Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đêm nay, đêm cuối cùng

 

“Đêm nay, đêm cuối cùng”
“lệ buồn rưng rưng, lời hát thương đau.”
(Phạm Đình Chương – Đêm Cuối Cùng)



(Cô 1: 3)
Đêm cuối cùng! Chao ôi đêm nào mà chả thế. Đêm nào, cũng buồn rưng rưng, lệ sầu. Thương đau. Thương và đau, cả khi hai người đều đã biết chuyện xảy đến với mình, nên đành hát:

“Nhịp bước bâng khuâng, ngoài phố lạnh,
giọt sầu rơi rớt hồn phiêu linh.
Nắm tay không rời.
Cố hé run run môi cười.
Lúc chia tay, bên trời. Tiếc thương.”
(Phạm Đình Chương – bđd)

Chính vì lạnh lòng, nên vẫn “hé run môi cười”. Chính vì tiếc thương, nên cứ phải “chia tay bên trời”. Thế mới chết!. Buồn chết một điều, là: em và tôi, hai đứa xưa nay yêu nhau tha thiết là thế. Nay thì, tất cả chỉ còn mỗi kỷ niệm, rất nhớ nhung. Sầu buồn. Đáng tiếc.
Vì đã chia tay, nay nào thương tiếc! Vì có giọt sầu, nên hồn phách vẫn cứ “phiêu linh”. Và, người em yêu lại hát lên nỗi niềm rất nhung nhớ, như ca từ ở bài hát:

“Hãy tin một niềm,
Nỗi nhớ nhung xưa, vẹn tuyền.
Sẽ cho ngày về thắm duyên.
Em ơi, đêm cuối cùng gần nhau.
Sợ rằng một ngày mai, giấc mộng không thành.”
(Phạm Đình Chương – bđd)

À thì ra. Vì nhớ nhung, thương tiếc rất hận sầu, nên người người mới bảo nhau: hãy “tin một niềm”. Và, niềm tin ấy. Nhớ nhung này, “sẽ cho ngày về thắm duyên”. Kẻo, ngày mai “giấc mộng không thành” cũng đành ly tan.

Thế mới biết, thi ca/văn học vẫn có những giòng chảy nói lên tình tự nhung nhớ. Nhớ, “đêm cuối cùng” không bao giờ chấm dứt. Vẫn lẩn quẩn trong tâm tưởng của nhiều người. Chí ít, là những người đã và đang yêu. Hoặc, những người sẽ còn yêu mãi. Rất “thương hoài ngàn năm”.

“Đêm cuối cùng” đầy tràn mối “thương hoài ngàn năm”, vẫn là chuyện dài ở huyện. Huyện dân gian. Huyện nhà Đạo. Vẫn cứ thương hoài ngàn năm, khi duyên tình của hai người đã vỡ đổ. “Đêm cuối cùng” cũng thương hoài ngàn năm, là cảnh tình của người anh/người chị ở trong Đạo, vẫn cứ tiếc cái “đêm cuối cùng” ngồi đó, ngó nhau. Để rồi, sẽ hẹn hò thương hoài ngàn năm, rất suốt đời.

Thương hoài ngàn năm, vì vỡ đổ, lại đã kéo theo nhiều khổ đau, xáo trộn. Xáo trộn, không chỉ mỗi tình tự thân thương giữa hai người thôi, mà cả vật chất tính theo trị giá tiền bạc nữa.

Theo Washington Times trích dẫn số thống kê chính thức của chính phủ Hoa Kỳ cho biết nội trong năm 2008 đã có trên một triệu trường hợp ly dị đổ vỡ xảy ra ở nước này. Đổ vỡ do ly dị, lại đã kéo theo nhiều thiệt hại đáng kể, tính thành tiền. Trên thực tế, các phí tổn mà chính phủ Hoa kỳ đã phải xuất chi trong năm 2008 đã gia tăng từ $20,000 đến $30,000/một năm cho một gia đình của người mẹ đơn chiếc ở Mỹ. Kéo theo đó, là tổn phí tạo cho ngân sách quốc gia đang từ 33 tỷ đô lên đến 112 tỷ đô đánh vào các dịch vụ bao cấp phúc lợi (x. Carolyn Moynihan, MercatorNet 23/8/2011).

Xáo trộn có từ những đổ vỡ do ly dị, còn kéo theo nhiều đổi thay trong đời sống thực tế của gia đình. Thực tế cho thấy: chính con trẻ mới là kẻ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của ly dị, cả về chuyện kinh tế lẫn tài chánh.

W. Bradford Wilcox, một chuyên gia nghiên cứu có nhắc đến công cuộc khảo sát do Cơ quan từ thiện Pew Charitable Trust thực hiện vào năm 2010 cho biết tình trạng sống của con em gia đình vỡ đổ do ly dị, rằng: “Con em gia đình gặp cảnh ly dị đổ vỡ thường hay yếu kém về mặt kinh tế nên khó có thể mon men vào các chức vụ có mức lương cao hơn. Giả như Hoa kỳ muốn thấy sự ổn định của các gia đình chịu cùng một cảnh ngộ như hồi thập niên ’60, thì sẽ thấy mỗi năm có chừng 750,000 em ở lại lớp ít hơn trước, và có ít nhất 1 triệu 2 trăm ngàn em thôi học và khoảng 500,000 vụ phá phách do trẻ vị thành niên phạm pháp gây ra. Đồng thời cũng có ít là 600,000 em được trị liệu và 70,000 em tìm cách chấm dứt cuộc sống (x. Carolyn Moynihan, bđd).
Xáo trộn vốn có từ các vỡ đổ do ly dị tạo ra, còn kéo theo hậu quả về tuổi thọ của con em các gia đình có đổ vỡ như thế nữa. Một khảo sát do Howard Friedman và Leslie Martin thực hiện cho biết: “Con em các gia đình nào có đổ vỡ do ly dị tạo ra, sẽ không sống thọ --trung bình là 5 năm ít hơn—so với con em các cha mẹ thuộc các gia đình vẹn toàn không ly dị hoặc chẳng đổ vỡ.”

Ông Gersten, một viên chức Bộ Y Tế và Nhân Dụng thuộc chính phủ George W. Bush, Hoa Kỳ cũng có nói: “Các dữ kiện về tuổi thọ vừa được đưa ra, là “một trong những bản phân tách tồi tệ nhất xưa nay chưa từng thấy về tầm mức tệ hại mà việc ly dị của cha mẹ đã gây ra cho con cái. Con em các gia đình chịu cảnh này, khó có thể vượt qua được các khó khăn, trở ngại ấy.”

Và cô Carolyn Moynihan, một tay viết thường xuyên của báo điện MercatorNet cũng đi đến luận ngắn gọn, nhưng chắc nịch khi cố bảo: “Ly dị đổ vỡ không là vẫn đề riêng tư của ai hết. Nó ảnh hưởng lên hết mọi người. Chí ít, là nó từng tác hại lên sự tin tưởng của quần chúng nơi ảnh hình về hôn nhân.” (x. Carolyn Moynihan, bđd)
Nói gì thì nói. “thương hoài ngàn năm” với những ly dị đổ vỡ, còn là thương cho cảnh tượng đau thương/sầu buồn chợt xảy ra ở đâu đó, ngay cả chốn nát đổ thương tâm nhưng rất đáng phục. Thương, là thương cho tình mẫu tử vẫn còn đó ngàn năm, như ở Nhật. Nơi vừa có phát hiện về “thương hoài ngàn năm” tình mẫu tử, ở bên dưới:

“Phát hiện rằng:
Trong trận động đất ở Nhật vừa qua, các nhân viên cứu hộ tìm đến tàn tích ở nơi nhà một phụ nữ trẻ, họ nhìn thấy thi thể của cô qua khe gạch nát vụn. Nhìn thi thể của cô có cái gì đó rất lạ, tựa như người đang quỳ gối nguyện cầu, cơ thể cô nghiêng về phía trước. Và, hai tay của cô như đang ôm ghì vật gì đó. Ngôi nhà đã đổ ập lên lưng và đầu cô, nhưng vẫn không xoá nhoà hình ảnh lạ kỳ đó.

Người đội trưởng đội cứu hộ đã phải khó khăn lắm mới luồn tay qua khoảng cách chật hẹp bên bờ tường để sờ chạm được cơ thể của người nữ phụ xấu số mà tìm xem có vật gì đang được cô ôm ghì đến như thế. Anh hy vọng nữ phụ trẻ này có thể vẫn còn sống. Nhưng, thi thể của cô đã lạnh cứng như muốn nói với anh rằng chắc chắn cô đã qua đời.

Đội cứu hộ rời khỏi ngôi nhà và tiếp tục xục xạo các toà nhà đổ khác. Nhưng không hiểu sao, người đội trưởng như bị một lực hút nào đó kéo anh trở lại căn nhà sụp đổ có người nữ phụ đã chết cứng ở bên kia. Một lần nữa, anh quỳ xuống, lần mò sờ chạm len qua các khe nứt chật hẹp bên dưới thi thể của người đã chết. Đột nhiên, anh hét lên một tiếng kêu nhiều phấn chấn: "Một em bé!! Em bé còn sống!"

Cả đội cứu hộ cùng nhau cẩn thận rỡ từng cái cọc trong đống gạch vữa nát quanh thân xác người nữ phụ vừa chết. Một bé trai trạc 3 tháng tuổi được bọc cẩn thận trong tấm chăn hoa ngay dưới xác mẹ mình. Rõ ràng, nữ phụ này cố thực hiện động tác hy sinh cuối cùng để cứu con mình. Khi căn nhà của cô đổ sụp, cô dùng cơ thể yếu mềm của mình làm tấm chắn bảo vệ đứa con. Cậu bé vẫn ngủ mê yên bình khi anh đội trưởng đội cứu hộ nhấc em lên.

Bác sĩ nhanh chóng kiểm tra sức khoẻ của cậu bé. Khi mở tấm chăn hoa bọc quấn bé, ông thấy chiếc điện thoại di động còn nằm bên trong hiện rõ một lời nhắn, nói rằng: "Nếu con còn sống, con hãy nhớ rằng: mẹ rất yêu con" ...

Chiếc điện thoại di động đuợc chuyển từ bàn tay này đến bàn tay khác, cho nhiều người đọc. Tất cả mọi người đều khóc khi người đọc giòng nhắn: "Nếu con còn sống sót, con hãy nhớ rằng: mẹ rất yêu con”.. (trích truyện kể từ điện thư hôm 26/9/2011)

Lời nhắn trên điện thoại di động, làm người đọc nhớ về một nhắn nhủ khác, cũng dễ thương:

“Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa,
là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
khi cầu nguyện cho anh em.
Thật vậy, chúng tôi đã được nghe nói
về lòng tin của anh em vào Đức Kitô Giêsu,
và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh;
lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời,
niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo
khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em.”
(Cô 1: 3-6)

Xem thế thì, vào hoàn cảnh tồi tệ như thiên tai động đất hoặc vỡ đổ do ly dị, người người vẫn còn gặp khắp nơi và đây đó những lời khuyên và nhủ được gửi đến dân con mọi người. Nhà Đạo mình, cũng có những lời nhắn rất nhủ khuyên mà nhiều người ít quan tâm hoặc ít biết, như đã hỏi:

“Xin cha giải đáp cho thắc mắc của một người bạn từng hỏi: giả như ai đó từng ly dị với một người và nay lại tái giá sống với người khác, hoặc: một người từ lâu vẫn chung sống cảnh hôn nhân chòng chéo, nay muốn quay về với niềm tin đi Đạo. Trường hợp như thế, có được Hội thánh chuẩn thuận mà đón nhận cho họ về với Đạo mình không?” (Một nữ giáo dân hỏi để mọi người biết mà sống đạo cho phải phép).

Mục đích của nữ giáo dân ở trên muốn đưa ra câu hỏi, là để “mọi người biết mà sống đạo cho phải phép”. Cứ như, nếu không hỏi và không nhận được câu trả lời, chắc chị và nhiều người hẳn sẽ không còn sống đạo cho đúng phép, hay sao?
Thôi thì, chị có đưa ra câu hỏi vì mục đích gì đi nữa, cũng đâu có sao. Miễn, có người để hỏi, thì chắc chắn sẽ có chức sắc trong Đạo rồi cũng đưa ra câu trả lời theo khuôn phép rất đúng lẽ Đạo. Như lời đáp từ đức thày linh mục John Flader ở Úc, rất như sau:

“Cũng may là, cách mà cô diễn tả ở câu hỏi là thắc mắc thông thường của nhiều người. Nhất là, vào thời buổi ta thấy quá nhiều trường hợp ly dị vẫn xảy ra ở xã hội hiện thời.

Trước nhất, tôi xin nói ngay điều này, là: Hội thánh vẫn công nhận hôn nhân giữa người không Công giáo lấy người không Công giáo đều thành sự, miễn là hôn nhân này không chống lại luật lệ Giáo hội và hôn nhân ấy được cử hành theo cung cách dân sự, trước mặt thừa tác viên trong Đạo hoặc trước mặt người chứng hôn nhân bên dân sự.

Theo lẽ đạo, nếu đám cưới đầu gãy đổ mà một trong hai người lại tính chuyện tái giá, Giáo hội vẫn coi là họ đã cưới người phối ngẫu trước đó mà thôi. Bởi Hội thánh không công nhận ly dị lại có thể gây ảnh hưởng lên bí tích hôn phối.

Xem như thế, giả như một người đã ly dị rồi, nay tái giá với người không Công giáo mà lại muốn về với Hội thánh Công giáo, thì cũng chẳng có khó khăn gì. Muốn gia nhập cộng đoàn Hội thánh thì nhất thiết phải được công nhận hiệp thông trọn vẹn, đủ tư cách để nhận lãnh mọi bí tích, kể cả bí tích Mình Máu Chúa. Tuy nhiên, những ai đang sống đời hôn nhân với người nào đó mà hôn nhân của họ không được Giáo hội Công giáo công nhận là thành sự, thì vẫn bị coi như đang ở trong tìng trạng rối tội, vì thế sẽ không được phép rước Chúa vào lòng. Vì lý do đó, cũng không là chuyện phải lẽ để đón nhận họ vào với cộng đoàn Hội thánh.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói rõ về vấn đề này, như sau: “Nhằm mục đích trung thành với Lời của Chúa Giêsu –‘những ai từng rẫy bỏ vợ hay chồng mình và đi lấy người khác, như thế là phạm lỗi ngoại tình; và nếu người vợ cũng ly dị chồng và đi lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình hệt như vậy.” (Mc 10: 11-12) – và Hội thánh chủ trương rằng sự kết hiệp mới không được coi là thành sự, chỉ hôn nhân đầu mới thành sự mà thôi. Giả như người nào từng ly dị vợ hoặc chồng nay làm đám cưới theo tính cách dân sự, thì những người ấy phải biết là mình đang ở vào tình trạng đối nghịch lại luật của Thiên Chúa. Cụ thể là, họ sẽ không được rước Mình Máu Chúa vào lòng bao lâu mà tình trạng này cứ tiếp diễn.” (GLHTCG #1650)

Dù điều luật về chuyện này là dành cho hôn nhân và ly dị giữ người Công giáo với nhau, nhưng cùng một tiêu chuẩn tương tự cũng được áp dụng cho người không Công giáo nay muốn vào Đạo. Thành thử, bao lâu tình trạng ấy còn kéo dài, thì những người như thế không thể được chấp nhận gia nhập Đạo.

Tuy nhiên, cũng có nhiều giải pháp khả thi. Trường hợp đầu, những người như thế yêu cầu đưa vụ việc về hôn nhân đầu tiên của họ theo đúng qui cách người Công giáo ra toà án giáo luật để xem trên thực tế, hôn nhân đầu tiên ấy có thể được huỷ bỏ ngay từ đầu hay không. Toà án Công giáo sẽ xem xét giá trị hiệu lực của hôn nhân giữa các người không Công giáo giống như thế. Nếu Toà án có khuynh hướng huỷ bỏ giá trị hôn nhân đầu, thì hai người nam nữ trong kết hợp hôn nhân lần thứ nhì có thể được miễn chuẩn mà tiến hành hôn phối có giá trị hiệu lực theo nhãn giới của Hội thánh.

Một khả thi thứ hai nữa, là: giả như hai người nam nữ đều già đi, mà họ chỉ muốn sống với nhau không có quan hệ vợ chồng, tức chỉ như “người anh người chị”, thì trong trường hợp này, người ấy vẫn có thể được phép gia nhập cộng đoàn Hội thánh Chúa.

Và dĩ nhiên, giả như người phối ngẫu của hôn nhân đầu nay quá vãng, và người kia muốn lấy người khác thì, người này vẫn được phép gia nhập Hội thánh Chúa.

Tuy nhiên mọi giải pháp khả thi nói ở trên có thể sẽ phải trải qua một thời gian chờ Hội thánh giải quyết. Trong khi chờ đợi, người muốn hồi hướng về với Hội thánh cũng đừng nên quay mặt mà bỏ đi. Vẫn nên khuyến khích những người như thế đến dự Tiệc Thánh, tham gia các buổi giảng dạy về niềm tin, vv.. và đặc biệt cũng nên cầu nguyện để có được giải pháp cho tình trạng mình đang sống, miễn là trong khi đó, họ làm mọi cách cho hợp lẽ ngõ hầu giải quyết vấn đề này.” (x. Lm John Flader, Question Time, Connorcourt 2008, tr. 190-191)

Nói như đấng bậc vị vọng có thẩm quyền trong Đạo, là nói như thế. Không có gì đổi thay. Nhưng hỏi rằng, ngày nay được bao nhiêu người chịu quay về với guồng máy Đạo rất ư là ”Vũ Như Cẫn” (tức: vẫn như cũ) của Hội thánh chưa từng đổi thay là mấy,cũng vẫn vậy.

Hỏi ở đây, không có nghĩa là thắc mắc/vấn nạn về guồng máy có khuôn vàng thước ngọc rất chặt chẽ, vững chắc. Khó làm siêu lòng được mọi người. Hỏi ở đây, còn có ý để bảo: với giới chức bên ngoài nhà Đạo --hoặc Công giáo, hoặc Thệ Phản-- lâu nay rày ra sao?

Đã hỏi một cách nghiêm chỉnh, thì cũng nên tìm câu trả lời cũng rất chỉnh và rất nghiêm, để còn an nhàn mà vui sống. Cuối cùng, thì những câu hỏi và/hoặc nhủ khuyên như thế, cũng chỉ nên để chức sắc/đấng bậc có trọng trách cứ khư khư mà giữ lấy mà sống cho hết cuộc đời quý vị, hoặc cho những vị chẳng màng đến thực tế. Hôm nay, bản thân bần đạo chẳng thể tìm ra giới chức nào khả dĩ đáp trả những câu hỏi nghiêm, chỉnh và chính mạch, đến như thế.

Thôi thúc cho lắm, thì bần đạo như mọi lần cũng chỉ dám thưa với bạn đạo cùng bạn đọc bằng một truyện kể rất nhẹ, để bạn và tôi, ta được thư giãn sau những giây phút “rất căng”, mà rằng:

“Người mẹ nọ thấy anh con trai của mình cứ rắp ranh hỏi ý mẹ xem có nên ly dị người vợ đang sống với mình tuy đẹp nhưng không sang, tuy làng nhàng nhưng không hạp, bèn nhận được lời dạy vững chắc của mẹ như sau:
-Con ạ. Đến giờ này, mà con vẫn không nhận ra bí kíp cuộc sống vợ chồng gồm 10 điểm như thế này ư:

1. Kẻ thù lớn nhất của con, là: vợ con;
2. Ngu dốt lớn nhất đời con, là: không hiểu được nó;
3. Thất bại lớn nhất của đời con, là: không bỏ được nó;
4. Bi ai lớn nhất của đời con, là: phải sống với nó;
5. Sai lầm lớn nhất đời con, là: đã quyết định lấy nó làm vợ;
6. Tội lớn nhất trong đời con, là: nghe lời của nó;
7. Nỗi niềm đáng thương nhất đời con, là: bị nó sai khiến;
8. Điều đáng khâm phục nhất ở nơi con, là: con vẫn chịu đựng được nó;
9. Tài sản lớn nhất trong đời của con, là: những thứ nó đang giữ; và
10. Khiếm khuyết lớn nhất trong đời đi Đạo của con, là: không được phép lấy 2 vợ.

Nghe xong, cậu con quý tử của bà mẹ hiền ở trên bèn hu hu khóc rống. Mẹ hiền lấy làm ngạc nhiên, bèn hỏi:

-Ủa! Sao con lại khóc? Khóc là động thái rất hèn, đó con!

-Sở dĩ con khóc là vì bây giờ con mới thấy tội nghiệp cho bố. Có lẽ chính vì thế mà bố của con mới mất sớm, phải không mẹ?

Cũng là câu hỏi, tuy không “gay” như những câu được gửi đến nhà Đạo, cách chính thức như trên, vì gay như thế, thì bố ai dám trả lời. Thôi thì, ta hãy về tắm ao ta, rồi cũng biết. Hỏi hay không, thắc mắc hoặc bình chân như vại, hạ hồi sẽ rõ. Có rõ hay không, cũng đừng hỏi. Chí ít, là hỏi những câu mà nhà Đạo ít người dám trả lời/trả vốn, bởi nếu hợp tình đời thì sợ nghịch ngạo với lý lẽ của nhà Đạo, mà thôi.

Trần Ngọc Mười Hai


Vẫn chưa mở mắt cho tròn
để còn nhìn đời.
Theo nhãn giới,
rộng hơn thế.