Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Gà gáy và ngã ngựa

Tác giả: 
Lm Trịnh Ngọc Danh

Lễ Kính Hai Thánh PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

Bài đọc 1 : ( Cv 12: 1-11). Bài đọc 2 : ( 2Tm. 4:6-8. 17-18). Tin Mừng : ( Mt. 16:  13-19)

GÀ GÁY VÀ NGÃ NGỰA

 

Để duy trì, phát triển một tổ chức, một cộng đoàn, một trong những yêu tố  quan trọng là vấn đề nhân sự. Bước vào đoạn đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đã bắt đầu nghĩ đến vấn đề đó. Trước tiên, Ngài lần lượt tuyển chọn các môn đệ đi theo để họ nắm bắt được đường lối và giao lý của Ngài qua cuộc sống thực tế với Ngài. Trước khi về trời, Ngài lại chuẩn bị chọn những người kế tục công việc của Ngài ở trần gian.

 

Với quan niệm của con người, những thành phần được tuyển chọn vào một tổ chức, một cộng đoàn phải là những người có danh giá, có địa vị xã hội, có trình độ học vấn cao, và quan trọng hơn là phải có chung lập trường, đường lối, ý hướng của tổ chức ấy. Chúa Giêsu lại chọn những người tiếp nối công cuộc cứu chuộc nhân loại bằng những tiêu chuẩn xem ra khác với các tiêu chuẩn của con người. Hôm nay,chúng ta mừng kính trọng thể hai thánh Tông Đồ, hai cột trụ của Giáo hội, là thánh Phêrô và thánh Phaolô. Dựa vào đâu để Chúa Giêsu tin tưởng và giao những trọng trách lèo lái và phát triển Cộng đoàn dân Chúa ngay từ buổi khai sinh?

 

Trước tiên, thánh Phêrô là ai? Nói đến thánh Phêrô là chúng ta liên tưởng đến tiếng gà gáy. Là một người ngư phủ tính nết bốc đồng nóng nảy, ít kiến thức, hay thay đổi, nhưng được kêu gọi, ông  đã sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi theo làm môn đệ của Chúa Giêsu. Ông không suy tính đắn đo hơn thiệt. Ông tin và ông mến người chọn ông. Ông mau mắn tuyên bố ông yêu mến Chúa, sẵn sàng tuốt gươm đối với những ai xúc phạm đến người ông theo. Ông sẵn sàng quyết đi theo người ông yêu dù phải đi đến đâu, phải khổ cực thế nào. Trong suốt ba năm theo Thầy Giêsu, có lần Ngài đã ba lần hỏi ông: “Simon, con ông Giona, anh có mến Thầy” . Ba lần ông đã khẳng định : Thưa Thầy, con yêu mến Thầy. Và cũng từ tâm tình ấy, Chúa Giêsu đã giao cho ông nhiệm vụ chăn đắt đàn chiên mẹ và chiên con của Ngài.

 

Rồi một lần khác, khi Thầy trò ngồi bên nhau, để trắc nghiệm nhận thức của các môn đệ về mình, Ngài gián tiếp hỏi các ông:  Người ta bảo Thầy là ai? đồng thời qua đó, cũng là dịp để tỏ cho họ biết mình là ai, Chúa Giêsu đã hỏi: “ Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Có lẽ trong số các môn đệ cũng có người nhận thức về Ngài như người ta “ là ông Giaon Tẩy Giả, là ông Êlia, là ông Giê-rê-mia hay một trong các vị ngôn sứ”, nhưng ông Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng: “ Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chẳng biết nhờ đâu mà ông đã nói được câu nói để đời ấy và được Thầy Giêsu khen: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Đúng là Thần Khí của Thiên Chúa đã mặc khải cho ông, và cũng từ câu nói ấy, Thầy Giêsu biết rằng đó là ý định của Chúa Cha, nên Ngài đã chính thức giao trọng trách cho ông: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, thì trên trời, cũng tháo cởi như vậy”.( Mt 16: 13-19)  

 

Thế nhưng lòng yêu mến và nhiệt tình của ông lại trở thành con số không, khi gặp nguy tử. Khi Chúa Giêsu bị bắt và bị đưa ra Thượng Hội Đồng, trà trộn trong đám đông, ba lần nghe người ta bảo ông có liên hệ với ông Giêsu, ông đã ba lần phủ nhận:Tôi không biết cô nói gì! Tôi không biết người ấy! Ngay lúc ấy, có tiếng gà gáy. Đúng như lời Chúa đã cho ông biết trước: “ Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Biết thế, nhưng Chúa vẫn chọn ông. Nhớ lại Chúa nói, ông đã ra ngoài khóc lóc thảm thiết.Với một người tính khí bốc đồng như thế, thì nếu được giao trách nhiệm chăm sóc đàn chiên con và chiên mẹ sẽ tôn tại được mấy ngày, và làm thế nào để có thể là tảng đá vững chắc, biểu hiện cho Hội thánh vững bề và phát triên của Thiên Chúa?  Nhưng tất cả là nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài. Và sau khi Chúa về trời, ông lại là người đi giảng thuyết, làm nhiều phép lạ. Hàng ngàn người chịu phép rửa. Ông sẵn sàng chịu mọi khó khăn , không chùn bước..

 

Và thánh Phaolô thì sao? Từ một người đối nghịch về tôn giáo, hăng say đi tìm giết hại những người xưng danh Chúa Giêsu, lại trở thành môn đệ của Chúa để đi đến với những người đối nghịch. Gậy ông lại dập lưng ông! Biến cố ấy xảy ra từ một lần ngã ngựa.

 

Trước mặt những người Do thái tại Giêrusalem, ông đã thú nhận: “ Tôi là người Do thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng ở thành này; dưới chân ông Ga-ma-li- ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ đạo này, không ngần ngại bắt bớ kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị.

 

Đang khi tôi đi đường và đến gần Đamát, thì vào khoảng trưa, bổng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất, và nghe có tiếng nói với tôi: “ Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “ Thưa Ngài, Ngài là ai? “ Người nói với tôi: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. ( Cv. 22: 3-8)

 

Từ một người đối nghịch như đi trong bóng tối, Chúa Giêsu đã ở mở mắt cho ông qua một lần ngã ngựa. Ông muốn ở lại Giêrusalem để làm chứng về Chúa, nhưng Chúa đã sai ông: “Mau lên, hãy rời khỏi Giêrusalem gấp, vì chúng sẽ không nhận lời con làm chứng về Thầy đâu”. “ Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv, 22:18-21). Chúa thấy nơi ông một lợi khí Ngài chọn để mang danh Ngài đến các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en.

 

Vai trò, phẩm chất của người lãnh đạo theo con người khác với ý muốn của Thiên Chúa. Đối con người,: “ Những người được coi là lãnh tụ các nước, họ cai quản dân chúng với tư cách chủ nhân và những người làm lớn có quyền cai trị dân. Trái lại, đối với Thiên Chúa : “Ai trong các con muốn làm lớn, thì người đó tự làm đầy tớ các con. Và ai muốn trở thành người thủ lãnh trong các con, người đó hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người “.  (Mc 10: 42-45)

 

Hai cộng tác  viên của Chúa, người thì phản bội, người thì đối nghịch, thế mà Hội thánh Chúa vẫn không ngừng phát triển, đó là nhờ có sự can thiệp của Chúa Giêsu và hoạt động của Chúa Thánh Thần.

 

Hai công việc của một tổ chức: Thánh Phêrô lo nội vụ , lo duy trì, nâng đỡ, phát triền đàn chiên mẹ và chiên con trong Cộng Đoàn thì Thánh Phaolô lo ngoại vụ, lo công việc truyền giáo, đem tin Mừng đến với những người chưa nhận biết Thiên Chúa. Nhiệm vụ của Hội thánh là hướng về sự hiệp nhất, là đưa mọi người về cùng Thiên Chúa. Sống đức tin Kitô giáo và Truyền giáo là hai việc làm cốt lõi của Giáo Hội.

 

Trong cuộc sống Kitô hữu, là chi thể của Thân Thể Đức Kitô, là những thành phần của Giáo Hội, đôi khi chúng ta cũng cần tiếng gà gáy để phản tỉnh, để củng cố niềm tin vào lòng thương xót của Chúa mỗi khi đức tin suy giảm, cũng cần những lần ngã ngựa để đặt niềm tin vào quyền năng của Ngài mỗi khi sống tự phụ, tự mãn với khả năng của mình.

 

Điều mà Thiên Chúa cần ở nơi con người là lòng tin, lòng mến, lòng nhiệt thành và sự trung tín. Thiên Chúa thật quyền năng,thật khoan dung độ lượng, yêu thương tha thứ đối với con người!

 

Lm Trịnh Ngọc Danh