Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Niềm tin, lòng mến và trách nhiệm

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ 2014

NIỀM TIN, LÒNG MẾN VÀ TRÁCH NHIỆM

 

Đầu tháng Giêng 2003, tôi đến Roma để tham dự một cuộc họp của Hội Dòng Thánh Tâm về chương trình Việt Nam. Vào những buổi giải lao và sau khi họp xong, chúng tôi đi viếng thăm các địa điểm hành hương ghi dấu những dấu ấn lịch sử thánh của Giáo Hội Kitô đặc biệt là Đền thánh Phêrô và Đền thánh Phaolô ngoại thành. Nơi mà hai vị Tông đồ cả đã đổ máu đào và thi hài các Ngài được chôn cất, nơi đó những ngôi thánh đường sừng sững vượt thời gian như là biểu tượng của Giáo Hội vượt qua bao thăng trầm của lịch sử.

 

Chính giữa của lòng bàn thờ trong Đền Thánh Phêrô, dưới lòng đất, mồ thánh Phêrô được bao bọc quanh bởi mộ các vị Giáo hoàng – các Đấng kế vị Ngài trong sứ vụ chăm sóc đoàn chiên. Hình ảnh biểu tượng này gợi cho chúng ta lời của Chúa Giêsu đã sáng lên: “Simon, anh sẽ được gọi là Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây hội thánh của Thầy…”. Sự việc 2000 năm về trước, xuyên suốt lịch sử đã thành hiện thực: Phêrô của ngàn năm về trước và trong tương lai sẽ mãi là đá tảng để Giáo Hội Chúa Kitô được xây dựng. Hình ảnh biểu tượng rõ ràng nhất là Đền Thánhh Phêrô là ngai tòa Phêrô được xây dựng trên chính thân xác và máu đào của vị Tông đồ trưởng Phêrô.

 

Vương cung Thánh đường Phaolô nằm ở ngoại thành Roma, cũng được dựng lên trên xương máu của Phaolô như là biểu tượng của lòng mến Chúa. Vì trọn đời Ngài cho đến lúc đầu rơi máu đổ xác quyết: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39)

 

Lòng yêu mến của hai vị chính là sự triển nở, hay nói cách khác, chính là hoa trái của đức tin. Đức tin mà Phêrô đã biểu lộ nơi Thầy là Đức Kitô, đức tin mà Phaolô đã lãnh nhận dù là người sau cùng trong hàng ngũ các Tông đồ, nhưng là triển nở. Người có một đức tin sâu xa và kiên vững phải sống thích hợp với đức tin ấy bằng một cuộc sống ngập tràn tình yêu mến đối với Thiên Chúa và đối với anh em. Hai vị Tông đồ Phêrô và Phaolô đã có một đức tin sắt đá và sáng chói, lòng mến dạt dào và nồng thắm thể hiện trách nhiệm đối với Giáo Hội.

 

Hai người hai tính khí, hai nhân cách khác nhau: một người xuất thân từ dân chài, thật thà chất phác nhưng đôi phần nóng nảy. Một người xuất thân là một trí thức trẻ học rộng tài ba thuộc đẳng cấp biệt phái và là công dân của Roma. Cả hai có kinh nghiệm sống và gặp gỡ Thiên Chúa theo lịch sử riêng của mỗi người và được Thiên Chúa chiếm hữu biến đổi để trở nên đá tảng và trụ cột của Giáo hội.

 

·         Phêrô là dân chài lưới với chiếc thuyền nhỏ rong ruổi khắp hồ Tibériat đã trở nên chài lưới người theo ý muốn của Thiên Chúa, hoa tiêu trên chiếc tàu Giáo hội xuôi ngược đại dương trần gian khi ông được Chúa Giêsu gọi và chọn. Ban đầu như bao nhiêu con người, Phêrô tính toán bước đường theo Thầy: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27). Sự tính toán của con người ấy đã khiến ông ngăn cản bước đi cứu chuộc nhân loại của Đức Kitô và bị Ngài quở mắng: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23b); Phêrô của nóng nảy, của yếu đuối, của phản bội: chối Thầy ba lần (Lc 22,54-62). Được tha thứ khiến ông trở nên chia sẻ lòng thương xót của Chúa với anh em như Chúa Giêsu đã nói: ”Phần con, hỡi Phêrô, sau khi đã trở lại, con hãy củng cố các anh em của con” (Lc 22,32). Nhưng cũng Phêrô đầy ơn Chúa xác tín tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Trước niềm tin sắt son này, Phêrô được Chúa đặt làm nền tảng Giáo hội: “Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18); Phêrô tín thác hoàn toàn vào Đức Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Phêrô gắn bó với tình yêu của Thầy trên hết: “Thầy biết con yếu mến Thầy” (Ga 21,15.16.17); Phêrô của sự cương quyết thuộc về Thiên Chúa và chỉ vâng lời và làm chứng về Ngài: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta.... về những sự kiện đó (Đức Kitô đã sống lại), chúng tôi xin làm chứng….” (Cv 5,29.32). Vâng, Ngài đã làm chứng cho đến chết bằng cái chết bị đóng đinh ngược trên đồi Vatican.

 

·         Phaolô hôm qua còn ghét và truy bắt “tà đạo Kitô”, Phaolô – một tay bách hại đạo khét tiếng như chính ông đã nhìn nhận (Gl 1,13), và là người tuân giữ nghiêm ngặt luật Do Thái (Gl 1,14). Phaolô còn liên quan trực tiếp đến vụ án ném đá đến chết của Têphanô – Phó tế tử đạo tiên khởi (Cv 7,59). Được Chúa thanh tẩy và mời gọi, Phaolô trở nên người nhiệt thành yêu mến và truyền bá Đức Kitô và sẵng sàng chết cho niềm tin Kitô mà ông đã xác tín: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1,12), tin và loan báo Đức Kitô là lẽ sống của Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng” (1 Cr 9,16) và chính ông để tình yêu Đức Kitô chiếm hữu “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14), Phaolô chỉ sống vì Đức Kitô và trở nên một với Đức Kitô: “Không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Dù tin vững chắc nhưng Phaolô cũng bị thử thách: như năm lần bị người Do Thái đánh 40 roi bớt một, ba lần bị đắm tàu, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, một đêm một ngày lênh đênh trên biển khơi”, ngoài ra ông còn gặp nhiều khó khăn nguy hiểm trong các cuộc hành trình phải chịu đói khát, rét lạnh…  dù những nguy hiểm ấy bám chặt vây bủa lấy ông, nhưng niềm tin của Phaolô vào Đấng Kitô Phục sinh ngày càng mạnh mẽ vì được tôi luyện. Những bước chân của Phaolô là bước chân gieo hạt giống Tin mừng cho anh em dân ngoại như là ơn gọi đặc biệt của ông (Gl 1,16). Phaolô chúng nhân Tin mừng Chúa Kitô cho đến khi đầu ông rơi, máu ông đổ vì Tin mừng ở ngoài thành Rôma.

 

Sự khác biệt giữa hai cuộc đời, hai quá khứ của Phêrô và Phaolô đã nối thành một, bởi một sợi chỉ “Đức tin vào Thiên Chúa”. Tôi và bạn, chúng ta mỗi người tuy khác nhau, nhưng có cùng một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Một niềm mến, tình yêu sắt son triển nở nơi Đức tin. Chúng ta hãy sống liên đới hiệp nhất với nhau, kiên vững trong đức tin, cộng tác làm việc để niềm tin được trổ bông như chính cuộc đời của hai vị thánh nhân nở hoa kiên định đức tin. Cộng tác làm việc để hoa đức mến thể hiện trong xã hội: “Xin cho chúng con yêu mến để chúng con mến yêu anh em vì đó là dấu chỉ nhận biết Cha” (x, Ga 13,35).

 

Đức tin sinh tình yêu, rồi Đức tin kết hợp với tình yêu sinh ý thức trách nhiệm, trách nhiệm với Giáo hội, trách nhiệm với xã hội qua tư cách công dân, trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, trách nhiệm của người làm con giữa gia đình, trách nhiệm của người thành viên giữa cộng đoàn...

 

Thật thế, trong niền tin vào Chúa với đức mến hãy gánh vác, hãy dấn thân với trách nhiệm mà mỗi người chúng ta có trong cuộc sống và trong cộng đoàn cùng gia đình. Trách nhiệm gánh vác là niềm tin và là niềm hạnh phúc của người tin Chúa như Phaolô đã cảm nghiệm:

 

“Vinh dự của tôi là Thập giá” (Gl 7,14).

 

                            Lm. Vinh Sơn scj