Dấu đinh
Nhật ký dâng Mẹ:
DẤU ĐINH
* Ngày 5/3/2014: Mẹ đáng kính! Hôm nay là thứ tư Lễ Tro. Con quyết định Mùa Chay năm nay sẽ viết nhật ký dâng Mẹ. Mẹ biết tại sao không? Tại hôm Tết Giáp Ngọ vừa rồi (31/01 – 02/02/2014), rảnh, con đọc lại pho “Truyện Cổ”, có một truyện ngắn làm con suy nghĩ nhiều.
Đó là truyện kể về một anh chàng nghĩ ra cách “tự răn mình”: Mỗi lần phạm lỗi lầm thì đóng một cây đinh vào cột nhà. Chỉ một thời gian ngắn, cái cột ấy bị đóng chi chít toàn đinh là đinh. Anh ta giật mình: “Chẳng lẽ ta lại có nhiều lỗi lầm đến như vậy sao?”. Anh loay hoay tìm cách “nhổ đinh”: Mỗi lần làm được một việc tốt hoặc sửa được một lỗi lầm thì nhổ bớt đi một cây đinh. Tuy nhiên, nếu còn phạm lỗi tiếp thì vẫn phải đóng đinh vào cột, nhưng là ở điểm mới chớ không được đóng vào những lỗ đinh đã được nhổ đi. Bạn bè đến thăm thấy vậy, chưa hiểu ý, cho là anh “mát điện”; nhưng khi đươc giải thích thì lại cho đó chính là cách “nhìn lại mình để sửa mình” tuyệt vời. Khá lâu sau đến thăm, thấy cột nhà không còn cây đinh nào, bạn bè chúc mừng vì đức tính “nhân bản” của anh bạn đã được phục hồi. Mặt anh vẫn buồn rười rượi: “Đinh đã nhổ hết, nhưng lỗ đinh vẫn còn nguyên, chẳng cách nào xoá được”.
Con muốn học theo anh bạn sáng chế ra cách “sửa mình” độc đáo đó, nhưng nhà con không có cột gỗ, đành phải viết nhật ký, ghi lại những lỗi lầm đã phạm đến Chúa, đến Mẹ, đến anh em của con, Mẹ ạ!
* Ngày 15/3/2014: Mẹ ơi! Ôi chao! Mới chỉ có hơn một tuần mà con đã ghi được đến cả chục trang … lầm lỗi. Con toát mồ hôi! Cái anh bạn trong truyện cổ đóng đinh vào cột; còn con, con đang đóng đinh vào Thầy con, phải không Mẹ? Trong Mùa Chay mà còn đóng đinh Thầy nhiều đến thế này, thì ngoài Mùa Chay còn tới đâu nữa! Mẹ ơi! Xin giúp con, có cách nào “nhổ đinh” được để Thầy con đỡ đau đớn không?
* Ngày 20/3/2014: Mẹ kính! Con sợ hãi quá, Mẹ ạ! Suốt ngày con cứ loay hoay với cuốn nhật ký trên tay. Ô hay! Tại sao con chỉ biết âm thầm lo lắng, mà không biết cầu nguyện nhỉ? Con cầu nguyện với Thầy con, với Mẹ. Bây giờ thì Mẹ đã soi sáng cho con biết cách “nhổ đinh”: Con phải thực hành ngay lời Thầy đã dậy: “Hãy để của lễ đó, mà về hoà giải với anh em trước đi” (Mt 5, 24). Và mỗi lần thực hành được như vậy, con “nhổ đinh” bằng cách dùng mực đỏ xoá đi những điều sai lỗi ghi trong nhật ký. Dần dần, các trang nhật ký trông rất ngộ nghĩnh: Những gạch đỏ chi chít chồng chéo lên những hàng chữ đen ngòm. Lem luốc, nhếch nhác quá! Đúng như anh bạn trong truyện cổ nói: “Đinh được nhổ đi nhưng dấu đinh vẫn còn”. Làm sao bây giờ?
* Ngày 13/4/2014: Mẹ yêu! Hôm nay đã bước vào Tuần Thánh. Sắp hết Mùa Chay rồi! Mùa Chay năm nay, con đã làm được gì? Những trang nhật ký đã được xoá gần hết, nhưng nhìn nó vẫn còn “gai mắt” lắm, Mẹ ạ! Làm sao bây giờ? Con có thể ném cuốn nhật ký ấy vào sọt rác hoặc đốt bỏ, con có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy nó nữa; nhưng còn những dấu đinh trên mình Thầy con, thì sao? Con buồn quá, Mẹ ạ! Cả tuần nay, con cứ loay hoay, lẩy bẩy giống như “gà mắc tóc” (gà ăn phải nùi tóc, mắc kẹt ở cổ, nuốt vào không được, lấy chân móc ra cũng không xong). Hình như cái đám tóc này nó không những chỉ vướng ở cổ con, mà còn quấn chặt cả tim con. Con lúng túng đến thảm hại!
Con người của con vẫn cứ “nói thì hay lắm, y như đám kinh sư “ngồi trên toà ông Mô-sê” vậy! Đám kinh sư thì đã được Thầy con nói thẳng: “Họ nói mà không làm” (Mt 23, 1-12); nhưng còn con thì sao? Hình như con vẫn chưa “làm theo đúng những gì đã nói”. Vậy đó! Hôm nay, con mở cuốn nhật ký ra, đọc lại, rồi ghi được vài hàng. Đến đây thì “bí”, chẳng biết viết gì nữa. Nửa thì muốn bộc bạch cho hết với Mẹ, nửa lại muốn “chôn chặt vào đáy lòng”. Nhưng liệu “chôn chặt” thì có giấu được Mẹ không, có giấu được Thầy con không? Thật đúng là cái thứ “gà mắc tóc”.
* Ngày 27/4/2014: Hôm nay là CN.II/PS, Chúa nhật kính “Lòng Thương Xót Chúa” Con được biết: Ngày 22/2/1931, tại tu viện ở Crakow, lần đầu tiên Thầy Chí Thánh Giê-su hiện ra với Faustina, và trong lần thị kiến này, Người đã yêu cầu chị thực hành ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa vào đúng Chúa nhật đầu tiên sau ngày Chúa Phục Sinh. Kể từ đó cho tới khi qua đời, chị thánh liên tiếp được Chúa Giê-su hiện ra để mạc khải về Lòng Thương Xót Chúa dành cho loài người (nói chung) và cách riêng cho những tội nhân, những người cùng khổ, bị áp bức, bệnh hoạn, tật nguyền.
Mỗi lần hiện ra, Đức Giê-su thường đưa tay phải ra phía trước như ban phép lành, còn tay trái thì chỉ vào những vết thương Chúa đã chịu trong cuộc Khổ Nạn, rồi dừng lại thật lâu nơi Trái Tim Người. Từ Thánh Tâm Chúa phát xuất hai luồng ánh sáng (môt màu đỏ và một màu trắng) rực rỡ. Chính Chúa Giê-su đã giải thích cho chị thánh hiểu rõ ý nghĩa về điều này: “Luồng ánh sáng trắng biểu thị Nước, dòng nước biến đổi các linh hồn thành công chính. Luồng ánh sáng đỏ biểu thị Máu ban sự sống cho các linh hồn.” (Nhật ký “Lòng Thương Xót Chúa trong linh hồn tôi”, trang 299).
Mẹ ơi! Con suy nghĩ rất nhiều về những dấu đinh, những vết thương hằn in trên mình Người Thầy của con. Những dấu đinh trên cột nhà của anh chàng tự “răn mình” là do anh ta tự đóng mà chỉ đóng vào cột nhà (sức mấy mà dám đóng vào tay chân mình!). Còn những dấu đình, những vết thương trên thân mình Thầy của con thì lại do chúng con đóng (không phải chỉ đóng đinh Thầy cách đây hơn 2000 năm, mà vẫn còn liên tiếp đóng đinh, đâm gươm vào Thầy cho đến tận ngày nay và không biết tới bao giờ mới chấm dứt?).
Ngày hôm nay, có một sự kiện xảy ra làm con bàng hoàng suy nghĩ, đó là lễ phong thánh cho 2 vị Giáo Hoàng Gio-an XXIII và Gio-an Phao-lô II. Đây thực là một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội – con của Mẹ. Giới báo chí gọi là “Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”: lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim (Đức Phan-xi-cô) và một vị cựu (Đức Bê-nê-đic-tô XVI) cùng hiện diện trong buổi lễ. Con chú ý nhất đến bài giảng trong Thánh lễ, Đức đương kim Giáo hoàng Phan-xi-cô có nói đến vấn đề mà con đang loay hoay như “gà mắc tóc”:
“Những vết thương của Chúa Giê-su là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế nơi thân thể của Chúa Ki-tô Phục Sinh, những vết thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: “Từ những vết thương của Người, anh chị em được chữa lành” (1Pr 2, 24; xc Is 53, 5).
Như vậy, phải chăng “Những vết thương của Chúa Giê-su là cớ vấp phạm đối với đức tin” của con? Nghĩ đến đây, con lịm người, đầu óc choáng váng, không còn đủ can đảm viết tiếp được nữa. Mẹ ơi! Xin cứu con.
* Ngày 4/5/2014: Sáng nay, con được nghe bài Tin Mừng CN.III/PS “Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau” (Lc 24, 13-35) trình thuật tâm trạng của 2 môn đệ thất vọng vì Thầy mình đã chịu khổ hình và đã chết ô nhục trên thập giá. Sau khi Thầy tử nạn trên thập giá, thì có thể nói hai môn đệ trên đường Em-mau bộc lộ rõ nét nhất tâm trạng chung của các Tông đồ tiên khởi: chán chường, mệt mỏi, thất vọng não nề. Thế là hết, hết mọi hy vọng về một vương triều mới dưới sự lãnh đạo của Vua Giê-su. Tuy rằng các môn đệ khác còn theo người Mẹ mà Thầy mình đã trối trăng dưới chân thập tự, tập trung tại một nơi để cầu nguyện; nhưng hai ông thì thật sự tuyệt vọng, chẳng còn lý do gì để lưu lại chốn kinh thành. Niềm tin hoàn toàn sụp đổ. Thôi thì “Văn chương phú lục chẳng hay, Trở về làng cũ học cày cho xong” (ca dao VN).
Khi niềm tin đã mất thì cũng có nghĩa là coi Thầy mình không còn phải là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Như vậy thì có khác nào lại tiếp tay quân dữ đóng đinh Thầy? Nhưng thật phúc cho hai ông, vì có một người khách lạ đến mở mắt cho hai ông nhìn rõ được mọi sự và thế là “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” để làm chứng cho một biến cố Phục Sinh mà mình đã được “nhìn thấy”, được “chạm đến”. Niềm tin được phục hồi nhờ mầu nhiệm Phục Hồi Sự Sống (Phục Sinh). Ôi chao! “Hai môn đệ trên đường Em-mau thì như thế, còn mình thì sao?” – Con tự cật vấn mình và ra hạn phải tìm được lời giải.
* Ngày 11/5/2014: Mẹ ơi, bài Tin Mừng sáng nay (CN.IV/PS – Ga 10, 1-10) trình thuật về vị Mục Tử nhân lành Giê-su Ki-tô. Người không những là Mục Tử nhân lành, mà Người còn là Cửa Chuồng Chiên sẵn sàng đón nhận những con chiên biết nghe tiếng Người, sẽ gặp đồng cỏ để được sống và sống dồi dào. Sự kiện nảy nhắc con nhớ tới đã có lần Thầy con dạy: “hãy để 99 con chiên kia ở ngoài đồng hoang, mà đi tìm cho bằng được con chiên bị mất” (Lc 15, 3-7). Giả thử như con, con sẽ nghĩ “Ta hãy còn 99 con chiên, lạc mất một con thì nhằm nhò gì, bỏ luôn!”; nhưng Thầy con thì khác, và vì thế nên Người mới thực sự là Thầy Chí Thánh, là Mục Tử Nhân Lành.
Trái Tim Thầy – một Trái Tim bị vòng gai quấn chặt và hằng tỉ tỉ dấu đinh đâm thâu – vẫn luôn rộng mở, vui mừng đón nhận những đứa con hoang đàng, những con chiên lạc, thậm chí cả những con đi theo đàn sói phản nghịch nữa. Còn trái tim của con, một trái tim non yểu bị tóc quấn chặt mà không biết cách gỡ! Quả thực cái đám tóc nó làm khổ con không ít.
* Ngày 01/6/2014: Hôm nay CN.VII/PS kính mừng Chúa Thăng Thiên. Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố Chúa Giê-su hiện ra tại Ga-li-lê và sai môn đệ đi đến với muôn dân (Mt 28, 16-20). Sau khi dự Thánh lễ, ra tới cuối nhà thờ, con bất chợt nhìn lên bầu trời. Ánh bình minh chói rạng khiến con phải nheo mắt lại. Tự nhiên con nhớ sách Tông đồ Công vụ có trình thuật về biến cố Thăng Thiên (Cv 1, 6-11): Sau khi dặn dò các môn đệ: “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”, thì “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” Ấy thế là các môn đệ cứ “đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi”.
Sự mâu thuẫn giữa Lời Thầy dạy với hiện tượng thăng thiên (Thầy vừa mới nói “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” thì Người được cất lên trời) đã khiến các môn đệ hụt hẫng và lo lắng, để rồi thì cứ “đăm đăm nhìn lên trời” dõi theo bóng dáng của Thầy. Và vì thế, nên “bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” Nghe lời thiên sứ, các môn đệ trở về Giê-ru-sa-lem “ đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.” (Cv 1, 14).
Hôm nay con cũng đăm đăm nhìn lên trời, trong lòng cầu xin Lời hứa của Thầy con (“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” – Ga 14, 16) được thực hiện cho con ngay trong lúc này, để con đủ sức gỡ được đám tóc thử thách đang quấn chặt tim con. Hôm nay cũng là ngày đầu tiên của tháng 6 – tháng của Tình Yêu – mà Hội Thánh dành riêng để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Thánh Tâm Người không chỉ bị lưỡi đòng tội lỗi loài người đâm thâu khi Người đã tử nạn trên thập giá ở đồi Can-vê, mà còn liên tiếp bị đâm thâu bởi những gai sắc, những đinh nhọn, những lưỡi đòng hiểm ác của nhân loại ròng rã hơn 2000 năm qua. Nhớ tới Thầy của chúng con với Trái Tim là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của Tình Yêu mà Người dâng lên Thiên Chúa Cha và dành cho mọi người không trừ một ai; con lại càng thấy cái trái tim hèn mọn yếu đuối của con mới chỉ bị một đám tóc nhỏ quấn chặt đã kêu khổ, rồi quýnh lên không biết cách gỡ.
Nhưng suy niệm mầu nhiệm Thánh Tâm Chúa, con cầu xin với Đấng Bảo Trợ ban Lửa Mến soi sáng cho con, thì con “ngộ” ra rồi! Con loay hoay, lẩy bẩy như “gà mắc tóc” chính bởi đức tin của con còn chao đảo, run rẩy trước những nghịch lý cuộc đời. Những “dấu đinh” trên trang nhật ký còn hằn vết trong tâm hồn con, con quên nghĩ đến một điều là chính Thầy con vẫn sẵn sàng mang lấy (“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” – Is 53, 5); và Người hằng sẵn sàng xoá đi trong tim con, chữa lành cho con (“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” – 1Pr 2, 24).
Con rất sung sướng khi hiểu ra được điều này, không còn sợ “đinh đã được nhổ đi, nhưng dấu đinh vẫn còn” nữa, bởi chính những dấu đinh ấy luôn nhắc nhở cho con biết: Con người yếu đuối và đầy tội lỗi của con, cần phải có một niềm tin sắt đá, một đức tin vững vàng. Thật đúng như lời ĐTC Phan-xi-cô đã dẫn trên (“Những vết thương của Chúa Giê-su là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin.”). Chính những dấu đinh, những vết thương trên mình Thầy con là cớ vấp phạm của con, nhưng đồng thời cũng là điều kiểm chứng lòng tin của con. Vậy thì những dấu đinh trong tâm hồn con sẽ được Thầy con xóa sạch, nếu con có một đức tin vững mạnh.
Ôi! Lạy Mẹ! Con biết rằng, chỉ có như thế, con mới được cứu rỗi. Vì vậy, con quyết tâm dâng Mẹ những trang nhật ký lem luốc này, và xin được hát cùng Mẹ bài “Magnificat”, Mẹ nhé: “Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời. TK: Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.” (Kim Long – “Linh hồn tôi tung hô Chúa”). Mẹ ơi! “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: