Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ai mới là con hoang cần sám hối ?

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

Thứ Bảy T.2 MC:

AI MỚI LÀ CON HOANG CẦN SÁM HỐI?

(Lc 15, 1-3 ; 11-32).

 

Ngày 6.3 năm ngoái (2013), Hugo Chavez, tổng thống nước Venezuela, từ trần ở tuổi 58. Ông là người Công giáo, nhưng sau khi nên lắm quyền tổng thống, ông ngày càng sống xa Đức tin, thậm chí có những tuyên bố trái với Đức tin, xúc phạm đến hàng giáo phẩm. Ông nổi tiếng là người tham quyền cố vị, nhiều lần bệnh nặng, sắp chết song vẫn nhất định không từ chức.

 

5.4.2012, vào đúng Tuần Thánh, cả nước bất ngờ khi thấy ông trên truyền hình quốc gia, cổ đeo tràng hạt, ông vào Nhà thờ, trước mặt hàng ngàn giáo dân ông vừa khóc vừa thành khẩn cầu nguyện: "Lạy Chúa Kitô, cứ trao cho con mão gai của Ngài... đưa nó cho con, con sẽ mang lên dù chảy máu... xin cho con thánh giá của Chúa, một trăm thánh giá đi nữa con cũng chịu vác, nhưng xin cho con được sống bởi vì còn có nhiều thứ con chưa làm xong... đừng bắt con chết bây giờ."

 

Ông cầu nguyện song không theo ý Chúa, trái lại còn ra điều kiện với Chúa: ông chấp nhận tất cả miễn Chúa đừng để ông chết. Bởi chết thì hết quyền lực…Lời nguyện vẫn chưa cho thấy ông sám hối trở về với Chúa thật lòng.

 

Điều đáng nói, điều ta Tạ ơn Chúa, trước khi chết vì bệnh ung thư, ông đã sám hối trở về với Giáo Hội Công Giáo và đã được chịu các phép Bí tích sau cùng.

 

Sự trở lại với Chúa, với gia đình Giáo hội của Tổng thống Hugo phần nào phản ánh hình ảnh người con hoang trở về với Cha trong bài Tin Mừng ta vừa nghe.

 

Dụ ngôn trong Tin Mừng có ba nhân vật chính.  Người cha- con cả- con thứ.

 

Song ở đây ta chú ý đến  người con cả, xem ra có phần giống chúng ta nhiều hơn.

 

Người anh cả khi thấy người em về, được cha mở tiệc ăn mừng, phục hồi quyền làm con đáng nhẽ anh phải mừng vui với Cha. Thực tế điều nhẽ ra ấy đã không xảy ra. Anh hết sức tức giận khi thấy em trở về mạnh khoẻ, trong vòng tay yêu thương tha thứ của cha, lại còn được cha mở tiệc ăn mừng. Không chỉ ghen tức em, anh còn cả giận- cả trách cha mình nữa. Anh ta không thèm vào nhà, lại có những lời bất kính với cha già.

 

Ta hãy lưu ý lời anh nói với cha, đầy vô tâm, vô cảm và thật phũ phàng: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha, mà không bao giờ cha cho riêng con một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’.

 

Ôi chao, té ra bao lâu nay anh ở nhà với Cha song không bao giờ xem cha là  cha của mình, không nhận mình là con của cha, mà chỉ coi mình như đứa ở. Ở trong Tình yêu của Cha mà anh vẫn không cảm nhận tình Cha; không để tình cha thấm vào con tim mình, chiếm lấy con tim của mình.

 

Té ra bao lâu nay ở với cha, cố ra vẻ con ngoan, không làm phật ý cha không phải phải vì anh yêu kính cha mà là đang che đậy những tính toán đen tối, ích kỷ.

 

Vì không nhận là cha mình, nên anh cũng không nhận đứa em là em mình. Anh tự đánh mất vai trò làm con của mình, tự cách đứt tình nghĩa anh em. Và anh đã tự làm lạc mất cha, mất em dù cùng ở với cha, từng sống với em.

 

Và như thế, ở góc độ nào đó người con trai cả mới thật là đứa ‘con hoang’, mới thực sự sám hối, trở về với cha và giao hoà với anh em. 

 

Và như thế, người cha già nhân hậu không chỉ có một đứa con hư, mà là hai đứa con hư.

 

Ông không chỉ tha thứ cho đứa con thứ bỏ nhà ra đi, mà còn tha thứ cho cả cậu con Trưởng đánh mất tình hiệp thông yêu thương.

 

Khi thấy con cả giận dỗi, không thèm vào nhà, người cha đã đích thân ra mời, năn nỉ con vào, đồng thời mong muốn các con cái trong một gia đình sống hiệp nhất yêu thương. Cụ nói: “con trai à, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải mở tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

 

 Vâng, ở đâu đó mỗi tính hư của người con cả hay con thứ, đều có hình ảnh của mỗi chúng ta. Ở góc độ nào đó, xem chừng hình ảnh người con cả giống ta nhiều hơn.

 

Bởi, ta vẫn sống trong gia đình Giáo hội- gia đình Chúa song ta có thực sự sống đúng vai trò làm con chưa, hay vẫn còn tính toán, ích kỷ như những đứa đầy tớ.

 

Vì không nhận Chúa như Cha nên ta chưa thể coi mọi người là anh chị em với mình.

 

Dấu hiệu rõ nhất, ở trong một gia đình Giáo hội, song ta vẫn so bì, đố kỵ, nói xấu, gây bất hoà, gây bất công…

 

Bằng chứng ta vẫn còn vô cảm trước những anh chị em bất hạnh nghèo khổ; coi nặng tiền bạc hơn tình nghĩa, hơn cả thảo hiếu; thiếu trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng gia đình Giáo hội phát triển.

 

Có lẽ điều này ta thấy rõ nhất ngay trong gia đình thân ruột của mình, khi mình chưa tích cực sống có trách nhiệm để xây dựng một gia đình hiệp nhất yêu thương, gia đình sống và Loan báo Tin Mừng.   

 

Xin Chúa giúp ta học nơi người con thứ, tin tưởng vào Tình Chúa, can đảm trở về với Chúa, đổi mới cuộc sống. Trước hết ta hãy đi giao hoà với Thiên Chúa nơi Toà giải tội và sống chan hoà với anh chị em.

 

Lm. Đaminh Hương Quất