Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Suy niệm lời Chúa các ngày trong tuần 16 TN

Tác giả: 
Jos Vinc Ngọc Biển

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN

(Từ ngày 21 đến 26 tháng 07 năm 2014)

 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

THỨ HAI

PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN

(Mk 6, 1-4. 6-8; Mt 12, 38-42)

 

Người Việt Nam chúng ta thường có câu: “Bụt chùa nhà không thiêng”. Câu nói đó hàm ý rằng: những người ở gần và sống bên cạnh chúng ta, dù họ có tốt và làm được nhiều chuyện lành thánh thế nào thì cũng chẳng có gì phải bàn và những lời họ nói cũng chẳng cần phải tin. Một lý do đơn giản là: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”.

 

Hôm nay, thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu khiển trách những Kinh sư và Pharisêu cứng lòng không chịu tin vào những lời giảng và những việc Ngài làm. Lòng họ đã trở nên trai cứng. Trái tim họ đã hóa đá. Vì thế, họ thách thức Đức Giêsu phải làm một dấu lạ trực tiếp trước mặt họ thì họ mới tin.

 

Tại sao vậy? Thưa! Đòi hỏi dấu lạ là đặc trưng của người Dothái, nhất là giới lãnh đạo. Trước mắt và tâm thức của những người này khi nhìn về Đấng Cứu Thế  phải là một con người oai hùng lẫm liệt. Đấng ấy phải là người đánh đông dẹp bắc. Phải là người đưa dân Dothái đến bến bờ tự do và bá chủ mọi quốc gia. Và, như một sự tất yếu, Đấng ấy phải làm được dấu lạ, nếu không đáp ứng sự hiếu tri của họ thì họ không tin.

 

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không đi theo con đường đó. Con đường cứu thế của Ngài là con đường khiêm tốn và tự hạ, con đường của khiêm nhu và hiền hậu, chứ không phải con đường của thách thức, kiêu ngạo, khoe khoang... Vì thế, Ngài sẵn sàng làm những dấu lạ để cứu giúp và củng cố niềm tin của người đương thời, nhưng nếu vì thách thức, đi ngược lại với sứ mạng và ích lợi cho phần rỗi của con người thì không bao giờ Đức Giêsu làm.

 

Lời Chúa hôm nay muốn dạy cho chúng ta rằng:

 

Thứ nhất, tìm những dấu lạ để tin cũng được, nhưng đây không phải là đức tin trưởng thành. Đức tin trưởng thành là đức tin của những người không thấy mà vẫn tin. Bởi vì Đức Giêsu đã nói với Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

 

Thứ hai, không nên thuần lý để thách thức Thiên Chúa như những người Dothái. Cần tránh cho xa ý tưởng bắt Thiên Chúa phải làm theo ý của mình.

 

Cuối cùng, tin Chúa thì phải hành động. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Thật vậy, ma quỷ nó cũng tin, nhưng nó không hề hành động theo điều nó đã tin.

 

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin trưởng thành. Xin cũng ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa tha thiết. Biết khiêm tốn để nhận ra thánh ý Chúa và thi hành. Amen.

 

THỨ BA

MẸ VÀ ANH EM CỦA ĐỨC GIÊSU

(Mk 7, 14-15. 18-20; Mt 12, 46-50)

 

Trong cuộc sống, vì nhiều hoàn cảnh, các thành viên trong gia đình nhiều khi phải phân tán để đi làm ăn hay học hành, hoặc vì sứ vụ... Nỗi lòng nhớ quê hương và người thân hẳn không bao giờ vơi đi trong lòng kẻ xa quê! Như vậy, nếu may mắn có cơ hội gặp được người thân nơi đất khách quê người thì thật là hạnh phúc, nhất là người đó lại là cha, mẹ hay anh chị em thân thiện với mình.

 

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Mẹ và anh em của Đức Giêsu đến gặp Ngài. Khi được tin báo, thay vì hồ hởi, tay bắt mặt mừng để ra chào đón Mẹ và anh em của mình, thì Đức Giêsu lại chỉ tay vào các môn đệ và những người đang nghe giảng mà nói: “Đây là mẹ và anh em của ta”. Phải chăng có phũ phàng quá không???

 

Thực ra, qua câu nói này của Đức Giêsu không có ý hạ thấp, giảm nhẹ vai trò Đức Maria là thân mẫu của mình cũng như không hề phủ nhận tình nghĩa anh em trong giòng họ. Nhưng mặt khác, Ngài muốn đề cao Đức Mẹ và anh em mình cách cụ thể, bởi vì chính các ngài là những người đã vâng theo thánh ý Chúa cách triệt để. Cũng qua câu nói này, Đức Giêsu đã đưa dân chúng đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt, đó là những người nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa thì đáng được gọi là mẹ hay anh chị em của Ngài hơn.

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để trở thành thành viên trong đại gia đình của Chúa thực sự. Chỉ những ai được tháp nhập vào trong đại gia đình này mới là những người được ơn cứu độ, vì con cái thì mới được ở trong nhà.

 

Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn thánh của Chúa xuống trên chúng con, để chúng con trở nên những con chiên ngoan ngoãn nhờ biết mau mắn thi hành Lời Chúa. Amen.

 

THỨ TƯ

HÃY LÀ THỬA ĐẤT TỐT

(Gr 1, 1. 4-10; Mt 13, 1-9)

 

Hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn “người gieo giống” để giúp cho những người đương thời nhận ra mình đang thuộc thành phần nào trong dụ ngôn, và qua đó cần có một thái độ phù hợp với Tin Mừng.

 

Đức Giêsu đã đưa ra hình ảnh của người gieo giống để thấy được có nhiều cách tiếp cận Lời Chúa.

 

“Có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất”. Hình ảnh này cho thấy có nhiều kẻ đón nhận Lời Chúa nhưng Lời ấy không sinh ích lợi cho họ vì sự hời hợt chóng qua, nên Lời Chúa không thấm nhập gì trong lòng, khiến những thứ tội lỗi sớm chiếm hữu tâm hồn họ.

 

“Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo”. Thật vậy, có người đón nhận theo trào lưu, theo sở thích chứ không có chiều sâu. Vì thế, khó khăn xảy đến, họ là những người cao chạy xa bay vì sợ liên lụy, không dám can đảm để chấp nhận mình là người thuộc về Chúa nữa. Tâm hồn họ sẽ héo dần theo năm tháng vì không có Chúa ở cùng.

 

“Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt” Trong đời sống của con người hiện nay cũng vậy, họ có quá nhiều sở thích, đến nỗi cái chính yếu lại trở thành phụ thuộc, cái bên lề lại đưa vào chính diện. Tin Chúa, nhưng đồng thời cũng tin đủ thứ, nên đời sống đức tin của họ thuộc dạng người thiếu lập trường, nên: “Gió chiều nào thì ngả theo chiều đó”.

 

“Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả... ”. Thật vậy, để trở thành thửa đất tốt theo tinh thần Tin Mừng, mảnh vườn tâm linh của con người phải là một mảnh vườn đơn sơ, chân thành để hạt giống một khi được gieo vãi, thì sẽ có cơ hội phát triển và trổ sinh bông hạt dồi dào.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con là hạt giống tốt và thửa ruộng màu mỡ, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và được phát triển qua hành động tốt chúng con làm hằng ngày. Amen.

 

THỨ NĂM

XIN ĐƯỢC BIẾN ĐỔI

(Gr 2, 1-3. 7-8. 12-13; Mt 13, 10-17)

 

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe xem ra có vẻ khó hiểu. Vì khó hiểu,  nên các môn đệ khi xưa đã hỏi Đức Giêsu: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?".  Sự khó chịu và thắc mắc này đã được chính Đức Giêsu trả lời cho các ông biết nguyên do:

 

Nghe mà không chú ý, suy gẫm; nghe mà không cảm thấy Chúa nói với mình để mà sám hối sửa sai, thì cũng như người có tai mà không nghe. Có nhiều người miệng thì đọc “lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng tay thì lại “đấm ngực người khác”. Những người như thế thì chẳng khác gì: “vịt nghe sấm”; hay “nước đổ lá khoai”, nên có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, trố mắt nhìn cũng không thấy gì. Họ là những người không hề có thiện chí để cho Lời Chúa soi chiếu và hướng dẫn mình. Lời Chúa đến rồi lại đi như “khách bộ qua đường”,  không để lại nơi tâm hồn họ điều gì cả, nên họ đâu có thấy điều gì lỗi mà phải sửa. Vì thế, chúng ta không lạ gì vẫn còn đó những người: “Bên ngoài thơn thớt nói cười mà trong nhan hiểm giết người không dao”.

 

Thái độ đón nhận Lời Chúa như thế, hẳn không bao giờ và không thể nhận ra Lời Chúa như là vị mật ngọt ngào hay như dòng suối mát cho tâm hồn, mà ngược lại, họ coi Lời Chúa như một cái gì đó khó ưa, khó dùng, khiến tâm hồn không thể đón nhận.

 

Tại sao vậy? Thưa! “Vì lòng dân này đã ra chai đá”, nên không còn có chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.

 

Thật vậy, Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành và yêu mến. Họ là những người bé mọn, đơn thành nên đã có thì lại được đầy dư, còn kẻ không có nghĩa là không tin như Kinh sư và Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị lấy đi, và mọi việc họ làm trở nên vô ích.

 

Với nhiều người ngày nay, có lẽ đức tin không đến nỗi quá cứng lòng như những Kinh sư và Pharisêu, nhưng con người đang rơi vào tình trạng thờ ơ, dửng dưng, vô cảm với chính Lời Chúa và những nghĩa vụ liên quan đến đức ái với anh chị em đồng loại. Đây có lẽ là điều nguy hiểm không nhỏ đến ơn cứu độ, bởi vì có thể nói: đây là căn bệnh “ung thư” thời đại mới nơi tâm hồn rất nhiều người.

 

Lạy Chúa, xin cho tâm hồn chúng con được trở nên đơn sơ, bé nhỏ để đáng được hiểu Lời Chúa mặc khải cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và mau mắn thi hành để đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Amen.

 

THỨ SÁU

HÃY THEO THẦY

Lễ thánh Giacôbê Tông đồ

(2 Cr 4, 7-15; Mt 20, 20-28)

 

Ơn gọi làm môn đệ là một huyền nhiệm, bởi vì chẳng ai được gọi lại cho mình là xứng đáng với sứ vụ. Mặt khác, không ai có quyền buộc Thiên Chúa phải chọn mình vào trong chức này, việc nọ theo ý riêng. Vì thế, Thiên Chúa chọn và gọi ai tùy ý Ngài, miễn sao người được chọn cảm nghiệm và sẵn sàng đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Ngài.

 

Cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương mình quá đỗi, thánh Giacôbê đã rắp tâm đáp lại lời mời gọi làm môn đệ của Đức Giêsu ngay lập tức. Dẫu biết rằng bản thân mình chỉ là một con người tài thô ý thiển. Thật vậy, thánh nhân làm nghề chài lưới, được truyền từ đời này sang đời khác. Một nghề bình thường trong các nghề của người sinh thời với thánh nhân.

 

Tuy nhiên, khi được Đức Giêsu yêu thương, gọi và chọn, thánh nhân cũng được Ngài biến đổi, cải hóa để trở thành những môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu trong hành trình loan báo Tin Mừng. Từ một môn đệ tham, sân, si” khi nhờ mẹ đến xin cho mình một địa vị ưu tiên trong Nước mà Đức Giêsu sắp thành lập, trở thành một con người say mê Đức Giêsu thực sự, nên được chính Đức Giêsu cho chứng kiến các thời điểm quan trọng trong cuộc đời Ngài.

 

Thánh Giacôbê đã là nhân chứng cuộc biến hình trên núi Tabor; chứng kiến con ông Zairô được Đức Giêsu làm cho sống lại; chứng nhân trong vườn Cây Dầu lúc Đức Giêsu hấp hối, và là người đầu tiên trong Nhóm 12 đã lấy máu đào làm chứng cho Thầy Chí Thánh của mình.

 

Vì yêu mến Đức Giêsu hết lòng, ngài hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đấng Cứu Thế, Đấng ấy: “... đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), nên ngài đã từ bỏ hết tất cả những địa vị mà trong tâm tưởng vẫn hy vọng theo kiểu thế gian, chấp nhận mất tất cả để chỉ còn một mối lợi duy nhất là được biết Đức Kitô, và sẵn sàng làm chứng cho Ngài.

 

Hôm nay, phụng vụ mừng kính lễ thánh Giacôbê Tông đồ. Giáo Hội muốn nêu bật gương sáng về lòng yêu mến Chúa và trung thành với sứ vụ nơi thánh nhân.

 

Nhân ngày lễ thánh Giacôbê, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta được trở nên giống ngài. Biết nhìn nhận những sự bất toàn của mình để cho Lời Chúa uốn nắn ta theo ý Chúa. Luôn yêu mến và biết tạ ơn Chúa vì những hồng ân đặc biệt Chúa ban cho chúng ta. Đặc biệt, khi đã hiểu được con đường cứu độ của Thiên Chúa và thái độ cần có để được vào số những người Chúa chọn, người môn đệ cần phải khước từ những thứ không phù hợp với Đức Giêsu và sứ vụ của mình như: loại bỏ thái độ ăn trên ngồi trước, chỉ tay năm ngón. Khước từ chức quyền, nếu điều đó không có lợi cho ơn gọi và sứ vụ. Tránh cách làm việc theo kiểu sai khiến mà không cần dùng đến trái tim và tình thương. Từ bỏ thái độ thích được phục vụ hơn là phục vụ.

 

Lạy Chúa, đã biết bao lần con cũng giống như thánh Giacôbê là tìm mọi cách để đạt được quyền cao chức trọng mà quên đi bản chất của người tôi tớ nơi người môn đệ. Xin Chúa tha thứ cho chúng con, và xin biến đổi chúng con thành môn đệ đích thực như lòng Chúa ước mong. Amen.

 

THỨ BẨY

GIÁO DỤC BẰNG GƯƠNG SÁNG

Thánh Gioakim và Anna

(Hc 44, 1. 10-15; Mt 13, 16-17)

 

Hôm nay phụng vụ mừng kính song thân Đức Mẹ là thánh Gioakim và Anna. Các ngài là ông bà ngoại của Đức Giêsu. Cuộc đời của các ngài rất âm thầm đến nỗi không có một trang Tin Mừng nào nhắc đến.

 

Trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội, thánh Anna cũng có những lúc thăng trầm trong phụng vụ, tức là ngài được Giáo Hội thiết lập ngày lễ mừng nhưng rồi lại bỏ và cuối cùng,  Đức Lêo XIII (+ 1903) cho tái lập lại. Đến thời Đức Giáo Hoàng Phaolô thứ VI (+ 1978), khi canh tân phụng vụ, ngài mới cho phép mừng chung với thánh Gioakim vào ngày 26-7 như hiện nay.

 

Mỗi lần nhắc đến song thân Đức Maria, chúng ta có quyền hiểu rằng: các ngài là người công chính, được Thiên Chúa yêu thương, bởi lẽ các ngài là người sinh hạ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế là Mặt Trời Công Chính.

 

Các ngài còn là người cha, người mẹ mẫu mực về đời sống đạo đức và trung thành với Thiên Chúa. Tại sao lại nói được như vậy? Thưa, bởi vì chúng ta cứ xem quả thì biết cây. Cây nào sinh trái đó. Cây xấu không sinh được trái tốt và cây tốt không thể sinh ra trái xấu. Quả thật, Đức Maria là người đẹp lòng Thiên Chúa, nên được Thiên Chúa yêu thương và tiền định cho làm mẹ Đấng Cứu Thế, vì vậy, Đức Giêsu không thể sinh ra bởi một người mẹ bất toàn được.

 

Mừng lễ Gioakim và Anna hôm nay, Giáo Hội mời gọi con cái của mình hãy tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi hai đấng trong mầu nhiệm cứu chuộc, đồng thời cũng biết noi gương các ngài để lại, nhất là gương sáng về đời sống đạo đức và gương mẫu trong đời sống gia đình.

 

Mong sao, các bậc làm cha mẹ hôm nay, biết giáo dục con cái bằng chính đời sống đạo đức và gương sáng của mình. Luôn biết chọn lọc những điều hay, điều tốt để đưa vào truyền thống gia đình, nhằm giúp cho gia đình được thăng tiến và quân bình trong một xã hội luôn có chiều hướng suy thoái đạo đức. 

 

Tuy nhiên, chúng ta phải cậy dựa đến ơn Chúa rất nhiều, xin Ngài giúp cho chúng ta sáng suốt và khôn ngoan để chọn sao cho trọn, nếu không, chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng nhập nhằng giữa đạo đức thật và đạo đức giả trong một xã hội đang mê mẩn chạy theo và thích thú những “viên thuốc đắng bọc đường”. Thật vậy, trong cuộc sống của chúng ta hôm nay luôn phải đối diện với những thứ được coi là đạo đức nhưng thực chất không hề đạo đức chút nào.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống xứng đáng là con Chúa và luôn trung thành với bổn phận của mình. Amen.