Nhiệm thể Đức Kitô
NHIỆM THỂ ĐỨC KI-TÔ
Mùa Chay kết thúc trước Thánh lễ Tiệc Ly, chuyển sang Tam Nhật Vượt Qua (“Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhờ đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta. Vì thế, Tam Nhật Vượt Qua nhằm tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa sáng chói lên như tột đỉnh của năm Phụng Vụ” – AC, số 18). Mở đầu Tam Nhật Vượt Qua là Thánh lễ Tiệc Ly, đánh dấu bữa ăn cuối cùng của Chúa từ biệt các môn đệ, để chính thức bước vào cuộc Khổ Nạn. Đỉnh cao nhất của bữa tiệc là Đức Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể, ban chính Thịt và Máu Người cho Giáo Hội. Từ đó vì được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể nên Giáo Hội đã trở thành Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Giê-su.
Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium” (số 7) viết: “Khi Con Thiên Chúa chiến thắng sự chết bằng cái chết và phục sinh, trong nhân tính mà Người kết hợp, Người đã cứu chuộc và biến con người thành một tạo vật mới (x. Gl 6, 15; 2Cr 5, 17). Thực vậy, Người tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, bằng cách thông truyền Thánh Thần cho họ. Trong thân thể ấy, sự sống Chúa Ki-tô tràn lan trên các tín hữu. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thực sự và cách mầu nhiệm với Chúa Ki-tô đau khổ và vinh hiển. Quả thực, nhờ phép Thánh tẩy mà chúng ta được nên giống Chúa Ki-tô: "Vì tất cả chúng ta được tẩy rửa trong một Chúa Thánh Thần để nên một thân thể" (1Cr 12,13). Thử tìm hiểu xem vì sao gọi Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô?
1/- Tại sao có danh xưng NHIỆM THỂ ĐỨC KI-TÔ?
Vâng lời Thiên Chúa Cha, xuống thế mặc xác phàm để thi hành sứ vụ cứu độ nhân loại, “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2, 6-7). Người đã được tượng thai bằng xương bằng thịt trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, sống và lớn lên trong một gia đình khó nghèo tại vùng quê hẻo lánh Na-da-rét, nơi một đất nước cụ thể: It-ra-en. Và trong thời gian 33 năm, “Đức Giê-su đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes” – số 22).
Điều đó cho thấy: Thân thể của Đức Ki-tô cũng như thân thể của loài người, nhưng vì Người là Con Thiên Chúa và là Thiên-Chúa-làm-người nên trong cái thân thể trần thế đó lại là bản tính Thiên Chúa. Người chính là Ngôi Lời Nhập Thể, mà trong Ngôi Lời là sự hiện hữu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Không những thế, Người còn muốn những kẻ tin cũng được ở trong Người (“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga 17, 20-21). Cả Ba Ngôi Thiên Chúa (thêm cả những kẻ tin) cũng đều hiện hữu trong thân thể chàng thanh niên Giê-su Na-da-ret. Như vậy thì chỉ có Phép Mầu của Thiên Chúa mới thực hiện nổi. Và vì thế, mới gọi Thân Thể của Đức Ki-tô là Thân Thể Mầu Nhiệm. Gọi cách vắn tắt là Nhiệm Thể Đức Ki-tô.
2/- Ai được tháp nhập vào Nhiệm Thể Đức Ki-tô?
“Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.” (Kinh Tin Kính). “Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”, như vậy thì cũng có nghĩa là nhờ Đức Ki-tô mà loài người được tạo thành; vậy thì khi Thiên Chúa dựng nên con người giống với hình ảnh Người (St 1, 27) thì tất nhiên tất cả loài người đều được tháp nhập vào Nhiệm Thể Đức Ki-tô Thiên Chúa. Tuy vậy, con người đã sa ngã, bị tội lỗi thống trị, coi như đã từ chối hồng ân cao vời đó. Chỉ đến khi, vì thương nhân loại đắm chìm trong vũng lầy tội lỗi, Thiên Chúa sai Con Một xuống thế làm người chịu khổ hình thập giá để cứu độ nhân loại, thì “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.” (Rm 8, 28-29). Một cách cụ thể thì chỉ những ai được ơn gọi làm Ki-tô hữu thông qua bí tích Thánh Tẩy, mới được tháp nhập vào Nhiệm Thể Đức Ki-tô.
Thánh Phao-lô giải thích rõ: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1Cr 12, 12-13). Chính nhờ bí tích Thánh Tẩy mà người tín hữu được hiệp nhất với cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô (“Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” – Rm 6, 4-5).
Ngoài ra, khi tham dự vào bí tích Thánh Thể, người Ki-tô hữu đã thực sự thông dự vào Thân Thể của Đức Ki-tô nên họ được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau. Thánh Phao-lô Tông đồ đã khẳng định về niềm tin ấy: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1Cr 10, 17). Tất cả cộng đồng tín hữu đều quy về một mối duy nhất: Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Một cách cụ thể, “Giáo hữu được qui tụ trong Dân Thiên Chúa và cấu tạo thành Thân Thể duy nhất của Chúa Ki-tô dưới quyền của một Ðầu duy nhất; dù họ là ai, họ vẫn được kêu gọi dùng hết sức lực đã lãnh nhận do lòng từ ái của Ðấng Tạo Hóa và do ân huệ Ðấng Cứu Thế để như những chi thể sống động, phát triển và thánh hóa Giáo Hội không ngừng.” (Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium”, số 33). Giáo Hội được thiết lập và xây dựng trên nền tảng đó, và vì thế Giáo Hội chính là Nhiệm Thể Đức Ki-tô.
3/- Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Ki-tô ở điểm nào?
Lần giở lại công trình Sáng Tạo của Thiên Chúa, thì thấy ngay từ khởi thủy, A-đam đã nói về vợ mình: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2, 23-24). Sang đến công trình Sáng Tạo Mới, thì chính A-đam Mới Giê-su Ki-tô đã coi Giáo Hội do Người thiết lập như Hiền Thê của Người và trước khi về với Chúa Cha, Người đã trao hiền thê của Người cho Mẹ Người chăm sóc (Ga 19, 26-27). Điều đó cho thấy: “Chúa Ki-tô yêu thương Giáo Hội như hiền thê Người, Người trở thành gương mẫu của người chồng yêu vợ mình như yêu chính bản thân" (Ep 5, 25-28); phần Giáo Hội thì tùng phục Ðầu (Ep 5, 23-24); "Vì tất cả sự sung mãn về bản tính Thiên Chúa ở trong Người cách hữu hình" (Cl 2, 9), nên Người đổ tràn ơn thiêng trên Giáo Hội, là thân thể, là sự sung mãn của Người (Ep 1, 22-23) để Giáo Hội cố gắng đạt tới sự viên mãn hoàn toàn của Thiên Chúa (Ep 3, 19).” (Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium”, số 7).
Tất cả đã rõ ràng: Hội Thánh chính là Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Vâng, “Khi Con Thiên Chúa chiến thắng sự chết bằng cái chết và phục sinh, trong nhân tính mà Người kết hợp, Người đã cứu chuộc và biến con người thành một tạo vật mới (Gl 6, 15; 2Cr 5, 17). Thực vậy, Người tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, bằng cách thông truyền Thánh Thần cho họ… Chúa Ki-tô là Ðầu của Thân Thể này. Chính Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, và trong Người mọi vật được tác thành. Người có trước mọi người và mọi sự được bền vững trong Người. Người là Ðầu của Thân Thể là Giáo Hội. Người là nguyên lý, là anh cả của những kẻ phải chết, hầu nắm quyền thủ lãnh mọi sự (Cl 1, 15-18), Người thống trị mọi vật trên trời dưới đất bằng thần lực lớn lao, và ban dư tràn sự vinh hiển phong phú của Người cho toàn thân thể nhờ sự toàn thiện và hoạt động siêu đẳng của Người (Ep 1, 18-23)” (Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium”, số 7).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (Điều 805) cũng khẳng định: “Hội Thánh là Thân Thể của Đức Ki-tô. Đức Ki-tô chết và phục sinh làm cho cộng đoàn tín hữu thành thân thể của mình, nhờ Chúa Thánh Thần và tác động của Người trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.” Trong thân thể ấy, sự sống Chúa Ki-tô tràn lan trên các tín hữu. Thật vậy, tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể; cũng thế, các tín hữu hợp thành một thân thể trong Chúa Ki-tô (1Cr 12, 12). Trong việc xây dựng thân thể Chúa Ki-tô, cần có nhiều chi thể với phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của công việc (1Cr 12, 1-11).
4/- Gia đình có được coi là Nhiệm Thể Đức Ki-tô không?
Cũng chính Chúa Thánh Thần tự mình hợp nhất thân thể bằng thần lực Ngài và bằng sự liên kết tinh thần các chi thể lại với nhau; như thế Ngài làm phát sinh và thúc bách đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui (1Cr 12, 26). Trong sự hiệp nhất của Thân Thể này, có nhiều chi thể và chức vụ khác nhau. Tất cả các chi thể đều được liên kết với nhau, nhất là với những người đau khổ, những người nghèo và những người bị bách hại; Hội Thánh là Thân Thể mà Đức Ki-tô là Đầu. Hội Thánh sống nhờ Người, trong Người và cho Người. Người sống với Hội Thánh và trong Hội Thánh. (Giáo Lý HTCG, Điều 806-807).
Hình ảnh Hội Thánh là Nhiệm Thể Đức Ki-tô đưa người tín hữu đến với hình ảnh cây nho trong dụ ngôn “Cây Nho Thật” (Ga 15, 1-17). Toàn bộ cây nho tượng trưng Giáo Hội hoàn vũ là Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Từ thân cây nho trổ sinh các cành nho và mỗi cành nho tượng trưng một gia đình Ki-tô hữu. Từ các cành nho lại trổ sinh các nhánh và mỗi nhánh là một Ki-tô hữu. Nếu mỗi Ki-tô hữu là một nhánh, một bộ phận trong toàn bộ cây nho Nhiệm Thể Đức Ki-tô, thì Giáo Hội chính là Nhiệm Thể cao trọng ấy. Và một khi Giáo Hội trở nên chính Nhiệm Thể Đức Ki-tô, thì tất nhiên mỗi gia đình Ki-tô hữu cũng là một Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Ấy cũng bởi vì Gia đình là Giáo Hội tại gia vậy.
5/- Để xứng đáng là Nhiệm Thể Đức Ki-tô, Gia đình phải sống như thế nào?
Cũng từ hình ảnh sống động và thân thiết của Cây Nho Thật biểu tượng của Giáo Hội, nên ngày 30/12/1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã ban hành Tông huấn “Ki-tô hữu Giáo dân – Christifideles Laici”, trong đó, ngài khẳng định: “Theo hình ảnh Thánh Kinh về cây nho, người tín hữu giáo dân cũng như tất cả các phần thân thể khác của Giáo Hội, là những cành nho tháp nhập vào Đức Ki-tô là Cây Nho Thật; chính nhờ Ngài mà họ được sống và trổ sinh hoa trái.” (số 9). Chỉ cần sơ lược dàn ý của Tông huấn đủ thấy bản chất của Giáo Hội: Chương I: TA LÀ CÂY NHO CÁC CON LÀ CÀNH; Chương II: TẤT CẢ LÀ CÀNH NHO CỦA MỘT CÂY NHO DUY NHẤT; Chương III: THẦY ĐÃ SAI CHÚNG CON RA ĐI VÀ MANG LẠI KẾT QUẢ; Chương IV: NHỮNG NGƯỜI THỢ TRONG VƯỜN NHO CỦA CHÚA; Chương V: ĐÊ CHÚNG CON MANG LẠI HOA TRÁI.
Thật vậy, tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể; cũng thế, các tín hữu hợp thành một thân thể trong Chúa Ki-tô (1Cr 12, 12). Trong việc xây dựng thân thể Chúa Ki-tô, cần có nhiều chi thể với phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của công việc (1Cr 12, 1-11). Trong các ân sủng ấy, ơn ban cho các Tông Ðồ đứng hàng đầu: chính Chúa Thánh Thần đặt dưới quyền các ngài cả những người lãnh nhận những ơn đặc biệt (1Cr 12, 14). Cũng chính Thánh Thần ấy tự mình hợp nhất thân thể bằng thần lực Ngài và bằng sự liên kết tinh thần các chi thể lại với nhau; như thế Ngài làm phát sinh và thúc bách đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui (1Cr 12, 26).” (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh – “Sacrosanctum Concilium”, số 7).
Tóm lại, “Mọi phần chi thể phải cố vươn lên giống Đức Ki-tô cho đến khi Đức Ki-tô được hình thành trong họ” (Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium”, số 7). Từ ý niệm căn bản đó, người Ki-tô hữu thấy được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Đó chính là những cành nho liên tục hút nhựa từ Cây Nho Giê-su Ki-tô, thì phải có nghĩa vụ sinh hoa kết trái, nếu không muốn bị quăng vào lửa. Tuy hoạt động có nhiều hình thức và tùy theo phận vụ mỗi chi thể trong Nhiệm Thể Đức Ki-tô, nhưng tựu trung đều quy về một sứ vụ nhất quán: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15). Một cách ngắn gọn, thì đó là sứ vụ Truyền Giáo của Giáo Hội. Ấy cũng bởi vì “Nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể Chúa Ki-tô không ngừng qui tụ và phối hợp các năng lực vào việc phát triển chính mình. Ðể theo đuổi hoạt động truyền giáo, các chi thể của Giáo Hội phải được bác ái thúc đẩy vì nhờ đó họ yêu mến Thiên Chúa và ước ao san sẻ cho mọi người các ân huệ thiêng liêng đời này và đời sau.” (SL “Truyền Giáo – Ad Gentes”, số 7).
Để đạt được những thành quả nêu trên thì đừng quên chạy đến với Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Vâng, “Tất cả mọi Ki-tô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Ki-tô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.”.(Hc “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium”, số 69). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: