Trong phong ba
Chúa Nhật XIX Thường Niên A
TRONG PHONG BA
1 V 19,9a.11-13a; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33
Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thủy thủ…
Một hôm biển có bão, thuyền trưởng bảo cậu leo lên trên cột buồm để tháo một dây buồm bị mắc kẹt... Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng cậu lại phạm một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão, thế là cậu bị chóng mặt và sắp sửa ngã xuống…
Thấy thế, một thủy thủ già la to lên với cậu: "Này nhóc, đừng nhìn xuống, hãy ngước nhìn lên lại bầu trời đi ! Nhìn lên lại bầu trời đi”. Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.
Lỗi lầm của cậu bé, giống hệt lỗi lầm của Phêrô trong bài Tin mừng hôm nay. Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình và đã nhìn xuống mặt biển giữa phong ba giống như Phêrô đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu và nhìn xuống mặt biển đầy giông tố. (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr. 242)
Sau phép lạ bánh hóa nhiều (x. Mt 14,13-21), Đức Giêsu đã hối thúc các môn đệ xuống thuyền đi sang bờ hồ bên kia trước, Ngài ở lại giải tán đám đông dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình thâu đêm. Ngài thường cầu nguyện vào những thời điểm trang trọng: ví dụ khi Ngài phép rửa (x. Mc 3,21-22), Ngài biến hình ( x. Lc 9,28-36), trước khi đưa ra những quyết định quan trọng: chọn các môn đệ (x. Lc 6,12-16), Đứng trước cuộc thương khó Ngài cầu nguyện tha thiet trong vườn Cây Dầu ( x. Mt 26,36-46; Mc 14,32-42; Lc 22,39-45). Cho nên, giờ đây, lên núi, Ngài cầu nguyện cho các môn đệ sẽ phải đối diện với phong ba bão tố ập tới như là hình ảnh báo trước sau này những người theo ngài cũng phải đối diện với đêm đen của niềm tin, với phong ba bão tố của cuộc đời…
Ban đêm, Tin mừng xác định: “Vào khoảng canh tư, Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với họ”. Ngày xưa, ban đêm được chia thành bốn canh: canh một từ sáu giờ chiều đến chín giờ đêm, canh hai từ chín giờ đêm đến mười hai giờ khuya, canh ba từ mười hai giờ khuya đến ba giờ sáng, canh tư từ ba giờ sáng đến sáu giờ sáng. Theo ý nghĩa của Thánh Kinh, “Đêm tối” (Mt 14,25), là giờ của thử thách, của “quyền lực bóng tối” (x. Lc 22,53).
Ban đêm giữa đêm tối của thử thách, Đức Giêsu đi trên mặt biển trong phong ba bão táp đến với các môn đệ đang lâm nguy. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, “biển” là nơi có các sức mạnh tà thần cư ngụ và hoạt động (x. G 7,12; Is 27,1; 51,9; Đn 7…). Khi nói “đang ở trên mặt biển” có nghĩa là đang ở trong tình trạng bị các sức mạnh của bóng tối đe dọa. Vậy “biển” ở đây mang hình ảnh là một trở ngại ngăn cách các môn đệ với Đức Giêsu. Còn cuồng phong là biểu tượng cho tất cả những gì ngăn cản con người tiến bước trong hành trình đức tin. Các môn đệ phải nỗ lực băng qua biển, mệt mỏi chống chọi lại cuồng phong là biểu tượng của người theo Chúa đang vất vả chiến đấu với mọi thế lực bóng tối muốn tiêu diệt chúng ta…
Đức Giêsu tỏ quyền năng mình là Thiên Chúa đi trên biển chế ngự biển và phong ba. Ngài cứu các môn đệ bằng cách làm cho họ cũng có thể đi qua biển và mọi người bình an về tới bến. Như thế, Đức Giêsu chứng tỏ Người sở hữu quyền lực thần linh tuyệt đối (phương diện Kitô học), và quyền lực ấy là để cứu vớt các môn đệ (phương diện Cứu độ học).
Con thuyền là biểu tượng của Hội Thánh (x. Mt 8,24). Các môn đệ đang ở trên đó. Không có mặt Thầy, tinh thần của các ông hẳn thiếu tự tin; Hoàn cảnh lại thêm gay go vì gió ngược (x. Mt 14,24). Con thuyền bị “tra tấn” vì cơn giông trên biển giữa đêm tối. Con thuyền lênh đênh chèo chống vất vả trước phong ba cũng là biểu tượng của mọi người chúng ta lênh đênh trên biển đời giữa phong ba bão tố của thử thách, mịt mù.
Đức Giêsu không có ở trên thuyền, nhưng Ngài không vắng mặt, dù là Ngài còn ở cách xa các môn đệ. Nhưng khoảng cách không thể ngăn cản vì Đức Giêsu luôn hiệp thông với các môn đệ Người (x. Mt 18,20). Ngài đến với họ cách bất ngờ, từ trên cao, sau những giây phút cầu nguyện vào ngay thời điểm không ngờ: Thuyền như sắp chìm… các môn đệ hầu như tuyệt vọng dù đã làm những cố gắng cuối cùng.
Thật thế, giữa đêm tối trong tâm của bão to sóng biển, Thầy đang đi trên mặt biển đến với các ông, nhưng do bóng đêm bao phủ, cuồng phong đe dọa khiến cho các môn đệ lầm tưởng là ma, nên hoảng hốt la lên: ma kià ! Kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua rất gần gũi với trải nghiệm của chúng ta trong cuộc sống: Chính chúng ta trong thử thách gian nan, không nhận ra, hay cũng đã lầm tưởng sự hiện diện ân cần, chia sẻ của Chúa. Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi: Buồn bực, căng thẳng, nghi ngờ, chới với và tuyệt vọng…
Trước sự ngộ nhận về thầy trong sự sợ hãi cực độ, Đức Giêsu đã trấn an các môn đệ “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" (Mt 14,27). Chúa Giêsu muốn khẳng định với các môn đệ và cùng nhắn nhủ chúng ta: Tin tưởng vào sự hiện diện yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa. Nhất là Ngài luôn can thiệp đúng thời đúng lúc để không còn sợ hãi trước những mối hiểm nguy của phong ba, của đêm tối trong cuộc sống.
Phêrô khi nhận ra thầy, xin thầy cho mình đi đến với Ngài như là chế ngự được phong ba biển cả. Ban đầu ông nhìn và nhắm hướng đi thẳng vào Thầy nên ông đi dễ dàng đi trên sóng nước. Và kìa biển nổi gió, bão táp ập đến, làm ông hốt hoảng sợ hãi và chìm dần, ông khẩn cầu đến Thầy: “xin cứu con” (x. Mt 14,30). Thật khó cho Phêrô khi phải trải nghiệm với phong ba bão tố. Thật khó cho tất cả mọi người chúng ta khi trải nghiệm với hoàn cảnh gian nan, đối diện với sóng gió của cuộc đời, có lẽ chúng ta cũng mang tâm trạng sợ hãi như Phêrô.
Hãy tha thiết xin Ngài cứu giúp...
Thật thế :
Đời có bao thứ sóng gió đẩy đưa,
bao nhiêu cám dỗ cuốn lôi.
Con thân xác nặng nề, kéo dìm con xuống.
Con hoang mang, bàng hoàng sợ hãi…
Xin cứu con đừng để con chìm trong mênh mông biển đời....
Xin nắm lấy tay và dẫn con đi khi con sợ hãi trước phong ba.
Xin đỡ nâng niềm tin còn mềm yếu của con,
để con vững bước, bước những bước tiến về bến bờ,
Bến bờ Chúa dẫn đưa…
Lm. Vinh Sơn, Sài gòn
- Loại bài viết: