Nhu cầu vật chất và tâm linh
NHU CẦU VẬT CHẤT VÀ TÂM LINH
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A (03/08/2014)
[Is 55,1-3; Rm 8,35.37-39; Mt 14,13-21]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trên mặt báo cũng như trên làn sóng phát thanh và truyền hình, nhu cầu vật chất của con người được nêu lên càng ngày càng nhiều hơn và người ta quảng cáo đủ thứ sản phẩm để đáp ứng những nhu cầu ấy. Thế còn nhu cầu tâm linh của con người ngày nay thì sao? Vì là loài có xác và có hồn nên con người không chỉ có nhu cầu của thân xác mà còn có nhu cầu của tâm hồn nữa. Nhu cầu của thân xác thì mỗi người biết tìm ở đâu, còn nhu cầu của tâm hồn thì chúng ta phải biết chạy đến với Thiên Chúa là Đấng có thể thỏa mãn mọi khát vọng thâm sâu của chúng ta.
Đó chính là ý nghĩa của các bài Sách Thánh hôm nay: Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với Người để tâm hồn chúng ta được thỏa thuê. Thiên Chúa đáp ứng cách “miễn phí” hoàn toàn. Vậy thì dại gì mà chúng ta không đến với Người!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is 55,1-3): Hãy đến mà ăn.
1 Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. 2 Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. 3 Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.
2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 8,35.37-39): Không một loài thọ tạo nào có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô.
35 Thưa anh em, ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? 37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. 38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 14,13-21): Ai nấy đều ăn và được no nê.
13 Khi được tin ông Gio-an Tẩy Giả chết, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." 16 Đức Giê-su bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." 17 Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá! "18 Người bảo: "Đem lại đây cho Thầy!" 19 Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. 20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
* Là Thiên Chúa Cha, Đấng đã mời gọi hết mọi người đến uống nước, sữa, rượu cho khỏi khát, cho mạnh sức mà không phải trả tiền. Nước đây là nước giếng, nước suối, nước sông mà cũng là Lời, là Giáo Huấn xuất phát (chẩy ra) từ miệng Thiên Chúa. Tương tự như thế, sữa đây là sữa dê, sữa bò mà cũng là vi-ta-min thần linh. Còn rượu đây là rượu nho, rượu gạo mà cũng là sức mạnh vô song của Thiên Chúa. Lương thực hay Lời Thiên Chúa ban cho là cao lương mỹ vị đem lại sự sống đích thực cho những ai mở lòng đón nhận.
* Là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã vì chạnh lòng thương đám đông dân chúng đi theo Người để nghe Người giảng dậy, mà thực hiện một phép lạ ngoạn mục, giúp họ qua cơn đói. Phép lạ thể lý (hóa bánh và cá ra nhiều) chỉ là hình bóng của một phép lạ thiêng liêng mà Chúa Giê-su sẵn sàng thực hiện cho nhũng ai đi theo Người, tìm kiếm và đón nhận Lời rao giảng của Người. Chúa Giê-su sẽ liên kết chặt chẽ những kẻ tin vào với Người khiến không gì có thể tách rời họ ra khỏi tình yêu thương của Người.
* Là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và cùng hành động với Chúa Cha khi Thiên Chúa ban nước, sữa và rượu cho con dân của Người. Thánh Thần cũng hiện diện và cùng hành động với Chúa Giê-su khi Người giảng dậy về Nuớc Trời và làm phép lạ cho dân chúng ăn uống no nê từ 5 chiếc bánh và 2 con cá của các Tông đồ.
3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?):
Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là:
Những ai đói khát về vật chất và nhất là về tâm linh hãy tìm đến với Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô vì chẳng những Người có quyền năng mà còn có lòng thương yêu và cảm thông trước nhu cầu thiết yếu và chính đáng của con người. Thiên Chúa sẽ ban nước, bánh, sữa và rượu cho những ai cần những thứ ấy để sống. Nước, bánh, sữa và rượu là lương thực vật chất và là hình bóng của những ân huệ thiêng liêng mà con người cần đến để có sự sống đích thực và trường cửu. Thiên Chúa sẵn sàng ban những ơn huệ ấy một cách nhưng không, miễn phí. Thiên Chúa của Ki-tô giáo là Đấng hào phóng!
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuyệt đối tin cậy !
4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa hôm nay: Một ngày tôi cần ba bữa ăn để sống và có sức làm việc. Đó là đời sống thể lý. Để đời sống tâm linh của tôi được duy trì và phát triển, tôi cần ơn thánh Chúa. Tôi cần tìm đến Chúa trong các giờ đọc kinh cầu nguyện, khi tham dự thánh lễ và trong/qua mọi việc tôi làm trong ngày để được Người ban cho những ơn cần thiết.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới loài người hôm nay, nhất là cho những người nghèo khổ, túng thiếu và bị tước mất quyền sống tương xứng với tư cách và phẩm giá làm người, để họ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Cha nơi Chúa Giê-su Ki-tô.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô - nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và mọi giáo dân -, để mọi Ki-tô hữu được vui sống trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người trong gia đình và giáo xứ/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết lắng nghe tiếng/lời Chúa trong Sách Thánh và trong cuộc đời, ngõ hầu tìm được hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu Thiên Chúa hứa ban.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!” Chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho những người khao khát Thiên Chúa, để họ gặp được Nguồn Nước Hằng Sống mà được no thỏa tâm hồn.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: