Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng
“Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng”
Tưng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn.
Chơi vơi hồn ai tới chốn xa xôi !
Khuất bóng Kim-Ô chiều tàn lâm ly, mây trời bao la.”
(Lâm Tuyền – Khúc Nhạc Ly Hương)
(Mt 25: 1-13)
“Ngùi trông xa khơi mờ sóng” những buổi chiều, vẫn là động thái của ai đó giống bần đạo, từ nơi xa xôi có buổi mờ sóng những ngóng nhìn “đàn chim bay trong ánh hoàng hôn”. Nhìn, rồi lại nhớ quê hương làng mạc, buồn khôn dứt.
Bởi có buồn, nên bần đạo mới thả hồn theo “Khúc nhạc Ly Hương” vẫn hát tiếp:
“Lòng buồn sầu ước,
như lũ chim quyết tung trời mây?
Bao nhiêu giông tố hề chi,
Bao nhiêu mưa gió biệt ly,
Thề quyết ra đi từ đây.”
(Lâm Tuyền – bđd)
Tuy, hát thì hát thế, nhưng bần đạo đây chỉ thấy chút ngậm ngùi hơi bi đát, bi ai hoặc bi hài một cuộc đời, như nhiều người. Bởi, bần đạo nay gặp thấy nhiều bài viết về tình huống những “ly hương” khá “thê lương” của nhiều vị trong thánh hội rất “Văng-ti-ca” (ấy quên, rất Vaticăng), là thế!
Vaticăng hôm rày chợt thấy những ngày không sáng mấy, khi dân con nhà đạo cứ lào xào, động não để rồi “xuất thủ” bằng những tư tưởng rất khác lạ về một nền thần học khá phải quấy.
Vâng! Bởi, cứ mải lo chuyện phải quấy cho Thánh hội, nên bần đạo nay mới “động não” để khi động rồi, lại sẽ “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” và tạt vào vườn hoa văn nghệ có giòng chảy nhạc tình, có lời hát:
“Mặc đời giông tố muốn phũ phàng,
đàn chim Âu cứ tiến mơ màng, dưới chớp xanh.
Biển gầm mênh mông, không nơi ngừng cánh tránh gió táp
Gióng cười the thé, với sóng gào!
Đời ta như cánh gió theo tàu, đi bốn phương…”
(Lâm Tuyền – bđd)
Vâng! Hễ tà tà tản mạn chuyện trong đạo/ngoài đời, là y như rằng bần đạo bắt gặp được nhiều truyện kể không mấy “dễ nể”, nhưng đáng làm chất liệu để bạn và tôi, ta “phiếm” tới. Truyện kể, là truyện khá bình thường ở huyện, rất như sau:
“Thả một hòn sỏi vào trong nước: một tiếng bắn bỗng tung toé lên, rồi chìm nghỉm. Nhưng để lại vô số gợn sóng lăn tăn rất xoay tròn. Lan rộng từ trọng tâm, ra biển cả.
Thả một hòn sỏi vào trong nước: phút chốc bạn sẽ lãng quên. Nhưng trong đó, có những gợn sóng nhỏ xoay tròn, hoà vào con sóng lớn, rồi xáo động cả đại dương hùng vĩ, chỉ bằng hòn sỏi nhỏ.
Thả một lời nói không tốt, ít cẩn trọng: phút chốc nó sẽ bay đi, rồi để lại thấy vô vàn gợn sóng lăn tăn xoay tròn, và cứ thế lan toả. Lan đến, để không cách nào lấy lại được, khi đã nói.
Thả lời nói không tốt, trong phút chốc, bạn cũng sẽ lãng quên đi, nhưng những gợn sóng nhỏ ấy cứ xoay tròn, và xoay mãi. Có thể bạn đã làm tràn ứa giòng nước mắt trên tim buồn. Náo động cả cuộc đời rất phúc hạnh của ai đó chỉ vì lời nói ấy.
Thả một lời nói rất vui và tốt lành, thì chỉ trong giây lát, chúng sẽ bay đi nhưng rồi sẽ để lại vô vàn gợn sóng nhỏ lăn tăn, rất xoay tròn. Chúng đem lại hy vọng và niềm vui, rất an ủi trong con sóng vỗ bờ. Bạn sẽ không ngờ sức mạnh của lời nói tốt lành bạn cho đi.
Thả một lời nói vui tươi/tốt lành thì chỉ trong giây lát bạn sẽ lãng quên ngay. Nhưng niềm vui dâng tràn và những gợn sóng cứ reo vui xoay tròn mãi. Làm như thế, bạn đã khiến con sóng cứ thế vỗ về theo những điệu nhạc êm êm, thêm thân ái. Điệu nhạc ấy, nghe được trên từng hải lý chỉ do mỗi việc thả nó trôi đi những lời nói tốt lành mà thôi!” (Truyện “Hòn Sỏi và Lời Nói” trích từ điện thư nhận vào ngày rằm tháng ấy năm nào)
Là giáo dân hạng thứ, bần đạo cứ để đầu óc mình lẩn quẩn với những bản văn “lăn tăn” một “Hòn sỏi và Lời Nói” nhặt ở đây đó để bạn bè/người thân biết mà “phiếm” tới, cho vui.
Trước hết, là đoạn chia sẻ Lời Chúa từ một đấng bậc có tên Francis X. Clooney sj hôm Chủ nhật thứ 33 rất thường niên năm A, ở Cambridge, nước Anh. Bài chia sẻ, tóm lược như sau:
“Khi viết bài này, tôi có bày tỏ với cộng đoàn dân Chúa tụ họp ở nhà thờ. Hôm ấy, tôi nhận ra rằng cũng là việc cần thiết để đồng đạo của tôi hiểu rõ vì lý do gì mà các trinh nữ nói ở dụ ngôn lại bị chụp cho cái mũ “dại khờ” đến là thế? Chẳng vì các cô khờ khạo cùng với các cô khôn ngoan đều không biết rõ khi nào thì “chàng rể” đến. Sự khác biệt giữa các cô khờ và khôn, là ở chỗ: người khôn thường chuẩn bị có thêm dầu dự trữ. Nhưng sự thường, chuyện ấy đâu nào cần. Có mang gì thêm cũng chỉ phí phạm thôi.
Bởi, nếu chàng rể đến vào đúng thời điểm đã hẹn, thì cũng chẳng ai cần đem thêm thứ gì cho mệt. Và, các cô kia cũng chẳng bị mang tiếng là khờ dại, nhiều tai tiếng.
Để dụ ngôn được dễ hiểu hơn, hôm ấy tôi có đề nghị cộng đoàn dự lễ hãy suy tư thêm về truyện các cô trinh nữ khờ ở truyện kể, để áp dụng vào đời sống rất Công giáo của ta. Chuyện này, có hai cách để ta suy tư sống đời Công Giáo. Cách thứ nhất, là đem tất cả đặt vào cuộc sống có giá trị để chứng tỏ rằng Thiên Chúa cũng hành động như ta hằng trông ngóng. Nghĩa là: ân huệ Ngài ban, sẽ đến vào đúng thời đúng buổi. Lời cầu của ta, sẽ được chuẩn nhận vào mọi lúc. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, sẽ sinh động và cảnh giác hơn, mỗi khi cần. Và người người sẽ tỉnh thức mà cảnh giác, dính dự. Và khi đó, đèn dầu của ta, tức nguồn mạch niềm tin ta có, hoặc những gì ta nói, cũng như hành động và suy nghĩ, đều sẽ tốt đẹp.
Cách thứ hai, là sống trước những tháng ngày kham khổ dù Chúa có làm chậm lại những tháng ngày Ngài quang lâm, một cách bí nhiệm. Dù, các nhà lãnh đạo tôn giáo của ta chẳng lo chăn dắt, với quản cai. Dù, khung trời sự sống của ta ra tồi tệ. Dù, mọi người chúng ta đều “thiếp đi rồi ngủ cả”, chẳng để ý gì hoặc quan tâm đến nỗi niềm gì. Chỉ mỗi chuyện giữ cho niềm tin mình tồn tại thôi, cũng làm cho mọi người thêm hoảng. Áp dụng vào cuộc sống hôm nay, ta là các trinh nữ khờ và vụng dại nếu chỉ bám vào cung cách hành xử theo phương án đầu, chẳng biết chọn đường lối thứ hai.
Hôm ấy, tôi có mời gọi mọi người hãy tỏ ra khôn ngoan khi sự việc xem ra có chiều hướng đi xuống, khá tồi tệ. Ở vào cảnh huống ấy, ta cần sự hỗ trợ. Cần có các hoạt động thiêng liêng đạo đức, như học hỏi thêm về niềm tin. Như, làm lành/lánh dữ. Thăm viếng người bệnh tật, các tù nhân, đấng bậc cao niên hoặc kẻ nghèo hèn sống ở đầu ngõ, nơi phố chợ. Có lẽ ta cũng nên thêm lời nguyện cầu, suy tư hoặc lần chuỗi hạt Mân Côi. Có thể có người cho đây là chuyện ù ơ, vô bổ không cần thiết cho đời sống của tín hữu dù vào lúc có sự cố xảy đến, như chuyện đèn mình hết dầu để đốt. Như, phải trải qua thời buổi khốn khó, không lường trước.
Hôm nay, suy về điều này, tôi xin thêm đôi điểm gửi đến bạn đọc trên trang blog này, mà nghĩ thêm cho rộng. Vấn đề là: sao ta cứ bận tâm về những suy tư thần học khá mới mẻ? Sao vẫn có kẻ chịu khó chịu cực để đưa ra những luồng tư tưởng mới về thần học, đến là thế?
Các vị như: nữ tu Elizabeth Johnson, giáo sư thần học đã từng suy nghĩ rất lung nên mới viết lên cuốn “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động?” Ai cũng biết, cuốn này đã dấy lên một tranh luận nổ dòn khiến nhiều vị đã phải đặt bút tham gia cuộc thảo luận. Ở đây, tôi chỉ muốn thêm vào bài chia sẻ Lời Chúa hôm chủ nhật vừa qua bằng một vài ý tưởng rất cỏn con, thôi.
Chọn phương án thứ nhất như ở trên, thì Hội thánh ta đang sống, là thánh hội tốt lành, đầy đặn. Giới lãnh đạo vẫn lành thánh và nền thần học ta có xưa nay, vẫn tốt đẹp mọi bề. Vậy, có cần tư tưởng mới để được kiểm chứng xem ta có thể và có nên đo lường và so sánh công thức thần học cứng ngắc thời xưa trước hay không? Xét, là xét thử tư tưởng mới này có phù hợp với nền thần học, mà lẽ đáng ra, ta đã phải có vào thời trước cũng rất lâu? Có khác chăng, phải chăng khác ở chỗ nó mới mẻ, nhưng không làm chệch hướng kiếm tìm một đổi thay khá cần thiết. Hoặc, thần học gia này xem ra cũng khờ như 5 cô trinh nữ dại ở dụ ngôn vừa kể, tức chỉ cốt phô trương những gì thêm thắt vào ý tưởng chủ lực bằng nhận định tưởng như là mới mẻ, chăng? Chọn phương án thứ nhất, là nhận rằng Hội thánh tốt lành đủ rồi, cứ để các đấng bậc ở trên yên thân, chẳng cần đi trước những bước đi mới mẻ ấy. Chắc chắn là, “chàng rể” sẽ đến vào giờ đã định. Chẳng cần gì phải “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động”. Chẳng làm ai giao động, xáo trộn hết.
Chọn phương án thứ hai, là chọn xác định lại những gì mình tưởng là vẫn tốt đẹp từ thời đó, đã trôi qua. Bởi, có thần học gia nào lại muốn viết lên điều gì mới mẻ để chối bỏ mọi chuyện về Hội thánh như diện mạo của thánh hội nay đang tỏ hiện. Chọn phương án này, là như người tổ chức “tiệc cưới” từng thực hiện trong quá khứ. Nghĩa là, giống các cô trinh nữ ở dụ ngôn biết xếp hàng chờ đón “chàng rể” đến, theo cung cách thông thường, rất thức tỉnh. Như, nhà thần học khôn ngoan biết suy tư theo cung cách tươi mới biết rằng “chàng rể” nhà mình sẽ đến trễ, tức không theo thời biểu như trước. Chàng rể có thể xuất hiện như mọi người vẫn đợi trông. Có thể là, người người vì trông đợi chàng rể đến đã quá lâu giờ nên thấm mệt và ngủ thiếp, chẳng còn nuốn đón tiếp “chàng rể” nữa. Hôm nay, đèn dầu của mọi người, là thần học tốt lành, tuyệt hảo từng hoạt động khá tốt vào thời xưa trước, nhưng nay đang lịm tắt, vì lỗi thời.
Thế nên, thần học gia khôn ngoan/có cảnh giác, là giống như các cô trinh nữ biết kiếm tìm tư tưởng mới, khá thức thời. Thần học gia khôn và ngoan, là người biết ra khỏi khuôn phép cứng ngắc, để suy tư rồi đặt thành vấn đề. Biết đề xuất những giải pháp khả dĩ giải quyết được các vấn đề bức bách/tồn đọng, mà đa số giáo dân cũng như lãnh đạo tôn giáo, không nghĩ rằng mình có thể tìm ra giải pháp tốt cho vấn đề như thế. Sẽ là trinh nữ khờ, nếu cho rằng nền thần học mà mọi người vẫn có xưa nay, vẫn tốt lành đủ để ta có thể sử dụng cho hôm nay và mai ngày. Quả là, hôm nay, các trinh nữ “khờ” vẫn cần lượng dầu dự trữ, để đốt lên đèn niềm tin cho rực sáng. Trinh nữ khờ, là người như ta hôm nay cũng cần “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động” cả đấy chứ!
Rõ ràng là, chẳng thần học gia nào có thể và có lẽ sẽ thênh thang tiến bước về phía trước, vì sẽ được trên hoan hỷ chuẩn thuận. Hiểu điều ấy, có lẽ sẽ bị tiếng là “khờ khạo” như 5 cô trinh nữ “không khôn” ở dụ ngôn hôm trước. Và, một số thần học gia của ta hôm nay, cũng đã “khờ khạo” như trinh nữ “dại khờ” của hôm trước khiến mọi người cứ nghĩ rằng họ có thể làm nên tiệc cưới nếu chỉ dựa lên mỗi nền tảng bảo rằng “khi xưa mình cũng từng làm thế”. Hãy biết cảm tạ, khi thấy thánh hội của mình nay có được thần học gia mới mẻ nhưng không “khờ” như sơ/thày Elizabeth Johnson, người dám nghiêm chỉnh nhận lãnh mọi trách nhiệm để viết lên giòng suy tư không chỉ cho Hội thánh đã định sẵn, cứng ngắc; mà còn cho thánh hội của tương lai, mai ngày nữa. Thật đáng chúc lành cho thần học gia khôn ngoan như 5 cô trinh nữ khôn, trong truyện dụ ngôn thánh sử kể hôm trước.” (xem Lm Francis X. Clooney sj, America the National Catholic Weekly 06/11/2011)
Bắt chước đấng bậc sáng suốt trên, nói nhiều về “sự thật”, rất nghiêm chỉnh, bần đạo đây chỉ dám hát theo chứ chẳng dám nói. Chí ít là “nói leo” và “nói trèo” khi thấy “chất giọng” của mình còn bé tẻo teo, chẳng có gì mới và lạ. Vậy thì, mời bạn và mời tôi, ta lại sẽ hát lời ca tươi mát, có nét thanh tao nhè nhẹ, rằng:
“Rồi một hoàng hôn ta sẽ hồi hương
Trở về quê xưa thêm bao tình thương
Bao con buồm xưa đến đón cố nhân
Với bóng thân yêu ngàn đời chờ mong
Mây trời bao la.”
(Lâm Tuyền – bđd)
“Mây trời bao la”, với “bóng thân yêu ngàn đời chờ mong” được như thế, ta mới suy và sẽ nghĩ. Nghĩ cho cùng, sẽ thấy chung quanh mình toàn những bầu bạn mang trong lòng những ưu tư/trăn trở, đến khó thở. Khó, chẳng vì người khác bịt đường hô hấp cho chết ngộp, không ngóc đầu lên được để đón luồng gió mới. Tư tưởng mới. Nhưng khó, vì thấy rằng ở thời buổi này mà vẫn còn có những cảnh huống kỳ dị. O ép. Bít bưng.
Để không bị mang tiếng là bưng là bít, tưởng cũng nên tìm thêm những tư tưởng mà nói lên như đức thầy Dòng Tên ở trên, tức: chọn chiều hướng thứ hai, để rồi hỏi: vườn nhà mình, có trăm hoa đua nở không thế? Đua, là đua nhau mà nở rộ giòng tâm sự/nhận định về thần học thông thoáng, mới mẻ.
Để trả lời, trước nhất là tóm kết của Dennis O’Brien về lập trường của sơ/thày giảng sư đại học Công giáo Elizabeth Johnson, ở bên dưới :
“Trong cuốn “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động”, tác giả là sơ/thày Elizabeth Johnson đã đưa ra trường hợp về phong trào tự phát các tư tưởng hiện đại ở Hội thánh. Tác giả khởi đầu bằng cách duyệt xét công trình biên khảo của thần học gia Karl Rahner từng truy tầm ảnh hưởng của giòng suy tư đương đại có từ thập niên ’30, trước khi tiến vào thần học khác biệt của Đạo Chúa thời cận đại. Và, cuối cùng tác giả làm cây cầu bắc ngang liên kết người Đạo Chúa và tôn giáo khác.
Tác giả tóm tắt lập trường của thần học gia Rahner khi vị này bảo: dân đi Đạo nghe Hội thánh giảng dạy thì vẫn thấy như là Hội thánh muốn lôi ghì người nhà Đạo nằm ì một chỗ để ở mãi với nền thần học có từ thời ban sơ chỉ nói về Đức Chúa không xứng hợp với niềm tin ta có”. Thần học gia Karl Rahner cho biết: nhiều thuyết giảng do các nhà thần học xưa nay những dạy và bảo chẳng khác nào “đàn chim non chết cứng vì trời buốt giá của mùa Đông băng lạnh”. Tác giả, thay vì đặt nặng vào ngôn ngữ chết lịm và thứ thần học luôn tìm cách tách rời khỏi đời sống, thì nay dám đề xuất một thần học về Đức Chúa luôn sống động, rất linh hoạt với cuộc sống ở đây, bây giờ. Nếu có ai hỏi: đâu là đặc điểm của Thiên Chúa sống động? thì tác giả trả lời ngay bằng một cảnh báo về Thiên Chúa là Đấng mà không ai có thể “diễn tả và định nghĩa được. Ngài là Thiên Chúa, Đấng ta không thể đo lường và rất khó hiểu.” Đây là tiền đề rất chuẩn cho mọi thứ thần học. Tính “không diễn tả được” của Thiên Chúa phải chăng là đặc trưng/đặc thù của Đức Chúa sống động? Câu trả lời đơn giản, vẫn là: cuộc sống tự nó không thể diễn tả được. Và, ai cũng thấy được sự dồi dào sung mãn, rất đổi thay vẫn tiến tới. Thiên Chúa, tựa như sự sống do Ngài sáng tạo và bảo tồn, là Đấng ta phải bắt chụp trong lúc Ngài đang bay bổng. Như Môsê khi xưa chỉ đạt đến Yavê Thiên Chúa Ngài bằng việc thấy Ngài từ đằng sau khi Ngài chợt ngang qua, thôi.
Thiên Chúa sống động đến với ta trong cuộc sống cụ thể, riêng biệt của mỗi người. Đạo Chúa là Đạo Giáo không sở hữu chỉ mỗi linh hồn, nhưng gồm cả linh hồn nằm trong thân xác. Và, thân xác là những gì đặc biệt, riêng tư như đàn ông đàn bà, rất tư riêng trong cuộc sống. Thần học nào không mang tính lịch sử, chỉ đề cập đến siêu hình học thôi, thường dể lạc mất điểm quan trọng này. Và thuyết trừu tượng của Rahner về Chúa Ba Ngôi tạo bệ phóng cho hầu hết những gì theo sau sách của tác giả Johnson. Tác giả nói: Thần học gia Rahner từng viết: Ba Ngôi mang tính kinh tế là Ba Ngôi tự tại, và ngược lại. Sự thật hiển nhiên cho thấy: đây là tốc ký ghi nhanh về một hiện thực bảo cho ta biết Thiên Chúa do cung cách Ngài hành xử trong lịch sử, ngang qua Ngôi Lời Nhập Thể và Chúa Thánh luôn canh tân, đổi mới hết mọi sự.”
Cũng cùng chiều hướng với thần học gia Karl Rahner trong việc định vị Thiên Chúa tự tại trong giòng lịch sử, tác giả Johnson còn để nguyên một chương để trích dẫn tư tưởng của 3 thần học gia người Đức, hai Thệ Phản, một Công giáo đã làm nên lịch sử bằng các đưa ra bối cảnh công việc mình làm. Thần học của 3 vị, đều trổi bật từ suy tư sâu sắc về cuộc sống dưới chế độ Quốc Xã trong thế chiến thứ hai và thời gian sau đó. Người thì nhấn mạnh về thần học Khổ giá. Có vị, lại nói rõ về khổ đau/sự chết rất chiến tranh. Và tác giả Johnson đề cập đến nỗi khổ đau/sầu buồn vẫn tiếp tục ngang qua tiếng khóc của lịch sử.
Khổ đau/sầu buồn là chủ đề lớn ở thần học khác mà tác giả nhấn mạnh qua cung cách viết lách rất sâu sắc và sáng sủa. Ở chương nói về “Giải phóng Thiên Chúa của Sự Sống” tác giả cũng điều nghiên về nền thần học giải phóng theo kiểu Nam Mỹ từng ăn sâu cắm rễ nơi kinh nghiệm về đói nghèo đang tràn lan ở khắp nơi. Ở một chương khác, tác giả trình bày về những nối kết và so sánh giữa thần học của bậc nữ lưu trổi bật, nói lên tình trạng thứ yếu vẫn được gán cho nữ giới ở các nơi có nền văn hoá và cơ chế quyền hành của thánh hội Công giáo.
Tác giả cũng đã viết riêng một chương để xét về triển vọng của thần học về nô lệ da màu và kỳ thị chủng tộc. Bằng tiêu đề “Theo chân Đức Chúa của Lễ Hội”, tác giả nhấn mạnh đến điều gọi là “la lucha” tức: sự chiến đấu trường kỳ của những người thuộc vùng biển Caribê và di dân Nam Mỹ định cư ở Hoa Kỳ. Đặc biệt chương này có phần diễn tả về việc cử hành mừng lễ mà tác giả gọi là “flor y canto” cả khi ta giáp mặt với khổ đau, phiền sầu và bất công.
Sau khi bàn luận về cố gắng triển khai đề tài thần học thích hợp với lịch sử nhân loại, tác giả quay sang tương quan giữa Đạo Chúa Kitô giáo và các tôn giáo trên thế giới, bằng một chương mang tựa đề: “Thiên Chúa Độ Lượng của Đạo Giáo”. Ở chương này, tác giả mô tả việc tham dự Tiệc Thánh của Công giáo đưa vào sử dụng một số tập tục của Ấn giáo. Phụng vụ chứa đựng các bài ca vịnh, nén hương trầm và hoa vạn thọ có từ các lễ hội độc đáo của Ấn giáo. Nghi thức này được toà thánh La Mã chuẩn thuận. Sau Kinh Thương Xót, người tham dự Tiệc thánh lãnh nhận “chấm tròn mầu đỏ” (gọi là “bindi”) đặt trên trán giữa đôi lồng mày, như biểu tượng con mắt thứ ba luôn kiếm tìm sự khôn ngoan nội tại. Cung cách nguyện cầu của Ấn giáo nhắc dân con nhà Đạo mình về ăn năn sám hối bày tỏ sự khôn ngoan nội tại về cung cách ta đến với Chúa.
Ở chương cuối, với tiêu đề: “Ba Ngôi: Đức Chúa Sống Động của Tình Yêu”, là chương đặc biệt tác giả nhìn vào ngôn ngữ truyền thống nói đến “Ba Ngôi tự tại”, đặc biệt liên quan đến Chúa Thánh Linh. Ở chương này, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến Chúa Thánh Linh trong công cuộc dựng xây Ba Ngôi Đức Chúa như thành phần chủ yếu của toàn bộ công trình suy tư thần học của tác giả. Chúa Thánh Linh là Đấng luôn đồng hành ở với ta, trong mọi đổi thay của lịch sử. Đức Giêsu là Dấu Chỉ biểu lộ sự hiện hữu của Thiên Chúa trong lịch sử và với lịch sử. Nhưng, Chúa Thánh Linh là Đấng luôn ở với ta suốt mọi chặng đường lịch sử.
Công Đồng Vatican 2 là thời khắc qua đó Thiên Chúa Sống Động đến để nhắc nhở mọi người, ngang qua các vị chủ chăn, rằng: mọi người nên chấn chỉnh niềm tin của mình sau biến cố đau buồn của thế chiến.
Cuối cùng, từ ngày Công Đồng Vatican 2 diễn ra, có được bao nhiêu thần học gia, chí ít là nhà thần học giáo dân, từng thao thức “Kiếm Tìm Một Thiên Chúa Sống Động” đã và đang được mời làm tư vấn thần học cho Công Đồng khác sẽ diễn ra trong mai ngày, tức Công Đồng Vatican 3? Vào thời điểm diễn biến Công Đồng Vatican 2, một thần học gia thông thoáng là Michael Novak cũng từng lên tiếng về điểm yếu của thánh hội mình là quá cam kết dính liền với nét chính thống, nhưng lại không mang tính lịch sử. Chính vì quá chính thống đến độ phản lịch sử, và lại không tháp nhập vào với con người nên ta không đạt được Thiên Chúa sống động mà các thần học gia lâu nay vẫn đậy che, giấu kín. Xem thế thì, bài phân tích thần học của tác giả Elizabeth Johnson nhắc mọi người nhớ là mình đã để luột mất cơ hội tốt đẹp khi những “con chim non chết cứng” từ bục giảng và dạy, rày thấy rõ.” (xem Dennis O’Brien, Beyond Utterance, trên trang blog riêng của tác giả).
Dài giòng trích dẫn những lý luận thần học ở trên, không phải để khoe chữ hay biện luận lê thê về đề tài cô đọng/khô cứng, được tranh luận ở nhà Đạo. Nhưng trích và dẫn ở đây, là để truyền bá thông tin về những gì đã và đang xảy ra ở thánh hội, rất cấp trên. Trích và dẫn, còn để “trích ngang” một dẫn dụ, cho đỡ nhớ.
Trích dẫn rồi, nay ta về với thơ và nhạc, để hát lên đôi lời mà nghệ sĩ ở đời, vẫn cứ hát:
“Lòng càng thổn thức
Quên hêt bao mối hận mà đi
yêu đương say đắm mà chi
Xa xôi đem thú biệt ly
Sầu nhớ đau thương làm chi.”
(Lâm Tuyền –bđd)
Hát ở đây, không là nguyện cầu những hai lần. Mà, còn là trích và dịch về những chuyện mà bạn và tôi, ta ít nghe quen, nhưng cần cứu xét, để suy nghĩ. Suy lúc này. Ở đây. Với thánh hội.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nhắn mình và nhủ người
về những điều cần suy nghĩ
và nguyện cầu.
Cho nhau.
- Loại bài viết: