Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chia sẻ lời Chúa thứ hai sau CN2 PS

Tác giả: 
Lm Đinh Quang Thịnh

 

 

THỨ HAI

SAU CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

Cv 4, 23-31 ; Ga 3, 1-8

 

BÀI ĐỌC : Cv 4, 23-31

 

          23 Hôm ấy, sau khi được thả về, hai ông Phê-rô và Gio-an đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông.24 Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: "Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó;25 Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa-vít, tôi trung của Ngài, mà phán: Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông?26 Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.

 

          27 "Đúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su, Đấng Ngài đã xức dầu.28 Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước.29 Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn.30 Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su."31 Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa.

 

ĐÁP CA : Tv 2

 

Đ.       Lạy Chúa, hạnh phúc thay những ai ẩn náu bên Ngài(x c 12d)

 

1 Sao chư dân lại ồn ào náo động? Sao vạn quốc dám bày kế viển vông? 2 Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ chống lại Đức Chúa , chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.3 Chúng bảo nhau: "Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy, gông cùm họ, ta hãy quẳng đi! "

4 Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười, Người chế nhạo bọn chúng. 5 Rồi nổi trận lôi đình, Người quát nạt,trút cơn thịnh nộ, khiến chúng kinh hoàng, 6 rằng: "Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn, lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta."

7 Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán bảo tôi rằng: "Con là con của Cha,ngày hôm nay Cha đã sinh ra con. 8 Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng,toàn cõi đất làm phần lãnh địa. 9 Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành, nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm."

 

TUNG HÔ TIN MỪNG : Cl 3,1

 

          Hall-Hall : Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Hall.

 

TIN MỪNG : Ga 3,1-8

 

          1 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái.2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy."3 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên."4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? "5 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."

 

ƠN TÁI SINH

 

          Con người muốn được giống Thiên Chúa (x St 1,27) phải được tái sinh nhờ,với, trong Chúa Giêsu. Chân lý này đã được Mạc Khải hé mở ngay từ lúc Chúa tạo dựng nguyên tổ loài người. Thực vậy, Adam, Eva được Chúa tạo dựng hai lần

:

  • Lần I  : Chỉ một Lời Chúa phán, tức khắc Adam, Eva xuất hiện (x St 1,26-27).
  • Lần II : Chúa lấy bùn đất nắn tạo ông Adam (x St 2,7), rồi trong lúc ông ngủ, Ngài lấy một phần xương thịt từ cạnh sườn ông để tạo cho ông người vợ (x St 2,21-23).

 

Giáo lý Hội Thánh dạy ta biết Hy Tế của Chúa Giêsu có hai bàn tiệc (Hiến Chế Phụng Vụ số 56):

 

  • Bàn tiệc Lời Chúa : gồm các Bài đọc, Bài giảng và Kinh Tin Kính. Nơi bàn tiệc này, những ai đã “được tái sinh bởi nước và Thần Khí” (x Ga 3,5: Tin Mừng), còn được tiếp tục tái sinh “bằng Lời sự thật để trở nên của lễ đầu mùa trong các loài thụ tạo” (x Gc 1,18).
  • Bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa : từ lúc dâng bánh rượu tới khi rước Lễ. Nơi bàn tiệc này, người Công Giáo cũng còn “được tái sinh nhân danh Chúa Giêsu, để được ơn tha tội và lãnh nhận ân huệ là Chúa Thánh Thần” (Cv 2,38).

 

Ai chưa được tái sinh hai lần như thế, thì người ấy chẳng khác gì một sinh vật, có khi còn thua loài thú (x 1Cr 15,45 ; Gv 3,18-19), trừ khi người ấy không biết, hoặc không có điều kiện lãnh nhận, thì Chúa xét xử họ theo lòng thương xót của Người (x HCHT số 16).

 

Vậy mỗi lần ta dự tiệc Thánh Thể, ta như cục đất sét trong tay Thiên Chúa (x Is 64,7), Ngài tiếp tục nắn tạo ta mỗi ngày nên hoàn hảo hơn. Bởi đó, thánh Phaolô kêu gọi : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô,nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1: Tung Hô Tin Mừng). Muốn được vào thượng giới (Nước Thiên Chúa) để lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x Ga 1,16), phải khởi đi từ việc lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, đó là lý do Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô : “Quả thật tôi bảo: Ai không sinh bởi NƯỚC và THẦN KHÍ thì không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5 : Bản dịch NTT). Vì :

 

  • Ơn tái sinh là ơn phổ quát, cần cho hết mọi loại người.
  • Ơn tái sinh khởi đi từ NƯỚC, và được thành sự nhờ THẦN KHÍ (Lời Chúa).
  • Ơn tái sinh cho ta trở nên Hiền Thê của Đức Kitô, được Thiên Chúa toàn năng ra tay bảo vệ.

 

1/ ƠN TÁI SINH LÀ ƠN PHỔ QUÁT, CẦN CHO HẾT MỌI LOẠI NGƯỜI.

 

          Dựa vào Lời Đức Giêsu nói: “Ai không tái sinh bởi Nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5), có nghĩa là bất cứ loại người nào, dù lớn hay nhỏ, cũng cần phải được tái sinh bởi nước và Thần Khí mới được Chúa cứu độ. Chính vì vậy mà Hội Thánh Công Giáo đòi buộc những người làm cha mẹ phải sớm cho con được lãnh Bí tích Thánh Tẩy, vì dựa vào Mạc Khải :

 

  • Có lần các môn đệ đuổi trẻ nhỏ đí, Đức Giêsu lại bảo : “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta” (x Mt 19,13).
  • Nếu hạt giống tốt (Đức Tin) gặp được mảnh đất tâm hồn tốt, môi trường gia đình tốt, chắc chắn sẽ phát triển (x Mt 13,23).
  • Ơn cứu độ còn lệ thuộc vào tín điều Các Thánh Cùng Thông Công, nên nhờ Đức Tin của Hội Thánh và của cha mẹ mà em bé được lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Vì cha mẹ biết điều tốt mà không làm cho con, thì có tội (x Gc 4,17).

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai nhiều gia đình (người lớn cũng như trẻ nhỏ) đã xin ông Phaolô ban Bí tích Thánh Tẩy cho gia đình bà Lyđia (x Cv 16,14-15) ; gia đình viên cai ngục (Cv 16, 30-34) ; gia đình ông Kryspô trưởng hội đường (Cv 18, 8).

 

(x GL Roma số 1250-1251).

 

2/ ƠN TÁI SINH KHỞI ĐI TỪ NƯỚC, VÀ ĐƯỢC THÀNH SỰ NHỜ THẦN KHÍ (LỜI CHÚA).

 

          Sau khi đã được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy bằng nước, người Kitô hữu còn được tiếp tục tái sinh bởi Thần Khí (Lời Chúa), vì Chúa Giêsu đã nói : “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63). Như vậy, một người sau khi đã lãnh Bí tích Thánh Tẩy bằng nước, mà có điều kiện nghe Lời Chúa, thì càng được Chúa ban nhiều ơn. Kinh Thánh nói : “Ai bớt Lời nào trong Thánh Kinh, Thiên Chúa sẽ bớt phần kẻ ấy hưởng nơi Cây Sự Sống” (Kh 22,19). Bởi đó trong Nghi Thức ban Thánh Tẩy, sau khi chủ sự đổ nước cùng với lời đọc: “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”,thì không ai thưa “Amen”. “Amen” có nghĩa là hoàn hảo. Vậy người cha mẹ phải có trách nhiệm cho con mình được lãnh Bí tích Thánh Tẩy hoàn hảo, trọn vẹn, bằng cách hằng ngày dạy con thuộc, hiểu và sống Lời Chúa, tới khi con nhắm mắt lìa đời lúc đó mới thưa “Amen”, làm hoàn hảo Bí tích Thánh Tẩy.

 

Tuy nhiên ơn tái sinh phải đón nhận bằng Đức Tin, vì “Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là phương nhận thức các thực tại người ta không thấy” (Dt 11,1). Bởi thế Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: “Gió muốn đâu thì thổi đến, ông nghe được tiếng nhưng nào có biết được từ đâu mà đến hay lại đi đâu? Cũng vậy về mọi kẻ sinh bởi Thần Khí” (Ga 3,8 : Tin Mừng).

 

          Đức Giêsu nói thế để chúng ta hiểu rằng : Những thực tại hữu hình ngay ở trần gian này ta có thể nhìn hay sờ nắn, mà ta vẫn không hiểu thấu tất cả những gì ta muốn biết về nó, huống chi ơn tái sinh thuộc lãnh vực siêu hình, thuộc Đức Tin, làm sao con người có thể dùng trí tuệ hữu hạn để lý luận hiểu hết mới tin?!

 

          Lần kia Đức Khổng Tử đang phóng ngựa trên đường dài, thình lình ông phải dừng lại vì nhìn thấy một chú bé đang dùng đất sét nặn mô hình một thành phố giữa đường. Đức Khổng Tử lên tiếng:

 

  • Chú bé, tránh ra cho tôi đi, đường để đi chứ không phải để ngồi nghịch  ngợm.
  • Thưa ngài, ngựa phải tránh thành phố mà đi hay thành phố phải tránh ngựa ?

Đức Khổng Tử nghe chú bé vặn hỏi về sự thông minh của mình, nên ngài đặt câu hỏi :

 

  • Nếu chú trả lời được câu hỏi của ta, ta sẽ cho ngựa vòng lối khác đi, còn nếu không ta sẽ cho ngựa dẵm nát công trình của chú. Chú nói cho ta nghe : ánh sáng nào lại không nóng, không có khói?
  • Thưa ngài, về ban đêm ngài không thấy đít con đom đóm nó sáng hay sao, mà đâu có nóng, cũng chẳng có khói ?  Rồi chú bé lại đưa ra câu hỏi :
  • Thưa ngài, ngài có biết trên đầu ngài có bao nhiêu sợi tóc không ?!

Khổng Tử tấm tắc khen ngợi : “Đúng là hậu sinh khả úy”, và ông đã cho ngựa rẽ lối khác mà đi.

 

3/ ƠN TÁI SINH CHO TA TRỞ NÊN HIỀN THÊ CỦA ĐỨC KITÔ, ĐƯỢC THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG RA TAY BẢO VỆ.

 

          Chỉ những ai đã lãnh Bí tích Thánh Tẩy, mới được dự tiệc Thánh Thể. Khi dự tiệc này, Chúa Giêsu trao thân cho ta, và ta trao thân cho Ngài. Đây là hành động bền chặt nhất của luật Hôn Nhân. Mà ta đã được trở thành Hiền Thê của Chúa Kitô, đúng như lời thánh Phaolô nói : “Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2Cr 11,2). Một khi ta đã được nên một với Chúa Kitô, như vợ chồng tuy hai đã nên một, thì không thể phân ly (x Mt 19,5). Bởi đó chắc chắn ta sẽ được Ngài yêu thương chăm sóc bảo vệ hơn ông Hôsê gìn giữ cô vợ dâm đãng, không để ai giựt vợ khỏi tay ông (x Hs 2,12). Mối tình của ngôn sứ Hôsê đối với cô vợ trắc nết chỉ là hình ảnh mờ nhạt tiên báo về mối tình của Chúa Giêsu đối với các Kitô hữu là Hiền Thê của Ngài, như Ngài nói : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai giựt được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai giựt được chúng khỏi tay Chúa Cha.Tôi và Chúa Cha là một." (Ga 10,27-30).

 

          Để làm chứng Thiên Chúa chăm sóc bảo vệ ta thoát tay ác thần, thánh sử Luca đã ghi lại niềm xác tín của các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai, khi thấy các Tông Đồ bị bách hại mà vẫn hân hoan. Họ đã thưa cùng Chúa : "Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó; Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa-vít, tôi trung của Ngài, mà phán: Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.

 

          Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu."Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa”  (Cv 4,23-31 : Bài đọc).

 

          Ta biết đau khổ Chúa cho phép xảy đến tấn công Hiền Thê của Ngài là dấu chỉ họ tin theo Chúa vì yêu. Mà muốn lớn lên trong tình yêu thì phải “lột xác”. Quả thật, nhiều sinh vật Chúa cho nó tăng trưởng và được biến dạng, nó cần phải lột xác, như con sâu lột xác thành con bướm. Bướm thì hơn sâu. Thế thì Thiên Chúa cũng muốn con người phải chấp nhận “lột xác”, tức là phải chịu khổ vì sống Lời Chúa, để được tham dự vào vinh quang của Ngài. Do đó thánh Phaolô nói : “Hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Đức Ki-tô Giê-su, thì chính trong sự chết của Ngài mà ta được thanh tẩy. Vậy nhờ thanh tẩy ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Đức Ki-tô nhờ bởi vinh quang của Cha, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới. Nếu ta chết làm một với Đức Ki-tô, ta cũng sẽ cùng sống với Người trong vinh quang” (Rm 6,3-4.8).

 

Vậy khi chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa, phải thể hiện Đức Tin và lòng Mến bằng việc “lột xác” mình, tức là phải thoát ra khỏi kiếp sống thói quen, luật lệ, cơ chế, định kiến ràng buộc, như bóng đêm đang đè trên tâm tư của ông Nicôđêmô tìm đến nhà Đức Giêsu xin dạy bảo (x Ga 3,1-3). Muốn được thế, ta phải chấp nhận chết cho niềm tin, hay ít ra như ông Phêrô và Gioan bị người đời hành hạ. Nhưng sự lột xác này không phải do ý chí con người có thể thực hiện được, mà là nhờ vào Lời quyền năng của Chúa.

 

Nói cách khác, nhờ hiệp dâng Thánh Lễ mỗi ngày, ta mới có sức chiến đấu với sự ác, bởi lẽ “Thiên Chúa là cờ trận của ta” (Xh 17,15). Quả thật “không phải nhờ gươm, nhờ giáo, mà Chúa ban chiến thắng, vì chiến đấu là việc của Thiên Chúa” (1Sm 17,47). Nhưng nếu ta chỉ nhờ vào tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa cứu, mà chính mình không làm gì, thì đó là đại mê tín (mục sư Luther King).

 

Vậy song song với việc cầu nguyện, ta phải chuyển hướng mọi sinh hoạt nhằm làm vinh danh Chúa, như thánh Phaolô dạy : “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Ta biết ý hướng mới quyết định giá trị một người chứ không phải do việc làm. Ví dụ : một người lái xe rủi ro làm chết người ngoài ý muốn, họ vô tội ; trái lại, nếu người đó chưa giết được ai mà lúc nào cũng nuôi lòng căm thù người khác, thì đã là kẻ sát nhân. Người Công Giáo luôn phải có ý hướng sống xứng đáng là Hiền Thê của Đức Kitô, thì cũng giống như đôi vợ chồng phải luôn có ý hướng làm vui lòng nhau, từ suy nghĩ đến lời ăn tiếng nói, việc làm. Có thế mới dâng lên Chúa Đức Tin và lòng Mến của mình trong lời kinh : “Lạy Chúa, hạnh phúc thay những ai ẩn náu bên Ngài” (Tv 2,12 : Đáp ca).

 

THUỘC LÒNG

 

          Ai không sinh lại bởi nước và Thần Khí thì không thể vào được Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).

 

http://phaolomoi.net

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH