Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Học sống hiền lành và khiêm nhượng với Chúa Giê-su

Tác giả: 
Lm Trần Ngà

 

Học sống hiền lành và khiêm nhượng với Chúa Giê-su

(Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 14 thường niên. Tin Mừng Matthêu 11, 25-30 )

 

Nhiều người cho rằng muốn trở nên hùng mạnh và thắng được người khác thì mình phải hung tợn hơn, tàn ác hơn, phải tôn mình lên và hạ bệ người khác xuống, phải dùng sức mạnh để quật ngã, phải dùng khí giới để huỷ diệt và khủng bố kẻ thù... Nhưng suy nghĩ như thế là thiển cận và sai lầm.

 

Lịch sử loài người cho thấy những bạo chúa hung tàn bậc nhất như Nê-rô thời xưa, Hitler,   Polpot thời nay hay bất kỳ một thế lực bạo tàn nào… dù họ nắm được quyền lực trong tay và dùng bạo lực cường quyền để uy hiếp người khác, nhưng rốt cuộc, họ đều bị hạ bệ, bị người đời lên án và chuốc lấy thất bại não nề.

 

Trong khi đó, lịch sử đánh giá rất cao những con người hiền lành, khiêm nhượng, ôn hoà bất bạo động như Mahatma Gandhi, Martin Luther King và nhiều hiền nhân khác đã biết dùng sự hiền hậu, dịu dàng để chiến thắng sự hung bạo cách hiệu quả và vẻ vang. Nhân loại qua bao thời vẫn nhìn nhận họ là những bậc vĩ nhân đáng ngưỡng mộ, biết “dùng nhu để thắng cương, biết dụng nhược để thắng cường.” (Lão Tử)

 

Thế nên, mặc dù Chúa Giê-su có rất nhiều phẩm chất cao đẹp đáng nêu gương, nhưng phẩm chất đầu tiên mà Ngài kêu gọi mọi người nên học với Ngài là đức tính hiền hậu và khiêm nhường. Qua Tin Mừng Mát-thêu chương 11 câu 29, Chúa Giê-su mời gọi: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng.” (Mt 11, 29) và “Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.” (Mt 5, 4)

 

Hiền hậu là lợi khí của người khôn

 

Trong vườn Dầu, khi Phê-rô tuốt gươm ra để bảo vệ Chúa trước đám đông binh lính xông đến bắt Ngài, Chúa Giê-su bảo ông: “Hãy xỏ gươm vào bao. Ai dùng gươm sẽ phải chết vì gươm.” (Mt 26,52)

 

Bạo lực không là giải pháp khôn ngoan, nên người khôn không bao giờ dùng bạo lực để kháng cự bạo lực, không dùng hận thù để trả đũa hận thù, nhưng biết dùng tính khiêm nhường hiền hậu để ứng xử với mọi người, ngay cả khi bị người khác đối xử tàn ác, thô bạo với mình. Hiền hậu là một lợi khí của người khôn để khuất phục kẻ thù.

 

Khi búa tạ tấn công vào đá; đá sẽ dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại nên bị vỡ tan. Đá thất bại hoàn toàn.

 

Khi búa tấn công nước; nước sẽ dùng sự mềm mại dịu hiền của mình để đối lại. Bằng cách nầy, nước không hề bị sứt mẻ hư hao, còn búa thì bị chìm lĩm xuống tận đáy bùn! Thế là nước thắng lớn, búa thua to.

 

Khi búa hung hăng đập vào tường; bức tường sẽ dùng sự cứng rắn của mình chống lại búa; thế là bức tường cao sẽ bị sụp đổ. Tường thất bại.

 

Thế nhưng, khi búa đập vào bức màn; tấm màn sẽ dùng sự dịu dàng của mình né tránh sự thô bạo của búa. Màn bình yên vô sự, còn búa sẽ bị mất thăng bằng và bị lao vào khoảng không. Thế là màn chiến thắng.

 

Như thế, với tấm lòng hiền hậu, khiêm nhường, nhu mì, dịu dàng, mềm mại, người ta có thể thắng được sự thô bạo, hung hăng của người khác.

 

Ngoài ra, với đức tính khiêm nhường hiền hậu, người ta không chỉ thắng được những lực đối kháng bên ngoài mà còn chinh phục được lòng người. Như nước luôn luôn chảy về chỗ trũng, thì lòng yêu thương quý mến của nhiều người khác cũng dồn về cho những người có tâm hồn hiền hậu, khiêm nhường.

 

Gương hiền hậu, khiêm nhường của Chúa Giê-su,

 

Trong cuộc khổ nạn, tấm gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa đã được nêu cao: Mặc dù là Thiên Chúa quyền năng cao cả, là Con Một của Thiên Chúa Cha, Ngài đã chấp nhận cho người đời hèn mọn nhạo cười, phỉ báng, lăng nhục, khạc nhổ vào mặt, đánh đập tơi bời, lại còn chịu vác thập giá, chịu đóng đinh và chết ô nhục trên thập giá… mà vẫn không oán hờn hay kháng cự; hơn nữa, còn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ gây đau khổ cho mình.

 

Lạy Chúa Giê-su,

 

Khiêm nhường và hiền hậu là tính cách nổi bật nhất nơi con người và cuộc đời của Chúa.

 

Khiêm nhường và hiền hậu là nhân đức được toả sáng trong cuộc thương khó của Ngài.

 

Khiêm nhường và hiền hậu là một trong những bài học quan trọng nhất mà Chúa kêu mời chúng con phải học với Chúa từng ngày.

 

Lẽ nào chúng con là những môn đệ đã chọn Chúa làm Thầy và là mẫu mực cho mình, lại gạt bỏ ra khỏi tâm trí mình bài học quý báu nầy; mà lại không noi gương bắt chước Thầy mình để sống khiêm nhường hiền hậu như Chúa sao!

 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà