Gia đình sống Mùa Chay nghèo khó
GIA ĐÌNH SỐNG MÙA CHAY NGHÈO KHÓ
Theo “Normae de Anno liturgico et Calendario” (AC – Những Quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch) thì “Phụng Vụ Mùa Chay nhằm giúp các dự tòng và các tín hữu chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo, còn các tín hữu thì qua vịêc tưởng niệm bí tích Thánh Tẩy và việc sám hối… Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay" (AC 27). Lời chỉ dẫn này cho biết ý nghĩa quan trọng của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh.
Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo Hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro. Việc xức tro nhắc nhở người Ki-tô hữu: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3, 19). Đó chính là sự chết mà Nguyên tổ loài người đã tự gánh chịu khi nghe lời cám dỗ của ma quỷ chối bỏ hồng ân, xa lìa Thiên Chúa. Vì lỗi phạm nghiêm trọng đó của Nguyên tổ, loài người bị tội lỗi thống trị, phải sống trong đêm đen của sự chết. Chỉ đến khi Ngôi Lời nhập thể cứu độ, đem lại sự sống vĩnh cửu cho loài người, thì “ánh sáng mới bừng lên“ (Is 9, 1). Vì thế, có thể nói Mùa Chay chính là dịp giúp các Ki-tô hữu – thông qua việc tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô – mà nhìn rõ được thế lực ghê gớm của ma quỷ, đồng thời "nhìn lại mình" mà nhận ra được những yếu đuối mỏng giòn của bản thân trước những cám dỗ hấp dẫn cùa ba thù (3 kẻ thù: 1- Dục vọng của bản thân; 2- Hấp lực của thế gian; 3- Cạm bẫy của Satan); để từ đó, biết ăn năn sám hối về những sai sót, lỗi lầm đã mắc phạm. Cuối cùng, đổi mới con người của mình như một cuộc vượt qua sự chết (chết đi cùng với Chúa Ki-tô) để được sống lại thật (cùng sống lại với Người).
Như vậy thì có thể hiểu Mùa Chay là mùa toàn Giáo Hội thực hiện đời sống chay tịnh (thanh tẩy + sám hối), chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh. Sống chay tịnh không chỉ giới hạn trong việc “ăn chay” (Từ nguyên: “ăn không dùng thịt, cá và các chế phẩm từ thịt, cá”), mà còn bao gồm sống ngay thẳng, thật thà (nên tục ngữ VN mói có câu “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”) và nhất là sống tinh thần bác ái Ki-tô Giáo. Tuy nhiên, theo thói quen, người ta thường dùng tiếng ăn chay để chỉ việc hãm mình ép xác, tu thân tích đức. Vì thế, cứ tới Mùa Chay là ai cũng nghĩ tới việc ăn chay. Vấn đề đặt ra là phải suy nghĩ xem nên ăn chay như thế nào cho đúng tinh thần Ki-tô giáo, đúng tinh thần Phúc Âm.
Tìm hiểu ý nghĩa và mục đích việc ăn chay trong Thánh Kinh thấy rất đa dạng: Các tín hữu ăn chay là để thờ phượng Thiên Chúa, làm đẹp lòng Thiên Chúa như một nghi thức tôn giáo, một việc đạo đức; để được Thiên Chúa nhậm lời khi cầu nguyện, đi kèm với cầu nguyện để khu trừ ma quỉ; để tỏ lòng ăn năn, sám hối và đi kèm với than khóc để bày tỏ sự buồn bã, hối hận, thương tiếc, lo sợ; đồng thời để đền vì tội lỗi đã phạm, cầu xin Thiên Chúa tha tội… Trong Cựu Ước thì: “Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van." (Ge 2, 12); và khi ăn chay thì: “mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van.” (Đn 9, 3). Sang đến Tân Ước, Thánh Gio-an Tẩy Giả đã sống trong sa mạc 40 năm, mặc áo lông cừu, ăn châu chấu và mật ong rừng, để tự nguyện làm “Tiếng hô trong hoang địa” kêu gọi người ta sám hối để được ơn tha tội, đón nhận Tin Mừng Cứu Độ. Đức Giê-su Thiên Chúa cũng ăn chay 40 đêm ngày trong sa mạc, chịu để Xa-tan cám dỗ, hầu chuẩn bị sứ mạng Chúa Cha đã trao phó: rao giảng và thực hiện Tin Mừng Cứu Độ.
Thật không thể ngờ cách đây hơn 2.500 năm, ngôn sứ I-sai-a đã có một quan niệm hoàn toàn mới về ăn chay: Ăn chay với mục đích đầy tính nhân đạo là thực hiện công bằng và bác ái (“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,6-7). Ăn chay đúng nghĩa – theo ngôn sứ I-sai-a – chính là thực hiện công bằng xã hội, là tỏ tình yêu thương với người chung quanh bằng những hành động cụ thể.
Với mục đích ấy, ngôn sứ I-sai-a lên án cách ăn chay chuộng hình thức bề ngoài mà thực chất bên trong chỉ lo kiếm lợi cho mình, áp bức kẻ khác, ăn chay để “mồm loa mép giải” cãi vã, hoặc “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” đánh lộn tàn bạo (“Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA?” (Is 58, 3-5).
Không cần nói thời đại cổ xưa ấy, mà ngay trong thế giới hiện đại cũng vẫn còn không ít cảnh ăn chay trên môi miệng, ăn chay bằng hình thức phô trương màu mè. (“… rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ… giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế… bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” – Mt 23, 25-28). Hoặc giả nếu có ăn chay thực sự thì cũng chỉ giữ vì Luật buộc, mà Giáo Luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm có 2 ngày (Thứ Tư Lễ Tro + Thứ Sáu Tuần Thánh) – 2 ngày trong khoảng thời gian 365 ngày – thì có đáng là bao, chuyện nhỏ! Quả nhiên là thế, vấn đề ăn chay nếu được thực hiện chỉ vì luật buộc, chỉ vì bổn phận, chỉ câu nệ ở hình thức, trong khi từ trong sâu thẳm của tâm hồn thì vẫn muốn tránh né, vẫn muốn làm ngược lại hoặc làm chiếu lệ, thì cũng chẳng ích gì.
Ngay từ thời Cựu Ước đã có lời khuyên: “Hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2, 12-13). Vâng, Mùa Chay chính là mùa trở về với chính mình để có thể trở về với Thiên Chúa. Trở về với chính mình để hiểu rằng mình được dựng nên từ tro bụi đất cát, thì một mai cũng sẽ trở về với đất cát tro bụi mà thôi. Hiểu được như thế, hiểu được “Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng, chết xuống âm phủ cũng chẳng mang được gì”, thì đừng lo tích trữ của cải vật chất mà hãy lo đầu tư vào ngân hàng Nước Trời. Một cách cụ thể là phải biết từ bỏ tất cả thế gian, từ bỏ chính mình để trở về với Thiên Chúa. Cách tốt nhất để trở về với Đấng Từ Bi Nhân Hậu chỉ có thể là “Đừng xé áo (ăn chay hình thức), nhưng hãy xé lòng (thực tâm ăn năn sám hối)”.
Oái oăm một điều là: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7, 18-20). Nhân tình thế thái là như vậy đó. Nên chi vấn đề ăn chay người ta chỉ thích “xé áo” (để thay vào bộ cánh hợp mốt, bảnh bao) hơn là “xé lòng”. Nếu có ngoẹo đầu, méo miệng, sùi sụt than khóc thì cũng chỉ là “nước mắt cá sấu” mà thôi! Ôi chao! Cái cảnh “thích ngồi trên tòa ông Mô-sê, đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi", rồi “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính mình thì lại không buồn động ngón tay vào…” (Mt 23, 1-7), vẫn xảy ra nhan nhản trên thế giới ở thế kỷ XXI này!
Vì thế, cần phải có một suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề ăn chay: Thứ nhất, ăn chay là nhằm mục đích hãm mình ép xác để đền vì những tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân (sám hối). Thứ hai, về mặt vật chất, nếu cố gắng giảm bớt chi tiêu phung phí, rồi đem khoản cắt giảm được ấy làm công việc bác ái, từ thiện, thì việc ăn chay mới thực sự có ích. Thứ ba, không giới hạn việc ăn chay trong 2 ngày luật buộc, mà nên thực hiện bất cứ khi nào có dịp, thậm chí trong suốt cả Mùa Chay, suốt cả cuộc đời trần thế. Tóm lại, việc ăn chay cốt ở cái TRÍ (hiểu rõ việc mình làm nhằm mục đích gì) và cái TÂM (đức bác ái), không cần câu nệ ở hình thức (“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” – 1Cr 13, 3).
Dù công việc ăn chay hoàn toàn do chủ thể con người tự quyết định, nhưng muốn đạt hiệu quả tốt thì đừng quên cầu nguyện, bởi đó là dịp người tín hữu chính thức “trở về với Thiên Chúa” (“cầu nguyện là nâng tâm hồn và trí khôn lên với Thiên Chúa”). Ăn chay phải đi liền với cầu nguyện như Đức Giê-su đã ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày ròng rã trong hoang địa trước khi bước vào cuộc khổ nạn vì tội lỗi loài người; bởi chính Người đã truyền dạy: "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay…Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 16-18).
Nói tóm lại, Mùa Chay là dịp để người tín hữu sống “tinh thần nghèo khó” như điểm nhấn trong câu hỏi chuyển ý nơi phần nhập đề của Sứ điệp Mùa Chay 2014: “Lời nhắn nhủ TRỞ NÊN NGHÈO KHÓ, SỐNG THANH BẦN THEO TINH THẦN TIN MỪNG có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?” Vâng, xin hãy mau mắn đáp lại lòng mong mỏi của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Sứ điệp: “ước gì Mùa chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Ki-tô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài. Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng sự nghèo nàn đích thực gây đau khổ: một sự cởi bỏ mà không có chiều kích thống hối thì không có giá trị.” (Sđ Mùa Chay 2014, phần kết)
Xin hãy hiệp ý cùng vị Cha Chung trong phần kết của Sứ điệp, dâng lời cầu nguyện: “Cúi xin Chúa Thánh Linh nâng đỡ những quyết tâm trên đây của chúng con và củng cố trong chúng con mối quan tâm và trách nhiệm đối với sự lầm than của con người, để chúng con trở nên từ bi và là những người thực thi lòng từ bi nhân hậu của Chúa.” Và trong tâm tình đó, cùng bước vào Mùa Chay thánh Phúc-Âm-hóa đời sống Gia đình theo tinh thần Tin Mừng khó nghèo, khắc khổ. Ôi! “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Thứ Tư Lễ Tro).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: