Cuộc viếng thăm lịch sử
CUỘC VIẾNG THĂM LỊCH SỬ (LỄ ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BÉT)
Đúng vào ngày kết thúc Tháng Hoa kính Đức Mẹ (31/5), Giáo Hội cử hành lễ Đức Maria Thăm Viếng Bà Ê-li-sa-bét. Vì sao có cuộc thăm viếng này? Vì khi truyền tin cho Đức Maria là Ngôi Lời sẽ Nhập Thể trong cung lòng của Đức Mẹ, sứ thần có báo cho Mẹ một tin vui: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.” (Lc 1 38). Bà Ê-li-sa-bét là chị họ của Đức Maria, vì thế Đức Mẹ “vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa” (Lc 1, 39) để viếng thăm và ở lại với người chị họ 3 tháng.
Xét theo sự giao tể của con người, khi thấy chị em có tin vui thì đến chia vui là chuyện bình thương. Tuy nhiên, nếu để ý một chút sẽ thấy bà Ê-li-sa-bet với Đức Maria chỉ là chị em họ, mà con đường từ nơi Đức Maria tới nơi bà Ê-li-sa-bét phải vượt qua một chặng đường đồi núi chập chùng rất dài (đi bộ phải mất 2 – 3 ngày đường), đầy khó khăn nguy hiểm, đó sẽ là trở ngại lớn khiến khó lòng thực hiện được ý định viếng thăm nhau. Vậy mà Đức Mẹ vẫn “vội vã” tới thăm, điều này cho thấy phải có một động lực rất mạnh thúc đẩy Mẹ lên đường. Không những thế, Mẹ còn ở lại chăm sóc người chị họ cho tới khi bà mãn nguyệt khai hoa. Như vậy thì cuộc thăm viếng lịch sử này đã hàm chứa 2 chiều kích nền tảng của Ki-tô Giáo: Chia sẻ và Phục vụ trong Yêu thương.
1- Chia sẻ: Trước khi có cuộc thăm viếng của Đức Maria, thì đã có cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến trao ban Con Một của Người cho nhân loại trong cung lòng của Đức Mẹ. Chính Chúa Giê-su là Đấng cứu độ và giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết đời đời. Người mang lại nguồn ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa cho những ai tin tưởng và đón nhận tình yêu của Người. Khi Đức Mẹ “xin vâng” thì cũng là lúc Mẹ được tràn đầy Thánh Thần, và chính đó là động lực thúc đẩy Mẹ thể hiện việc đem Tình Yêu chia sẻ cho tha nhân. Nói cách khác là ngay từ lúc này, Đức Mẹ đã thi hành sứ vụ “đi khắp tứ phương loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15) như về sau Đức Giê-su Thiên Chúa hằng giảng dạy và sai phái các môn đệ của Người.
Đức Maria viếng thăm là đem Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, cũng là Con của Mẹ đến với gia đình bà Ê-li-sa-bet. Và vì thế, nên bà E-li-sa-bét mới nói: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." (Lc 1, 43-45). Vì yêu thương, nên dù đường sá xa xôi, vất vả, qua miền đồi núi đầy cam go, nguy hiểm, Đức Maria vẫn lên đường viếng thăm người chị họ. Chính tình yêu đã thúc đẩy bước chân Mẹ. Quả thật hình ảnh cao đẹp này cũng đã được tiền định từ trước, nên ngôn sứ Xô-phô-ni-a mới viết “Thánh vịnh mời gọi Si-on vui mừng” (xc bài đọc 1 hôm nay: Xp 3, 14-18a) và ngôn sứ I-sai-a hết lời ca tụng: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ.” (Is 52, 7).
Đến như Bài ca Ngợi Khen (Magnificat) tuy là lời Đức Mẹ chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa, nhưng đó lại là Tin Mừng đem đến cho mọi người, nếu biết tin yêu và vâng phục thánh ý của Thiên Chúa (như Đức Mẹ) và hân hoan vui mừng đón nhận (như hai mẹ con bà Ê-li-sa-bét và thai nhi Gio-an Bao-ti-xi-ta). Thật thế, “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời."
2- Phục vụ: Nếu chỉ tới thăm rồi về ngay thì chưa đủ, mà Đức Mẹ còn “ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.” Khi Đức Mẹ tới viếng thăm thì bà chị họ đã có thai được 6 tháng, bây giờ Mẹ ở lại thêm 3 tháng nữa, tức là ở lại với người chị họ tới ngày bà sinh con. Rõ ràng Đức Mẹ ở lại chỉ với mục đích duy nhất là để giúp đỡ, chăm sóc thai phụ trong những ngày cuối thai kỳ. Người phụ nữ có thai rất cần có người ở liền bên phục vụ, mà người đó phải là phụ nữ, bởi có những việc người chồng không thể làm được. Hành động phục vụ của Đức Mẹ chính là vâng phục tuyệt đối thánh ý của Thiên Chúa (“những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta.” – Lc 1, 2), mà khi Người Con của Mẹ trưởng thành đã giảng dạy và thực hiện (“Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em… Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” – Mt 20, 26).
Trong cuộc sống xô bồ ngày nay, chuyện đi thăm viếng nhau ngày càng ít dần, nhất là những người sống ở thành thị. Có khi sống liền vách với nhau mà cũng không hề có được tình nghĩa “tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa mua láng giềng gần”! Tình nghĩa láng giềng ngày càng lợt lạt, thay vào đó là “đèn nhà ai nhà nấy sáng, sống chết mặc bay”. Ngược lại, có những người thăm viếng nhau hàng ngày, mỗi ngày bỏ rất nhiều thời giờ để nói chuyện cà kê dê ngỗng với nhau hoặc ngồi lê đôi mách, nói hành nói xấu, đơm điều đặt chuyện. Việc họ thăm viếng chẳng những không giúp ích gì cho nhau mà còn làm cớ cho nhau phạm tội (dèm pha, nói xấu, thậm chí còn xúc xiểm gây thù chuốc oán người khác). Ấy mới chỉ là nói về việc thăm viếng nhau đã khan hiếm như thế, thì không hiểu việc yêu thương phục vụ sẽ còn khó kiếm đến như thế nào!
Như vậy thì cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Mẹ dành cho gia đình ông Da-ca-ri-a là khởi đầu cho Giao Ước Mới đem Tin Mừng đến cho nhân loại. Đức Maria thăm viếng vừa để chia sẻ Tin Mừng vừa để phục vụ anh em, đã thể hiện cụ thể và sinh động nhất tình cảm “yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 30-31). Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương tuyệt vời cho mọi tín hữu noi theo. Dành thời giờ quý báu để thăm viếng nhau, chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa đến phục vụ cho tha nhân luôn luôn và mãi mãi phải là sứ vụ của con cái Chúa, không thể khác hơn.
Ôi! “Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, ngay khi còn cưu mang Thánh Tử Giê-su, Thánh Mẫu Maria đã được Cha soi sáng và người đã đi thăm bà Ê-li-sa-bét. Xin cho chúng con hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được cùng Ðức Maria ngợi khen Cha muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giê-su Ki-tô Con Cha là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-sa-bét).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: