp nối bước đường của ngài. Các môn đệ được “mắt thấy, tai nghe” sẽ là những chứng nhân sống động cho Đấng Cứu Thế, sẵn sàng tiếp nối bước đường “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”, đó là điều tất yếu. Quả thật câu trả lời của Ðức Giê-su đã cho người tín hữu (kể từ các môn đệ của Thánh Gio-an) một hình ảnh trung thực về dung mạo Ðấng Cứu Thế. Đó là Đấng làm cho "Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 5).
Tóm lại, nhờ những cơ hôi như trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay, người Ki-tô hữu mới có những nhân chứng thật hiện thực và rất sống động "đã nghe, đã thấy, đã chiêm ngưỡng, đã chạm đến" sự kiện lịch sử Ngôi Lời nhập thể bằng xương bằng thịt (1Ga 1, 1). Vậy thì tại sao lại không cùng vui lên mừng đón ngày Chúa quang lâm, bởi "Chính Người sẽ đến cứu anh em" (Is 35, 4)? Tại sao lại cứ "phàn nàn kêu trách lẫn nhau", mà không biết "kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới" (Gc 5, 8-9)? Đã đành "cái khó bó cái khôn", nhưng vẫn có thể "trong cái khó sẽ ló cái khôn" (tục ngữ VN), nếu biết học theo Thánh Gia-cô-bê tông đồ, đừng "phàn nàn kêu trách lẫn nhau", mà bền tâm vững chí, kiên trì cầu nguyện, tìm kiếm, cố gắng "thắp lên một ngọn đèn" hy vọng. Đừng tuỵêt vọng trước cái khó để đi tới tự huỷ hoại, mà hãy vui lên vì Đấng Khôn Ngoan đã tới, đang tới và sẽ tới.
Trong Thông điệp “Ánh Sáng Đức Tin – Lumen Fidei” (số 56), ĐTC Phan-xi-cô I viết: “Người Ki-tô hữu biết rằng mình không thể loại bỏ đau khổ, nhưng chúng có thể có ý nghĩa và trở thành một hành động yêu thương, tín thác vào bàn tay Thiên Chúa là Đấng không bỏ rơi chúng ta, bằng cách này, nó là một giai đoạn tăng trưởng trong đức tin và tình yêu. Qua việc chiêm niệm sự kết hợp của Đức Ki-tô với Chúa Cha, cả trong giờ phút đau khổ tột đỉnh của Người trên Thánh Giá (x. Mc 15, 34), người Ki-tô hữu học chia sẻ cùng một cái nhìn của Chúa Giê-su. Vì thế ngay cả cái chết cũng được sáng tỏ và có thể được cảm nghiệm như lời mời gọi cuối cùng với đức tin, lời mời gọi sau cùng “Hãy rời bỏ vùng đất của ngươi” (St 12, 1), lời mời gọi “Hãy đến!” cuối cùng mà Đức Chúa Cha nói, mà với Ngài chúng ta phó thác trong sự tự tin rằng Ngài cũng sẽ củng cố chúng ta ngay cả trong bước cuối cùng của chúng ta.”
Vâng, “Hãy đến và mừng vui lên”, vì Nước Chúa đã đến gần. Alleluia! Ôi! “Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Ðấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật III Mùa Vọng).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: