Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đón rể

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 


Phong tục cưới hỏi ở phần lớn các nước (nhất là những nước theo chế độ “phụ hệ”), họ nhà trai phải xem “ngày lành tháng tốt” để tổ chức lễ cưới. Đến ngày đã đính ước giữa hai họ, thì lại phải xem “giờ lành” để đi đón dâu và vì thế mới gọi là “lễ rước dâu”. Vào chính ngày lễ cưới, nhà gái chỉ vịêc chuẩn bị sẵn sàng, chờ chú rể đến làm đầy đủ nghi lễ, rổi cả họ cùng với các cô phù dâu có nhiệm vụ đưa dâu về nhà trai. Sau nghi thức trình cô dâu với tổ tiên bên nhà trai (lễ gia tiên) là lễ nhận họ (ra mắt họ hàng nội ngoại). Tiếp theo là nhập tiệc (ăn cưới) chúc mừng tân lang (chú rể) và tân giai nhân (cô dâu) loan phụng hoà minh (đôi chim loan phượng cùng hoà chung tiếng hót), đep duyên cầm sắt đến trăm năm bạc đầu (bách niên giai lão), đồng thời chia vui cùng hai họ (nhà trai + nhà gái) kết thông gia nên mối duyên Tần Tấn. Thường thì lễ rước dâu được tổ chức vào gần trưa và nhập tiệc đúng ngọ (12 giờ trưa), hoặc có thể vào buổi chiều để tới tối thì nhập tiệc.

Bài Tin Mừng hôm nay lại nói về một tiệc cưới lạ lùng chẳng kém tiệc cưới trong bài TM/CN.XXVIII/TN-A (Mt 22,1-14). Cái lạ thứ nhất là chỉ thấy nói đến 10 trinh nữ chờ đón chú rể, chớ không thấy cô dâu. Cái lạ tiếp theo là chú rể lại đến vào đúng nửa đêm, rồi chỉ cho 5 cô khôn nhập tiệc, còn 5 cô dại thì "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!" (Mt 25, 12). Nhờ những cái lạ lùng ấy khiến người nghe (người đọc) hiểu ngay đây lại là một truyện dụ ngôn và tiệc cưới này hẳn nhiên là tiệc cưới Nước Trời. Dụ ngôn cho thấy trong 10 cô trinh nữ chờ đón chú rể có 5 cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại. 5 cô khôn thì biết chuẩn bị dầu để lỡ đèn hết dầu thì sẵn có mà châm; còn 5 cô khờ dại cứ an phận thủ thường với cái đèn đang cháy sáng, mặc cho thời gian trôi đi, tới đâu hay tới đó. Đó là hình ảnh tượng trưng cho 2 nhóm tín hữu khác nhau: Nhóm khôn ngoan thì biết phòng xa, lo chuẩn bị dầu đẻn, cũng có nghĩa là luôn sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong cuộc sống Đạo. Một cách cụ thể là họ đã ý thức được cuộc sống đức tin giữa đời không phải chuyện dễ dàng, vì phải đối phó với ba kẻ thù có trăm phương nghìn chước có thể làm họ thất bại. Còn nhóm khờ dại với cái tâm lý "tới đâu hay tới đó" nên đến khi "hay" được thì đã quá muộn.

Bài học rút ra được từ 5 cô khờ dại là đừng để đến phút chót mới quýnh quáng đi mượn dầu, không mượn được lại hấp tấp đi mua dầu. Mỗi người đều có phần riêng, làm sao mượn được trong lúc người ta cũng rất cần cho bản thân họ, còn nói mua thì ai bán dầu vào lúc nửa đêm, vả lại nếu có người bán chăng nữa thì có mua kịp hay không? Nói thẳng ra, vấn đề là phải biết chuẩn bị sẵn sàng và luôn tỉnh thức, bởi chú rể (là chính Đức Giê-su Ki-tô) sẽ đến như một kẻ trộm vào những lúc bất ngờ nhất, đến cả Mẹ của Người (Đức Maria) cũng không biết được. Như vậy, mọi Ki-tô hữu phải sống làm sao cho xứng đáng với “Hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa” đã được đóng ấn trên con người và cuộc đời của mình. Một cách nôm na là “cái gì của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”, Nói cách khác, khi đã mang hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa tức là đã nhận lãnh một sứ mạng cao cả là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19). Tất nhiên điều kiện ắt có và đủ là phải thực thi sứ mạng đó cách tốt đẹp trong một đời sống đáp ứng được phương châm ”yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu anh em như chính mình” (Mt 22, 27).

Phải chăng đó chính là dấu hiệu cho thấy mình đã sống được như những trinh nữ khôn ngoan, mà không đi vào vết xe đổ ”5 cô khờ dại”? Vâng, quả đúng như lời dạy của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô : ”Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối” (Ep, 15-16). Khôn ngoan là luôn tỉnh thức và sẵn sàng, mà tỉnh thức không những là không ngủ (thức), mà còn phải tỉnh táo nũa (tỉnh táo vì ”không biết giờ nào chú rể đến”, đồng thời tỉnh táo vì coi chừng kẻo gặp phải chủ rể dỏm – Ki-tô giả– nữa, bởi ”sẽ có những Ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện” – Mt 24, 24). Sẵn sàng tức là biết ”tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (trữ gạo phòng đói, trữ quần ào phòng rét lạnh), mà cách tích trữ tuyệt vời nhất phải chăng là ”phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. và phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39), đồng thời với việc thực thi trách vụ “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28, 19).

Tôi vẫn biết nói, khuyên bảo anh em (kể cả nhắc nhở chính mình) vẫn luôn luôn là dễ dàng, nhưng để sống được như những trinh nữ khôn ngoan mới thực là khó khăn. Biết vậy, nhưng vẫn phải tự nhắc nhở, bởi chính tôi nhiều khi không được nhắc nhở, đã quên mất mình cần phải làm gì, cần phải sống thế nào, để cứ ru mình trong cái ảo tưởng là mình đang được mang ”hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa” thì chẳng kẻ thù nào làm hại được, vì không lẽ Thiên Chúa nỡ bỏ mặc một người con mà chính Người đã đóng ấn danh hiệu và hình ảnh Người vào nó? Chao ôi! Mang hình ảnh và danh hiệu của Thiên Chúa thì phải biết ”cái gì của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” chứ, đúng không nào, hỡi cái tôi khờ dại của tôi?



JM. Lam Thy ĐVD.