Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ánh sáng huy hoàng đã bừng lên

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

ÁNH SÁNG HUY HOÀNG ĐÃ BỪNG LÊN (CN.III/TN-A)

 

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Mat-thêu viết: “Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4, 12-16). 

 

Nước Do-thái có ba miền: Ga-li-lê (miền bắc), Sa-ma-ri (miền trung) và Giu-đa (miền nam). Giáo đô của Do-thái giáo là Giê-ru-sa-lem thuộc xứ Giu-đa, xứ này là vùng đông người có đạo Do-thái nhất. Xứ Sa-ma-ri là miền tạp chủng, tuy cũng có người theo Do-thái giáo, nhưng đa phần bị pha trộn với tôn giáo khác, nên bị người Giu-đa khinh thường và coi như dân ngoại. Còn xứ Ga-li-lê là “miền đất của dân ngoại” (Mt 4, 15) hoàn toàn. Ga-li-lê “thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li”, là vùng đất mà “Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại.” (Is 8, 23). Vậy mà Đức Giê-su lại là người sinh trưởng tại Na-da-rét thuộc xứ Ga-li-lê. Các tông đồ mà Người tuyển chọn, tất cả đều là dân Ga-li-lê. Một vấn nạn nảy sinh: Tại sao Thiên Chúa không để Đức Giê-su và các tông đồ của Người xuất thân ở vùng đất Giu-đa là vùng của đạo Do-thái, mà lại xuất thân từ vùng “Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại”?

 

Thực ra, chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được tiền định từ trước vô cùng. Đấng Thiên Sai Con Một Thiên Chúa là Đấng phải đến và Người đã đến với những người bệnh hoạn, tật nguyền, tội lỗi ("Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." – Mt 9, 12-13). Và vì thế, ngôn sứ I-sai-a mới tiên báo: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9, 1). Cũng chính Đấng Cứu Độ đã khẳng định: “Chính tôi là ánh sáng cho trần gian.  Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12). Người là Ánh Sáng, mà ánh sáng chỉ có tác dụng với bóng tối, nên Người đến với bóng tối để chiếu tỏa ánh sáng huy hoàng. Đó là lý do giải thích vì sao Đức Giê-su xuất thân từ vùng dân ngoại Ga-li-lê (dân ngoại còn “sống trong bóng tối sự chết, rất cần ánh sáng đem lại sự sống”, là điều tất nhiên).

 

Quả thật, ánh sáng là những gì tốt đẹp quang minh, đối nghịch với bóng tối là những gì u ám, tối tăm. Bản chất của bóng tối không phải là xấu, một cuộc đời sống trong đêm đen cũng chưa có gì đáng chê trách (còn đáng thương nữa là khác), nếu chưa làm điều gì xấu, mà chỉ vì chưa tìm được ánh sáng thôi. Tuy nhiên, nó sẽ trở nên thật tồi tệ, nếu con người sống trong đêm đen lại lợi dụng bóng tối để làm chuyện mờ ám. Thật thế, chỉ những người chuyên làm điều xấu mới thích bóng tối vì nó có thể giúp che giấu được những hành động hắc ám. Họ rất ghét ánh sáng vì ánh sáng sẽ lột trần dã tâm của họ (“Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” – Ga 3,20-21). Đức Giê-su Ki-tô chính là ánh sáng không những đã được tiên tri từ 5 thế kỷ trước (Is 49, 6), mà ngay người môn đệ ưu ái của Người là Gio-an thánh sử – một nhân chứng sống động, thực tế nhất – cũng khẳng định về Ngưới: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3, 19). Quả thật, bóng tối không xấu mà chỉ có hành động xấu được thực hiện trong bóng tối. Người ta chuộng bóng tối hơn ánh sáng chính là vì vậy.

 

Cũng đã có những suy nghĩ Nước Trời là nơi sáng láng tốt đep, chan hoà ánh sáng. Nếu được sống trong Nước Trời, chắc chắn sẽ vô cùng hạnh phúc, sung sướng. Đáng lẽ phải hân hoan vui mừng khi thấy Nước Trời đã đến gần, chớ lẽ đâu lại ăn năn khóc lóc (sám hối) như lời Thánh Gio-an Tẩy Giả ("Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." – Mt 3, 2)? Mấu chốt chính ở điểm này: Nước Trời đến gần cũng có nghĩa là ngày cánh chung đã cận kề, mà ngày cánh chung là ngày phải trả lẽ “vàng ra vàng, thau ra thau” chớ không thể vàng thau lẫn lộn. Muốn được vậy, phải thử lửa. Chỉ có lửa mới xác định được đâu là vàng thật, đâu là vàng giả (vàng trộn thau). Nhưng nếu đợi đến lúc ngày cánh chung đã tới thực sự, thì liệu còn kịp để thử lửa không? Vì thế mới cần phải nhìn lại mình trước, thử lửa trước, để xác định được bao nhiêu phần trăm con người của mình là vàng, bao nhiêu là thau, rồi tôi luyện cho thật chín, đúng với chất lượng của vàng ròng. Việc thử lửa, tôi luyện ấy, chẳng phải là sám hối đó sao?

 

Vả lại, Lời dạy của Đức Ki-tô: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” cho thấy Người là ánh sáng thật, nên Người cũng muốn tất cả những môn đệ của Người phải là ánh sáng. Mới thoạt nghe Lời dạy của Người, thì có vẻ sung sướng hãnh diện, nhưng nghĩ cho kỹ, suy cho cùng, sẽ thấy không dễ gì trở nên ánh sáng thật sự được. Người Ki-tô hữu chỉ có thể là một tấm gương trung thực phản chiếu Ánh Sáng Chúa Ki-tô như trong đêm vọng Phục Sinh vẫn thường được tuyên xưng và chia sẻ cho mọi người. Mà muốn là tấm gương trung thực phản chiếu “Ánh Sáng Chúa Ki-tô”, thì điều kiện tiên quyết vẫn phải là một tấm gương trong sạch, không bụi bẩn, không tì vết. Một cách cụ thể, để phản chiếu trung thực Nguồn Ánh Sáng Cứu Độ, anh cần phải sống đủ, sống đúng vai trò một Ki-tô hữu trong cộng đồng, để mọi người nhìn anh và nhận ra đó là môn đệ chính tông (tông đồ) của Vua Ánh Sáng Giê-su Ki-tô ("Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." – Ga 13, 35).

 

Nói cách khác, anh hãy sống làm sao để thật sự là một “chứng nhân sống” cho ánh sáng chân lý Tin Mừng Cứu Độ, bởi sống chứng nhân chính là một phương cách rao giảng hiệu quả nhất, như Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu (số 3) viết: “Không thể nào có công bố Tin Mừng thực sự, nếu các Ki-tô hữu không đồng thời lấy đời sống mình làm chứng, đi đôi với sứ điệp mà mình rao giảng …”, hoặc như Sắc lệnh về hoat động Truyền Giáo của Giáo Hội (số 36) viết: “Tuy nhiên, mọi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá đức tin là sống sâu xa đời sống Ki-tô hữu. Vì chính khi nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và bác ái đối với tha nhân, họ mang lại cho toàn thể Giáo Hội một cảm hứng tinh thần mới và làm cho Giáo Hội xuất hiện như một dấu chỉ nổi lên giữa các dân, là “ánh sáng thế gian” (Mt 5,14) và là “muối đất” (Mt 5,13)

 

Tóm lại, người Ki-tô hữu phải làm sao cho mình thực sự xứng đáng là “muối cho đời”, là “ánh sáng cho trần gian”, như Lời của Đấng là Ánh Sáng đã chúc phúc: “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 6, 16). Thật thế, “Lịch sử cứu rỗi càng diễn tiến, ta càng thấy rõ Thiên Chúa muốn làm cho mọi người được chung chia sự chúc phúc này như anh chị em, một chúc phúc đạt tới viên mãn nơi Chúa Giê-su, để mọi người trở nên một. Tình yêu vô bờ của Chúa Cha cũng đến với ta, trong Chúa Giê-su, qua anh chị em ta. Đức tin dạy ta biết nhìn ra rằng mọi người nam nữ đều tượng trưng cho một chúc phúc đối với tôi, rằng ánh sáng gương mặt Chúa chiếu sáng lên tôi qua gương mặt của anh chị em tôi.” (Tông thư “Ánh sáng Đức Tin – Porta Fidei”, số 54).

 

Vâng, và vì thế nên mới cần, rất cần nhìn lại mình, xem mình đã là một Ki-tô hữu gương mẫu chưa? Chắc chắn là chưa, bởi anh vẫn chỉ là con người, chưa phải là thánh. Nên chi anh phải tự sám hối trước. Sám hối vì những tì ố, nhơ uế, nhưng còn phải canh tân cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Sám hối và canh tân như ĐGH Gio-an Phao-lô II hằng kêu gọi trong suốt triều đại của ngài. Chỉ có như thế, anh mới có thể vui mừng vì được làm “ánh sáng cho trần gian” (“Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (Is 58, 7-8).

 

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Lửa là sức nóng thiêu cháy những mờ ám đen tối, lửa còn là sức mạnh hun đúc tâm can, sưởi ấm cõi lòng, tăng cường dũng khí, đồng thời lửa cũng tự thân phát ra ánh sáng. Ngọn lửa đó chính là Thần Khí Chúa. Người Ki-tô hữu ngày hôm nay còn chần chờ gì nữa mà không biết cầu nguyện xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, để cậy nhờ Thần Khí Chúa biến đổi con người của mình thực sự trở nên “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian”. Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.