Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tân Phúc Âm Hóa đời sống gia đình

Tác giả: 
Nguyễn Văn Nội
 
 
«TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH»
[ĐỀ TÀI HỌC HỎI VÀ CHIA SẺ]
 
I. Mở đầu :
 
   Mọi người trong anh chị em chúng ta đều biết Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã chọn Năm 2014 làm Năm «Phúc âm hóa (hay Tân Phúc âm hóa) đời sống gia đình» (PAHĐSGĐ hay TPAHĐSGĐ) tức chọn việc PAH ĐSGĐ làm đường hướng và hoạt động mục vụ trong Năm 2014.
 
   Tại sao HĐGMVN lại có chọn lựa này?
 
   Tôi thấy có 2 lý do :
 
·        một là nhiểu giáo dân, nhiều gia đình công giáo Việt Nam chưa hiểu thấu và nhất là chưa sống đầy đủ «ơn gọi và sứ mạng của người và của gia đình công giáo»,
 
·        hai là nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đã và đang bị xuống cấp trầm trọng trong bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay của nước ta.
 
   Vậy hôm nay chúng ta thử nhìn kỹ một số điểu cơ bản của chọn lựa của HĐGMVN.
 
  
II. Trình bày :
 
   Thư Chung 2013 của HĐGMVN, nêu lên bốn điểm quan trọng đáng nghiên cứu sau đây :
 
- «Một là mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giê-su Ki-tô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm. Như thế, trước hết chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Ki-tô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Ki-tô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh» (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 3).
 
 
  * Hai là “Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giê-su Ki-tô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.
 
Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ. Từ kinh nghiệm của các nước đã có nhiều Ki-tô hữu bỏ đạo, nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện cuộc hoán cải mục vụ này, thì trong tương lai không xa, Hội Thánh tại Việt Nam cũng có thể rơi vào tình trạng băng giá của mùa đông đức tin như một số nơi trên thế giới.» (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 4).
 
 
   * Ba là trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. «Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã loan báo triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng nhấn mạnh: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận” (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 5).
 
 
   «Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng
 
 
  (a) « Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giê-su hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.» (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 6).
 
  
(b) «Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau.» (Cl  3,12-13) (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 6).
 
  
(c) «Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình.» (Thư Chung HĐGM VN 2013, số 6).
 
 
  (d) «Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Ki-tô cho người khác.» (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 6).
  
 
* Bốn là HĐGMVN đề nghị một số việc mục vụ sau:
 
- Đề nghị 1 : «Việc chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm. Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu phong nhiêu, duy nhất và bất khả phân ly. Để được như thế, cần có sự chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, và chuẩn bị trực tiếp cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân.
 
Trong bối cảnh có nhiều biến động về văn hóa-xã hội ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ cần phải nhắc lại chân lý này: định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của chính gia đình và xã hội; vì thế, mọi cá nhân và tập thể xã hội cần nhìn nhận và tôn trọng định chế này.» (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 7).
 
 
- Đề nghị 2 : «Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước.
 
Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ.» (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 7).
 
 
- Đề nghị 3: «Hiện nay, có nhiều nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ đang dấn thân chăm lo mục vụ gia đình theo những cách thế và mức độ khác nhau. Những phong trào này cần được các mục tử đồng hành và hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ, để họ góp phần cách cụ thể và hài hòa với chương trình mục vụ chung trong mỗi giáo xứ, giáo phận.» (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 7).
 
 
- Đề nghị 4: «Các giáo phận nên quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình. Những người này sẽ cộng tác với các giám mục giáo phận trong việc xây dựng và triển khai những chương trình mục vụ gia đình trong giáo phận cũng như giáo xứ. Chúng tôi cũng muốn gửi lời kêu gọi đặc biệt đến anh chị em văn nghệ sĩ và giới truyền thông công giáo. Ước mong anh chị em vận dụng tài năng Thiên Chúa ban, để tôn vinh vẻ đẹp đích thực của tình yêu hôn nhân và gia đình. Các linh mục tương lai cũng cần được chuẩn bị chu đáo hơn về mục vụ gia đình, để có thể đồng hành với các gia đình cách hữu hiệu.» (Thư Chung HĐGMVN 2013, số 7).
 
 
III. Chia Sẻ :
 
3.1 Sau khi nghe trình bày [hay đọc] những đoạn văn trên của Thư Chung 2013 của HĐGMVN, anh chị thấy ưng ý (tâm đắc) điều gì nhất? Xin mời chia sẻ.
 
 
3.2 Công cuộc «Tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình» gặp phải những khó khăn trở ngại to lớn nào trong hoàn cảnh xã hội và Giáo hội Việt Nam ta hiện nay?
 
 
3.3 Trong các giải pháp hay đề nghị mà HĐGMVN đưa ra giải pháp hay đề nghị nào là quan trọng nhất ?
 
 
3.4 Theo các Anh Chị thì còn có giải pháp nào khác cơ bản hơn và được xem là chìa khóa mở vào công cuộc «Tân Phúc âm hóa đời sống gia đình» một cách hiệu quả nhất. Giải pháp đó là gì?
 
 
3.5 Anh Chị có muốn chia sẻ một kinh nghiệm thành công hay thất bại của đời sống gia đình mình không với các Anh Chị khác không? Xin mời chia sẻ.
 
 
Ghi chú :
 
Khi phát biểu xin quý Anh Chị nói vắn gọn, khúc triết, nêu lên một hai điểm cốt yếu của vấn đề.
 
 
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội  [gợi ý]