Thánh thể và tình bạn
THÁNH THỂ VÀ TÌNH BẠN
“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu”
Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể
(viết theo Jack Dowling)
Cựu Ước cũng như Tân Ước đề cập đến nhiều khía cạnh của mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa được hình dung như một quan toà, một ông vua, một người tình ghen tương, như người tình bị bỏ rơi, một người tình chung thủy, như người bạn … và còn nhiều khía cạnh khác. Con người là thụ tạo, là bụi đất, là kẻ tội lỗi, những người phải ký vào một hiệp ước, như người tình bất trung, như người bạn, và nhiều mặt khác. Trong Tin Mừng Gioan, tình bạn được mô tả như cao điểm của mối tương quan với Thiên Chúa được ban cho những người theo Đức Kitô. Chúng ta cùng tìm hiểu tình bạn của ta với Thiên Chúa, và tình bạn đó đạt đỉnh điểm cao nhất trong Thánh Thể như thế nào.
Trong Cựu Ước, chỉ một mình Abraham là người được Chúa chỉ định là “bạn của Người, “Nhưng phần ngươi, hỡi Israel tôi tớ của Ta; Hỡi Giacop, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Abraham, bạn của Ta” (Is 41, 8). Các khuôn mặt khác như Giacop, Môisê, và Đavid được xem như các tôi tớ của Thiên Chúa. Lý do là vì Chúa đã ban cho Abraham lời hứa làm tổ phụ của dân Chúa chọn, và cũng vì Abraham đã tin vào lời hứa đó: “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15, 6). Thiên Chúa đã giao trọn tương lai dân Chúa cho ông, và đáp lại, ông tin vào Thiên Chúa.
Tin tuởng lẫn nhau là nền tảng của mọi tình bạn. Và chính niềm tin này giữa Thiên Chúa và Abraham trở thành mẫu mực cho mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta hãy nghĩ sâu về bản chất sự việc này: thiết lập nên tình bạn với con người, Thiên Chúa như giao phó mình cho loài thụ tạo là con người. Hãy nhớ lại chúng ta đã thận trọng như thế nào, trước khi thực sự kết bạn tâm giao với người khác. Thiên Chúa cũng đã thận trọng như vậy đối với Abraham.
Phải qua một thời gian chuẩn bị lâu dài trong Cựu Ước để đào sâu quan hệ “Chủ Tớ” giữa Thiên Chúa và con người, mới đến quan hệ “bạn hữu” nhờ ân sủng của Chúa Giêsu trong Tân Ước. Ngay trong các bản văn của Tân Ước, cũng có sự phát triển trong việc hiểu những khả năng mà Đức Giêsu đến trong trần gian có thể làm cho những ai ước muốn ở trong tương quan với Thiên Chúa thành hiện thực.
Phaolô nhấn mạnh mối quan hệ “nghĩa tử”. Thánh nhân nói rằng người Kitô hữu không ở dưới sự quản lý của Thần Khí nô lệ là sự sợ sệt, nhưng nhận lãnh Thần Khí nghĩa tử, cho phép chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha: Abba. “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em trở nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên “Abba ! Cha ơi !. Chính Thần Khí chứng thực cho chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa…” (Rm 8, 15-16).
Từ kinh nghiệm bản thân, Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa là Cha và mời gọi ai theo Người cũng gọi Thiên Chúa là Cha như vậy. Phaolô giải thích điều này có nghĩa là trong Đức Kitô, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Người, chúng ta được mời gọi làm thành viên gia đình của Chúa, trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa. Do đó chúng ta sống trong quan hệ gia đình với Chúa, như con cái đối với cha mẹ.
Thánh Gioan hiểu ý nghĩa mối quan hệ này với Thiên Chúa với nhãn quan mới. Trong diễn từ cuối cùng, mà thánh Gioan coi như bản đúc kết giáo huấn của Chúa, Đức Giêsu còn nói với các môn đệ họ không phải là nô lệ vì Người đã không giấu họ kinh nghiệm cuộc sống bản thân với Cha Người. Nhưng họ chính là bạn hữu của Người vì Người đã cho họ biết “tất cả những gì Người đã nghe được nơi Cha”. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 15). Lời này của Đức Giêsu cho phép ta hình dung cảnh cha đang ngồi bàn bạc với con trai trưởng một điều gì rất quan trọng cho cả hai cha con. Họ thảo luận với nhau chẳng những vì họ là cha con, nhưng còn là bạn hữu.
Vào thời Chúa Giêsu, nền văn hóa Hy Lạp rất được đề cao. Theo nền văn hóa này thì quan niệm về tình bạn chủ yếu đặt nền tảng trên quan hệ hỗ tương thân mật giữa những người ngang hàng nhau. Không thể có tình bạn với những người nô lệ, phụ nữ, trẻ con. Vào thời đó, tình bạn tương đối chỉ dành cho một số ít người, và được xem như đặc quyền của những công dân có học vấn cao ở các thành thị.
Việc trao đổi tình cảm chỉ xảy ra trong tình bạn chân thật và nhằm làm lợi ích cho cá nhân liên hệ hoặc cho cộng đoàn xã hội họ đang sống. Một người giàu có khi cảm thấy mình gần kề với cái chết, thường tổ chức bữa tiệc từ biệt mời bạn bè đến tham dự. Trong bữa tiệc có những lời chúc tụng chủ nhân và sau cùng một chúc thư được đọc lên cho mọi người nghe.
Theo Tin Mừng Gioan, trong diễn từ ở bữa tiệc ly, cũng có những nét tương tự với những bữa tiệc giã từ theo văn hóa. Nhưng tại bữa tiệc ly của Chúa, thực khách không nghĩ là mình ngang hàng với Chúa Giêsu. Và Người phải loan báo cho họ biết điều này. Chính tại nơi đây mà mầu nhiệm của mối tương quan giữa Thiên Chúa với chúng ta được mạc khải rõ hơn. Nhờ việc Chúa đến với chúng ta trong nhân tính của Chúa Giêsu, mà theo một nghĩa nào đó, chúng ta được trở thành Thiên Chúa, nghĩa là đã nâng chúng ta lên để có thể chia sẻ sự hiệp thông của Chúa Cha với Chúa Giêsu, trở thành đối tác trong cuộc luận đàm của Ba Ngôi Thiên Chúa, trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.
Vậy, dù là con cái của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng đã trở thành bạn hữu của Người nhờ hồng ân cao cả Chúa trao ban chính mình trong Đức Giêsu Kitô. Nhận thức tiệm tiến của các môn đệ về chân lý này được thấy rõ trong những trình thuật về các lần xuất hiện của Chúa Phục Sinh. Họ cùng ăn với Người, hoặc mời Người ăn với họ, đôi khi Người mời họ ăn với Người. Các môn đệ lại nhận ra Người trong lúc bẻ bánh. Và họ phải nhận ra rằng vì những gì Người đã làm cho họ, vì Người là ai, nên họ là những người bạn thực sự của Chúa. Họ có thể chia sẻ với Người đến mức mà trước đây họ không sao tưởng tượng ra được vì họ thừa biết chiều sâu và mãnh lực tình yêu của họ đối với Người không thể đưa họ đến mức độ này.
Các môn đệ trên đường Emmau đã dùng lời hùng biện và thuyết phục để mời nguời khách lạ lưu lại dùng bữa với họ vì trời đã tối. Và khi thấy Người cầm bánh chúc tụng, họ đã khám phá ra rằng họ đã từng được quyền làm bạn với Người. Sau cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, các môn đệ trở về với nghề ngư phủ của mình. Khi thấy có người nào đó đang chuẩn bị bữa ăn cho họ trên bờ, và cất tiếng gọi họ :“Anh em hãy đến mà ăn” (Ga 21, 12), họ nhận ra đó là Bạn của họ.
Thánh Lễ là bữa ăn mà người Kitô hữu được mời gọi đến để cùng nhận ra Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, con của Đức Maria, người anh nuôi và cũng là người bạn của họ : “Khi đồng bàn vơi họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24, 30-31).
“Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa cho chúng con có cơ hội để suy niệm trên hồng ân cao cả mà Chúa đã ban cho chúng con trong Đức Giêsu Ki-tô: đó là hồng ân được trở nên bạn hữu đích thực của Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng con hiểu thấu và cảm nếm hồng ân cao cả này là được làm bạn với Chúa, Hồng ân mà qua quá trình dài lâu theo sát chúng con, Chúa đã mạc khải cho chúng con để phát triển mối quan hệ thân tình này.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc, lương thực dưỡng nuôi và tâm điểm đời sống chúng con, xin cho chúng con tham dự tiệc Lời và Nhiệm Tích của Chúa với lòng hân hoan vui mừng. Xin cho chúng con hiểu mọi thực tại con người dưới ánh sáng Thánh Thể của Chúa.
Chúa là Bánh Hằng Sống, Rượu của Lòng Xót Thương, xin biến đổi chúng con thành Thân Mình Chúa. Xin sáng soi cho chúng con để thành người thờ phượng đích thực trong tinh thần và chân lý. Amen”
Để nhớ ngày 21-12-1991
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: