Tin Mừng Vọng Phục sinh
Tin Mừng Vọng Phục sinh:
CÔNG BỐ TIN MỪNG PHỤC SINH- TIN MỪNG HY VỌNG: TẠI SAO LẠI CÁC BÀ ?
(Mt 28, 1-10)
Nhớ lại, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Chiều Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên trên cương vị ngai tào Thánh Phêrô đã làm cả thế giới bất ngờ, khi ngài- người cha chung của Giáo hội đã đến nhà tù, tội phạm là các thanh thiếu niên để dâng Thánh lễ Tiệc ly và Rửa chân cho những người trẻ phạm pháp. Bà Paola Severino, bộ trưởng bộ Công Lý Nước Ý lúc đó, người hiện diện trong Thánh lễ ấy cho biết «Tôi đã thấy tràn trề tình yêu trong cái nhìn của ngài. Tràn đầy niềm hứng khởi phục vụ». Nhiều người trẻ đã khóc vì xúc động.
Điều đáng nói, Đức Thánh Cha trong tâm tình Hiền phụ đã nói với các bạn trẻ phạm pháp: ‘Đừng để ai lấy cắp niềm hy vọng. Hãy tiến lên luôn luôn với niềm hy vọng, luôn luôn với niềm hy vọng!”[1].
Đấy cũng là lời Đức Phanxicô nói với chúng ta lúc này: “Đừng để ai lấy cắp niền hy vọng’.
Bởi niềm Hy vọng Kitô giáo xuất phát và dặt trên nền tảng vững chắc của Đấng Phục sinh. Niềm tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu là điều cốt tuỷ của sống Đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô quả quyết, mọi rao giảng về Chúa Giêsu sẽ sáo rỗng, vô nghĩa nếu Chúa Giêsu không Sống lại.
Đức Giê-su Phục sinh, Người đã phá tung xiềng xích của tội lỗi, đánh bại sự chết mà kẻ cầm đầu là ma quỷ. Người đã xuống ngục Tổ tông để báo Tin mừng cứu độ cho những người lành đã chết; Người mở một con đường sống mới cho nhân lọai là “Qua đau khổ vào trong vinh quang” (x Lc 24,26; Mt 16,21) là “Cùng chết với Đức Giê-su sẽ cùng được sống lại với Người” (x. 1Pr 3,18).
Chúng ta đừng mất niềm Hy vọng. Trong mãnh lực Phục sinh của Đức Kitô, khổ đau chết chóc trở thành khí giới đánh bại tội lỗi mang lại ơn Cứu độ cho mình và cho người khác[2].
Trong Đấng Phục sinh, bài công bố Tin Mừng Phục sinh vừa nghe, Giáo hội nhận ra ‘tội đã hoá thành hồng phúc. Nhờ tội, chúng con mới có được, Đấng Cứu Tinh cao cả dường nào’. Ta chỉ khám phá ‘tội hồng phúc’ khi còn hy vọng- còn niềm cậy trông vào Chúa. Chính lúc ấy- khi ta còn tín thác và nhận ơn tha thứ của Chúa ta mới có kinh nghiệm sống động Tình yêu Chúa dành cho ta, và trong Tình yêu này giúp ta không ngừng biến đổi đời sống, canh tân đời sống.
Trở về bài Tin Mừng, Thánh sử Mát thêu tường thuật (cũng như các Thánh sử Tin Mừng khác): Các phụ nữ ra viếng mồ, thấy mồ trống, khiến các bà sợ hãi, nhưng khi được biết tin “Chúa đang sống”, các bà hết sức vui mừng chạy đi báo tin cho các tông đồ được biết.
Tôi thử thắc mắc, Tin Mừng Phục sinh- Tin Mừng của các Tin Mừng sao Chúa lại lại công bố cho chị em đầu tiên?. Nếu ông nào có tính so bì, không chừng còn ‘trách yêu’ Chúa Giêsu, rằng không chơi đẹp, ai đời chọn 12 Tông đồ, những người nghĩa thiết với Chúa, cùng sống với Chúa thế mà đến khi có tin quan trọng nhất thì lại ưu tiên các bà.
Đem thắc mắc hỏi các bà. Có bà cho, Chúa làm thế là lẽ công bằng. Các Tông đồ mang tiếng là nghĩa thiết với Chúa song khi Chúa chịu nạn các ông hèn nhát chốn chạy hết, người thì bán Chúa, người thì chối Chúa. Chỉ có Thánh Gioan còn dám đứng dưới chân Thập giá chứng kiến cơn hấp hối của Chúa. Gioan can đảm, xét cho cùng nhờ dựa vào Mẹ Maria. Còn các bà, cùng với Mẹ Maria đã theo sát hành trình khổ giá của Chúa.
Đem hỏi các ông, có ông bảo, các bà là chuyên gia tám, cho các bà biết thông tin, chỉ trong tích tắc người trên xóm dưới là biết tất. Đấy là cái nhìn ‘tiêu cực’. Nhìn cho đúng cho chuẩn, phải công nhận đứng trước tin mừng vui nào, cánh đàn ông chúng ta không nhanh nhẹn dấn thân bằng các bà. Chúa Giêsu rất tâm lý khi chọn các bà.
Theo suy nghĩ riêng, việc Chúa ưu tiên cho chị em phụ nữ biết trước Tin Mừng Phục sinh, điều này không chỉ cho thấy tính khẩn thiết và quan trọng của Tin Mừng Phục sinh, khi nhận được phải loan báo ngay mà còn cho các bà, những người vợ có vai trò quan trọng, có ảnh hưởng lớn trong việc sống Tin Mừng Phục sinh, cùng với chồng chung tay xây dựng gia đình Thánh Thiện.
Ngoài ra, việc sống Tin Mừng Phục sinh gắn liền với việc tôn trọng, bảo vệ những người thấp cổ bé miệng, những người bất hạnh kém may mắn. Thời Chúa Giêsu thái độ trọng nam khinh nữ rất nặng. (nếu như VN có câu Nhất nam viết hữu- thập nữ viết vô, thì trong Xã hội Do Thái xưa phải nói, bách nữ viết vô thời Chúa phụ nữ còn bị coi thường hơn, không có kí lô gì. Phải chăng Chúa Giêsu muốn ngầm chuyển cho ta- phái mày râu sứ điệp về tôn trọng phẩm giá của chị em như một ‘nhân vị’ có chung phẩm giá như ta ?
Trở về bài Tin Mừng, khi được Chúa Giêsu công bố Tin Mừng Phục sinh, các bà hết sức vui mừng chạy đi báo tin cho các tông đồ được biết.
Còn tôi, Tin vào Đấng Phục sinh, liệu tôi có Tin Mừng Phục sinh chưa? Có để Đấng Phục sinh triển nở trong đời sống mình chưa?
Nếu tôi thực sự Tin vào Đức Giêsu Kitô Phục sinh, tôi có kinh nghiệm Tin Mừng Phục sinh, tôi sẽ như các bà trong Tin Mừng hôm nay: Tin Mừng Chúa Giêsu Phục sinh sẽ thôi thúc tôi chia sẻ Tin Mừng cho người khác, không chỉ bằng lời nói, quan trọng hơn bằng đời sống chứng nhân Tin Mừng; tích cực cùng với gia đình sống và Loan báo Tin Mừng.
Lạy Đức Kitô Giêsu, Chúa đã sống lại để Chúng con được sống. Xin cho chúng con biết sống tinh thần Tạ ơn bằng chính đời sống chứng tá Tin Mừng Phục sinh. Amen .
Lm. Đaminh Hương Quất
[1] ĐTC Rửa Chân cho các Bạn trẻ phạm pháp: ‘đừng đanh mất niềm hy vọng’
[2] Micael Nguyễn Thế Minh, SJ, Bước Đường Linh Thao, 2003, tr.146.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: